1. Mạng máy tính, mạng viễn thông là gì?

Mạng máy tính, mạng viễn thông là những khái niệm mới lạ, mang tính đặc thù. Khái niệm mạng máy tính, mạng viễn thông chỉ được quy định tại Luật viễn thông năm 2009 và Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC ngày 10 tháng 09 năm 2012 như sau:

Mạng viễn thông là tập hợp thiết bị viễn thông được liên kết với nhau bằng đường truyền dẫn để cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ ứng dụng viễn thông (Khoản 10 Điều 3 Luật viễn thông năm 2009).

Mạng máy tính là tập hợp nhiều máy tính kết nối với nhau, có thể chia sẻ dữ liệu cho nhau (Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tích số: 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông).

Mạng máy tính, mạng viễn thông gọi chung là cơ sở hạ tầng thông tin, phục vụ cho việc sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số (Khoản 4 Điều 4 Luật công nghệ thông tin năm 2006).

2. Những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng trong luật an ninh mạng

Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Luật nêu rõ, an ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Luật chỉ ra rõ những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện trên không gian mạng. Cụ thể:

Hành vi sử dụng không gian mạng, các thiết bị công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân; chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, chia rẽ, gây thù hận giữa các dân tộc, tôn giáo và nhân dân các nước; xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc;

Đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng bao gồm: kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ, tiến hành hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực nhằm chống chính quyền nhân dân; kêu gọi, vận động, xúi giục, đe dọa, lôi kéo tụ tập đông người gây rối, chống người thi hành công vụ, cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức gây mất ổn định về an ninh, trật tự;

Đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống bao gồm: xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

Đăng tải các thông tin trên không gian mạng có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế bao gồm: thông tin bịa đặt, sai sự thật về sản phẩm, hàng hóa, tiền, trái phiếu, tín phiếu, công trái, séc và các loại giấy tờ có giá khác; thông tin bịa đặt, sai sự thật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, thanh toán điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn, kinh doanh đa cấp, chứng khoán;

Đăng tải thông tin trên không gian mạng có nội dung sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác;

Các hành vi gián điệp mạng; xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng bao gồm: chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

Hành vi cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư; đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;

Hành vi cố ý nghe, ghi âm trái phép các cuộc đàm thoại; hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư;

Các hành vi chiếm đoạt tài sản; tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng internet; trộm cắp cước viễn thông quốc tế trên nền internet; vi phạm bản quyền và sở hữu trí tuệ trên không gian mạng;

Giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; làm giả, lưu hành, trộm cắp, mua bán, thu thập, trao đổi trái phép thông tin thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của người khác; phát hành, cung cấp, sử dụng các phương tiện thanh toán trái phép;

Tuyên truyền, quảng cáo, mua bán hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm theo quy định của pháp luật;

Hướng dẫn người khác thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; hành vi khác sử dụng không gian mạng vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội;

Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe công đồng.

Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, Luật An ninh mạng ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý nhằm hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng.

3. Quy định chung về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật này;

b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;

c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;

c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;

đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;

g) Dẫn đến biểu tình.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

4. Dấu hiệu cấu thành tội phạm

4.1. Khách thể của tội phạm:

Tội xâm phạm vào những quy định của nhà nước về đảm bảo an toàn mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet.

4.2. Hành vi khách quan của tội phạm

Theo quy định tại Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015, có 03 nhóm hành vi phạm tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông:

– Một là, đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật.

Thông tin trái với quy định pháp luật được hiểu là thông tin có nội dung xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân; kích động tội ác, tệ nạn xã hội, thuần phong mỹ tục…

Lưu ý: Hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật trong phạm vi Điều 288 này không bao gồm: Các hành vi được quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự năm 2015 (phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, thông tin có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, gây chiến tranh tâm lý…); Các hành vi được quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 2015 (làm nhục người khác bằng cách đưa thông tin xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác); Các hành vi tại Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 (Hành vi vu khống người khác bằng cách bịa đặt thông tin nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm người khác hoặc tố cáo người khác phạm tội với cơ quan nhà nước; Hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy tại Điều 326 Bộ luật hình sự năm 2015).

– Hai là, mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu hoặc người quản lý thông tin đó.

Theo đó, thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân là những thông tin thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức, cá nhân được pháp luật bảo vệ (Khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số: 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông).

Liên quan đến quy định này, Khoản 15 Điều 3 Luật an toàn thông tin năm 2015 đã định nghĩa: Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể. Những thông tin cá nhân thường được nhắc đến bao gồm: họ tên, ngày sinh, địa chỉ nơi ở, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại cá nhân, thư điện tử, số tài khoản ngân hàng, số thẻ tín dụng, số chứng minh nhân dân, thông tin trong hồ sơ y tế v.v..

Vậy, thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hiểu là những thông tin thuộc sở hữu của cơ quan, tổ chức cá nhân được pháp luật bảo vệ như tên, ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại, địa chỉ, bí mật đời tư của cá nhân; thông tin, bí mật của tổ chức; các thông tin khác được Hiến pháp, Bộ luật Dân sự…quy định bảo vệ.

– Ba là, các hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Tính đến hiện tại, chưa có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định cụ thể hành vi nào thuộc nhóm các hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.

