Thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp như thế nào? 2023

Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch.

Quy định về Thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

1. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. 

Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tổ chức và hoạt động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch.

2. Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký khi vi phạm về tôn chỉ, mục đích của tổ chức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 174 của Bộ luật này hoặc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản. 

3. Trường hợp tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn.

4. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. 

Tư vấn về Thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp

Điều 172 là một trong những điều luật mới, quan trọng nhất của BLLĐ năm 2019 về tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Điều luật có 4 khoản quy định về các nội dung khác nhau liên quan đến tổ chức của người lao động, bao gồm:

(i) Việc thành lập, nguyên tắc tổ chức, hoạt động; (ii) Các trường hợp thu | hồi đăng ký; (iii) Việc gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; và (iv) Những nội dung Bộ luật giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành. 

Khoản 1 Điều 172 quy định rõ, tổ chức của người lao động chỉ được xem là thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký. Điều này cũng có nghĩa là nếu tổ chức của người lao động chưa được cấp đăng ký thì chưa được hưởng những bảo vệ của pháp luật và chưa được thừa nhận có các quyền trong việc đại diện, bảo vệ quyền hợp pháp, lợi ích chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động.

Trong đó quan trọng nhất là quyền thay mặt người lao động để đối thoại, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động về tiền lương và các điều kiện lao động khác của người lao động, cũng như quyền tổ chức và lãnh đạo đình công để gây sức ép với người sử dụng lao động nhằm thỏa mãn những yêu cầu của người lao động về tiền lương và các điều kiện làm việc. 

Khoản 1 Điều 172 cũng quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, theo đó, tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động phải bảo đảm nguyên tắc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và điều lệ; tự nguyện, tự quản, dân chủ, minh bạch. 

Theo các tiêu chuẩn quốc tế về tự do liên kết, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động phải do chính tổ chức quyết định trong điều lệ của mình và đây là vấn đề thuộc phạm vi tự chủ, tự quản của tổ chức của người lao động.

Tuy nhiên, cần lưu ý là các tiêu chuẩn lao động quốc tế về tự do hiệp hội một mặt tôn trọng quyền tự chủ của tổ chức của người lao động trong việc đề ra các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động, mặt khác cũng cho phép nhà nước, thông qua quy định của pháp luật, có thể đưa ra các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của tổ chức của người lao động, song các quy định đó phải có mục đích bảo đảm cho chính những nguyên tắc của quyền tự do liên kết như nhằm bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong hoạt động của tổ chức của người lao động. 

So với các tiêu chuẩn lao động quốc tế liên quan về tự do liên kết, có thể thấy các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của tổ chức của người lao động được quy định tại khoản 1 Điều 172 BLLĐ năm 2019 đều là những nguyên tắc rất quan trọng và hoàn toàn phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO về quyền tự do liên kết. 

Khoản 2 Điều 172 quy định về các trường hợp thu hồi đăng ký, theo đó, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bị thu hồi đăng ký trong hai trường hợp, bao gồm: (1) Khi tổ chức của người lao động vi phạm về tôn chỉ, mục đích của tổ chức quy định tại điểm b khoản 1 Điều 174 của BLLĐ; (2) Khi tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp chấm dứt sự tồn tại trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể hoặc doanh nghiệp giải thể, phá sản. 

Trong hai trường hợp thu hồi đăng ký, trường hợp thứ hai được xem là đương nhiên, khi tổ chức của người lao động đã chấm dứt sự tồn tại thì công việc của cơ quan cấp đăng ký chỉ đơn giản là thu hồi lại đăng ký mà mình đã cấp. Và do đó, quy định này không đặt ra những vấn đề pháp lý phức tạp cần chú ý. 

Tuy nhiên, ở trường hợp thứ nhất, thu hồi đăng ký khi tổ chức của người lao động vi phạm về tôn chỉ, mục đích là trường hợp không đơn giản về pháp lý. BLLĐ năm 2019 quy định tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức của người lao động là “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên tổ chức mình trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp; cùng với người sử dụng lao động giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định” (điểm b khoản 1 Điều 174).

Vấn đề đặt ra là hiểu thế nào là vi phạm về tôn chỉ, mục đích theo quy định này. Liệu một tổ chức của người lao động ngoài tôn chỉ, mục đích như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 174 như trên, có thêm tôn chỉ, mục đích là hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên; tham gia các hoạt động xã hội từ thiện… thì có bị xem là vi phạm quy định về tôn chỉ, mục đích và có thể bị thu hồi đăng ký hay không? 

