Cơ sở pháp lý:

Luật Thanh tra 2010;

Nghị định 21/2016/NĐ-CP quy định việc thức hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội.

1. Thanh tra là gì?

Theo Luật thanh tra thì thanh tra được định nghĩa như sau:

Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó.

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành là cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, bao gồm tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.

2. Nguyên tắc của việc thanh tra là gì?

Nguyên tắc hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế

1. Hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế do Đoàn thanh tra chuyên ngành thực hiện.

2. Tuân theo pháp luật; bảo đảm tính chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời.

3. Không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.

4. Tiến hành thường xuyên, gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan bảo hiểm xã hội; phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; góp phần tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

3. Thanh tra sẽ tập trung vào những nội dung nào?

Căn cứ vào Điều 10 Nghị định số 21/2016/NĐ-CP thì thanh kiểm tra BHXH, BHYT, BHTN sẽ tập trung vào 3 nội dung:

+ Đối tượng đóng BHXH tại doanh nghiệp

+ Mức đóng BHXH tại doanh nghiệp

+ Phương thức đóng BHXH tại doanh nghiệp

Nội dung kiểm tra BHXH tại doanh nghiệp gồm có:

– Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT của các cơ quan, đơn vị, tổ chức sử dụng lao động và cá nhân; công tác quản lý, thực hiện chi trả, thanh quyết toán các chế độ BHXH, BHTN, BHYT.

– Kiểm tra việc ký, thực hiện và thanh lý hợp đồng đối với các đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT; đại diện chi trả BHXH; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

– Thực hiện công tác phòng chống tham nhũng; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật và của BHXH Việt Nam của công chức, viên chức và lao động hợp đồng thuộc hệ thống BHXH Việt Nam.

– Giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo theo các quy định của pháp luật và của Ngành đối với cá nhân, tổ chức trong hệ thống BHXH Việt Nam.

– Thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.

– Các nội dung khác theo yêu cầu của người có thẩm quyền ra quyết định thanh tra, kiểm tra.

4. Hồ sơ kinh nghiệm chuẩn bị trước khi bị thanh tra BHXH

Tùy theo yêu cầu của cơ quan thanh tra BHXH mà doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ phù hợp. Tuy nhiên doanh nghiệp bạn cũng cần chuẩn bị trước một số giấy tờ, hồ sơ sau đây:

+ Giấy phép đăng ký kinh doanh

+ Khai trình sử dụng lao động, hợp đồng lao động

+ Hệ thống thang bảng lương do đơn vị xây dựng

+ Hồ sơ đăng ký tham gia, đóng BHXH, BHYT

+ Các thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT

+ Giấy nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN

+ Các chứng từ chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN

Ngoài ra tùy theo cơ quan BHXH sẽ yêu cầu bổ sung thêm hoặc loại bớt một số hồ sơ.

5. Những doanh nghiệp nào thường dễ bị thanh tra BHX​H?

Theo kinh nghiệm chuẩn bị trước khi bị thanh tra BHXH của chúng tôi thấy thì, Doanh nghiệp có những dấu hiệu sau đây thường dễ bị thanh tra BHXH:

– Lương lao động hưởng chế độ thai sản cao trong khi thời gian đóng ít

– Không báo tăng mức đóng BHXH kịp thời theo mức lương tối thiểu vùng

– Nợ đọng tiền đóng BHXH….

– Doanh nghiệp hay mắc lỗi về việc đăng ký thang bảng lương

6. Nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHTN, BHYT 

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

1. Hằng năm, căn cứ Định hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo Thanh tra Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

2. Thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giao.

3. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

4. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật thanh tra với các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

5. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế về hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định tại Nghị định này.

2. Quyết định thanh tra theo kế hoạch hoặc theo quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định này và thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

3. Kiến nghị các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định này xử lý việc chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

4. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và đình chỉ hoặc hủy bỏ các quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.

5. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh:

1. Hằng năm, căn cứ Định hướng chương trình thanh tra của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh, cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế tại địa phương, Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh; gửi kế hoạch thanh tra để báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Thanh tra cấp tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

2. Thanh tra những vụ việc khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế hoặc khi được người đứng đầu cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều này giao.

3. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh.

4. Tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật thanh tra với các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều này.

5. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Giám đốc Bảo hiểm xã hội cấp tỉnh:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh và Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam về hoạt động thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

2. Quyết định thanh tra theo kế hoạch hoặc theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định này và thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

3. Kiến nghị các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định này xử lý việc chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế trên địa bàn tỉnh.

4. Kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật phù hợp với yêu cầu quản lý về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và đình chỉ hoặc hủy bỏ các quy định trái pháp luật phát hiện qua công tác thanh tra.

5. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi. Mục đích nhằm cung cấp cho các cá nhân và tổ chức tham khảo. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty chúng tôi. 

Mọi vướng mắc về các vấn đề pháp lý liên quan đến bài viết , Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài.

Công Ty Luật LVN Group xin cảm ơn!!