Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở 2023

Điều 178 là một điều luật mới được bổ sung của BLLĐ năm 2019, áp dụng cho cả công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quy định về Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong quan hệ lao động

1. Thương lượng tập thể với người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật này.

2. Đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật này. 

3. Được tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là thành viên của mình.

4. Đại diện cho người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền. 

5. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của Bộ luật này.

6. Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu pháp luật về lao động; về trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện người lao động và việc tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được cấp đăng ký.

7. Được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

8. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. 

Bình luận về Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong quan hệ lao động

Điều 178 là một điều luật mới được bổ sung của BLLĐ năm 2019, áp dụng cho cả công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. 

Thực chất, các quyền từ khoản 1 đến khoản 5 là sự liệt kê những quyền đã được quy định ở các chương, điều tương ứng của BLLĐ, bao gồm: quyền thương lượng tập thể, quyền đối thoại tại nơi làm việc (Chương V); quyền được tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là thành viên của mình (Chương VI); quyền đại diện cho người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền; quyền tổ chức và lãnh đạo đình công (Chương VIII, Chương XIV).

Do đó, việc thực hiện các quyền này của tổ chức đại diện người lao động thực hiện theo các quy định tương ứng của BLLĐ. 

Nội dung mới đáng chú ý nhất của Điều 178 là quy định tại khoản 6 là quyền của tổ chức đại diện người lao động được tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu pháp luật về lao động; về trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện người lao động và việc tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được cấp đăng ký”.

Đây là quy định quan trọng, vừa bảo đảm phù hợp với các yêu cầu của các cam kết quốc tế, vừa bảo đảm quản lý chặt chẽ để các tổ chức đại diện người lao động được thành lập và hoạt động lành mạnh trong quan hệ lao động tại cơ sở. Một số điểm cần chú ý của quy định này bao gồm: 

(i) Chủ thể cung cấp sự hỗ trợ phải là cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là một tổ chức quốc tế, chưa đăng ký và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam thì không được cung cấp sự hỗ trợ này. 

(ii) Nội dung hỗ trợ là để tìm hiểu pháp luật về lao động; về trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện người lao động và việc tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động. Việc tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động khá đa dạng, chủ yếu là hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể… và việc hỗ trợ những nội dung này cũng chỉ được thực hiện sau khi tổ chức đại diện người lao động đã được công nhận hoạt động hợp pháp. Cần lưu ý là ngoài những nội dung trên, các chủ thể cung cấp sự hỗ trợ không hỗ trợ những nội dung khác ngoài những nội dung trên. 

Khoản 7 về quyền được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thực chất là kế thừa quy định của BLLĐ năm 2012 (khoản 1 Điều 193). Điểm cần lưu ý là điều luật quy định tổ chức đại diện người lao động được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc chứ không phải là bố trí phòng làm việc.

Nơi làm việc có thể được hiểu một cách linh hoạt, nó có thể là một không gian riêng biệt, độc lập như phòng làm việc, song cũng có thể chỉ là một chỗ làm việc không riêng biệt; cũng có thể là các không gian không cố định tại doanh nghiệp như phòng họp của doanh nghiệp, song được bố trí để khi cần thiết thì tổ chức của người lao động có thể sử dụng cho những công việc của mình.

Các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức đại diện người lao động cũng được hiểu theo nghĩa đa dạng và linh hoạt, nó có thể là quyền sử dụng hệ thống thông tin (email, loa truyền thanh, bảng tin) của doanh nghiệp để thực hiện công việc của tổ chức đại diện người lao động, hoặc là quyền sử dụng các cơ sở vật chất khác của doanh nghiệp cho hoạt động của tổ chức đại diện người lao động như quyền sử dụng phòng họp, nhà ăn cho các cuộc họp với người lao động…

Điều luật quy định đây là quyền của tổ chức đại diện người lao động, song cũng cần lưu ý là việc sử dụng các quyền này về nguyên tắc là không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com