1. Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là gì?
Một người giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là khi họ không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường. Người phạm tội không còn khả năng kiềm chế bản thân và gây ra hành vi nguy hiểm cho xã hội xuất phát từ việc tinh thần bị kích động mạnh.
Điều 125 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật Hình sự) quy định Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh như sau:
“Điều 125. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.”
2. Dấu hiệu của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?
2.1. Khách thể của tội phạm
Giết người trong trạng thái bị kích động mạnh bản chất vẫn là hành vi giết người do một hành vi trái luật của nạn nhân gây ra. Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh xâm phạm quyền sống của con người.
Như vậy, khách thể của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là quyền sống của con người, quyền được nhà nước bảo hộ về tính mạng của con người.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là hành vi của một người không tự kiềm chế được mình trước hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với chính mình hoặc đối với người thân thích của mình nên đã giết chết nạn nhân.
Hành vi thuộc mặt khách quan của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh giống với hành vi của tội giết người. Các phương tiện như súng, dao, gậy gộc, tay chân, thuốc độc… Hành vi tước bỏ quyền sống của người khác thường được thực hiện bằng các phương thức như bắn, chém, đâm, treo cổ, bóp cổ, đầu độc, đấm đá v.v… Tuy nhiên tội phạm này khác tội giết người ở chỗ tinh thần của người phạm tội bị kích động mạnh và có hành vi trái luật của nạn nhân khiến người phạm tội bị kích động mạnh.
Người bị kích động về tinh thần là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Lúc đó họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình; trạng thái tinh thần của họ gần như người điên (người mất trí)tuy nhiên nó chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường.
Trường hợp người phạm tội có bị kích động về tinh thần nhưng chưa tới mức mất khả năng tự chủ thì không gọi là bị kích động mạnh và không thể lấy lý do tinh thần bị kích động mạnh để bào chữa cho hành vi giết người của mình.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân bao gồm những hành vi vi phạm pháp luật hình sự xâm phạm đến lợi ích của người phạm tội. Thông thường những hành vi trái pháp luật của nạn nhân xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người phạm tội, nhưng cũng có một số trường hợp xâm phạm đến tài sản của người phạm tội như: đập phá tài sản, đốt cháy, cướp giật, trộm cắp v.v…
Một người bị kích động mạnh về tinh thần ngoài trường hợp nạn nhân có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với chính bản thân họ, thì còn có cả trường hợp nạn nhân có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với những người thân thích của người thực hiện việc giết người. Những người thân thích là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân như: vợ đối với chồng; cha mẹ với con cái; anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ đối với nhau; ông bà nội ngoại đối với các cháu v.v… Ví dụ, người bố thấy con gái mình đang bị B hãm hiếp, người bố rơi vào kích động mạnh xông đến đấm đá liên tiếp vào B, sau đó B chết do bị đấm đá vào chỗ hiểm. Trong trường hợp này, tinh thần của người bố rơi vào trạng thái bị kích động mạnh khi nhìn thấy con gái mình bị hãm hiếp, người bố muốn ngăn B ko tiếp tục hành vi của mình nữa đồng thời trả thù cho con gái. Khi đó, người bố không nhận thức hết được hành đấm đá vi của mình trúng chỗ hiểm khiến B tử vong.
Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội bị kích động mạnh về tinh thần. Không có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân thì người phạm tội không bị kích động mạnh và nếu người phạm tội không bị kích động bởi hành vi trái pháp luật của người khác thì hành vi giết người đã không xảy ra hoặc không bị kích động mạnh bởi hành vi trái luật của phạm nhân mà hành vi giết người vẫn xảy ra thì thuộc tội giết người (Điều 123). Trường hợp người phạm tội tự mình gây nên tình trạng tinh thần kích động mạnh rồi giết người cũng không thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh. Ví dụ: A và B cãi nhau rồi dẫn đến hai người đánh nhau, A bị B đánh, về nhà bực tức uống rượu say rồi mang dao găm đến nhà B gọi B ra cổng dùng dao đâm chết B. Trường hợp này, B tự tức rồi tự mình uống rượu say dẫn đến mất nhận thức, căn bản hành vi của A không làm cho B bị kích động mạnh mà sự kích động mạnh ở đây so rượu mà ra. Vì thế, trường hợp này B không phải là giết người trong trạng thái bị kích động mạnh.
