1. Mở đầu vấn đề

Chủ nghĩa thực chứng khẳng định rằng tri thức xác thực bắt nguồn từ sự kiểm nghiệm thực chứng. Là một khuynh hướng triết học bắt nguồn từ các nhà tư tưởng thời kỳ Khai sáng như Henri de Saint-Simon và Pierre-Simon Laplace, Auguste Comte nhìn nhận phương pháp khoa học chính là sự thay thế cho siêu hình học trong lịch sử tư tưởng, chứng kiến sự độc lập quay vòng của lý thuyết và sự quan sát trong khoa học. Émile Durkheim coi chủ nghĩa thực chứng xã hội học là nền tảng cho nghiên cứu xã hội. Vào đầu thế kỷ 20, một loạt các nhà xã hội học Đức, bao gồm Max Weber và Georg Simmel, đã phản đối học thuyết này và lập nên trường phái phản thực chứng trong xã hội học.

Vào đầu thế kỷ 20, chủ nghĩa thực chứng logic, một sự kế thừa lý thuyết cơ bản của Comte nhưng là một phong trào độc lập – đã nổi lên ở Viên và đã trở thành một trong những trường phái tư tưởng thống trị trong triết học Anh-Mỹ và triết học phân tích. Những nhà theo chủ nghĩa thực chứng logic bác bỏ sự ước đoán mang tính siêu hình học và cho rằng chân lý phải được giải nghĩa bằng kinh nghiệm logic, phân tích logic. Sự phê phán khuynh hướng này của các nhà triết học như Karl Popper và Thomas Kuhn đã dẫn đến sự phát triển của chủ nghĩa hậu thực chứng.

=> Chủ nghĩa thực chứng là một khuynh hướng nhận thức luận của triết học và xã hội học cho rằng phương pháp khoa học là cách thức tốt nhất để lý giải các sự kiện của tự nhiên, xã hội và con người. Chủ nghĩa thực chứng đã trở thành một chủ đề thường xuyên trong lịch sử tư tưởng phương Tây từ thời Hy Lạp cổ đại cho tới thời hiện đại và đã xuất hiện trong cuốn “Sách về quang học” của Ibn al-Haytham thế kỷ 11, khái niệm này được phát triển ở đầu thế kỷ 19 bởi nhà triết học và xã hội học người Pháp, Auguste Comte.

 

2. Đôi nét về  Auguste Comte

Auguste Comte sinh ra tại Montpellier trong một gia đình kitô giáo và theo xu hướng quân chủ, ở tây nam nước Pháp; nhưng ông đã trở thành một người có tư tưởng tự do và cách mạng rất sớm. Năm 1814, Sau khi học xong phổ thông, ông trúng tuyển vào Trường Bách khoa Paris. Đây là ngôi trường nổi tiếng với những đào tạo chuyên sâu về Chủ nghĩa cộng hòa và tiến bộ. Khi trường này đóng cửa vào năm 1816 để tái tổ chức, Comte rời trường và tiếp tục học tại trường Y ở Montpellier. Khi trường Bách khoa mở lại ông cũng không xin quay lại học.

Sau khi trở về Montpellier, Auguste Comte nhận ra sự khác biệt với gia đình và quyết định trở lại Paris, ông kiếm sống bằng nhiều việc vụn vặt. Tháng 8 năm 1817 Comte trở thành học sinh và thư ký cho Claude Henri de Rouvroy, Comte de Saint-Simon, những người đã đưa ông tiếp xúc với giới tri thức. Chính trong thời gian này Comte đã cho xuất bản những tiểu luận trong rất nhiều ấn bản đỡ đầu bởi Saint-Simon, L’Industrie, Le Politique, Le Censeur Européen và L’Organisateur, dù không xuất bản dưới tên riêng cho tới tận tác phẩm “La séparation générale des entre les opinions et les désirs” năm 1819. Năm 1824, Comte tách khỏi Saint-Simon do có những khác biệt không thể dung hòa.

Comte sau đó đã nhận ra những gì ông muốn làm – đó là tiếp tục nghiên cứu thuyết thực chứng. Ông cho xuất bản Plan de travaux scientifiques nécessaires pour réorganiser la société (1822), dù vậy ông vẫn không nhận được một công việc ổn định, cuộc sống của Comte phải dựa vào tiền hỗ trợ từ bạn bè. Năm 1826, ông bắt đầu giảng giáo trình triết học thực chứng. Ông kết hôn với Caroline Massin, nhưng ly hôn vào năm 1842. Năm 1826 Comte được đưa tới bệnh viện thần kinh nhưng rời viện trong tình trạng chưa được chữa trị vì ông muốn tiếp tục công việc dang dở. Trong khoảng thời gian này cho tới khi ly hôn, Comte cho xuất bản sáu tập của Cours.

