1. Giới thiệu khái quát chủ nghĩa hoài nghi

Một khuynh hướng trong triết học duy tâm, tuyên truyền tư tưởng hoài nghi khả năng nhận thức thực tại khách quan. Trong lịch sử triết học, chủ nghĩa hoài nghi đã đóng vai trò khác nhau tùy thuộc ở chỗ là nó đại biểu cho lợi ích của giai cấp nào. Với tư cách là một trường phái triết học riêng biệt, chủ nghĩa hoài nghi xuất hiện trong thời kỳ khủng hoảng của chế độ chiếm hữu nô lệ ở nước Hy Lạp cổ đại hồi thế kỷ IV – III trước công nguyên; ông tổ của chủ nghĩa này là Pyrrho, còn những đại biểu nổi tiếng nhất là Aenesidemus và Sextus Empiricus. Từ những tiền đề cảm giác luận, những người theo chủ nghĩa hoài nghi cổ đại đã đưa ra những kết luận bất khả tri. Tuyệt đối hóa tính chất chủ quan của những cảm giác, những người theo chủ nghĩa hoài nghi đã kêu gọi mọi người hãy không đưa ra bất kỳ một suy xét dứt khoát nào về các sự vật, họ cho rằng con người không thể vượt ra khỏi giới hạn những cảm giác của mình và cũng không thể xác định được là trong số các cảm giác ấy cảm giác nào là thật. Họ dạy rằng khước từ nhận thức thì sẽ dẫn đến thái độ bàng quan đối với sự vật, dẫn đễn chỗ làm cho con người thoát khỏi những hoài nghi và đạt đến một trạng thái bình thản trong tâm hồn (“ataraxia”). Chủ nghĩa hoài nghi cổ đại nhằm mục đích chống lại hướng phát triển duy vật của triết học.

Trong thời đại Phục hưng, có các nhà triết học Pháp Michel Montaigne, Pierre Charron và Pierre Bayle đã sử dụng chủ nghĩa hoài nghi để đấu tranh chống chủ nghĩa kinh viện trung cổ và chống giáo hội. Theo lời Marx nói, Pierre Bayle “đã phá hủy phép siêu hình thông qua chủ nghĩa hoài nghi, bằng cách đó đã chuẩn bị cơ sở cho việc hấp thụ chủ nghĩa duy vật và triết học có nội dung lành mạnh ở Pháp. Pierre Bayle đã báo hiệu sự xuất hiện một xã hội vô thần…”. Blais Pascal, trái lại, đã hướng chủ nghĩa hoài nghi chống lại sựnhận thức hợp lý, đi đến biện hộ cho đạo Cơ-đốc, một sự biện hộ dựa trên cảm tính.

Ở thế kỷ XVIII, chủ nghĩa hoài nghi được khôi phục dưới dạng chủ nghĩa bất khả tri của David Hume và Immanuel Kant; Gottlieb Schulze (Aenesideinus) đã mưu toan hiện đại hóa chủ nghĩa hoài nghi cổ đại. Khác với chủ nghĩa hoài nghi cổ đại, chủ nghĩa hoài nghi mới tuyên bố hoàn toàn dứt khoát rằng không thể có một nhận thức khoa học được. Bọn theo chủ nghĩa Mach, bọn Kant mới và các trường phái triết học duy tâm khác trong thời kỳ giữa thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX đã sử dụng các luận cứ của chủ nghĩa hoài nghi. V.I. Lê-nin đã gọi chủ nghĩa hoài nghi tư sản thời thượng là “chủ nghĩa kinh viện chết cứng và mất hết sinh khí”, chỉ ra rằng ý nghĩa giai cấp của nó thể hiện ở “thái độ tuyệt vọng không tin vào khả năng có thể phân tích được hiện tại một cách khoa học, ở hái độ khước từ khoa học, ý đồ xem thường mọi sự khái quát, bỏ qua mọi “quy luật” của quá trình phát triển lịch sử…”. Trong triết học tư sản hiện đại, chủ nghĩa hoài nghi phục vụ mục đích đấu tranh chống thế giới quan duy vật biện chứng triệt để.

 

2. Các trường phái hoài nghi chủ đạo trong thời kỳ cổ đại

Gồm có hai trường phái hoài nghi chủ đạo trong thời kỳ cổ đại, đó là:

a. Hoài nghi học viên (academic scepticism): thuộc về nhánh hoài nghi của học viện Plato (từ thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ nhất trước công nguyên).

b. Chủ nghĩa hoài nghi của Pyrrhon (Pyrrhonian Scepticism): được khởi xướng bởi Pyrrhon. Và mặc dù không có học viện theo đúng nghĩa những Pyrrhon sở hữu rất nhiều môn đồ.

