Cùng với bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội, ưu đãi xã hội thực hiện sứ mệnh bảo vệ một số thành viên đặc thù của xã hội.
Bất cứ xã hội nào, quốc gia nào, dân tộc nào, những người có công với đất nước với dân tộc cũng đều được ghi nhận và tôn vinh. Không những thế họ còn được nhà nước, được xã hội dành cho những ưu tiên, tru đãi đặc biệt cả về vật chất lẫn tinh thần trong mọi mặt của đời sống xã hội. Ý nghĩa của chế độ ưu đãi xã hội là gì?
Khái niệm chế độ ưu đãi xã hội
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, dù trải qua nhiều chế độ chính trị xã hội nhưng ở tất cả các triều đại, các chế độ khác nhau đó, những người có công với đất nước cũng đều được suy tồn và được hưởng chính sách ưu đãi từ phía nhà nước và cộng đồng xã hội.
Từng thời kỳ, các chính sách chế độ đối với người có công tuy có khác nhau nhưng nhìn chung đều bày tỏ sự ghi công, ghi ơn của dân tộc đối với những người xả thân vì nước, đều thực hiện những chế độ đãi ngộ nhất định đối với họ ở mức độ này hay mức độ khác.
Song, một điều cũng rất dễ nhận thấy là tuỳ thuộc vào bản chất nhà nước và điều kiện, hoàn cảnh của đất nước trong từng thời kỳ mà quan niệm về đối tượng những người có công với nước cũng như chế độ đãi ngộ đối với họ được nhìn nhận và xác định một cách khác nhau.
Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, đã hoặc đang phải đấu tranh chống giặc ngoại xâm, những người có công với nước chủ yếu là những người có đóng góp trong việc đánh đuổi giặc, giữ gìn non sông đất nước và giành độc lập cho dân tộc.
Với đặc điểm của đất nước, đây là đối tượng chủ yếu khi xác định những người có công ở Việt Nam, đó là những thương binh, liệt sĩ, người hoạt động và giúp đỡ cách mạng…
Như vậy, hiểu theo nghĩa hẹp người có công với nước đồng nghĩa với người có công với cách mạng. Khi đất nước đã thanh bình, những người có công với nước bao gồm tất cả những người có cống hiến to lớn hoặc hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Chính vì vậy, nếu như trước đây chúng ta chỉ quan niệm người có công với nước là những người có đóng góp, cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc thì nay khái niệm người có công với nước còn phải bao gồm cả những người có cống hiến đáng kể trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, những người xả thân bảo vệ cuộc sống yên bình hoặc đem lại thành tích, đem lại vẻ vàng cho đất nước, cho dân tộc.
Do đó, người có công phải được hiểu theo nghĩa rộng hơn là những người, không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, dân tộc, giới tính, tuổi tác… đã tự nguyện cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ, cuộc đời mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và độc lập của dân tộc hoặc đem lại thành tích vẻ vang cho đất nước, dân tộc nên được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể khẳng định người có công phải là những người có thành tích đóng góp hoặc cống hiến xuất sắc cho đất nước, cho lợi ích của dân tộc.
Những đóng góp cống hiến của họ có thể là trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc và cũng có thể là trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Do đó, những người có cống hiến xuất sắc ở các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hoá nghệ thuật, thể thao như anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân, nghệ sĩ nhân dân… cũng được xếp vào đối tượng người có công.
Tuy nhiên, do đặc điểm lịch sử, đó không phải là những đối tượng chủ yếu trong số những người có công ở nước ta. Song, tất cả những đối tượng được coi là người có công bao giờ cũng được Nhà nước và xã hội dành cho những ưu tiên, những dãi ngộ hơn mức bình thường so với các đối tượng khác trong mọi mặt của đời sống xã hội. Những ưu tiên, đãi ngộ hơn mức bình thường ấy chính là ưu đãi xã hội.
Vì vậy, ưu đãi xã hội được hiểu là sự đãi ngộ của nhà nước, của cộng đồng và toàn xã hội về đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với những người có công và gia đình họ.
Trên thế giới, bất cứ quốc gia nào cũng có một bộ phận dân cư là những người có công với tổ quốc của họ. Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia đều thực hiện chính sách đối với những người có công.
Tuy nhiên, tuỳ theo điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội cũng như lịch sử, tập quán của mỗi nước mà các quốc gia có các chính sách, chế độ ưu đãi khác nhau và vị trí của chính sách đó đối với đời sống xã hội của mỗi quốc gia cũng khác nhau.
Ở Việt Nam, trải qua hai cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ với sự đóng góp to lớn của tất cả các tầng lớp nhân dân đã tạo ra một số lượng lớn những người phải hy sinh lợi ích của mình cho Tổ quốc.
