1. Khái niệm hạn ngạch thuế quan?

Biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được quy định trong Luật quản lý ngoại thương và được giải thích như sau:

“Hạn ngạch thuế quan xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa xuất khẩu với thuế suất cụ thể.

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng để quyết định số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa nhập khẩu với thuế suất ưu đãi hơn so với mức thuế suất ngoài hạn ngạch”.

Từ quy định này, có thể hiểu hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng. Biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu nhằm mục đích để xác định được thuế suất cụ thể đối với hàng hóa xuất khẩu. Trong khi đó, mục đích của hạn ngạch thuế quan nhập khẩu là để quyết định thuế suất ưu đãi so với mức thuế suất ngoài hạn ngạch. Việc quyết định này đều phải dựa trên số lượng, khối lượng, giá trị cụ thể của hàng hóa xuất khẩu hoặc nhập khẩu.

2. Nguyên tắc chế độ hạn ngạch thuế quan?

Tôi có một thắc mắc rằng là nguyên tắc chế độ hạn ngạch thuế quan và đốii tượng cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan được quy định như thế nào? Vì doanh nghiệp tôi nhập khẩu một số hàng hóa nằm trong danh mục hàng hóa áp dụng thuế quan nhập khẩu nên tôi muốn Luật sư của LVN Group tư vấn

Trả lời :

Khoản 3, khoản 4 Điều 5 Thông tư số 04/2014/TT-BCT quy định nguyên tắc chế độ hạn ngạch thuế quan và đối tượng cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan như sau:

– Áp dụng giấy phép nhập khẩu để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan nêu trên.

– Các mặt hàng thuộc danh mục áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu không có giấy phép của Bộ Công Thương được áp dụng mức thuế ngoài hạn ngạch thuế quan. Riêng thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan để sản xuất thuốc lá điếu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

– Số lượng, khối lượng, trị giá các mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu, gia công hàng xuất khẩu không tính vào lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm do Bộ Công Thương công bố.

-Đối tượng cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan Bộ Công Thương cấp giấy phép nhập khẩu cho thương nhân đủ điều kiện nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hạn ngạch thuế quan, cụ thể như sau:

+ Muối: Thương nhân có nhu cầu sử dụng muối trong sản xuất theo xác nhận của cơ quan quản lý chuyên ngành.

+ Thuốc lá nguyên liệu: Thương nhân có giấy phép sản xuất thuốc lá điếu do Bộ Công Thương cấp và có nhu cầu sử dụng cho sản xuất thuốc lá điếu một tỷ lệ nhất định thuốc lá nguyên liệu nhập khẩu do Bộ Công Thương xác nhận.

Tổng công ty ngành hàng là đàu mối nhận hạn ngạch cho các công ty thành viên.

+ Trứng gia cầm: Thương nhân có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/ Giấy chửng nhận đăng ký doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu.

+ Đường tinh luyện, đường thô: Thực hiện theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Công Thương sau khi thống nhất với các Bộ, ngành liên quan.

3. Quy định về áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu

         Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được quy định cụ thể trong Luật quản lý ngoại thương như sau:

“Điều 21. Áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu

1.     Áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2.     Không áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đối với số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa được dùng để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu.

3.     Việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu phải bảo đảm công khai, minh bạch về số lượng, khối lượng, trị giá của hàng hóa; công khai, minh bạch, khách quan về phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu.”

         Theo đó, việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu được thực hiện theo các quy định trong Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Cũng giống với biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu… khi Điều ước quốc tế do Việt Nam tham gia có quy định áp dụng các biện pháp này thì hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi ra khỏi hay vào lãnh thổ Việt Nam sẽ bị áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

Đối với số lượng, giá trị của hàng hóa nhập khẩu được dùng để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu thì sẽ không bị áp dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu.

Khi thực hiện áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu phải tuân theo nguyên tắc được quy định tại khoản 3 Điều  21 Luật quản lý ngoại thương.

4. Thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan

So với biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu…, thì thẩm quyền áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan có sự khác biệt và mở rộng. Đối với các biện pháp kể trên, thẩm quyền áp dụng được trao cho bộ trưởng Bộ Công thương quyết định hoặc chủ trì phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan tổ chức khác có liên quan ra quyết định thì đối với biện pháp hạn ngạch thuế quan đã được trao cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có hàng hóa thuộc thẩm quyền của mình tự quyết định có áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan hay không? Quy định như thế này được cho là phù hơp và bảo đảm kịp thời, chính xác đối với từng loại hàng hóa xuất nhập khẩu. Cụ thể tại Điều 22 Luật quản lý ngoại thương quy định như sau:

“1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quyết định lượng hạn ngạch thuế quan đối với từng hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý.

Bộ Công Thương công bố việc áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan và quyết định phương thức phân giao hạn ngạch thuế quan.”

5. Thủ tục cấp phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan?

Trả lời: Chào bạn, Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được chúng tôi nghiên cứu và đưa ra hướng trả lời như sau:

– Căn cứ pháp lý:

Thông tư số 04/2014/TT-BCT Quy định chi tiết thi hành một số điều của nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của chính phủ quy định chi tiết thi hành luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài

– Nội dung tư vấn: 

Theo khoản 5 điều 5 Thông tư số 04/2014/TT-BCT quy định về thủ tục cấp phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan như sau :

5. Thủ tục cấp phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan

a) Bộ Công Thương xem xét cấp giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan căn cứ lượng hạn ngạch thuế quan hàng năm do Bộ quản lý chuyên ngành quyết định, tình hình thực hiện nhập khẩu năm trước và đăng ký của thương nhân.

Thương nhân có nhu cầu đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu gửi hồ sơ đề nghị về Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu). Hồ sơ gồm:

– Đơn đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này).

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp): 1 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân theo quy định.

b) Thời điểm xem xét phân giao lượng hạn ngạch thuế quan cho thương nhân do Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan thống nhất.

Thời gian giải quyết việc cấp phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan cho thương nhân là trong vòng 10 (mười) ngày làm việc, tính từ thời điểm phân giao đã được các Bộ, ngành thống nhất nêu trên.

Trường hợp từ chối cấp phép, Bộ Công Thương trả lời thương nhân bằng văn bản và nêu rõ lý do.

c) Giấy phép nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hoặc văn bản trả lời của Bộ Công Thương được gửi cho thương nhân qua đường bưu điện theo địa chỉ ghi trên Đơn đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu của thương nhân.

d) Thương nhân xuất trình giấy phép nhập khẩu hàng hóa theo hạn ngạch thuế quan của Bộ Công Thương với Chi cục Hải quan cửa khẩu khi làm thủ tục nhập khẩu. Lượng hàng hóa nhập khẩu trong giấy phép được hưởng mức thuế nhập khẩu trong hạn ngạch thuế quan.

đ) Thương nhân có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng quý hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhập khẩu theo yêu cầu của Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Trước ngày 30 tháng 9 hàng năm, thương nhân có báo cáo (thay cho báo cáo quý III) gửi Bộ Công Thương đánh giá khả năng nhập khẩu cả năm đó, đề nghị điều chỉnh tăng, giảm hạn ngạch nhập khẩu được cấp hoặc báo cáo số lượng hàng hóa không có khả năng nhập khẩu để phân giao cho thương nhân khác.

Để biết thêm về danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan thì bạn có thể tham khảo thêm khoản 1 điều 5 Thông tư số 04/2014/TT-BCT dưới đây :

6. Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan

STT

Mô tả hàng hoá

Mã số HS

1

Muối

2501

2

Thuốc lá nguyên liệu

2401

3

Trứng gia cầm

0407 (*)

4

Đường tinh luyện, đường thô

1701

(*) Ghi chú: Trứng gia cầm áp dụng nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan không bao gồm trứng đã thụ tinh để ấp thuộc các mã HS: 04071100, 04071910, 04071990.

Như vậy, bạn cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định bao gồm :

– Đơn đăng ký hạn ngạch thuế quan nhập khẩu (theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này).

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp): 1 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân theo quy định.

Gửi hồ sơ về Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) để được xem xét và cấp phép theo đúng quy định. Thời gian để được cấp phép là 10 ngày làm việc.