Nội dung thanh tra lao động theo Bộ luật lao động mới nhất 2023

Thanh tra lao động là hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành bởi chủ thể có thẩm quyền, được Nhà nước trao quyền nhằm thực hiện công tác thanh – kiểm tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật lao động nhằm phục vụ cho quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ lao động.

Nội dung thanh tra lao động  là gì?

Điều 214. Nội dung thanh tra lao động

1. Thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về lao động.

2. Điều tra tai nạn lao động và vi phạm an toàn, vệ sinh lao động.

3. Tham gia hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động.

4. Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật. 

5. Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về lao động. 

Bình luận về Nội dung thanh tra lao động theo Bộ luật lao động mới nhất

Thanh tra lao động là hoạt động thanh tra chuyên ngành được tiến hành bởi chủ thể có thẩm quyền, được Nhà nước trao quyền nhằm thực hiện công tác thanh – kiểm tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện pháp luật lao động nhằm phục vụ cho quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong quan hệ lao động. 

Mặc dù là một bộ phận của hệ thống thanh tra Nhà nước, song hoạt động của thanh tra lao động được tiến hành và tác động trực tiếp tới tất cả các ngành kinh tế quốc dân và trong các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế. Tất cả các đơn vị sử dụng lao động đều có thể trở thành đối tượng của thanh tra lao động.

Ở mỗi quốc gia, thanh tra lao động lại có phạm vi hoạt động khác nhau, tuy nhiên cơ bản đều dựa trên thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về lao động. Tại Việt Nam, theo Điều 214 BLLĐ năm 2019, nội dung thanh tra lao động bao gồm: 

– Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động. 

Các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra lao động có nghĩa vụ thanh – kiểm tra việc chấp hành các quy định về lao động, an toàn, vệ sinh lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; người lao động đi làm việc ở nước ngoài; giáo dục nghề nghiệp; chính sách với người có công; người khuyết tật, lĩnh vực trẻ em và các chính sách xã hội khác. 

Thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động là nội dung đặc biệt quan trọng của thanh tra lao động. Thực hiện nội dung này không chỉ nhằm mục đích phát hiện vi phạm để xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật lao động, mà quan trọng hơn là giáo dục, nâng cao kiến thức pháp luật lao động, ý thức chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động, người lao động và các chủ thể liên quan.

Đồng thời, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra lao động khi tiến hành thanh tra có trách nhiệm hướng dẫn người sử dụng lao động, người lao động và các chủ thể liên quan kịp thời điều chỉnh hành vi của mình để đảm bảo chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về lao động; phát hiện và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, điều chỉnh chính sách, pháp luật khi cần thiết… 

– Điều tra tai nạn lao động và vi phạm an toàn, vệ sinh lao động. 

Điều tra tai nạn lao động được hiểu là hoạt động thu thập chứng cứ, tư liệu… về vụ tai nạn lao động của người có thẩm quyền, có trách nhiệm nhằm tìm hiểu nguyên nhân, diễn biến của vụ tai nạn lao động; từ đó, có biện pháp phòng ngừa, kiến nghị hoặc trực tiếp giải quyết, xử lý… theo quy định của pháp luật. 

Các thanh tra viên không chỉ xác định hậu quả của tai nạn lao động, mà còn cần tìm hiểu tại sao tai nạn xảy ra và xảy ra như thế nào; từ đó, xác định và thực hiện các biện pháp kiểm soát (an toàn) để ngăn chặn xảy ra các tai nạn tương tự, góp phần cải thiện việc quản lý an toàn cho người lao động.

Ngoài ra, một phần công việc của thanh tra là để đảm bảo rằng người sử dụng lao động và người lao động tuân thủ pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động. Khi tiến hành điều tra, thanh tra phải nhận thức được tai nạn xảy ra là kết quả từ nhiều nguyên nhân (nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân cơ bản và nguyên nhân gốc rễ) hoặc các sai sót trong hệ thống. 

Tuỳ theo hậu quả của tai nạn lao động và khu vực, địa bàn xảy ra mà thẩm quyền, trách nhiệm điều tra tai nạn lao động thuộc người sử dụng lao động hoặc do cơ quan Thanh tra nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh, cấp trung ương phối hợp hoặc thuộc thẩm quyền của các cơ quan cảnh sát giao thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… 

Nhìn chung, trách nhiệm chính về điều tra tai nạn lao động thuộc về người sử dụng lao động và cơ quan Thanh tra nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động. 

Đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động trước hết thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho người lao động và những người khác tham gia quá trình lao động sản xuất hoặc trực tiếp tiếp xúc với nơi làm việc; bảo vệ hoạt động sản xuất, kinh doanh vì lợi ích của tất cả các bên liên quan.

Những vi phạm về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động phải được phát hiện và xử lý kịp thời, các vụ tai nạn lao động cần phải được điều tra và khắc phục hậu quả nhanh chóng. Chính vì vậy, điều tra tai nạn lao động và những vi phạm an toàn lao động, vệ sinh lao động được xác định là một trong những nội dung chủ yếu của thanh tra lao động. 

– Tham gia hướng dẫn áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động. 

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về điều kiện lao động, an toàn, vệ sinh lao động là một tập hợp các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan nhằm ngăn ngừa các nguy cơ, rủi ro trong sản xuất để phòng tránh các tổn thương và ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động với mục tiêu cung cấp một nơi làm việc an toàn và hợp vệ sinh.

Do tính chất và tính pháp lý khác nhau theo Luật Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, vệ sinh lao động được chia làm 2 hệ thống: Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. 

– Giải quyết khiếu nại, tố cáo về lao động theo quy định của pháp luật. 

Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các hoạt động trong thanh tra lao động là một trong những nội dung cần thiết mà đối tượng thanh tra đặc biệt quan tâm. Bởi lẽ, trong thực tiễn không thể khẳng định hoạt động thanh tra lao động luôn được tiến hành đúng đắn, chính xác.

Trong trường hợp có sự lạm quyền dẫn đến vi phạm về trình tự, thủ tục thanh tra hoặc nội dung thanh tra thì đối tượng bị thanh tra lao động phải có quyền để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình. Chính vì vậy, pháp luật đã có nhiều quy định tương đối chặt chẽ về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến thanh tra lao động. 

Bên cạnh đó, thanh tra lao động còn có quyền giải quyết tố cáo. Theo đó, người tố cáo có quyền gửi đơn hoặc trực tiếp tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; được giữ bí mật họ, tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của mình; được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thông báo về việc thụ lý giải quyết tố cáo, thông báo chuyển vụ việc tố cáo sang cơ quan có thẩm quyền giải quyết, thông báo kết quả giải quyết tố cáo và tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết.

Người tố cáo cũng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ khi bị đe dọa, trả thù, trù dập. Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội”.

Chánh Thanh tra Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, xử lý tố cáo mà Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã giải quyết nhưng vẫn có tố cáo tiếp hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo không được giải quyết; xử lý những vụ việc tố cáo được Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao. 

– Xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về lao động. 

Trong quá trình thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động tại các đơn vị sử dụng lao động, nếu phát hiện người sử dụng lao động, người lao động và các chủ thể khác vi phạm pháp luật lao động, thanh tra lao động sẽ xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật (ví dụ: chuyển cơ quan điều tra nếu vụ việc có dấu hiệu phạm tội hình sự). 

Trong công tác thanh tra nhà nước về lao động, vai trò chủ yếu thuộc về thanh tra viên lao động. Thanh tra viên lao động là công chức nhà nước, được bổ nhiệm và xếp vào ngạch, bậc theo hệ thống tổ chức trên cơ sở các quy định của Nhà nước.

Thanh tra viên lao động là người không có lợi ích cá nhân liên quan trực tiếp và gián tiếp với đối tượng thanh tra hoặc phạm vi thanh tra. Hệ thống thanh tra nhà nước nói chung, thanh tra lao động nói riêng còn sử dụng các cộng tác viên thanh tra” để tiến hành các hoạt động thanh tra theo quy định”. 

Thanh tra lao động có thẩm quyền xử phạt hành chính với vi phạm về lao động, được quy định cụ thể tại Điều 50 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đây là cơ chế, công cụ hữu hiệu để đảm bảo các doanh nghiệp tuân thủ đúng pháp luật lao động.

Đồng thời, pháp luật trao quyền xử lý vi phạm hành chính còn có ý nghĩa kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm ngay đối với đối tượng thanh tra có hành vi vi phạm mà không phải mất thời gian chờ chuyển hồ sơ cho chủ thể khác thì mới xử lý vi phạm được. Thêm vào đó, quy định này còn làm gia tăng tính “quyền lực” của chủ thể tham gia thanh tra giúp cho đối tượng thanh tra kịp thời khai báo những sai phạm và rút kinh nghiệm để sửa chữa, khắc phục sai phạm đó. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com