Hiện nay, một bộ phận không nhỏ trong dân cư, do tham gia kháng chiến với thời gian dài, đã gặp khó khăn không chỉ vì thương tật, tuổi cao, sức khoẻ kém mà còn bị hạn chế về điều kiện học tập để thích nghi với những yêu cầu của công cuộc phát triển kinh tế, không có điều kiện chăm lo cho con cái ở mức bình thường.
Đối với những người đã hy sinh thì sự cống hiến của bản thân và thân nhân của họ còn to lớn hơn nữa. Từ hoàn cảnh xã hội đó, chính sách ưu đãi đối với người có công là một bộ phận quan trọng của hệ thống chính sách xã hội Việt Nam, liên quan tới khoảng 8% dân số.
Do hoàn cảnh khó khăn và nhu cầu cần trợ giúp của bản thân và gia đình người có công, sự ưu đãi của xã hội đối với họ thuộc hệ thống chính sách an sinh xã hội.
Tuy nhiên, khác với những đối tượng cần trợ giúp khác, những người có công là đối tượng xứng đáng được xã hội, Nhà nước ưu đãi ở mức độ cao hơn so với những bộ phận dân cư khác. Ưu đãi xã hội được coi là một trong những điểm đặc thù trong hệ thống an sinh xã hội ở Việt Nam.
Với đặc điểm này, chính sách ưu đãi xã hội có vị trí đặc biệt quan trọng trong chính sách an sinh xã hội nói riêng và trong hệ thống chính sách xã hội nói chung. Nó không chỉ phản ánh sự quan tâm, ý thức trách nhiệm của Nhà nước, của cộng đồng mà còn là của thế hệ đi sau đối với thế hệ đi trước theo tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”…
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khởi xướng thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công cũng đã khẳng định: “Thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, thương yêu và giúp đỡ họ”.
Báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cũng đã xác định nhiệm vụ: “Thực hiện chính sách ưu đãi xã hội và vận động toàn dân tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhở nguồn đối với các lão thành cách mạng, những người có công với nước, bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh và cha mẹ, vợ con liệt sĩ, gia đình chính sách”.
Chính sách ưu đãi xã hội thực chất là đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện chế độ đãi ngộ đối với những người có công với nước nhằm mục đích ghi nhận công lao, sự đóng góp, sự hy sinh cao cả của họ đồng thời đến đáp, bù đắp phần nào về đời sống vật chất, văn hoá tinh thần đối với người có công.
Đây là chính sách đặc biệt dành cho những đối tượng đặc biệt nên cần phải có những quy định cho phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của từng thời kỳ.
Tuy nhiên, để chính sách ưu đãi xã hội đi vào cuộc sống và đảm bảo thực hiện trên thực tế, Nhà nước cần phải thể chế hoá nó bằng các văn bản pháp luật dưới hình thức luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư…
Như vậy, có thể nói pháp luật là hình thức pháp lý của chính sách ưu đãi xã hội và chính sách ưu đãi xã hội là tư tưởng chính trị chỉ đạo nội dung của pháp luật ưu đãi xã hội.
Thể chế nội dung của chính sách ưu đãi xã hội thành chế độ ưu đãi xã hội, Nhà nước phải quy định cụ thể các diện đối tượng, điều kiện nào được hưởng ưu đãi; các lĩnh vực cụ thể được ưu đãi; mức độ ưu đãi cần thiết… để tổ chức thực hiện hợp lý, công bằng.
Vì vậy, chế độ ưu đãi xã hội được hiểu là tổng hợp những quy phạm pháp luật quy định về các điều kiện, hình thức, mức độ đàm bảo vật chất và tinh thần cho những người có công và một số thành viên trong gia đình họ trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội.
Ở Việt Nam, chế độ ưu đãi xã hội được coi là một nhánh cơ bản của pháp luật an sinh xã hội. Song, khác với hai yếu tố còn lại trong cấu thành của an sinh xã hội: nếu như chế độ bảo hiểm xã hội chủ yếu thể hiện sự tương trợ cộng đồng giữa những người tham gia bảo hiểm; chế độ cứu trợ xã hội chủ yếu thể hiện sự giúp đỡ của Nhà nước, của cộng đồng đối với thành viên của mình khi họ gặp những rủi ro, khó khăn trong cuộc sống thì chế độ ưu đãi xã hội lại chủ yếu thể hiện nghĩa vụ trách nhiệm của Nhà nước, của cộng đồng đối với một bộ phận dân cư đặc biệt những người có công với nước, với dân tộc.