Auguste Comte phát triển tình bạn khá thân thiết với John Stuart Mill. Từ 1844, Comte sống với Clotilde de Vaux, mối quan hệ chỉ trên lý thuyết. Sau khi cô mất năm 1846, Comte cùng Stuart Mill phát triển một cái gọi là “tôn giáo nhân văn” mới. Ông xuất bản bốn cuốn của Système de politique positive (1851 – 1854). Tác phẩm cuối cùng, tập đầu tiên của “La Synthèse Subjective” được xuất bản năm 1856.

Auguste Comte mất ở Paris vào ngày 5 tháng 9 năm 1857 và được chôn cất ở nghĩa trang nổi tiếng Père Lachaise. Căn hộ mà ông sống từ 1841-1857 hiện được bảo tồn và đổi tên thành Maison d’Auguste Comte, tòa nhà nằm ở số 10 rue Monsieur-le-Prince, Paris.

 

3. Phân tích chủ nghĩa thực chứng của Comte

Thuật ngữ “chủ nghĩa thực chứng” được Comte giải thích như sau:

“chủ nghĩa thực chứng – đó là triết học của tri thức khoa học tự nhiên thực chứng nghiệm. Các tri thức khác đều là giả hiệu, tầm thường. Nhiệm vụ của chủ nghĩa thực chứng là chỉ ra tri thức nào là tri thức khoa học đích thực, tri thức nào là tri thức giả hiệu, tầm thường. Tri thức giả hiệu, tầm thường là Siêu hình học truyền thống.”

Theo suy nghĩ của Comte tôn giáo truyền thống và chủ nghĩa duy tâm không còn thích hợp nữa. Giờ đây cách mạng xã hội đã phát huy hết tác dụng của mình, thay vào đó là nhu cầu cách mạng kỹ thuật, góp phần kiến tạo xã hội mới.

Chủ nghĩa duy tâm giàu sức tưởng tượng và vượt lên trên hiện thực khó mà đáp ứng đòi hỏi bám sát hiện thực để làm thay đổi chính nó. Trong khi đó chủ nghĩa duy vật và vô thần lại quá cứng nhắc, không tính đến nhu cầu phong phú của đời sống.

Comte chống cả ba: chống chủ nghĩa duy vật thô thiển, chống chủ nghĩa duy tâm tư biện, chống tôn giáo thần quyền. Comte gọi triết học truyền thống là siêu hình tư biện. Giải pháp khắc phục nó chỉ có thể là thứ triết học vượt ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự đối đầu duy vật – duy tâm, vô thần – tôn giáo, hay nói thẳng ra là vứt bỏ cả hai sự đối đầu, thay các suy luận mơ hồ bằng tri thức hữu dụng, dựa trên các thành tựu và các dữ kiện của khoa học cụ thể. Comte tuyên bố, nếu triết học được xây dựng trên nền tảng khoa học tự nhiên thực nghiệm, loại trừ siêu hình học cũ, thì chắc chắn nó sẽ tiến bộ hơn so với triết học truyền thống.

Trong Giáo trình triết học thực chứng Comte chỉ ra bốn chức năng, đồng thời là bốn ưu thế của triết học thực chứng.

– Một là, việc nghiên cứu triết học thực chứng tạo nên một công cụ lý tính duy nhất làm bộc lộ các quy luật lôgíc của tư duy con người, cái mà cho đến nay được xác định bằng các phương pháp không mấy phù hợp. Comte cho rằng kể từ thời F. Bacon đến nay chủ nghĩa thực chứng đã có được diện mạo rõ ràng đến mức các nhà siêu hình học đã “lợi dụng” nó để phổ biến tri thức giả hiệu của mình. Tuy nhiên, do thói quen tư duy sáo mòn, bất chấp những đòi hỏi của cuộc sống đang ngày thêm đa dạng, mà Siêu hình học chỉ dừng lại ở những phán quyết thiếu tính hiệu quả.

Đối lập với phương pháp của Siêu hình học cũ, phương pháp thực chứng có thể được đánh giá chỉ trong hành động, và thông qua “ứng dụng chuyên nghiệp”.

– Hai là, triết học thực chứng đóng vai trò tích cực trong việc cải cách nền giáo dục, vốn bị thương tổn bởi thần học, Siêu hình học và văn chương. Giáo dục thực chứng cần thay thế nền giáo dục thiếu hiệu quả và thiếu sâu sắc, từng bước nâng nó lên tầm cao mới, phù hợp với thời đại bằng phương pháp tổng hợp tri thức và áp dụng “chuyên sâu”.

– Ba là, khả năng khái quát và phân loại khoa học theo quan điểm thực chứng. Khả năng xác lập các lĩnh vực khoa học thực chứng riêng biệt trên cơ sở khoa học thực chứng căn bản tạo điều kiện trình bày hệ thống tri thức khoa học theo một trình tự hợp lý và mang tính phát triển, kế thừa. Quan điểm thực chứng đòi hỏi từ bỏ sự nghiên cứu phù phiếm phía sau những quan niệm tuyệt đối, nguồn gốc, giới hạn của vũ trụ và những thứ tương tự, kết hợp một cách chính xác lý luận và quan sát, tư duy và thực chứng; triết học này chắc chắn thúc đẩy sự phát triển của các khoa học thực chứng riêng biệt.

