Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp như thế nào?
1. Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; người lao động được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.
Khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động tham gia các hình thức bảo hiểm khác đối với người lao động.
2. Trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.
3. Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Tư vấn về Trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo Bộ luật lao động
BLLĐ năm 2019 có sự bổ sung về “bảo hiểm thất nghiệp” để tạo sự thống nhất với quy định tại Luật Việc làm năm 2013; bổ sung cụm từ “trường hợp hai bên có thỏa thuận khác” khi trả lương cho người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ để đảm bảo tính chặt chẽ, chính xác. Đồng thời, Điều luật này cũng xác định trách nhiệm của người sử dụng lao động về vấn đề đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho những người lao động mà họ sử dụng. Cụ thể:
– Đối với người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Điều 85, 86), Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (Điều 13, 14) và Luật Việc làm năm 2013 (Điều 57, 58) để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hưởng.
Lý do người sử dụng lao động phải có trách nhiệm là bởi trong quá trình lao động, người lao động làm việc dưới quyền quản lý của người sử dụng lao động và có thể phải đối mặt với những rủi ro (như ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mất việc làm,…) khiến họ không thể đi làm, bị gián đoạn hoặc mất thu nhập. Đây là trách nhiệm xã hội bắt buộc của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động, nhằm cụ thể hóa nguyên tắc cơ bản của luật lao động là luôn kết hợp hài hòa giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội; đồng thời cũng là tinh thần chung của pháp luật hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Khi người sử dụng lao động và người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì tùy từng trường hợp, người lao động sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: chế độ ốm đau, chế độ thai sản, chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất. Tương tự, khi tham gia bảo hiểm y tế, người lao động có thẻ bảo hiểm y tế được thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh, điều trị, thuốc men,… Khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, người lao động được hưởng các chế độ: trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ tìm việc làm, hỗ trợ học nghề,…
Điều kiện hưởng đối với mỗi chế độ cụ thể được quy định tại các luật chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Khi người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội mà đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì trong thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, người sử dụng lao động không phải trả lương cho người lao động vì trong thời gian này người lao động không đi làm, do đó về nguyên tắc sẽ không được hưởng lương.
Hơn nữa, bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp thu nhập cho người lao động khi gặp rủi ro trên cơ sở đã đóng phí vào quỹ bảo hiểm xã hội, nên trong thời gian này, quỹ bảo hiểm xã hội sẽ chi trả trợ cấp nhằm giúp người lao động đảm bảo đời sống.
Quy định như vậy là hợp lý, vừa đảm bảo nguyên tắc của bảo hiểm xã hội “có đóng mới có hưởng, đồng thời thể hiện đúng đắn bản chất của tiền lương. Ngoài ra, điều luật cũng trao cho người sử dụng lao động và người lao động quyền được thỏa thuận về tiền lương trong khoảng thời gian này. Đây cũng là một điểm mới của BLLĐ năm 2019, trên cơ sở tôn trọng sự thỏa thuận của các bên.
– Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì người sử dụng lao động không phải đóng các khoản phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vào quỹ như trường hợp trên. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho tất cả người lao động (dù có thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc hay không, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương một khoản tiền cho người lao động để người lao động có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo các hình thức khác hoặc tự tích lũy một khoản tiền để đảm bảo đời sống.
Khoản tiền này tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật, đảm bảo sự bình đẳng đối với tất cả người lao động tham gia vào quan hệ lao động. Đây là một điểm mới của điều luật khi xác định rõ khoản tiền này tương đương với “mức người sử dụng lao động đóng” thay vì “mức đóng” như trong Điều 186 BLLĐ năm 2012.
– Những người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là những người lao động không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Ví dụ: lao động giúp việc gia đình, lao động đang hưởng lương hưu,…). Người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do người sử dụng lao động đóng là những người lao động không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 (Ví dụ: lao động giúp việc gia đình, lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng,…).
Người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là những người lao động không thuộc trường hợp được quy định tại Điều 43 Luật Việc làm năm 2013 (Ví dụ: lao động đang hưởng lương hưu, lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng,…). Ngoài ra, Điều luật này đã bỏ quy định về trách nhiệm chi trả tiền nghỉ phép năm cùng lúc với tiền lương hằng tháng do không phù hợp với nội dung Chương XII, từ đó, tạo sự thống nhất và thuận lợi trong quá trình áp dụng.
Nhìn chung, trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động được quy định khá cụ thể và rõ ràng, là cơ sở để đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong các trường hợp gặp rủi ro.