Trong nội dung bài viết này chúng tôi sẽ hỗ trợ tư vấn về vấn đề: Giải quyết tranh chấp thương mại bằng tự thương lượng là gì?
Khái niệm tự thương lượng
Có thể hiểu, thương lượng là việc các bên tranh chấp tự thoả thuận về một vấn đề mâu thuẫn, xung đột về quyền và nghĩa vụ phát sinh trong quan hệ thương mại, “là một hình thức giải quyết không cần có sự can thiệp của bất kỳ tổ chức hoặc cá nhân nào khác mà do các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tự bàn bạc, cân nhắc, thảo luận, đàm phán với nhau để đi đến cách giải quyết vụ tranh chấp trên cơ sở đồng thuận của tất cả các bên. Theo Từ điển Luật học, “thương lượng là hình thức giải quyết tranh chấp kinh tế; theo đó các bên tự bàn bạc để thống nhất cách thức; loại trừ tranh chấp mà không cần tới sự tác động hay giúp đỡ của người thứ ba”.
Thương lượng là một phương thức giải quyết tranh chấp thương mại được ghi nhận tại Điều 317 Luật Thương mại (2005). Bên cạnh đó, Điều 14 Luật Đầu tư (2014) cũng ghi nhận thương lượng là một phương thức mà các nhà đầu tư có thể sử dụng (thậm chí là ưu tiên sử dụng) khi có các tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Điều đó cho thấy, phương thức giải quyết tranh chấp bằng thương lượng đã được ghi nhận chính thức tại các văn bản pháp lý hiện hành. Tuy nhiên, pháp luật về thương mại, đầu tư của Việt Nam lại không có những quy định cụ thể về thương lượng. Chính vì thế, các thương nhân hiện nay còn chưa thực sự nắm rõ bản chất pháp lý, cách thức thực hiện thương lượng, từ đó, hiệu quả sử dụng phương thức này không cao.
Đặc điểm của giải quyết tranh chấp thương mại bằng tự thương lượng
Thương lượng có một số đặc điểm như sau:
Thứ nhất, về bản chất, thương lượng là một phương thức giải quyết tranh chấp. Cần phải phân biệt thương lượng với tư cách một phương thức giải quyết tranh chấp với hoạt động thương lượng, đàm phán giao kết hợp đồng.
Ví dụ: Việc công ty A và công ty B đàm phán các điều khoản để ký kết một hợp đồng mua bán gạo sẽ khác với việc công ty A và công ty B giải quyết tranh chấp nảy sinh trong hoạt động mua bán gạo bằng phương pháp thương lượng. Đàm phán hợp đồng cũng có yếu tố thương lượng, nhưng kết quả mà các bên hướng đến là việc thiết lập một hợp đồng để thực hiện hoạt động thương mại.
Ngược lại, phương thức giải quyết tranh chấp thương lượng lại là một biện pháp để giải quyết, dàn xếp các mâu thuẫn, tranh chấp do không thực hiện đúng các quyền, nghĩa vụ hoặc các bất đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng hoặc trong quá trình đầu tư. Do đó, trong quá trình thương lượng đàm phán giao kết hợp đồng, các bên đang “dự kiến” các hoạt động sẽ diễn ra, kết quả của thương lượng có thể là việc bắt đầu một mối quan hệ đối tác làm ăn. Giải quyết tranh chấp bằng thương lượng lại là việc đàm phán về những hành vi và việc xử lý các kết quả của những hành vi đã diễn ra, ví dụ như cách thức xử lý một hành vi vi phạm hợp đồng.
Thứ hai, về chủ thể, thương lượng là một phương thức giải quyết tranh chấp không có sự can thiệp của bên thứ ba. Các bên tranh chấp sẽ tự tiến hành đàm phán, giải quyết các mâu thuẫn. Do đó, sử dụng phương thức thương lượng sẽ mang lại lợi ích là khả năng bảo toàn các thông tin trong kinh doanh khá cao cũng như tiết kiệm được chi phí thuê bên trung gian giải quyết tranh chấp. Nhưng ngược lại, chính đặc điểm này lại có thể dẫn tới một số hạn chế như: Kết quả giải quyết tranh chấp phụ thuộc rất lớn vào sự thiện chí của các bên; sự hạn chế từ kiến thức, kỹ năng, nhận thức pháp luật có thể dẫn tới sự kém hiệu quả trong quá trình giải quyết tranh chấp.