=> Nhận xét: Cả 2 trường phái này đều phản đối những kiến thức giáo điều được truyền dạy thời đó. Cả 2 trường phái cũng đều bận tâm đến những bất đồng ý kiến giữa các trường phái triết học thời đó, trong đó có cả triết học khắc kỷ của chính Pyrrhon. Một câu chuyện đã kể lại rằng chính Pyrrhon đã trở nên rất bối rối khi không thể lựa chọn trường phái triết học nào là đúng đắn. Và lúc ông tự thừa nhận điều này cũng là lúc ông tìm kiếm được “sự bình yên nội tâm”.

Theo nhà triết học Carneades, một người theo khuynh hướng hoài nghi học viện đã chấp nhận rằng có những ấn tượng hoặc khẳng định thì mang tính chất thuyết phục hơn những cái khác, đặc biệt kể cả khi chúng chưa được kiểm chứng hay điều tra một cách rõ ràng. Một nhà tư tưởng khác sinh vào thời đại sau đó là Ciero (107-44 B.C) cũng đưa ra quan điểm tương tự là chúng ta nên chấp nhận những khẳng định mang lại cảm giác giống với sự thật hơn.

=> Đó là lý do tại sao tư tưởng hoài nghi học viện lại đi đôi với khái niệm Fallibilists (tạm dịch: có khả năng sai). Bởi nếu như ta tin những khẳng định bởi chúng có vẻ có khả năng đúng thì tức nghĩa ta cũng thừa nhận những khẳng định đó có khả năng sai.

Nhà triết học Cicero cũng là một nhân vật có sức ảnh hưởng lớn với chủ nghĩa hoài nghi khi ông giới thiệu với mọi người một loại ngôn ngữ – ngôn ngữ của sự nghi ngờ – thứ mà đã trở thành một khái niệm quan trọng trong những cuộc tranh luận về chủ nghĩa hoài nghi Tiền Hiện đại, và đặc biệt là cho Descartes.

Trong tác phẩm Contra Academicos (Phản đối thuyết hoài nghi học viện), thánh Augustine đã tấn công tư tưởng hoài nghi ở luận điểm rằng: có một số khẳng định thì giống thật hơn những cái khác. Trong tác phẩm De Magistro (Bàn về nhà giáo), ông cũng bảo vệ ý kiến rằng có những ý nghĩ tự bản thân nó đã đảm bảo tính đúng đắn cho nó và thừa nhận bên trong con người có sự tồn tại của sức mạnh tâm trí (người thầy tâm trí) giúp ta có thể tránh khỏi sai lầm.

Chủ nghĩa hoài nghi tiếp tục phát triển mạnh ở thế kỷ 4 sau công nguyên và tác phẩm Outlines of Pyrrhonism (tạm dịch: Sơ lược về Pyrrhon) của Sextus Empiricus (160-210 A.D) là nguồn tài liệu duy nhất cho ta biết về những lập luận của Pyrrhon.

“Người hoài nghi là người dò xét những câu hỏi triết học một cách cặn kẽ những lại không thể tìm ra một cách hòa giải các xung đột giữa các ý kiến tranh luận và những luồng tư tưởng trái chiều nhau nên họ kiềm chế phán đoán. Nếu kiềm chế được các phán đoán thì nó không phát sinh lạc quan hay tiêu cực, nhờ vậy con người đạt được một trạng thái bình yên trong tâm thức, không phải lo âu phiền muộn bởi vì những người này biết rằng họ không thể có cách tìm ra tính đúng, cũng không có cái nào là xấu hay tốt nên họ không phiền não trước những sự xảy ra trong đời sống xung quanh”.

 

3. Phân tích chủ nghĩa hoài nghi thời kỳ trung cổ

Trong suốt thời kỳ Trung cổ, chủ nghĩa hoài nghi được sử dụng nhiều với tư cách như một phương pháp luận hơn. Và hoài nghi được coi như một bộ phận quan trọng trong lý luận triết học, là bước đầu trong quá trình tìm tòi chân lý.

Nhà triết học William of Ockham (1280-1349) là một nhân vật nổi tiếng với lý thuyết mang tên “Dao cạo Ockham” của mình.