– Bốn là, triết học thực chứng, với đặc điểm của mình, đem đến cơ sở vững chắc để tái tổ chức đời sống xã hội, khắc phục tình trạng hỗn loạn và trì trệ, hướng xã hội vào trật tự, ổn định và không ngừng phát triển.

=> Kết thúc Giáo trình, Comte tuyên bố về sự tất thắng của “cách mạng trong tư duy con người”, khẳng định rằng mình đã hoàn thành hoạt động trí tuệ lớn lao, được bắt đầu từ Bacon, Descartes và Galilei, bằng việc xây dựng một hệ thống tư tưởng chung, cái mà từ nay về sau phải trở thành cái chủ đạo trong hoạt động của con người (theo A. Comte. Course of positive philosophy, Chapter 1. Dẫn từ History Guide – http://www. papesz. net).

 

4. Quy luật về các giai đoạn phát triển lịch sử của tri thức

Gồm có ba giai đoạn, cụ thể:

a. Giai đoạn thần học

Ở giai đoạn này, phạm vi tri thức bị hạn chế, sự hoang tưởng thống trị trong tư duy. Con người giải thích giới tự nhiên một cách lệch lạc, vì thừa nhận sự tồn tại của những lực lượng siêu nhiên huyền bí – Thượng đế, thần thánh, ma quỷ. Trong cuộc sống thực tiễn uy quyền thống trị với sức mạnh vô hạn. Trong đời sống chính trị – giai đoạn thống trị của nền quân chủ.

b. Giai đoạn siêu hình

Giai đoạn siêu hình thay thế giai đoạn thần học – Thượng đế bằng tự nhiên hay một bản thể trừu tượng nào đó như bản nguyên đầu tiên. Các sức mạnh bị phân tán. Đây là trạng thái chuyển tiếp trong sự phát triển của xã hội. Uy quyền suy yếu, mối liên hệ xã hội suy giảm, chủ nghĩa vị kỷ gia tăng trong mỗi cá nhân. Tư duy giác tính (trí năng) phát triển. Trong đời sống chính trị quyền lực quân chủ được thay bằng quyền lực của nhân dân.

c. Giai đoạn thực chứng hay khoa học

Với giai đoạn này đã đoạn tuyệt với thần học và siêu hình học, cải cách đời sống xã hội trên cơ sở tri thức thực chứng nghiệm. Tri thức này không chỉ do toán học, thiên văn học, vật lý học, hóa học, mà còn do sinh học và xã hội học, tức khoa học về xã hội, đem đến.

Mục đích của khoa học thực chứng, cũng như khả năng của nó, là làm sáng tỏ trật tự và các quy luật của tự nhiên và xã hội. Tất cả những vấn đề siêu hình, vấn đề bản chất của tồn tại, được tuyên bố là không thể giải quyết, vô bổ. Comte hiểu các quy luật của tự nhiên và xã hội như kết quả của quá trình quan sát những mối quan hệ thường xuyên giữa các hiện tượng. Chỉ có khoa học đích thực, khoa học thực chứng, mới nhận thức tương đối đầy đủ và chuẩn xác những mối quan hệ này. Giai đoạn thực chứng khắc phục mâu thuẫn giữa lý luận và thực tiễn, vốn có ở giai đoạn siêu hình. Nhận thức các quy luật cho phép dự báo những diễn biến trong tương lai của tự nhiên và xã hội.

Với học thuyết ba giai đoạn cố gắng bám sát vào sự vận động của tri thức, và gắn với nó là các bước trưởng thành của loài người. Nhưng đó là một thiết kế duy tâm. Động lực của tiến bộ xã hội được gán cho sự tiến bộ của tri thức, thể hiện ở bước chuyển từ quan niệm tôn giáo về các thực thể siêu nhiên sang khái niệm trừu tượng về tự nhiên, và từ khái niệm này sang khoa học thực chứng.

 

5. Kết thúc vấn đề

Có thể thấy chủ nghĩa thực chứng đặt ra cho mình hai nhiệm vụ là nêu và chứng minh tri thức đích thực; phê phán, tiến tới thủ tiêu tri thức tầm thường, với sự hỗ trợ của lôgíc học. Những dấu hiệu đặc trưng của khoa học “đích thực”, theo Comte, là tính khách quan, tính hiện thực(khoa học nói về các hiện tượng được quan sát, chứ không phải trí tưởng tượng), tính chính xác (khoa học xét về tính chính xác cần phải đến gần với toán học), tính hữu dụng (khoa học cần phải đem đến cho con người thành quả hiện thực, nói cách khác khoa học phục vụ cho hành động), tính tương đối (khoa học chỉ đem đến cho chúng ta tri thức tương đối, dựa trên cơ sở cảm tính, gắn liền với cơ cấu tâm, sinh lý nhất định của con người; tri thức đem đến cho chúng ta “vật cho ta”, chứ không phải “vật tự nó”).

 

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).