Quá trình hình thành và phát triển quy định pháp luật về doanh nghiệp nhà nước như thế nào? Quý vị hãy cùng cúng tôi tham khảo ở bài sau.
Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với sự tham gia của các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế khác nhau thì việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.
Trước thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực
Xuất phát từ vị trí và vai trò đặc thù, doanh nghiệp nhà nước thời kỳ này được điều chỉnh bởi những văn bản luật riêng. Luật Doanh nghiệp nhà nước (1995) và tiếp sau đó là Luật Doanh nghiệp nhà nước (2003) cùng những văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, quản lý doanh nghiệp nhà nước cũng như quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.
Tuy nhiên, chính những quy định trên đã dường như tạo sự ưu ái hơn cho doanh nghiệp nhà nước, dẫn đến sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước so với các thành phần doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Từ thời điểm Luật Doanh nghiệp năm 2005 có hiệu lực
Từ ngày 1/7/2006 đến ngày 1/7/2015
Luật Doanh nghiệp (2005) ra đời đã đánh dấu sự thay đổi trong quan điểm điều chỉnh pháp luật ở nước ta – lần đầu tiên doanh nghiệp nhà nước được quy định chung trong Luật Doanh nghiệp, tiến tới xác lập một khuôn khổ pháp lý chung cho các doanh nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp năm 2005 mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra khái niệm doanh nghiệp nhà nước, mà chưa quy định các vấn đề liên quan đến quyền của chủ sở hữu vốn nhà nước, việc sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào kinh doanh, quan hệ giữa chủ sở hữu nhà nước với đại diện chủ sở hữu, người đại diện phần vốn góp tại doanh nghiệp khác,…
Đồng thời, Luật Doanh nghiệp (2005) ra đời nhưng không ngay lập tức làm chấm dứt hiệu lực của Luật Doanh nghiệp nhà nước (2003), các doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động theo luật cũ vẫn có thời hạn bốn năm để chuyển đổi sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp (2005).
Do đó, để điều chỉnh đầy đủ về doanh nghiệp nhà nước cũng như để phục vụ cho việc chuyển đổi phù hợp với quy định, Chính phủ đã ban hành một số nghị định như: Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19/03/2010 về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định số 104/2010/NĐ-CP ngày 11/10/2010 về tổ chức quản lý và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu trực tiếp phục vụ an ninh, quốc phòng; Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp,…
Mặc dù Nhà nước ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về doanh nghiệp nhà nước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, vẫn còn tồn tại mâu thuẫn trong quản lý vốn nhà nước, dẫn đến vốn nhà nước bị thất thoát, lãng phí, hiệu quả sử dụng vốn thấp; thiếu các chính sách và quy định pháp luật phù hợp trong quản lý đầu tư, huy động và sử dụng vốn nhà nước tại các tổng công ty, tập đoàn kinh tế, dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải nhưng không hiệu quả,…)
Từ ngày 01/01/2015 đến nay
Luật Doanh nghiệp (2014) được Quốc hội thông qua không chỉ đưa ra cách hiểu mới mà còn dành một chương riêng quy định về doanh nghiệp nhà nước. Việc quy định một chương riêng về doanh nghiệp nhà nước trong Luật Doanh nghiệp năm 2014 từng gặp nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều quan điểm cho rằng, Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định hình thức pháp lý của doanh nghiệp, không phân biệt sở hữu, nếu bổ sung chương về doanh nghiệp nhà nước, có thể dẫn đến sai lệch kết cấu của luật.
Mặt khác, một chương về doanh nghiệp nhà nước sẽ không bao quát hết được hoạt động đầu tư và bản chất của doanh nghiệp nhà nước nên việc quy định riêng này là không cần thiết. Tuy nhiên cần phải khẳng định, quy định như trên không phải là sự phân biệt đối xử hay ưu tiên đối với doanh nghiệp nhà nước.
Ngay trong chương quy định về doanh nghiệp nhà nước, luật hiện hành khẳng định doanh nghiệp nhà nước tổ chức quản lý theo quy định tương ứng về công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Việc thiết kế riêng một chương nhằm nhấn mạnh về cách thức quản lý nội bộ trong doanh nghiệp nhà nước có những đặc thù phân biệt với công ty trách nhiệm hữu hạn thông thường.
Ngoài ra, Luật Doanh nghiệp (2014) chỉ quy định khái niệm và cơ cấu quản lý mà chưa bao quát được đầy đủ các khía cạnh khác của doanh nghiệp nhà nước. Do đó, đồng thời với việc ban hành Luật Doanh nghiệp, Nhà nước ta cũng ban hành nhiều văn bản luật cùng điều chỉnh về doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, hệ thống văn bản quy định về doanh nghiệp nhà nước tập trung chủ yếu vào các vấn đề:
– Thành lập doanh nghiệp, mô hình tổ chức quản lý doanh nghiệp, giải thể hay phá sản doanh nghiệp nhà nước vẫn chịu sự điều chỉnh thống nhất của Luật Doanh nghiệp (2014), Luật Phá sản (2014), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (2014).
Bên cạnh đó, việc thành lập, tổ chức lại, giải thể doanh nghiệp nhà nước còn được quy định tại Nghị định 172/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 về thành lập, tổ chức lại, giải thể công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty con của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; Nghị định 69/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2014 về tập đoàn kinh tế Nhà nước và tổng công ty Nhà nước,…
– Vấn đề đầu tư, sử dụng và quản lý vốn tại doanh nghiệp nhà nước quy định trong Luật Đầu tư công (2014), Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (2014), Nghị định 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Nghị định 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013 quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngoài ra, vấn đề kiểm soát vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng được đề cập trong những văn bản trên.
– Nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát doanh nghiệp nhà nước, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (hoặc người được ủy quyền) có trách nhiệm công bố những thông tin liên quan đến tổ chức, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước;
Nội dung, trình tự, thủ tục công bố thông tin áp dụng theo Nghị định 81/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2015 về Công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, Nghị định số 87/2015/NĐ-CP ngày 06/10/2015 về giám sát đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp, giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn Nhà nước,…
– Vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành luôn được quan tâm, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động này như Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2011 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Nghị định 189/2013/NĐ CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/07/2011, Nghị định 116/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 sửa đổi Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 128/2014/NĐ-CP về việc bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước,…