Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được thông báo về cuộc đình công không tuân theo quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật lao động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động phối hợp với công đoàn cùng cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động và đại diện ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để nghe ý kiến, hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.
Quy định về Xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục
Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được thông báo về cuộc đình công không tuân theo quy định tại các điều 200, 201 và 202 của Bộ luật này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì, chỉ đạo cơ quan chuyên môn về lao động phối hợp với công đoàn cùng cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp gặp gỡ người sử dụng lao động và đại diện ban lãnh đạo tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để nghe ý kiến, hỗ trợ các bên tìm biện pháp giải quyết, đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường.
Trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật thì lập biên bản, tiến hành xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật.
Đối với các nội dung tranh chấp lao động thì tùy từng loại tranh chấp, hướng dẫn, hỗ trợ các bên tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật này.
Tư vấn về Xử lý cuộc đình công không đúng trình tự, thủ tục
Theo quy định tại Điều 211 BLLĐ năm 2019, trong thời hạn 12 giờ kể từ thời điểm nhận được thông báo cuộc đình công không tuân theo trình tự, thủ tục luật định, như thủ tục lấy ý kiến người lao động (Điều 201), không thông báo thời điểm đình công (Điều 202) thì cuộc đình công đó được coi là vi phạm trình tự, thủ tục.
Và phương án xử lý trong trường hợp này là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ phải tiến hành các biện pháp nhằm “đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường”. Cơ chế này được đưa ra nhằm mục đích bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ lao động khi có tranh chấp lao động tập thể xảy ra và phù hợp với nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động.
Đồng thời, việc xác định cuộc đình công vi phạm trình tự, thủ tục có thể đi kèm với các biện pháp xử lý hành chính. Khi xét thấy có hành vi vi phạm pháp luật của các bên, nhằm khắc phục tình trạng vi phạm, cũng như ổn định sản xuất, kinh doanh và bảo vệ quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của các bên trong quan hệ lao động thì bên còn lại có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Sửa đổi quan trọng nhất của Điều này là nội dung được thể hiện ở đoạn cuối cùng. Đây là điểm khác biệt so với BLLĐ năm 2012, theo đó căn cứ vào nội dung và loại tranh chấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm “hướng dẫn, hỗ trợ các bên tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp lao động theo quy định của Bộ luật”.
Quy định này bảo đảm cách hiểu thống nhất về vai trò, nhiệm vụ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc “xử lý đình công không đúng trình tự, thủ tục”, theo đó thẩm quyền này không phải là một biện pháp để tạm dừng và hạn chế đình công, dù rằng có xảy ra việc vi phạm các thủ tục, trình tự về đình công.