Theo đó ông nêu: nếu không cần thiết, đừng tăng thêm thực thể. Và sâu xa hơn của triết lý này là: thiên nhiên không bao giờ tạo ra những thứ thừa thãi. Những giả thuyết nào mà càng có ít sự hoài nghi thì khả năng đúng của những giả thuyết đó càng cao. Đừng cố gắng nghi ngờ nhiều quá, hãy suy nghĩ một cách đơn giản thôi, và những cái “râu ria” không cần thiết kia thì hãy cầm dao mà cạo bỏ chúng. Mặc dù đây là một lờ phát biểu đơn giản những nó đã đem lại ảnh hưởng vô cùng to lớn trong khoa học cũng như nhiều lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Thánh Augustine (354-430 A.D) là một nhân vật có ảnh hưởng lớn đến những nhà triết học Trung Cổ và Tiền Hiện đại khi ông đã có những chỉ trích rất đáng chú ý với chủ nghĩa hoài nghi học viện qua tác phẩm Contra Academicos (tạm dịch: Phản đối thuyết hoài nghi học viện).

Có một vài tác phẩm khác, như: On the Trinity – Luận về Chúa ba ngôi – Augustine tranh luận rằng có rất nhiều khẳng định mà chúng ta không thể nghi ngờ gì nữa, bao gồm những khẳng định liên quan đến cái tôi (bản thể), hay những mệnh đề toán học hoặc khẳng định logicque (2+3=5; “không có khẳng định nào vừa đúng vừa sai”) hoặc thậm chí là những khẳng định liên quan đến vật lý (thế giới khách quan tồn tại hoặc không tồn tại).

Trong một phản hồi có trước về “Lập luận giấc mơ” của Descartes, Augustine phản đối rằng: ít nhất chúng ta cũng biết một điều rằng ” hoặc chúng ta đang mơ, hoặc thế giới khách quan có tồn tại”.

Theo đó, với quan điểm của Augustine thì nếu tất cả trải nghiệm của chúng ta là mơ thì chủ nghĩa hoài nghi cũng không thắng thế vì không có danh giới nào rõ rệt giữa vẻ bề ngoài và thực tại. Cũng có nghĩa là khi đó trải nghiệm mơ của chúng ta đơn giản cũng chính là thực tại của chúng ta!

Nhà triết học Augustine cũng cho rằng fallibilism (chủ nghĩa có khả năng sai) không nhất quán bởi nó dựa trên khả năng phán đoán xem cái gì “giống thật nhất”. Trong khi chúng ta còn chưa biết cái nào là “thật” thì làm thế nào chúng ta biết được nó “giống thật nhất”? Người ta không thể nói A giống B khi còn chưa biết B là cái gì!

Tuy nhiên chủ nghĩa hoài nghi đã từng rất được ưa thích tại Pháp trong thế kỷ 16. Một trong số các triết gia theo khuynh hướng hoài nghi của thời kỳ này là Michel de Montaigne (1532-1592) đã viết cuốn Apology for Raymond Sebond. Trong đó, một câu cách ngôn đã trở nên nổi tiếng của Montaigne là “Tôi biết điều gì”. Bởi đối với ông, hoài nghi là một hệ quả không thể tránh được của triết học. Dựa trên những lập luận của Sextus Empirius và Cicero, Montaigne giữ quan điểm rằng bất cứ lập luận nào đưa ra cũng đều có một lập luận khác phản bác lại. Nhưng trong khi ông ta phản đối lý tưởng theo đuổi một sự thật tuyệt đối thì Montaige lại có niềm tin vào năng lực phán đoán của con người và sử dụng nó để sống vui vẻ. Montagne kết luận rằng nếu tri thức đòi hỏi sự chắc chắn thì không thể có được tri thức. Chúng ta cần sống với những niềm tin có khả năng đúng cao hơn là suốt ngày đi tìm một sự thật tuyệt đối như niềm tin dựa trên sự tin cậy, uy quyền và phong tục.

Sự đối lập giữa lòng trung thành và lý trí mà Montagne lấy ví dụ là thứ khiến triết gia Descartes bận tâm nhất. Descartes là người đã thấy được một mâu thuẫn cơ bản của ý tưởng Chúa trời tạo ra con người nhưng chức năng lý luận của chúng ta lại ngăn cản ta tiếp cận sự thật và khả năng đạt được tri thức.