Từ sự khác biệt này, có ý kiến còn cho rằng ưu đãi xã hội không thuộc hệ thống pháp luật về an sinh xã hội theo thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, nếu căn cứ vào nội dung thì chế độ ưu đãi xã hội ở nước ta cũng chủ yếu thể hiện những nội dung về chăm sóc y tế, trợ cấp tuổi già, thương tật, tiền tuất… cho đối tượng thụ hưởng theo tinh thần chung của Công ước 102 (1952) của ILO, trên cơ sở đóng góp của người có công.
Điều khác biệt ở đây là sự đóng góp của họ không chỉ đơn thuần là lao động sản xuất hay trực tiếp đóng một khoản tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội mà là mang cả tính mạng, thân thể và cuộc sống bình thường của mình đóng góp cho sự độc lập dân tộc và sự bình yên của đất nước.
Mặt khác, an sinh xã hội theo thông lệ quốc tế bao gồm nhiều yếu tố khác nhau: bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, các chế độ hưởng được chu cấp từ thu nhập chung của quốc gia….
Nói cách khác, nội hàm của luật an sinh xã hội ngoài các nội dung thông thường là bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội còn có các chế độ tuỳ nghi, được xác định phụ thuộc vào đặc điểm riêng của mỗi quốc gia mà chế độ ưu đãi xã hội ở nước ta thuộc nội dung này.
Ý nghĩa của chế độ ưu đãi xã hội
Là một bộ phận của hệ thống an sinh xã hội, ưu đãi xã hội có vai trò hết sức quan trọng. Cùng với bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội, ưu đãi xã hội thực hiện sứ mệnh bảo vệ một số thành viên đặc thù của xã hội.
Không những thế, nó còn thể hiện thái độ, tình cảnh của đất nước, của dân tộc, của thế hệ con cháu đối với những người đã cống hiến hy sinh cho đất nước. Chính vì vậy, ưu đãi xã hội có ý nghĩa trên mọi bình diện của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, xã hội và pháp lý.
– Về mặt chính trị
Người có công là những người có những đóng góp, cống hiện hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bởi vậy, việc quy định chế độ ưu tiên, ưu đãi đối với họ có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị.
Đất nước có được hoà bình hay không, chủ quyền quốc gia có được đảm bảo hay không. điều đó phụ thuộc một phần vào những người dám xả thân, hy sinh vì đất nước.
Để có điều đó không chỉ cần lòng yêu nước mà phải tạo niềm tin cho họ từ chế độ chính sách của Nhà nước: sự hy sinh của họ được Nhà nước và xã hội đánh giá đúng mức, gia đình được Nhà nước và cộng đồng chăm lo…
Bởi vậy, sự ưu đãi đối với những người có công sẽ không chỉ là sự hỗ trợ về mặt đời sống vật chất cũng như tinh thần cho họ mà nó còn tạo niềm tin tưởng vào chế độ xã hội tốt đẹp, là nguồn động viên khích lệ đối với các thành viên khác trong xã hội sẵn sàng xả thân vì nước khi đất nước gặp hoàn cảnh khó khăn.
Do đó, làm tốt chính sách đối với người có công sẽ góp phần ổn định xã hội, giữ vững thể chế, tạo điều kiện cho việc phát triển đất nước trong thế ôn định và bền vững.
Ngược lại, nếu không có chính sách ưu đãi xã hội hoặc thực hiện không tốt chính sách này sẽ làm mất lòng tin không chi của một thế hệ đã từng công hiên, hy sinh mà còn của các thế hệ sau. Đó là nguy cơ có thể dẫn đến mất ổn định chính trị xã hội, ảnh hưởng đến sự tồn vong của Nhà nước.
– Về mặt xã hội và nhân văn
Ưu đãi xã hội là sự thể hiện truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”, là sự báo đáp công ơn những người xả thân vì đất nước vì dân tộc.
Đây không chỉ là sự biết ơn, kính trọng mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước, của cộng đồng, của toàn xã hội đối với một bộ phận dân cư đặc biệt. Những người có công đã cống hiến sức lực, tuổi trẻ, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình cho đất nước.
Họ có thể bị thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, bị thương tật, bệnh tật và vì vậy mà cuộc sống thường khó khăn. Khi sống trong cơ chế thị trường, nơi mà sự cạnh tranh vì thu nhập, lợi nhuận mang tính quyết liệt, những người có công càng ít có cơ hội mưu sinh và phát triển.
Vì vậy, chế độ ưu đãi xã hội càng quan trọng và mang nặng tính nhân văn. Chế độ ưu đãi xã hội không chỉ góp phần đảm bảo và nâng cao đời sống vật chất cho người có công mà còn giúp họ hoà đồng vào xã hội.
