Cơ sở pháp lý liên quan và được sử dụng trong bài viết:

– Luật Giám định tư pháp năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020;

– Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;

– Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp;

– Nghị định số 36/2017/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

– Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Trình tự thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh lực tài nguyên và môi trường được thực hiện tuần tự theo các bước tương ứng với các mục sau đây:

1. Lựa chọn, tiếp nhận quyết định trưng cầu trực tiếp cá nhân, tổ chức

Với bước lựa chọn, tiếp nhận quyết định trưng cầu trực tiếp cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được quy định tại Điều 11 của Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, theo đó:

– Người trưng cầu giám định quyết định lựa chọn giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc (gọi tắt là cá nhân, tổ chức giám định) trong danh sách đã được đăng tải theo quy định tại Thông tư này để thực hiện giám định; trường hợp không lựa chọn được, người trưng cầu giám định đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giới thiệu cá nhân, tổ chức ngoài danh sách đã được đăng tải để thực hiện giám định.

– Quyết định trưng cầu giám định của người trưng cầu giám định trưng cầu trực tiếp cá nhân giám định phải được gửi cho đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có cá nhân giám định được trưng cầu trực tiếp; trường hợp trưng cầu trực tiếp tổ chức giám định thì quyết định trưng cầu giám định phải gửi đến Vụ Pháp chế hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường.

– Khi nhận được quyết định trưng cầu giám định, đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường có cá nhân, tổ chức giám định được trưng cầu trực tiếp có trách nhiệm:

a) Gửi quyết định trưng cầu giám định cho cá nhân, tổ chức giám định được trưng cầu trực tiếp;

b) Thông báo bằng văn bản cho Vụ Pháp chế, Sở Tài nguyên và Môi trường về quyết định trưng cầu giám định để tổng hợp, theo dõi; trừ trường hợp quyết định trưng cầu giám định do Vụ Pháp chế hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường gửi đến;

c) Tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức được trưng cầu trực tiếp thực hiện giám định tư pháp theo yêu cầu của người trưng cầu giám định.

– Việc thỏa thuận giám định tư pháp giữa người trưng cầu giám định và cá nhân, tổ chức giám định được thể hiện bằng hợp đồng hoặc bằng hình thức văn bản khác theo quy định của pháp luật.

– Cá nhân, tổ chức giám định được trưng cầu trực tiếp có quyền từ chối giám định trong trường hợp nội dung giám định không thuộc lĩnh vực quy định tại Điều 3 Thông tư này hoặc thuộc các trường hợp quy định tại Điều 34 Luật Giám định tư pháp và khoản 7, khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

2. Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp

Tiếp nhận trưng cầu giám định tư pháp đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được thể hiện như sau:

– Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định của người trưng cầu giám định đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường; tham mưu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện giám định tư pháp theo yêu cầu của người trưng cầu giám định.

– Sở Tài nguyên và Môi trường là đơn vị đầu mối tiếp nhận trưng cầu giám định của người trưng cầu giám định đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện giám định tư pháp theo yêu cầu của người trưng cầu giám định.

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ lựa chọn, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định cử cá nhân, tổ chức giám định đã được công nhận, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện giám định.

– Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lựa chọn, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cử cá nhân, tổ chức giám định đã được công nhận, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường để thực hiện giám định.

– Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh từ chối giám định trong trường hợp nội dung trưng cầu giám định không thuộc lĩnh vực giám định tư pháp quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư này hoặc thuộc các trường hợp quy định tại Điều 34 Luật Giám định tư pháp và khoản 7, khoản 14 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

3. Giao nhận, mở niêm phong đối tượng giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Thứ nhất, trường hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được quyết định trưng cầu giám định của người trưng cầu giám định có kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật thì Vụ Pháp chế có trách nhiệm bàn giao cho cá nhân, tổ chức được cử thực hiện giám định. Biên bản giao nhận hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Trường hợp quyết định trưng cầu giám định không kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật thì việc giao nhận thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Thứ hai, trường hợp trưng cầu trực tiếp cá nhân, tổ chức giám định kèm theo đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật thì cá nhân, tổ chức giám định có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật. Biên bản giao nhận hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Thứ ba, khi tiếp nhận đối tượng giám định, tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo trong tình trạng niêm phong thì trước khi mở phải kiểm tra niêm phong. Mọi thông tin, diễn biến liên quan đến quá trình mở niêm phong phải được ghi vào biên bản và có chữ ký xác nhận của các bên tham gia, chứng kiến theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Với trường hợp trưng cầu giám định không kèm theo đối tượng giám định, cá nhân, tổ chức giám định và các bên có liên quan phải đến hiện trường nơi có vụ việc được trưng cầu giám định để lập biên bản bàn giao hiện trạng đối tượng giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định. Biên bản bàn giao hiện trạng, đối tượng giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Cá nhân, tổ chức thực hiện giám định có thể yêu cầu người trưng cầu giám định và các bên có liên quan tạo điều kiện tiếp cận đối tượng giám định và cung cấp hồ sơ tài liệu cần thiết phục vụ cho việc thực hiện giám định.

