Chủ thể phát hành chứng khoán ra công chúng là nội dung được chúng tôi chia sẻ, làm rõ ngay trong bài viết này. Mời Quý vị theo dõi:
Chủ thể phát hành chứng khoán ra công chúnglà những tổ chức tiến hành huy động vốn trên thị trường chứng khoán bằng cách chào bán ra công chúng các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu đối với một phần vốn góp của tổ chức phát hành cổ phiếu); hoặc xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn nợ của tổ chức phát hành (trái phiếu); hoặc xác nhận các quyền lợi hợp pháp khác của người sở hữu chứng khoán (quyền ưu tiên mua trước; trái phiếu chuyển đổi…).
Theo pháp luật hiện hành, chủ thể phát hành chứng khoán ra công chúng gồm tất cả các tổ chức có chào bán các loại chứng khoán được pháp luật thừa nhận theo một trong ba phương thức:
(b) Chào bán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
(c) Chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định.
Đi vào chi tiết, chủ thể phát hành chứng khoán ra công chúng có thể là doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá. Trường hợp này, tuỳ theo yêu cầu nắm giữ vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp, phần vốn còn lại sẽ được doanh nghiệp chào bán rộng rãi ra công chúng thông qua phát hành cổ phiếu. Hoạt động chào bán cổ phiếu ra công chúng của doanh nghiệp cổ phần hoá nói trên phải chịu sự điều chỉnh của những quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng.
Có thể nói hiện tại và trong thời gian tới, đây là nhóm chủ thể tương đối lớn về số lượng, đặc biệt kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2006, khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực. Lí do là theo Điều 166 Luật doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước sẽ thực hiện lộ trình chuyển đổi hàng năm thành công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn và trong vòng bốn năm kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2006 quá trình chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước phải hoàn tất.
Trong số các doanh nghiệp chuyển đổi thành công ti cổ phần, số lượng các doanh nghiệp lựa chọn trở thành công ty đại chúng sẽ không nhỏ do nhận thức của xã hội ta về những lợi thế mà công ti đại chúng đem lại ngày càng cao.
Chủ thể phát hành chứng khoán ra công chúng cũng có thể là những công ti trách nhiệm hữu hạn chuyển đổi thành công ti cổ phần thông qua việc chào bán cổ phiếu ra công chúng để gọi vốn rộng rãi từ công chúng đầu tư. Đây cũng là một trong những hình thức tổ chức lại doanh nghiệp được thừa nhận theo Luật doanh nghiệp năm 2005. Vì vậy, khi chào bán cổ phiếu ra công chúng để huy động vốn, các công ty này cũng phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật chào bán chứng khoán ra công chúng.
Chủ thể phát hành chứng khoán ra công chúng còn có thể là các công ty cổ phần phi đại chúng, nay có nhu cầu tăng vốn điều lệ và được phép tăng vốn điều lệ bằng chào bán cổ phiếu rộng rãi ra công chúng; cũng có thể là các công ty cổ phần đại chúng gọi thêm vốn bằng cách chào bán cổ phiếu bổ sung hoặc chào bán các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật; cũng có thể là các công ty cổ phần và công ti trách nhiệm hữu hạn được phép chào bán trái phiếu ra công chúng để huy động nguồn vốn dài hạn, tạm thời nhàn rỗi trong công chúng, đáp ứng nhu cầu vốn trong kinh doanh của mình.
Ngoài nhóm chủ thể là các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh cần vốn nói trên, chủ thể phát hành chứng khoán ra công chúng còn bao gồm cả các quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng và các công ty đầu tư chứng khoán. Đây là nhóm chủ thể đặc thù chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư đại chúng (do quỹ công chúng thực hiện) hoặc cổ phiếu (do công ty quản lý quỹ thực hiện) để huy động vốn từ công chúng đầu tư và sử dụng vốn huy động được để chủ yếu đầu tư vào chứng khoán, đem lại lợi nhuận đầu tư cho các chủ sở hữu chứng chỉ của quỹ hoặc các cổ đông của công ti đầu tư chứng khoán.
Khi nói về chủ thể phát hành chứng khoán ra công chúng, cần tránh nhầm lẫn loại chủ thể này với các chủ thể tham gia vào quá trình chào bán chứng khoán ra công chúng. Chủ thể phát hành chứng khoán ra công chúng là những chủ thể có nhu cầu về vốn, vì vậy thực hiện nghĩa vụ đăng kí chào bán với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để huy động vốn, thoả mãn nhu cầu tài chính của mình.
Trên thực tế, các chủ thể phát hành thường không tự mình thực hiện các thủ tục cần thiết trước khi phát hành và cũng ít khi tự mình chào bán chứng khoán mà thường thông qua các trung gian là các công ti chứng khoán hoặc các ngân hàng đầu tư để hoàn tất công việc này. Vì vậy, tham gia vào quá trình chào bán chứng khoán ra công chúng không chỉ có các tổ chức phát hành mà còn có cả các chủ thể khác đóng vai trò của các nhà tư vấn phát hành, bảo lãnh hoặc đại lí phát hành.
Mục đích của các chủ thể này khi tham gia vào quá trình chào bán chứng khoán ra công chúng là nhằm tìm kiếm lợi nhuận, thông qua phí dịch vụ (trường hợp tư vấn phát hành; đại lí phát hành) hoặc hưởng chênh lệch giá (trường hợp bảo lãnh phát hành).
>>>>> Xem thêm: Chứng khoán là gì?