Những ưu tiên, ưu đãi về giáo dục đào tạo, ưu đãi về việc làm, chăm sóc sức khoẻ… đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, của cộng đồng, của toàn xã hội đến mọi mặt đời sống của người có công.
Đặc biệt đối với những ưu đãi trong lĩnh vực học tập, làm việc, pháp luật đã đảm bảo quyền lợi của người có công với tư cách là một người lao động, một công dân của đất nước.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi nó sẽ xoá bỏ được những mặc cảm, tự ty trong cuộc sống của những người có công, đồng thời tạo điều kiện để họ có thể khẳng định được mình, có điều kiện phấn đấu vươn lên, tự tin trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
– Chế độ ưu đãi xã hội còn có ý nghĩa giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, tạo cơ hội để mỗi công dân nhận thức sâu sắc và phát huy tốt hơn truyền thống uống nước nhớ nguồn.
Nó khơi dây truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lòng biết đến của thế hệ trẻ đối với người đi trước. Chế độ này cũng góp phần tạo ra cách sống ân tình của con người và ý thức cam thông, chia sẻ, sự trách nhiệm… giữa các cá nhân, giữa các thể hệ trong cả cộng đồng. Đó là những nét cao đẹp trong đời sống con người mà mỗi xã hội đều hướng tới.
– Về mặt kinh tế
Những người có công là những người hy sinh xương máu, hy sinh một phần thân thể hoặc có những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, công lao của họ là to lớn không thể bù đắp hết. Tuy nhiên, những đối tượng này (đặc biệt là những người tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc) khi tuổi đã già, sức đã yếu hoặc bị thương tật nên sức khoẻ giảm sút, đời sống hàng ngày gặp rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, chế độ ưu đãi xã hội (đặc biệt là chế độ ưu đãi trợ cấp) có vai trò hết sức quan trọng nhằm đảm bảo và nâng cao đời sống cho người có công. Đặc biệt, đối với những người không còn khả năng lao động cũng như không còn ai để nương tựa thì các khoản trợ cấp từ chế độ ưu đãi có thể được coi là nguồn thu nhập chủ yếu trong đời sống của họ.
Không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo đời sống, trợ cấp ưu đãi còn giúp người có công có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất. Bên cạnh đó, những ưu tiên, ưu đãi trong các lĩnh vực khác như việc làm, nhà ở, giáo dục đào tạo đã phát huy tác dụng rất lớn trên thực tế và thật sự đã nâng cao đời sống kinh tế cho người có công và gia đình họ.
Thực tế, những người có công trong sự nghiệp cách mạng, chiến đấu và bảo vệ đất nước thường là những người có ý chí và giàu nghị lực. Trong thời bình, người có công là những người có tâm huyết, có khả năng trong nhiều lĩnh vực của đời sống.
Nếu Nhà nước có chính sách phù hợp để tạo điều kiện, khơi dậy và sử dụng hiệu quả ý chí và tài năng của họ thì đó là nguồn lực không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của quốc gia. Từ đó cũng góp phần tạo ra động lực phấn đấu cho các thành viên khác của xã hội trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
– Về mặt pháp lý
Sự kính trọng, biết ơn, những ưu tiên, ưu đãi đối với người có công không chỉ ở tấm lòng của những người dân mà còn được Nhà nước và toàn xã hội chính thức ghi nhận.
Đây không chỉ đơn thuần là sự thể chế hoá các chính sách về ưu đãi mà nó còn là sự đảm bảo về mặt pháp lý cho các quyền ưu đãi của người có công được thực hiện trên thực tế. Những thân nhân liệt sĩ, những bà mẹ Việt Nam anh hùng, họ có những nỗi đau mất mát về thân nhân đã hy sinh.
Những thương binh, bệnh binh có những thiệt thòi về sự mất mát thể chất, sức lực. Việc quan tâm giúp đỡ họ không chỉ dựa vào lòng hảo tâm của mọi người, của xã hội, của cộng đồng mà nó phải được chính thức quy định trong các văn bản pháp luật. Nó trở thành trách nhiệm của Nhà nước và các cấp chính quyền đồng thời là quyền của những người có công – quyền được hưởng các chế độ ưu đãi.
Khi đã trở thành quyền pháp lý, người có công có thể tự hào khi hưởng các quyền đó, nó không tạo ra tâm lý của người bạn ơn và kẻ được ban ơn cũng như không tạo ra cơ chế xin – cho trong thực hiện.
Đảm bảo quyền được ưu đãi cho người có công là nghĩa vụ pháp lý của các cơ quan, các công chức nhà nước. Họ phải tuân thủ pháp luật, đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ đối với người có công.