Cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động là gì?
1. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động có trách nhiệm phối hợp với tổ chức đại diện người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức việc tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của hòa giải viên lao động, trọng tài viên lao động trong giải quyết tranh chấp lao động.
3. Khi có yêu cầu, cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến hòa giải viên lao động đối với trường hợp bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải lao động, chuyển đến Hội đồng trọng tài trong trường hợp yêu cầu Hội đồng trọng tài giải quyết hoặc hướng dẫn gửi đến Tòa án để giải quyết.
Tư vấn về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong giải quyết tranh chấp lao động
Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết tranh chấp lao động lần đầu được quy định tại Điều 195 BLLĐ năm 2012, bao gồm các nội dung như: hỗ trợ, hướng dẫn các bên trong tranh chấp lao động; tập huấn, nâng cao năng lực của các chủ thể có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động… BLLĐ năm 2019 giữ nguyên nội dung đã được quy định tại khoản 1, khoản 2 của Điều này, đồng thời sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết hơn tại khoản 3.
1. Để thực hiện, tham gia vào trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động không phải là điều dễ dàng đối với các bên trong tranh chấp lao động. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải quyết tranh chấp lao động trên thực tế càng khó khăn hơn trong bối cảnh năng lực của tập thể lao động, đặc biệt là ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở còn hạn chế.
Thực tiễn này đặt ra những yêu cầu bức bách, cẩn thiết phải có sự hỗ trợ, hướng dẫn từ cơ quan quản lý nhà nước về lao động cho các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, bảo đảm cho họ thực hiện được chức năng đại diện, cũng như giúp đỡ các bên trong quan hệ lao động giải quyết được những bất đồng.
Quy định này không áp dụng riêng cho bất cứ tổ chức đại diện của người lao động nào, mà áp dụng chung cho cả các tổ chức đại diện của người sử dụng lao động. Và nếu xét nó trong bối cảnh thương lượng tập thể có thể diễn ra ở các cấp độ khác nhau, thì việc hỗ trợ, hướng dẫn trên càng trở nên quan trọng, đồng thời cũng thể hiện tính đặc thù của cơ chế ba bên trong quan hệ lao động.
2. Với trách nhiệm quản lý nhà nước về lao động, việc đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn cho hòa giải viên và trọng tài viên lao động của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là yếu tố then chốt bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực của các cơ chế giải quyết tranh chấp lao động theo luật định trên thực tiễn.
Thực tế hiện nay, hòa giải viên lao động và trọng tài viên lao động vẫn đang chủ yếu là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc theo chế độ kiêm nhiệm mà chưa có đội ngũ chuyên nghiệp để thực hiện công tác này, việc nâng cao năng lực là điều cần thiết để các chủ thể này có chuyên môn về giải quyết tranh chấp lao động.
3. Khoản 3 Điều này là nội dung hoàn toàn mới của BLLĐ năm 2019, theo đó lần đầu tiên BLLĐ xác định “cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân” hay cụ thể trong trường hợp này là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội “là đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.
Quy định này nhằm trả lời câu hỏi từ thực tiễn đã diễn ra nhiều năm, đó là khi phát sinh tranh chấp lao động, đặc biệt là tranh chấp lao động tập thể yêu cầu về việc giải quyết tranh chấp của các bên có thể được gửi đến đâu? Nội dung này cũng đồng thời xác định vị trí, vai trò và trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trong việc phân loại các tranh chấp lao động, trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp lao động.