Thứ ba, về mục đích và kết quả, thương lượng là một phương thức giải quyết tranh chấp mà các bên hướng tới sự đồng thuận trên cơ sở tự nguyện, thiện chí. Để đạt được thoả thuận chung, các bên cần đảm bảo yếu tố “cân bằng lợi ích”, đôi bên cùng có lợi. Đặc điểm này khác với những phương thức giải quyết tranh chấp trong tố tụng như Toà án hay trọng tài. Kết quả của thương lượng là kết quả của quá trình nỗ lực tự đàm phán, thương thuyết. Các bên có thể giải quyết được mâu thuẫn hoặc không. Dù có đạt được một thoả thuận mới dàn xếp được tranh chấp, các bên cũng sẽ tự nguyện thi hành mà không có sự cưỡng chế từ Nhà nước.
Nguyên tắc thực hiện từ thương lượng
– Nguyên tắc tự nguyện: Việc các bên dàn xếp vụ tranh chấp hoàn toàn dựa trên tinh thần tự nguyện. Không bên nào được phép ép buộc bên kia phải thương lượng với mình về vụ tranh chấp. Một bên có thể chấp nhận thương lượng hoặc rút lui khỏi cuộc thương lượng bất cứ khi nào.
– Nguyên tắc thiện chí: Các bên phải tiến hành việc giải quyết tranh chấp trên cơ sở cùng nhau xây dựng, thái độ thân thiện và hợp tác. Bởi, giữa các bên đã và đang tồn tại các mâu thuẫn, do đó muốn tự dàn xếp vụ việc một cách thuận lợi, tinh thần và thái độ thiện chí là một nguyên tắc quan trọng để đạt được hiệu quả cao nhất trong hoạt động thương lượng.
– Nguyên tắc không có sự can thiệp của bên thứ ba: Các bên khi đã lựa chọn giải pháp thương lượng để dàn xếp mâu thuẫn, cần lưu ý rằng đây là một phương thức tự giải quyết tranh chấp mà không có sự tham gia của bên thứ ba trung lập. Do pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về phương thức này, việc các bên muốn cử đại diện pháp lý tham gia vào vụ tranh chấp sẽ hoàn toàn do sự thoả thuận. Việc không có sự can thiệp của bên thứ ba sẽ khiến vụ tranh chấp được giữ kín về mặt thông tin cũng như các bên tiết kiệm được chi phí thuê bên trung gian giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, nếu các bên không đảm bảo nguyên tắc thiện chí và có kiến thức pháp lý tốt thì hiệu quả giải quyết tranh chấp có thể sẽ không được đảm bảo.
– Nguyên tắc bí mật: Để giải quyết tranh chấp, các bên cần đưa ra những bằng chứng, thông tin… về vụ việc. Khi bước vào quá trình giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, các bên cần lưu ý đảm bảo bí mật các thông tin này. Tôn trọng nguyên tắc bí mật sẽ là một điều kiện rất thuận lợi để các bên thể hiện sự tôn trọng, tinh thần thiện chí và sự cởi mở chia sẻ các thông tin để từ đó tháo gỡ các mâu thuẫn tranh chấp.
Trình tự thực hiện từ thương lượng
Mặc dù pháp luật không có quy định cụ thể, tuy nhiên việc thương lượng các tranh chấp thương mại cần trải qua các giai đoạn sau:
Bước 1: Chuẩn bị thương lượng
Khác với các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Toà án nhưng có sự tham gia của bên thứ ba như hoà giải hay trọng tài thương mại; ở phương thức thương lượng, các bên không nhất thiết phải đạt được một thoả thuận về việc sử dụng phương thức thương lượng trước khi tiến hành thương lượng. Ở bước chuẩn bị thương lượng, có thể chỉ một trong các bên tranh chấp chuẩn bị cho quá trình này. Việc có thể tiến hành thương lượng hay đạt được một kết quả cuối cùng hay không sẽ phụ thuộc vào sự thiện chí của các bên với nhau.