2.3. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là bất kì người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Thứ nhất, chủ thể của tội phạm có thể là công dân Việt Nam, người nước ngoài, hay người không quốc tịch.
Thứ hai, chủ thể là người từ đủ 16 tuổi. Đây cũng là sự khác biệt đối với tội giết người (Điều 123), tội giết người quy định chủ thể chịu trách nhiệm hình sự là người từ đủ 14 tuổi, tuy nhiên theo Điều 12 Bộ luật Hình sự, chủ thể chịu trách nhiệm đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là người từ đủ 16 tuổi. Quy định này phù hợp với tâm sinh lý của người phạm tội chưa thành niên. Người dưới 16 tuổi thường dễ kích động, chưa biết kiềm chế, dễ rơi vào trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, đặc biệt chưa nhận thức được hết hậu quả xảy ra đối với hành vi của mình.
Thứ ba, chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự. Như đã phân tích ở trên, vốn dĩ người phạm tội là người bình thường, nhưng lúc phạm tội, tinh thần của họ bị kích động mạnh, sau đó họ sẽ trở lại bình thường. Người bình thường ở đây là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi giết người với lỗi cố ý trực tiếp. Tuy đang bị kích động mạnh, khó có thể làm chủ bản thân nhưng người phạm tội không mất đi hoàn toàn ý thức nhưng họ vẫn thực hiện hành vi với mong muốn hậu quả chết người xảy ra.
3. Giết người vì tình trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh
Tình huống 1: D và T yêu nhau được 5 năm, sau khi tốt nghiệp đại học hai người đã tính đến việc kết hôn. Khi T đi làm tại một công ty tư nhân thì T quen một người tên H. T và H có nảy sinh tình cảm. Sau đó, D phát hiện H đến phòng trọ của T và hai người đang có hành động thân mật. Hai bên có xảy ra cãi vã và xô xát kịch liệt. Lúc đó, D không làm chủ được bản thân và khiến H bị thương dẫn đến tử vong. Sau đó, D đã rất hối hận và tự ra đầu thú. Vậy, trong trường hợp này D có phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không?
Trả lời: Tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi phạm tội của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên sự phản ứng dẫn tới hành vi giết người, cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác.
Sau khi thụ lý vụ án, dựa vào những chứng cứ tại hiện trường và tình tiết của sự việc, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ đưa ra được những kết luận về tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của bị cáo. Tuy nhiên, xét vào mô tả của tình huống trên, hành vi giết người của D được thực hiện tức thời, do bị kích động về tâm lý.
Thạc sỹ Trần Đình Hải giảng viên Khoa Tội phạm học và Điều tra tội phạm trường Đại học Kiểm sát Hà Nội lý giải một số nguyên nhân “chia tay là giết” xuất hiện ngày càng nhiều hiện nay. Ông cho biết, mâu thuẫn trong tình yêu đôi lứa, đặc biệt với giới trẻ nếu không biết hoặc thiếu kỹ năng giải quyết sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ vi phạm pháp luật như: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bôi nhọ, làm nhục, hành hạ bạo lực hoặc thậm chí giết người.
Về phía người phạm tội: Khi xảy ra hiểu lầm, cãi vã hoặc chia tay, nhiều người rơi vào trạng thái thất vọng và tuyệt vọng. Nếu như trong tình yêu gặp người bạn không chung thủy, bị áp bức, trì triết,… hoặc rơi vào hoàn cảnh “bị đá”, bị túng quẫn hoặc cảm thấy mình bị dồn vào bước đường cùng có thể dẫn đến việc ra tay sát hại người mình yêu.
