Tịch thu tài sản là gì theo quy định Bộ luật hình sự? 2023

Theo Bộ luật hình sự năm 2015, Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước

Khái niệm tịch thu tài sản theo Bộ luật hình sự

Tịch thu tài sản là hình phạt bổ sung được áp dụng với người phạm tôi quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự, cụ thể như sau:

Điều 45. Tịch thu tài sản

Tịch thu tài sản là tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án để nộp vào ngân sách nhà nước.

Tịch thu tài sản chỉ được áp dụng đối với người bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma túy, tham nhũng hoặc tội phạm khác do Bộ luật này quy định.

Khi tịch thu toàn bộ tài sản vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

Tịch thu tài sản tiếng Anh là gì?

Tịch thu tài sản trong tiếng Anh là “Confiscation of property”

Bình luận về hình phạt tịch thu tài sản theo Bộ luật hình sự mới nhất

Theo Bộ luật Hình sự quy định thì tịch thu tài sản chỉ có thể được áp dụng là hình phạt bổ sung. Nội dung pháp lý của loại hình phạt này thê hiện ở chỗ người bị kết án bị tước một phần hoặc toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án sung quỹ Nhà nước. Hình phạt này chỉ áp dụng đối với người bị kết án về tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng trong trường hợp do Bộ luật Hình sự quy định.

Tài sản bị tịch thu phải thuộc sở hữu của người bị kết án; tài sản đó có thể do người bị kết án đang sử dụng hoặc là tài sản mà họ đã cho vay, cho mượn, cho thuê, gửi sửa chữa hoặc đang cầm cố, thế chấp… tài sản thuộc sở hữu của người bị kết án có thể tồn tại dưới dạng hiện vật hoặc tiền, kể cả tiền gửi ngân hàng, quỹ tín dụng hoặc là trái phiếu, tín phiếu…

Tuy nhiên để thể hiện tính nhân đạo, quan điểm chung là một mặt phải xử lý nghiêm khắc, triệt để đối với người phạm tội nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm cho người chịu hình phạt cũng như gia đình họ có những điều kiện nhất định để ổn định cuộc sống vì vậy điều luật cũng quy định khi tịch thu toàn bộ tài sản thì vẫn để cho người bị kết án và gia đình họ có điều kiện sinh sống.

Các hình phạt bổ sung theo Bộ luật hình sự hiện hành

Các hình phạt bổ sung đối với người phạm tội, pháp nhân thương mại được quy định cụ thể tại khoản 2 các Điều 32, 33 Bộ luật hình sự như sau:

Điều 32. Các hình phạt đối với người phạm tội

[…] 2. Hình phạt bổ sung bao gồm:

a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

b) Cấm cư trú;

c) Quản chế;

d) Tước một số quyền công dân;

đ) Tịch thu tài sản;

e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;

g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.

Điều 33. Các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội

[…] 2. Hình phạt bổ sung bao gồm:

a) Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;

b) Cấm huy động vốn;

c) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com