Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Người đại diện theo pháp luật là gì?
Người đại diện theo pháp luật là thuật ngữ được lặp lại trong nhiều văn bản khác nhau. Để hiểu đúng về người đại diện theo pháp luật là gì? Quý vị đừng bỏ qua những chia sẻ của chúng tôi trong nội dung bài viết này nhé!
Người đại diện là gì?
Khoản 1 Điều 134 Bộ luật dân sự hiện hành quy định về Đại diện như sau:
“ Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.”
Từ đó, có thể hiểu, người đại diện là cá nhân, pháp nhân nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.
Người đại diện theo pháp luật là gì?
Điều 135 Bộ luật quy định về căn cứ xác lập quyền đại diện, theo đó: Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật). Như vậy, người đại diện theo pháp luật là người đại diện được trên căn cứ quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là gì?
Theo khoản 1 Điều 12 Luật Doanh nghiệp thì: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật.
Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
– Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
– Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
– Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật này.
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm trên đây.
Để hiểu rõ hơn người đại diện theo pháp luật là gì? trong một số trường hợp cụ thể, Quý vị hãy tiếp tục theo dõi nội dung dưới đây của bài viết.
>>>>> Tham khảo: Thay đổi người đại diện theo pháp luật
Người đại diện theo pháp luật là ai?
Thứ nhất: Người đại diện theo pháp luật của cá nhân
Điều 136 Bộ luật dân sự quy định về Đại diện theo pháp luật của cá nhân như sau:
“1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.”
Thứ hai: Người đại diện theo pháp luật của con
Theo quy định tại Điều 136 Bộ luật dân sự đã trích dẫn trên đây thì:
1/ Thông thường, cha, mẹ là đại diện theo pháp luật với con chưa thành niên.
2/ Con là người được giám hộ như:
+ Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;
+ Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;…
Thì người giám hộ sẽ là người đại diện theo pháp luật của con.
3/ Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật nếu không xác định được người đại diện theo pháp luật trong hai trường hợp trên.
4/ Con là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, Tòa án chỉ định người đại diện theo pháp luật.
Thứ ba: Người đại diện theo pháp luật của công ty
Theo Luật Doanh nghiệp hiện hành, các công ty (công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh) đều có tư cách pháp nhân. Theo đó, áp dụng quy định tại Điều 137 Bộ luật dân sự về đại diện theo pháp luật của pháp nhân như sau:
“1. Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:
a) Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ;
b) Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
c) Người do Tòa án chỉ định trong quá trình tố tụng tại Tòa án.
Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này.”.
1/ Người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH
– Với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, theo khoản 3 Điều 54 Luật Doanh nghiệp thì Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
– Với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, theo khoản 3 Điều 79 Luật Doanh nghiệp thì 3. Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty là người đại diện theo pháp luật của công ty.
2/ Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần
Theo khoản 2 Điều 137 Luật Doanh nghiệp thì: Trường hợp công ty chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp Điều lệ chưa có quy định thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp công ty có hơn một người đại diện theo pháp luật thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
3/ Người đại diện theo pháp luật của công ty hợp danh
Theo khoản 1 Điều 184 Luật Doanh nghiệp thì: Các thành viên hợp danh là người đại diện theo pháp luật của công ty và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó.
Chắc hẳn qua những chia sẻ trên đây, Quý vị đã có cho mình câu trả lời người đại diện theo pháp luật là gì? từ đó hiểu đúng về người đại diện theo pháp luật nói riêng và người đại diện nói chung trong các văn bản gặp phải, xác định đúng người đại diện theo pháp luật trong các trường hợp cụ thể.