Thực tiễn cho thấy, một số hành vi thuộc nhóm này như theo dõi thu thập thông tin bất hợp pháp về cá nhân, tổ chức khác; không được phép sử dụng thông tin nhưng vẫn sử dụng; không đăng ký, chưa được cấp phép nhưng vẫn sử dụng thông tin…

– Hành vi bị coi là tội phạm khi gây ra hậu quả luật định

Hành vi thuộc một trong ba nhóm hành vi nêu trên chỉ bị coi là tội phạm và xử lý theo Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 nếu hành vi gây ra hậu quả cụ thể: Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên; Gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát; Dẫn đến biểu tình; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam.

Có thể hiểu, thu lợi bất chính là khoản tiền, lợi ích thu được từ hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông gây ra.

Thiệt hại là lợi ích vật chất bị hủy hoại, hư hỏng, mất mát do hành vi phạm tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông gây ra. Nói đến thiệt hại thì câu hỏi đặt ra: Ai là người bị hại? Việc xác định người bị hại đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 4 Thông tư liên tịch số: 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTP-BTTTT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông). Cụ thể:

Trong quá trình điều tra vụ án hình sự về các tội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp để xác minh, lấy lời khai người bị hại theo quy định của pháp luật. Trường hợp vì lý do khách quan, không thể xác định được người bị hại (do người bị hại sống ở nước ngoài; không xác định được người bị hại cụ thể hoặc không xác định được họ tên và địa chỉ thật của người bị hại do người phạm tội và người bị hại không tiếp xúc trực tiếp với nhau mà chỉ thông qua mạng Internet, mạng viễn thông; người bị hại không hợp tác vì không muốn lộ danh tính, số tiền thiệt hại không nhiều…), nhưng, căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, có cơ sở xác định bị can, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội thì việc không xác định được người bị hại hoặc xác định không đủ số người bị hại không làm ảnh hưởng đến việc xác định bản chất vụ án và việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là có căn cứ pháp luật.

4.3. Chủ thể của tội phạm

Cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 đều có thể trở thành chủ thể của tội phạm này.

4.3. Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý. Tại Điều 9 của Bộ luật Hình sự hiện hành quy định về lỗi cố ý phạm tội bao gồm hai trường hợp:

Thứ nhất: Lỗi cố ý trực tiếp

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội. Thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra. Để bị coi là có lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội phải có đầy đủ ba điều kiện:

– Nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội (ví dụ: biết là cầm giao đâm vào người khác sẽ gây nguy hiểm cho người bị đâm, phóng nhanh vượt ẩu sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông…).

– Thấy trước hậu quả của hành vi đó (ví dụ: biết là cầm giao đâm người khác)

– Mong muốn hậu quả xảy ra (ví dụ: mong muốn người bị đâm chết hoặc thương tích…).

Thứ hai: Lỗi cố ý gián tiếp

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội; thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra; tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xẩy ra. Yếu tố lỗi cố ý gián tiếp khác với yếu tố lỗi cố ý trực tiếp ở điều kiện thứ ba. Tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc hậu quả xẩy ra. Ví dụ: anh A thấy B bị tai nạn sắp chết, tuy không mong muốn B chết nhưng A vẫn làm ngơ và bỏ đi vì đang bận có hẹn với bạn bè.

Ngoài cách chia chính thức lỗi cố ý như trên, loại lỗi này còn có thể được chia thành cố ý xác định và cố ý không xác định cũng như được chia thành cố ý có dự mưu và cố ý đột xuất. Trong đó, cố ý xác định được hiểu là trường hợp, trong đó, hậu quả của tội phạm được xác định cụ thể trong ý thức người phạm tội. Ví dụ: Lỗi trong trường hợp lấy trộm một chiếc xe đạp cụ thể là lỗi cố ý xác định. Còn cố ý không xác định là trường hợp, trong đó, mức độ hậu quả không được xác định cụ thể trong ý thức người phạm tội. Ví dụ: Lỗi trong trường hợp lấy trộm một túi xách nhưng chưa biết cụ thể trong túi có gì là lỗi cố ý không xác định. Cố ý có dự mưu là trường hợp trong đó chủ thể đã có. sự suy nghĩ, cân nhắc kĩ càng trước khi thực hiện hành vi phạm tội. Còn cố ý không có dự mưu là trường hợp trong đó chủ thể vừa có ý định phạm tội đã thực hiện ngay ý định đó, chưa kịp có sự cân nhắc kĩ.

5. Hình phạt đối với hành vi đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng viễn thông

– Điều 288 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định 2 khung hình phạt chính,:

+ Khung 1: Mức hình phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với một trong những trường hợp phạm tội sau: Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

+ Khung 2: Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm đối với các trường hợp phạm tội: Có tổ chức; Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông (là trường hợp người phạm tội đã sử dụng quyền quản lý, vận hành, khai thác và duy trì hoạt động ổn định hệ thống mạng máy tính, mạng viễn thông, thiết bị điện tử để phạm tội); Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên; Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát (là trường hợp do bị xâm phạm bí mật cá nhân nên người bị xâm phạm đã có hành vi tự sát, không kể người đó có bị chết hay không); Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam; Dẫn đến biểu tình (biểu tình là việc một số lượng người tụ họp đông đảo để bày tỏ ý chí, nguyện vọng và biểu dương lực lượng.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.