Ví dụ: Công ty A chậm giao hàng cho công ty B 10 ngày so với thoả thuận trong hợp đồng. Công ty B yêu cầu chấm dứt hợp đồng và công A phải chịu phạt và bồi thường thiệt hại. Công ty A thấy yêu cầu đó là quá nặng so với các thoả thuận trong hợp đồng. Tuy nhiên, công A đã chuẩn bị các căn cứ pháp lý cũng như các lý lẽ để hướng tới việc dàn xếp vụ việc với công ty B mà không hiện ra Toà hay sử dụng các biện pháp như hoà giải, trọng tài.
Do đó, ở phương thức thương lượng, các bên không nhất thiết tồn tại một thoả thuận về thương lượng ngay từ ban đầu, mà một bên sẽ khởi xướng về việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức này. Bên khởi xướng giải quyết tranh chấp bằng thương lượng đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định kết quả thương lượng.
Do tại thời điểm này, mối quan hệ giữa hai bên đã có xảy ra xung đột, nên bên khởi xướng thương lượng cần có kỹ năng đàm phán tốt, ví dụ các kỹ năng như: Tách con người ra khỏi vấn đề (tập trung vào vấn đề tranh chấp, không tập trung vào việc công kích lẫn nhau); tập trung dàn xếp các lợi ích, không nên quá chú ý vào địa vị, vị trí các bên trong mối quan hệ, nhấn mạnh vào các vấn đề khách quan để tìm ra một giải pháp đôi bên cùng có lợi”. Tuy nhiên, các bên có thể cũng cùng nhau chuẩn bị cho quá trình tiến hành thương lượng. Nếu các bên cùng nhau đạt được sự đồng thuận để bước vào quá trình thương lượng, hiệu quả thương lượng có thể cao hơn. Việc chuẩn bị thương lượng có thể có các công việc như: chuẩn bị tài liệu, nhân sự, địa điểm… cho cuộc đàm phán.
Bước 2: Tiến hành thương lượng
Sau khi được khởi xướng từ một bên và nhận được sự đồng thuận từ phía còn lại, hoặc cả hai bên đều thống nhất bước vào việc thương lượng, các bên sẽ tiến hành hoạt động thương lượng. Quá trình thương lượng có thể dài hoặc ngắn tuỳ thuộc vào tính chất, độ phức tạp của vụ việc, sự thiện chí của các bên… Phương thức có thể là trực tiếp (gặp gỡ, cuộc họp trực tiếp) hoặc gián tiếp (thông qua các phương tiện liên lạc). Về mặt nhân sự tham gia quá trình thương lượng, các bên không được trợ giúp từ bên thứ ba với vai trò là bên giải quyết tranh chấp, nhưng có thể sử dụng những đại diện trợ giúp pháp lý cho mình.
Bước 3: Xác định kết quả thương lượng
Kết thúc cuộc thương lượng, các bên có thể kết luận lại vấn đề về việc thương lượng có thành công hay không. Kết quả thương lượng có thể không giải quyết được tranh chấp, giải quyết được một phần tranh chấp hoặc giải quyết thành công toàn bộ cuộc tranh chấp. Hiện nay pháp luật không có quy định về thương lượng, do đó, các bên sẽ tự kỷ kết những biên bản, thoả thuận và tự nguyện thi hành kết quả đó.
+ Hoà giải ngoài tố tụng: Là hình thức hoà giải qua trung gian, được các bên tiến hành trước khi đưa vụ tranh chấp ra cơ quan tài phán. Đối với hoà giải ngoài tố tụng, pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới coi đây là công việc riêng của các bên nên không điều chỉnh trực tiếp và chi tiết.
