Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu là rất cần thiết đối với tập đoàn lớn có nhiều công ty con, việc cho phép công ty con được sử dụng nhãn hiệu của công ty mẹ trong các hoạt động kinh doanh cần phải được giám sát và theo quy chế cụ thể, Luật LVN Group sẽ giới thiệu quy chế này để khách hàng tham khảo.
Mục tiêu của hoạt động quản trị nhãn hiệu
– Đảm bảo tính bảo hộ liên tục của nhãn hiệu, tránh tình trạng hết hạn bảo hộ, bị đình chỉ hoặc bị hủy bỏ văn bằng bảo hộ vì những lý do hợp pháp;
– Quản trị nhãn hiệu đảm bảo việc sử dụng của các Công ty thành viên, các đơn vị là hợp pháp: Trong quá trình sử dụng các nhãn hiệu, việc chuyển giao quyền sử dụng, cho phép sử dụng, việc thay đổi tên, thay đổi địa chỉ;
– Theo dõi quá trình sử dụng, chuyển nhượng, xâm phạm quyền;
– Theo dõi và đưa ra ý kiến về định giá tài sản nhãn hiệu…
Các công việc liên quan đến quản trị nhãn hiệu:
– Rà soát, lập các thống kê và cơ sở dữ liệu về tình trạng chi tiết của các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ, đang trong tình trạng nộp đơn, các nhóm sản phẩm dịch vụ đang được bảo hộ, các lãnh thổ đã được bảo hộ…;
– Nắm bắt các tình trạng liên quan đến hiệu lực của văn bằng, tư vấn và đưa ra các ý kiến pháp lý nhằm gia hạn kịp thời hiệu lực văn bằng bảo hộ, ghi nhận các thay đổi liên quan đến chủ sở hữu văn bằng hoặc bản thân văn bằng;
– Quản trị nhãn hiệu bằng cách đưa ra ý kiến tư vấn về cách thức đăng ký, chiến lược đăng ký, lãnh thổ đăng ký, nhóm sản phẩm dịch vụ, các thành tố cần đăng ký đối với nhãn hiệu nhằm phục vụ tốt cho kế hoạch kinh doanh của tập đoàn;
– Đăng ký các giao dịch liên quan đến việc sử dụng (Hợp đồng Li-xăng) hoặc chuyển nhượng nhãn hiệu tại Cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo việc sử dụng hoặc sở hữu là hợp pháp;
– Đưa ra ý kiến và soạn thảo Quy chế sử dụng nhãn hiệu của các công ty thành viên trong cùng một tập đoàn;
– Giám sát các nguy cơ liên quan đến việc bảo hộ nhãn hiệu như:
+ Nguy cơ từ việc sử dụng trái phép nhãn hiệu:;
+ Nguy cơ từ việc sử dụng và/hoặc đăng ký trái phép các nhãn hiệu của các công ty thành viên và/hoặc của các bên thứ ba.
Các vấn đề chính trong Quy chế sử dụng nhãn hiệu:
Trên cơ sở các mục tiêu nêu trên, Quý Công ty nên tiến hành xây dựng quy chế sử dụng nhãn hiệu nhằm mục đích quản trị nhãn hiệu trong Tập đoàn trong đó gồm các vấn đề chính như sau:
(i) Chủ sở hữu nhãn hiệu:
– Xác định thẩm quyền quyết định trong việc đăng ký nhãn hiệu tại Việt nam và nước ngoài;
– Xác định chủ sở hữu của các nhãn hiệu đó;
– Những nhãn hiệu hiện tại đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ hoặc đang nộp đơn nếu dưới tên nhiều công ty thành viên thì có nên chuyển về một chủ sở hữu duy nhất không (lập danh sách các nhãn hiệu hiện có);
– Xác định thẩm quyền quyết định trong các hợp đồng sử dụng nhãn hiệu hoặc chuyển nhượng nhãn hiệu.
(ii) Sử dụng nhãn hiệu:
– Cần xác định thẩm quyền cho phép các công ty thành viên hoặc bên thứ ba sử dụng nhãn hiệu;
– Điều kiện của các công ty thành viên để được sử dụng nhãn hiệu (quyền và nghĩa vụ của các bên);
– Hợp đồng sử dụng nhãn hiệu (Hợp đồng Li-xăng) cần có những nội dung gì (thời hạn, phí, quyền và nghĩa vụ, phạm vi sử dụng, v.v…);
– Quy định về mẫu nhãn hiệu (về màu sắc, kích cỡ,..) sử dụng trên thực tế;
– Cơ chế giám sát việc sử dụng nhãn hiệu;
– Trách nhiệm giải quyết các thắc mắc của việc sử dụng nhãn hiệu;
– Quyền và nghĩa vụ khi chấm dứt sử dụng nhãn hiệu;
– Trách nhiệm của đơn vị chịu trách nhiệm quảng bá thương hiệu;
– Trách nhiệm xây dựng và bảo vệ thương hiệu;
(iii) Phát hiện và xử lý vi phạm
– Khi phát hiện vi phạm của các thành viên, đơn vị nào sẽ xử lý, hình thức xử lý;
– Khi phát hiện ra vi phạm của bên thứ ba, đơn vị nào sẽ có trách nhiệm xử lý, đơn vị nào sẽ chịu chi phí xử lý vi phạm;
(iv) Tổ chức quản lý nội bộ sử dụng nhãn hiệu
– Xác định chủ thể chịu trách nhiệm tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu;
– Xác định trách nhiệm của việc quản lý, theo dõi các nhãn hiệu như gia hạn hiệu lực văn bằng, sửa đổi các nhãn hiệu;
– Xác định trách nhiệm theo dõi quá trình sử dụng, chuyển nhượng nhãn hiệu
– Xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của chủ thể chịu trách nhiêm tổ chức quản lý sử dụng nhãn hiệu;
– Xác định cơ chế phối hợp trong quá trình quản lý sử dụng nhãn hiệu.
(v) Giá trị nhãn hiệu
– Xác định cách thức định giá nhãn hiệu khi góp vốn bằng nhãn hiệu;
– Xác định thủ tục trong việc định giá nhãn hiệu.