Như vậy, hành vi giết người vì tình của D phù hợp với trạng thái tâm lý bị kích động. Vốn dĩ người phạm tội là người bình thường, nhưng lúc phạm tội, tinh thần của họ bị kích động mạnh, sau đó họ sẽ trở lại bình thường. Người bình thường ở đây là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự bao gồm năng lực nhận thức và năng lực làm chủ hành vi.
Tình huống 2: H và L yêu nhau được 3 năm. Tuy nhiên gia đình H ngăn cản H và L đến với nhau. Sau một thời gian dài, do không chịu được áp lực từ gia đình, H đề nghị chia tay với L. Sau đó, L không đồng ý và đã có những cảm xúc tiêu cực. Một tuần sau, L mua 5 lít xăng, lợi dụng đêm tối nhà H đang ngủ say, L phóng hỏa đốt nhà H. Kết quả, gia đình H có 2 người tử vong. Như vậy, L có bị coi là phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không?
Trả lời: Dựa trên dấu hiệu của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, tình huống này không thể được coi là phạm tội trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Vì, hành vi này không xảy ra ngay tức thì mà trải qua thời gian sự kiện chia tay xảy ra. Bên cạnh đó, L có chuẩn bị cho hành vi phạm tội của mình bằng việc đi mua xăng để thực hiện hành vi phóng hỏa khiến cho hai nạn nhân tử vong. Thời gian thực hiện còn được dự định vào ban đêm khi các nạn nhân mất cảnh giác. Do đó, L có thể bị kết tội giết người.
4. Hình phạt đối với người phạm tội
Điều 125 Bộ luật Hình sự quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh.
– Khung hình phạt phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm áp dụng đối với trường hợp giết một người trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh.
– Khung hình phạt phạt từ từ 03 năm đến 07 năm áp dụng đối với trường hợp giết từ 02 người trở lên trong trạng thái tình thần bị kích động mạnh. Khi đó, nạn nhân là hai người trở lên đều có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội
5. Nguyên nhân dẫn đến hành vi “giết người vì tình”
Mâu thuẫn trong tình yêu đôi lứa, đặc biệt với giới trẻ nếu không biết hoặc thiếu kỹ năng giải quyết sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ vi phạm pháp luật như: Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, bôi nhọ, làm nhục, hành hạ bạo lực hoặc thậm chí giết người.
Về phía nạn nhân: Nhiều trường hợp nạn nhân là người có lối sống buông thả, không chung thủy, ích kỷ, thường xuyên đay nghiến, cư xử hà khắc với người yêu, trì triết hoàn cảnh, thiếu sự quan tâm, chăm sóc cần thiết hoặc thậm chí quá nhu nhược, hiền lành…đều dễ làm nảy sinh cách ứng xử thô tục, ngổ ngáo, bạo lực từ phía người yêu của mình.
Về phía người phạm tội: Khi xảy ra hiểu lầm, cãi vã hoặc chia tay, nhiều người rơi vào trạng thái thất vọng và tuyệt vọng. Nếu như trong tình yêu gặp người bạn không chung thủy, bị áp bức, trì triết,… hoặc rơi vào hoàn cảnh “bị đá”, bị túng quẫn hoặc cảm thấy mình bị dồn vào bước đường cùng có thể dẫn đến việc ra tay sát hại người mình yêu.
Độ tuổi trẻ đang trong quá trình phát triển về mặt tâm sinh lý do vậy rất dễ xáo trộn và bùng nổ về mặt cảm xúc, nhận thức dẫn đến hành động không kiểm soát.
