Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân 2023

Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là bao lâu?

1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 09 tháng kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

3. Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

4. Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Tư vấn về Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân 

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là khoảng thời gian pháp luật cho phép các bên tranh chấp được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết để bảo vệ quyền lợi cho mình. Hết thời gian này, các bên không có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi hết thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp. 

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân được xác định tùy theo các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp. Cụ thể, thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động giải quyết là 06 tháng, thời hiệu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết là 09 tháng và thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Khoảng thời gian để yêu cầu các Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết về cơ bản là hợp lý và phù hợp với thực tiễn, không quá dài và cũng không quá ngắn, đủ để các bên có thời gian phát hiện ra hành vi xâm phạm đến lợi ích của mình và chuẩn bị các điều kiện cho việc yêu cầu giải quyết tranh chấp. 

Tuy nhiên vấn đề hay gặp vướng mắc trong thực tiễn áp dụng quy định này là việc xác định ngày nào là ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (tức là thời điểm để xác định thời hiệu) để tính thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm không có nghĩa là ngày các bên được luật sư hay nhà tư vấn nói cho biết rằng quyền lợi của họ bị xâm phạm (như quyết định sa thải hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động là trái pháp luật). Ngày phát hiện ra hành vi mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm cần phải được hiểu là ngày xảy ra sự kiện pháp lý hay hành vi pháp lý mà bên tranh chấp biết được và cho rằng có xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình. 

Cần lưu ý, trong một số trường hợp vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó sẽ không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân. Trong những trường hợp đó xét về mặt hình thức trên thực tế thời gian yêu cầu giải quyết tranh chấp sẽ dài hơn so với thời hiệu mà pháp luật quy định.

Việc quy định một số thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện là điểm mới của BLLĐ năm 2019 so với BLLĐ năm 2012. Việc bổ sung quy định này vào BLLĐ năm 2019 là phù hợp, bởi nó tương thích với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về giải quyết các tranh chấp dân sự, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của việc giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Việc giải quyết các tranh chấp lao động tại Tòa án tuy tuân theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự nhưng riêng về thời hiệu lại theo các quy định của luật chuyên ngành (BLLĐ) nên việc bổ sung quy định này trong BLLĐ năm 2019 là hoàn toàn phù hợp và đảm bảo tính toàn diện cũng như đồng bộ của pháp luật. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com