 

4. Xác định, nhận xét chủ nghĩa hoài nghi thời đại ngày nay

Về chủ nghĩa hoài nghi thời đại ngày nay tồn tại như một đe dọa mà các nhà triết gia phải học cách sống chung với nó. Một số triết gia trong những năm gần đây đã phát triển một hướng tiếp cận gọi là “tiếp cận theo ngữ cảnh” (contextualist) để ứng phó với chủ nghĩa hoài nghi.

Theo hướng này khi chúng ta không thể đáp ứng những tiêu chuẩn quá cao của chủ nghĩa hoài nghi trong việc định nghĩa tri thức ở ngữ cảnh triết học thì khi ta cần sử dụng “tri thức” theo nghĩa thông thường của nó, chúng ta sẽ có tiêu chí khác để phán định ai đó có tri thức một cách đúng đắn hay là không.

– Ví như: “chiếc bàn này phẳng không?”

=> Sẽ có những câu trả lời khác nhau dựa theo ngữ cảnh của cuộc đàm thoại thông thường hay đang trong một tiết học vật lý.

– Tương tự, nếu có câu hỏi: “một người có thể biết mình có tay hay không?” cũng sẽ có câu trả lời dựa theo ngữ cảnh triết học hay thông thường.

Hãy nhớ lại tiêu chuẩn khắt khe của chủ nghĩa hoài nghi đối với tri thức: để được coi là hiểu biết một điều gì đó đúng thì một người phải loại bỏ mọi khả năng sai sót của vấn đề ấy. Vào năm 1996, David Lewwis đưa ra một hướng lập luận trung gian như sau: chúng ta vẫn chấp nhận định nghĩa về việc có được tri thức đúng là nó phải loại bỏ mọi khả năng sai, tuy nhiên, mọi khả năng sai này phải tùy từng ngữ cảnh.

 

5. Phân tích nhận thức luận và chủ nghĩa hoài nghi

– Chủ nghĩa hoài nghi có quan hệ với lĩnh vực nhận thức luận, hay câu hỏi về chuyện tri thức có thể đạt được hay không. Những người hoài nghi chủ nghĩa tranh luận rằng niềm tin vào cái gì đó không chứng minh được một khẳng định của tri thức về cái đó. Ở đây, chủ nghĩa hoài nghi đối lập với duy bản luận (foundationalism) – luận thuyết cho rằng phải có các niềm tin căn bản nào đó đã được chứng minh mà không cần viện dẫn đến các niềm tin khác.Các nhà hoài nghi chủ nghĩa khẳng định rằng các cảm giác mà một cá nhân bất kỳ trải nghiệm không nhất thiết giống với các cảm giác mà những người khác trải nghiệm.

Nếu giả thiết rằng duy bản luận là đúng, thì ta có các niềm tin căn bản; và để là căn bản, các niềm tin căn bản của ta phải được chứng minh bằng cái gì đó không phải là một niềm tin; vậy cái gì chứng minh chúng? Hoạt động của các quá trình nhận thức thông thường như nhìn thấy, nhớ lại, cảm thấy, suy tưởng…? Khi ta nhớ lại một điều gì đó, việc đó cho ta một lý do tuyệt vời để tin vào cái mình đang nhớ lại. Không phải trong mọi trường hợp, nhưng thường thì ta không thể nghĩ ra lý do gì để tin rằng ký ức cụ thể đó là sai, nhất là khi ký ức đó sinh động. Nhưng dù sao, nếu ta dùng ký ức để chứng minh cho các niềm tin thì ký ức của ta phải đáng tin cậy. Tương tự với tri giác, nếu sự kiện rằng ta đang có vẻ nhìn thấy một cái gì đó làm cho việc ta tin rằng thực sự có cái đó được chứng minh, thì ta phải giả thiết rằng tri giác đó đáng tin cậy. Nếu nó không đáng tin cậy – nghĩa là nếu nó thường cho ta thông tin sai – thì ta không thể nói rằng ta được chứng thực chỉ dựa trên việc sử dụng tri giác.

– Chủ nghĩa hoài nghi địa phương (local skepticism) là chủ nghĩa hoài nghi “về các lĩnh vực cụ thể”.

– Chủ nghĩa hoài nghi thế giới bên ngoài (External world skepticism) là quan niệm rằng không thể biết gì về thế giới bên ngoài hay sự tồn tại của nó, dựa trên giả thuyết rằng năng lực tri giác là không đáng tin cậy.

 

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).