Theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT thì cơ quan có thẩm quyền quyết định đặt biển báo hạn chế tốc độ bao gồm: Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Để giúp người tham gia giao thông không vi phạm pháp luật và tham gia giao thông an toàn, trên mỗi đoạn đường thường được gắn các loại biển báo giao thông. Mỗi loại đường ở các địa phương khác nhau có đặc điểm khác nhau sẽ được quy định về mức tốc độ cho phép khác nhau và được thể hiện trên biển báo tốc độ của con đường đó. Vậy pháp luật quy định biển báo tốc độ tối đa và tối thiểu như thế nào?
Biển báo tốc độ tối đa và tối thiểu là gì?
Biển báo tốc độ tối đa được ký hiệu là P.127. Biển này có ý nghĩa là cấm các loại xe cơ giới chạy với tốc độ tối đa vượt quá trị số ghi trên biển trừ các xe được quyền ưu tiên theo quy định của pháp luật. Người điều khiển phương tiện căn cứ tình hình thực tế như khí hậu, địa hình, sức chịu của phương tiện để điều chỉnh tốc độ an toàn và không quá trị số ghi trên biển báo.
Biến báo tốc độ tối thiểu được ký hiệu là R.306. Biển này có ý nghĩa là báo tốc độ tối thiểu cho phép xe cơ giới chạy, xe cơ giới sẽ chạy với tốc độ không nhỏ hơn trị số ghi trên biển báo trong điều kiện giao thông thuận lợi và an toàn. Các loại xe có tốc độ tối đa được nhà sản xuất ghi trên phương tiện không bằng tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo sẽ không được phép đi vào đường có biển báo này.
Thẩm quyền đặt biển báo tốc độ tối đa và tối thiểu
Theo quy định tại khoản 4 Điều 10 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT thì cơ quan có thẩm quyền quyết định đặt biển báo hạn chế tốc độ bao gồm:
“ a) Bộ Giao thông vận tải đối với đường bộ cao tốc;
b) Tổng cục Đường bộ Việt Nam đối với hệ thống quốc lộ và đường khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải (trừ đường bộ cao tốc);
c) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng thuộc phạm vi quản lý.”
Tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư 31/2019/TT-BGTVT cũng đã quy định các trường hợp các cơ quan có thẩm quyền trên quyết định đặt biển báo hiệu, cụ thể là:
“ a) Đối với đường đôi, đặt biển báo hạn chế tốc độ riêng cho từng chiều đường;
b) Đặt biển báo hạn chế tốc độ cho một khoảng thời gian trong ngày (biển phụ, biển điện tử);
c) Đặt biển báo hạn chế tốc độ riêng đối với các loại phương tiện có nguy cơ mất an toàn giao thông cao;
đ) Đặt biển báo hạn chế tốc độ có trị số lớn hơn 60 km/h (đối với đoạn đường trong khu vực đông dân cư), lớn hơn 90 km/h (đối với đoạn đường ngoài khu vực đông dân cư) cho các tuyến đường có vận tốc thiết kế lớn hơn vận tốc tối đa quy định tại Điều 6, Điều 7 Thông tư này nhưng phải đảm bảo khai thác an toàn giao thông.”
Mức phạt đối với lỗi chạy xe không đúng tốc độ quy định
Theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, mức phạt đối với hành vi chạy quá tốc độ cho phép hoặc chậm hơn so với quy định như sau:
– Với lỗi điều khiển xe chạy dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường bộ có quy định tốc độ tối thiểu cho phép:
+ Xe máy sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe;
+ Ô tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe.
– Với lỗi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/h đến dưới 10 km/h:
+ Xe máy sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe;
+ Ô tô sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe.
– Với lỗi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h:
+ Xe máy sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe;
+ Ô tô sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 – 03 tháng đối với người điều khiển xe.
– Với lỗi điều khiển xe máy chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h: bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng đối với người điều khiển xe.
– Với lỗi điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h: bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng đối với người điều khiển xe.
– Với lỗi điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h: bị Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 – 04 tháng đối với người điều khiển xe.
Trên đây, là toàn bộ nội dung liên quan đếnquy định biển báo tốc độ tối đa và tối thiểu. Mọi thắc mắc liên quan đến nội dung bài viết trên, quý vị có thể liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhanh chóng nhất.