4. Chuẩn bị giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

– Lập đề cương giám định, danh sách nhân sự thực hiện giám định; xác định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nội dung giám định; thời gian dự kiến hoàn thành giám định; các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện giám định; thông tin về năng lực của các cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.

– Thu thập thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung giám định;

– Nghiên cứu hồ sơ trưng cầu giám định và các quy định cụ thể của pháp luật có liên quan; trường hợp cần bổ sung hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung giám định thì đề nghị người trưng cầu giám định cung cấp thêm thông tin, tài liệu có liên quan.

5. Tổ chức thực hiện giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

– Khi thực hiện giám định, cá nhân, tổ chức giám định có quyền sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác có đủ điều kiện, năng lực nhằm phục vụ cho việc giám định.

– Căn cứ từng nội dung giám định, cá nhân, tổ chức giám định nghiên cứu, đối chiếu nội dung hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật đã được cung cấp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định kỹ thuật và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để đưa ra nhận xét, đánh giá từng nội dung yêu cầu giám định cụ thể.

– Trong quá trình thực hiện giám định nếu có phát sinh nội dung mới hoặc vấn đề khác thì phải thông báo bằng văn bản cho người trưng cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết; lập văn bản ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực toàn bộ quá trình và kết quả thực hiện giám định theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

6. Kết luận giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

– Khi hoàn thành và có kết quả giám định, cá nhân, tổ chức thực hiện giám định lập kết luận giám định tư pháp theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này, gửi người trưng cầu giám định.

– Trong trường hợp trưng cầu trực tiếp cá nhân thực hiện giám định tư pháp thì bản kết luận giám định tư pháp phải có chữ ký và ghi rõ họ, tên của người giám định tư pháp. Trường hợp trưng cầu tổ chức thực hiện giám định tư pháp thì ngoài chữ ký, họ, tên của người giám định, người đứng đầu tổ chức còn phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp.

Trường hợp yêu cầu tổ chức cử người giám định thì bản kết luận giám định tư pháp phải có đầy đủ chữ ký, ghi rõ họ, tên của người giám định tư pháp và có xác nhận chữ ký của tổ chức cử người giám định.

– Việc xác nhận chữ ký của người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong kết luận giám định tư pháp được quy định như sau:

a) Trường hợp người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc 01 đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thì người đứng đầu đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường nơi có người giám định tư pháp theo vụ việc xác nhận chữ ký;

b) Trường hợp người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc 02 đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trở lên thì Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận chữ ký.

7. Bàn giao kết luận giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

– Cá nhân, tổ chức giám định có trách nhiệm bàn giao kết luận giám định cho người trưng cầu giám định. Biên bản bàn giao kết luận giám định tư pháp theo mẫu quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

– Cá nhân, tổ chức thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường được cử thực hiện giám định có trách nhiệm gửi kết luận giám định cho người trưng cầu giám định; đồng thời gửi về Vụ Pháp chế, Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi việc thực hiện giám định.

8. Trường hợp giám định bổ sung, giám định lại trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

– Trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ việc đã được kết luận giám định trước đó thì tiến hành giám định bổ sung. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu.

– Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác.

– Trong trường hợp phải thành lập Hội đồng giám định theo quy định tại Điều 30 của Luật Giám định tư pháp thì Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ lựa chọn cá nhân, tổ chức giám định phù hợp nội dung trưng cầu giám định, trong đó phải có ít nhất 3 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định, trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập Hội đồng giám định. Mẫu quyết định thành lập Hội đồng giám định thực hiện theo Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Thành phần, số lượng thành viên và cơ chế hoạt động của hội đồng giám định thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Giám định tư pháp.

9. Lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường như thế nào?

– Hồ sơ giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

– Cá nhân, tổ chức giám định chịu trách nhiệm bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định tư pháp do mình thực hiện theo quy định và phải xuất trình hồ sơ giám định khi có yêu cầu của người trưng cầu giám định.

10. Xác định thời hạn thực hiện giám định trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường

– Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường tối đa là 03 tháng; trừ trường hợp quy định tại khoản 16 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; trường hợp vụ việc có nội dung giám định liên quan đến hai lĩnh vực quy định tại Điều 3 Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trở lên hoặc vụ việc có tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.

– Thời hạn giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được tính từ ngày Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhận được quyết định trưng cầu của người trưng cầu giám định kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định hoặc từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu trực tiếp nhận được quyết định trưng cầu của người trưng cầu giám định kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.

Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu. Thời gian từ khi cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.

– Trường hợp cần thiết, thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của người trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa quy định tại Thông tư 15/2021/TT-BTNMT về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

– Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì tổ chức, cá nhân giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

 

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).