– Trong quá trình thảo luận khi xây dựng BLLĐ năm 2019, ngoài nội dung về tôn chỉ, mục đích như đã được thể hiện tại điểm b khoản 1 Điều 174, đã có thời điểm dự thảo Bộ luật quy định tổ chức của người lao động không được là tổ chức có mục đích chính trị. Tuy nhiên, nội dung này đã không được quy định tại Bộ luật chính thức được Quốc hội thông qua.

Điều này cho thấy, mối quan tâm chính của BLLĐ năm 2019 khi quy định về tôn chỉ, mục đích của tổ chức của người lao động là nhằm bảo đảm tổ chức này chỉ là tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động, không phải là tổ chức chính trị hay tổ chức chính trị – xã hội. 

Do đó, cũng có thể hiểu rằng vi phạm về tôn chỉ, mục đích tới mức phải thu hồi đăng ký phải là trường hợp vi phạm nghiêm trọng như thay vì chỉ là tổ chức đại diện người lao động trong quan hệ lao động thì tổ chức này lại có các mục đích chính trị. Nếu tổ chức của người lao động không có tôn chỉ, mục đích chính trị, mà ngoài các mục đích như quy định tại điểm b khoản 1 Điều 104 BLLĐ năm 2019 còn có các mục đích khác như nhằm hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, hay tham gia vào các hoạt động xã hội, từ thiện thì không bị xem là vị phạm về tôn chỉ, mục đích để có thể bị thu hồi đăng ký. 

Tuy nhiên, để bảo đảm việc thực thi trên thực tế được thống nhất và đúng theo ý tưởng của BLLĐ thì nội dung này rất cần được quy định cụ thể, chi tiết trong nghị định của Chính phủ sau này. Đi Khoản 3 Điều 172 quy định việc gia nhập của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp với tổ chức Công đoàn Việt Nam thì thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn mà không đưa ra quy định cụ thể về vấn đề này. 

Tuy nhiên, điều cần lưu ý là BLLĐ năm 2019 có đặt ra vấn đề chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp và giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Vấn đề đặt ra là việc tổ chức của người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam thì có được xem là trường hợp sáp nhập hoặc liên kết giữa các tổ chức của người lao động. Theo lời văn của BLLĐ năm 2019 (khoản 4 Điều 172) thì dường như trường hợp gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động không phải là trường hợp sáp nhập hoặc liên kết giữa các tổ chức của người lao động.

Nói cách khác, các quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được quy định tại BLLĐ và quy định chi tiết sau này trong nghị định của Chính phủ là chỉ áp dụng đối với các tổ chức của người lao động nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Việc gia nhập của tổ chức của người lao động với Công đoàn Việt Nam hoàn toàn được thực hiện theo quy định của Luật Công đoàn năm 2012. 

Khoản 4 Điều 172 không có nội dung quy phạm cụ thể mà chỉ là nội dung Quốc hội ủy quyền lập pháp cho Chính phủ quy định chi tiết về 4 vấn đề, bao gồm: (i) Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; (ii) Thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; (iii) Quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; (iv) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. 

Có thể thấy, hầu hết những nội dung lớn, quan trọng về tổ chức của người lao động như đăng ký, thu hồi đăng ký… đều đã được BLLĐ năm 2019 trực tiếp quy định. Những nội dung Bộ luật giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 4 Điều 172 chủ yếu là những vấn đề về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và những vấn đề thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Chính phủ. 

Yêu cầu đặt ra là các nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành sau này phải bảo đảm phù hợp với các quy định của BLLĐ năm 2019, chỉ quy định chi tiết những nội dung được Bộ luật giao; bảo đảm tiếp tục thể chế hóa quan điểm chỉ đạo, theo đó, người lao động  có quyền thành lập tổ chức đại diện của mình trong quan hệ lao động nằm ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tăng cường quản lý có hiệu quả và tạo điều kiện cho tổ chức này hoạt động thuận lợi, lành mạnh theo đúng pháp luật.

Những quy định của nghị định của Chính phủ phải bảo đảm không hạn chế quyền của người lao động trong việc thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện trong quan hệ lao động, dù đó là công đoàn cơ sở hay tổ chức của người lao động theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com