+ Hoà giải trong tố tụng: Là hoà giải được tiến hành tại Toà án hay trọng tài khi các cơ quan này giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của các bên. Người trung gian hoà giải trong trường hợp này là toà án và trọng tài (cụ thể là thẩm phán hoặc trọng tài viên phụ trách vụ việc). Hoà giải trong tố tụng được coi là một bước, một giai đoạn trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng con đường toà án hay trọng tài. Hòa giải chỉ được tiến hành khi một bên có đơn kiện gửi đến Toà án hoặc đơn yêu cầu trọng tài giải quyết và đơn này được thụ lý.
– Căn cứ vào cách thức tổ chức, có hai phương thức hòa giải: hòa giải vụ việc và hòa giải quy chế.
Hòa giải vụ việc là hình thức theo đó, chính các bên tranh chấp tổ chức và giám sát quá trình hòa giải mà không có sự tham gia của bất kỳ tổ chức nào. Các bên có thể thoả thuận để xây dựng trình tự, thủ tục hoà giải hoặc lựa chọn các quy tắc hoà giải phổ biến trên thế giới, chẳng hạn Quy tắc Hòa giải của UNCITRAL (The United Nations Commission on International Trade Law Conciliation Rules) 1980.
Hòa giải quy chế là hình thức hòa giải do một tổ chức hoặc một trung tâm chuyên nghiệp, giám sát tố tụng trọng tài tiến hành’. Hòa giải quy chế có quy tắc tố tụng riêng. Chẳng hạn, quy tắc Hòa giải lựa chọn của Phòng Thương mại Quốc tế (The Rules of Optional Conciliation of the International Chamber of Commerce) được nhiều trung tâm hòa giải vận dụng để xây dựng quy chế hòa giải cho mình. Quy tắc hòa giải của Trung tâm Hệ thống Trọng tài Châu Âu – Ả Rập (The Rules of Conciliation of the Euro – Arab Arbitration System Centre) là quy tắc hòa giải được trung tâm này sử dụng để hòa giải tranh chấp khi có yêu cầu của các bên.
Ưu và nhược điểm của giải quyết tranh chấp trong thương mại bằng hòa giải
– Ưu điểm
Giải quyết tranh chấp trong thương mại bằng hòa giải cũng có nhiều ưu điểm như phương thức thương lượng, bởi tính đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, sự linh hoạt, hiệu quả và ít tốn kém,
+Bên cạnh những ưu điểm chung, hòa giải còn có ưu điểm vượt trội được mang lại bởi sự tham gia của người thứ ba trong quá trình giải quyết tranh chấp. Bên thứ ba được các bên chọn làm trung gian hòa giải thường là người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm, am hiểu lĩnh vực và vấn đề đang tranh chấp. Vì vậy, trong những trường hợp kinh nghiệm và sự hiểu biết của các bên về vấn đề tranh chấp còn nhiều hạn chế, giải quyết tranh chấp bằng thương lượng sẽ khó có khả năng đạt kết quả, nhưng khi có sự can thiệp của người thứ ba làm trung gian hòa giải thì cơ hội thành công lại cao hơn.
+ Ngoài ra, kết quả hòa giải được ghi nhận và chứng kiến bởi người thứ ba nên mức độ tôn trọng và tự nguyện tuân thủ các cam kết đã đạt được trong quá trình hoà giải giữa các bên cũng cao hơn so với phương thức thương lượng.
– Nhược điểm
Mặc dù có sự trợ giúp của người thứ ba làm trung gian hòa giải nhưng nếu một bên không trung thực, thiếu sự thiện chí, hợp tác trong quá trình đàm phán thì hòa giải cũng khó có thể đạt được kết quả mong đợi.
Trong quá trình hòa giải các bên phải trao đổi, cung cấp thông tin với người thứ ba về hoạt động kinh doanh của mỗi bên liên quan đến vụ tranh chấp nên uy tín cũng như bí mật trong kinh doanh của mỗi bên cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, chi phí cho quá trình giải quyết tranh chấp thương mại bằng hòa giải cũng thường tốn kém hơn so với thương lượng, bởi một hoặc các bên tranh chấp phải trả khoản dịch vụ phí cho người thứ ba làm trung gian hòa giải.