Do không được rèn luyện các kỹ năng sống từ trong môi trường gia đình, nhà trường, bạn bè,…khiến nhiều bạn trẻ không ý thức đến tiêu chuẩn đạo đức của mình và phản ứng mạnh hơn trước tình huống ức chế, khiến họ có hành vi bạo lực hoặc hung hăng. Chính bởi sự thiếu kỹ năng sống, xáo trộn cảm xúc, thiếu trải nghiệm, rối loạn hành vi, hành động có tính chất côn đồ, hung hãn, thiếu hiểu biết về luật. Hơn nữa sự bế tắc trong lối suy nghĩ bởi thiếu kỹ năng quản lý cảm xúc khiến nhiều người trẻ giải quyết mâu thuẫn trong tình yêu một cách tiêu cực và thường là sử dụng bạo lực một cách chủ quan, cảm tính để giải quyết…
Không được thường xuyên giáo dục đức tính kiên trì, nhẫn nại, khả năng chịu đựng sức ép hoặc các cú sốc tình thần nên trong cách cư xử dễ dẫn đến tâm lý hận thù, đố kị, ích kỉ, hẹp hòi và lựa chọn cách giải quyết thỏa mãn bản thân nhanh nhất bằng con đường bạo lực. Việc quen với việc được chiều chuộng cũng dễ dẫn đến tâm lý hẹp hòi, nhỏ nhen, đề cao lợi ích cá nhân mà không đặt lợi ích của người khác lên trước. Khi thấy lợi ích cá nhân của mình bị ảnh hưởng thì rất dễ nổi nóng và sẵn sàng dành lại công bằng cho chính mình bằng mọi giá, kể cả vi phạm pháp luật.
Nhiều thanh niên nghiện rượu và ma túy, việc lạm dụng những chất gây nghiện không những làm hại thể chất, tinh thần mà còn ức chế những trung tâm điều khiển của não. Bên cạnh đó lối sinh hoạt vô độ, đêm chơi ngày ngủ làm đảo lộn nhịp sinh học cơ thể lâu dần khiến sức khỏe tâm thần giảm sút, suy nhược, họ trở nên nhạy cảm với những yếu tố bên ngoài. Dưới ảnh hưởng đó, thanh niên có thể dễ dàng trở nên hung bạo và hung hăng hơn khi bị khiêu khích hay cho rằng mình bị tổn thương, ảnh hưởng sĩ diện…
Giới trẻ vẫn thường có quan niệm cho rằng chuyện tình yêu là việc cá nhân, không ai có thể hiểu được mình dẫn đến quyết định giải quyết mâu thuẫn theo kiểu “tự xử”. Mặt khác, nhiều đối tượng ảo tưởng về bản thân, luôn nghĩ mình đứng vị trí “trung tâm” số một trong quan hệ yêu đương nên khi xảy ra cãi vã, chia tay họ thấy bản thân khó chịu, “ngứa mắt”.
Do tác động của những mặt trái các thông tin từ internet, truyền thông với những pha bắn giết đẫm máu đầy bạo lực cũng phần nào đó gieo rắc tính hung bạo vào tâm trí của đối tượng. Nên khi xảy ra mâu thuẫn trong tình yêu dù là một mâu thuẫn nhỏ, các đối tượng bế tắc trong suy nghĩ, không có giải pháp giải quyết mâu thuẫn và dẫn tới hành xử theo cảm tính.
Bản thân gia đình và xã hội đã lỏng lẻo trong công tác giáo dục và quản lý. Một số quy định của pháp luật còn chưa nghiêm, không kịp thời xử lý và răn đe mạnh mẽ các đối tượng phạm tội, trong khi đó bản thân các đối tượng chưa được trang bị nền tảng về văn hóa ứng xử, cha mẹ, thầy cô chưa có biện pháp dạy con về sự tự tôn, lòng tự trọng, biết yêu quý bản thân mình và tôn trọng những người xung quanh cộng với những áp lực, xô bồ của cuộc sống kinh tế thị trường… Với việc làm theo cảm tính khi giải quyết mâu thuẫn thường căng thẳng, nổi nóng, ích kỷ, không có sự bao dung nên dẫn đến hành động bộc phát, nông nổi.
Kết cục của những mối tình đau lòng đó là người chết, kẻ tự sát, kẻ đi tù với những mức án nghiêm khắc.