Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động, bổ nhiệm Chủ tịch, thư ký và các trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động. Nhiệm kỳ của Hội đồng trọng tài lao động là 05 năm.
Quy định về Hội đồng trọng tài lao động theo Bộ luật lao động mới nhất
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng trọng tài lao động, bổ nhiệm Chủ tịch, thư ký và các trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động. Nhiệm kỳ của Hội đồng trọng tài lao động là 05 năm.
2. Số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, ít nhất là 15 người, bao gồm số lượng ngang nhau do các bên đề cử, cụ thể như sau:
a) Tối thiểu 05 thành viên do cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề cử, trong đó có Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo và thư ký Hội đồng là công chức của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
b) Tối thiểu 05 thành viên do công đoàn cấp tỉnh đề cử
c) Tối thiểu 05 thành viên do các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thống nhất đề cử.
3. Tiêu chuẩn và chế độ làm việc của trọng tài viên lao động được quy định như sau:
a) Trọng tài viên lao động là người hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm trong lĩnh vực quan hệ lao động, có uy tín và công tâm;
b) Khi đề cử trọng tài viên lao động theo quy định tại khoản 2 Điều này, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, công đoàn cấp tỉnh, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động có thể cử người của cơ quan, tổ chức mình hoặc cử người khác đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đối với trọng tài viên lao động theo quy định;
c) Thư ký Hội đồng trọng tài lao động thực hiện nhiệm vụ thường trực của Hội đồng trọng tài lao động. Trọng tài viên lao động làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
4. Khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại các điều 189, 193 và 197 của Bộ luật này, Hội đồng trọng tài lao động quyết định thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp như sau:
a) Đại diện mỗi bên tranh chấp chọn 01 trọng tài viên trong số danh sách trọng tài viên lao động;
b) Trọng tài viên lao động do các bên lựa chọn theo quy định tại điểm a khoản này thống nhất lựa chọn 01 trọng tài viên lao động khác làm Trưởng Ban trọng tài lao động;
c) Trường hợp các bên tranh chấp cùng lựa chọn một trọng tài viên để giải quyết tranh chấp lao động thì Ban trọng tài lao động chỉ gồm 01 trọng tài viên lao động đã được lựa chọn.
5. Ban trọng tài lao động làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 4 Điều này.
6. Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, chế độ và điều kiện hoạt động của trọng tài viên lao động, Hội đồng trọng tài lao động; tổ chức và hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động; việc thành lập và hoạt động của Ban trọng tài lao động quy định tại Điều này.
Bình luận quy định về Hội đồng trọng tài lao động
Thuật ngữ “trọng tài bắt nguồn từ tiếng La tinh “arbitrari, có nghĩa là “đưa ra phán quyết” hoặc “đưa ra quyết định”. Có thể thấy, cơ chế giải quyết tranh chấp này giống như sự xét xử hoặc đưa ra phán quyết của Tòa án. Tuy vậy, trong BLLĐ năm 2012, tranh chấp tập thể về lợi ích được giải quyết thông qua hai bước hòa giải: một là được thực hiện bởi hòa giải viên lao động, hai là được thực hiện bởi Hội đồng trọng tài lao động. Điều này có vẻ mâu thuẫn và ngoại lệ với nhiều thông lệ quốc gia, theo đó giai đoạn thứ hai trong quá trình giải quyết các tranh chấp lao động thường được dành cho một dạng can thiệp của bên thứ ba mạnh hơn.
1. BLLĐ năm 2019 có những sửa đổi căn bản về tổ chức và hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động. Cụ thể số lượng trọng tài viên lao động của Hội đồng trọng tài lao động sẽ do Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh quyết định, ít nhất là 15 người, bao gồm số lượng ngang nhau do các bên để cử, bao gồm:
– Tối thiểu 05 thành viên do cơ quan chuyên môn về lao động | thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề cử, trong đó có Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo và thư ký Hội đồng là công chức của cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
– Tối thiểu 05 thành viên do công đoàn cấp tỉnh đề cử;
– Tối thiểu 05 thành viên do các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh thống nhất đề cử.
Nhiệm kỳ hoạt động của Hội đồng trọng tài lao động là 05 năm. Cơ cấu bộ máy và cách vận hành của Hội đồng trọng tài trong trường hợp này có thể được thỏa thuận để áp dụng, giải quyết tranh chấp lao động đối với nhiều ngành kinh tế, hoặc khu vực tương thích về đặc điểm về địa lý, văn hóa – xã hội hay địa phương nhất định, bao gồm tất cả những cơ sở kinh tế liên quan đến phạm vi lãnh thổ.
2. BLLĐ năm 2019 quy định về Ban trọng tài lao động bao gồm các trọng tài viên trong danh sách Hội đồng trọng tài lao động và được đại diện các bên tranh chấp lựa chọn; Hội đồng trọng tài lao động quyết định thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại các điều 189, 193 và 197 BLLĐ. Điều khác biệt lớn so với BLLĐ năm 2012 ở đây là việc giải quyết tranh chấp lao động sẽ không được hiểu là chỉ hoặc được giải quyết thông qua phiên họp của Hội đồng trọng tài lao động.
Cơ chế giải quyết tranh chấp lao động này, cũng như việc lựa chọn các trọng tài có thể được chọn từ danh sách để thành lập ra bạn trọng tài được nhiều quốc gia quy định, ví dụ như tại Bờ Biển Ngà, Pakistan, Philippines và Vương quốc Anh, quy định sẽ có một danh sách các trọng tài cho các bên chọn; ở Costa Rica, Israel và Venezuela, có hai danh sách trọng tài riêng dành cho người sử dụng lao động và người lao động; ở Israel còn có một danh sách thứ ba của chủ tịch ban trọng tài. Và với Nhật Bản, các thành viên của một ban trọng tài được chọn ra từ những thành viên của bản thân tổ chức các quan hệ lao động và từ danh sách các ủy viên hội đồng đặc biệt có liên quan, đây cũng là mô hình gần gũi nhất với cơ chế Hội đồng trọng tài lao động đang được thể hiện ở BLLĐ năm 2019.