Vi phạm quy định của Bộ luật lao động bị xử lý như thế nào? 2023

Người nào có hành vi vi phạm quy định của Bộ luật lao động thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Quy định về xử lý vi phạm theo Bộ luật lao động mới nhất

1. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Bộ luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Khi đã có quyết định của Tòa án về cuộc đình công là bất hợp pháp thì người lao động đang tham gia đình công phải ngừng ngay đình ng và trở lại làm việc; nếu người lao động không ngừng đình công, không trở lại làm việc thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật về lao động. 

Trong trường hợp cuộc đình công là bất hợp pháp mà gây thiệt hại cho người sử dụng lao động thì tổ chức đại diện người lao động tổ chức lãnh đạo đình công phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. 

3. Người lợi dụng đình công gây mất trật tự, an toàn công cộng, làm tổn hại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; người có hành vi cản trở thực hiện quyền đình công kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công người có hành vi trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo cuộc đình công thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. 

Bình luận quy định về xử lý vi phạm theo Bộ luật lao động mới nhất

Xử lý vi phạm trong lĩnh vực lao động là một trong những biện pháp xử phạt tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của BLLĐ, qua đó, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật lao động với tất cả các tổ chức, cá nhân là đối tượng áp dụng của BLLĐ. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân vi phạm bị áp dụng những biện pháp khác nhau như: xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự, bồi thường thiệt hại. 

Xử lý kỷ luật được áp dụng với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động vi phạm các quy định của BLLĐ, vi phạm kỷ luật lao động của đơn vị sử dụng lao động (ví dụ: người lao động vi phạm các quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động) và áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức. Các hình thức kỷ luật với từng đối tượng cụ thể được áp dụng theo quy định của BLLĐ, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức hoặc các luật khác có liên quan. 

Xử phạt vi phạm hành chính là biện pháp có thể áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật lao động mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó đối tượng chủ yếu là người sử dụng lao động có hành vi vi phạm pháp luật lao động.

Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động được thực hiện theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phạm vi thanh tra và xử phạt của chủ thể có thẩm quyền thanh tra thường rất rộng, liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của quan hệ lao động, từ quá trình xác lập đến thực hiện và chấm dứt quan hệ lao động. 

Truy cứu trách nhiệm hình sự được áp dụng đối với các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, cấu thành tội phạm và được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ví dụ: Người sử dụng lao động có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật quy định tại Điều 162 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. 

Bồi thường thiệt hại là biện pháp áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của BLLĐ gây thiệt hại cho người khác. Ví dụ: Người lao động có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản cho người sử dụng lao động khi có hành vi làm hư hỏng hoặc làm mất tài sản hay làm tiêu hao vật tư quá định mức cho phép; người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người lao động hoặc gia đình họ trong trường hợp có lỗi gây tai nạn lao động cho người lao động…

Pháp luật cho phép người lao động có quyền đình công để giải quyết tranh chấp lao động về lợi ích, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Để cuộc đình công diễn ra hợp pháp và mang lại hiệu quả cao, pháp luật yêu cầu những chủ thể có liên quan tuân thủ đúng quy định pháp luật, không thực hiện hành vi bị cấm như: lợi dụng đình công gây mất trật tự, an toàn công cộng, làm tổn hại máy, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động; cản trở thực hiện quyền đình công, kích động, lôi kéo, ép buộc người lao động đình công; trù dập, trả thù người tham gia đình công, người lãnh đạo cuộc đình công.

Để cá nhân, tổ chức tuân thủ quy định này, BLLĐ năm 2019 kế thừa tinh thần BLLĐ năm 2012 khi quy định chế tài xử lý cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi bị cấm. Quy định này có mục đích răn đe, phòng ngừa, đảm bảo quá trình đình công diễn ra đúng luật, không gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, người lao động. 

Theo đó, đối tượng bị xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự khi có hành vi quy định tại khoản 3 Điều 217 BLLĐ năm 2018 bao gồm: người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp, cán bộ công đoàn, thành viên ban lãnh đạo tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp, người có liên quan khác.

Xử lý hình sự là biện pháp nghiêm khắc nhất đối với người có hành vi xâm phạm khách thể được luật hình sự bảo vệ liên quan đến đình công. Ngoài ra, khi hành vi vi phạm pháp luật về đình công gây ra thiệt hại về người và tài sản, người gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho những tổn thất gây ra. 

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com