Theo giải thích của Luật doanh nghiệp thì cổ phần ưu đãi biểu quyết là một trong bốn loại cổ phần ưu đãi mà Công ty cổ phần có quyền phát hành, có nhiều hơn phiếu biểu quyết so với cổ phần phổ thông khác và số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết sẽ do Điều lệ công ty quy định cụ thể. Cổ phần ưu đãi biểu quyết là một trong những loại cổ phần đặc biệt, cần thiết trong Công ty cổ phần bởi chỉ có những chủ thể được pháp luật quy định mới được sở hữu và sử dụng đặc quyền này.
Đầu năm 2021, Luật doanh nghiệp 2020 chính thức có hiệu lực thay thế cho Luật doanh nghiệp 2014, do đó nội dung trình bày dưới đây sẽ trình bày về những vấn đề liên quan đến chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết theo hướng dẫn mới của pháp luật.
1. Cơ sở pháp lý
Luật doanh nghiệp 2020;
Luật doanh nghiệp 2014;
Nghị định số 47/2021/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp;
Các văn bản pháp luật khác liên quan.
2. Chủ thể sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết
Tại Khoản 1 Điều 116 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định chủ thể có quyền sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết chỉ có tổ chức được Chính phủ uỷ quyền và cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần. Trong đó:
– Cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập có thời hạn ưu đãi biểu quyết là 03 năm kể từ ngày Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Đối với tổ chức được Chính phủ uỷ quyền là các đơn vị uỷ quyền chủ sở hữu Nhà nước thì quyền biểu quyết và thời hạn ưu đãi biểu quyết được quy định tại Điều lệ của Công ty.
Sau thời hạn ưu đãi biểu quyết theo hướng dẫn tại pháp luật và Điều lệ của Công ty thì cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập và tổ chức được Chính phủ uỷ quyền sẽ chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
3. Chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết theo hướng dẫn của pháp luật
Tại Khoản 3 Điều 116 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: “Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác, trừ trường hợp chuyển nhượng theo bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật hoặc thừa kế.”. Theo đó, có 02 vấn đề cần quan tâm liên quan đến chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết mà Luật doanh nghiệp 2020 đã có sự thay đổi so với Luật doanh nghiệp 2014. Căn cứ:
3.1. Vấn đề chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập.
Trước đây, Luật doanh nghiệp quy định nguyên tắc về việc cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết thì không được quyền chuyển nhượng cho người khác. Tuy nhiên lại quy định về việc chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập chưa được rõ ràng như “Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác và chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông..”.
Dựa trên quy định, có thể xuất hiện sự khác biệt trong cách hiểu của các chủ thể tiếp cận điều luật vì có sự khác nhau giữa quy định về việc cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần cho cổ đông sáng lập khác và cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần cho người khác không phải là cổ đông sáng lập.
Ở đây, trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cổ đông chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người khác không phải là cổ đông sáng lập nếu đáp ứng đủ điều kiện mà pháp luật quy định. Tuy nhiên, điều luật lại khẳng định trong thời hạn như trên, cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác, mà không quy định rõ cổ phần ở đây có bao gồm cổ phần ưu đãi biểu quyết được không.
Nên nếu căn cứ theo hướng dẫn tại Luật doanh nghiệp 2014 thì vẫn có thể lý giải được cho việc cổ đông sáng lập có khả năng chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết của mình cho cổ đông sáng lập khác.
Hiện nay, khi Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, có thể nhận thấy pháp luật đã mở rộng trường hợp được chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết trong Công ty cổ phần theo bản án, Quyết định của toà án đã có hiệu lực hoặc thừa kế. Nghĩa là vẫn trên nguyên tắc cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cho người khác nhưng sẽ có trường hợp ngoại lệ cho phép chuyển nhượng việc sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết (trong thời hạn ưu đãi biểu quyết theo hướng dẫn của pháp luật).
Đây là một sự đổi mới thể hiện sự linh hoạt của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết và chủ thể được hưởng quyền chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết. Mặt khác, nhằm khắc phục hạn chế quy định không cụ thể tại vấn đề chuyển nhượng cổ phần ưu đãi của cổ đông sáng lập cho một cổ đông sáng lập khác thì tại Điều 120 Luật doanh nghiệp 2020 đã quy định rõ :“ Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác…”.
Theo đó, trong thời hạn ưu đãi biểu quyết thì cổ đông sáng lập không có quyền chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết cho một cổ đông sáng lập khác mà chỉ được tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông.
3.2. Giải quyết cổ phần ưu đãi biểu quyết trong trường hợp cổ đông sáng lập chuyển nhượng hết cổ phần của mình cho cổ đông khác trong thời hạn ưu đãi biểu quyết
Tại Khoản 3 Điều 120 quy định trong thời hạn 03 năm kể từ ngày Công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì cổ đông sáng lập có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần phổ thông cho cổ đông sáng lập khác hoặc người khác không phải là cổ đông sáng lập (sau khi có sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông).
Quy định này về quyền chuyển nhượng cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập không có sự thay đổi so với Luật doanh nghiệp 2014, theo đó, với quy định như trên nếu có trường hợp cổ đông sáng lập có sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết muốn chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho cổ đông sáng lập khác hoặc người khác không phải là cổ đông sáng lập trong thời hạn ưu đãi biểu quyết thì sẽ gây khó khăn và làm ảnh hưởng tới quyền lợi của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng cổ phần.
Luật doanh nghiệp 2020 tuy có nhiều sự đổi mới nhưng vẫn chưa quy định được biện pháp để giải quyết cổ phần ưu đãi biểu quyết trong trường hợp cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Căn cứ, nếu cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần thì cần phải đợi sau khi hết thời hạn ưu đãi biểu quyết, cổ phần ưu đãi biểu quyết chuyển thành cổ phần phổ thông theo hướng dẫn của pháp luật thì số cổ phần đó mới được chuyển nhượng. Bên cạnh đó, đối với cổ đông sáng lập, số cổ phần ưu đãi biểu quyết chỉ có ý nghĩa khi họ là chủ thể nắm quyền quản lý và điều hành công ty.
Còn nếu xảy ra trường hợp cổ đông sáng lập muốn chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần thì việc sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết lúc này sẽ không giữ đúng bản chất ưu đãi của số cổ phần đó trong Công ty cổ phần nữa. Vì vậy, việc quy định về phương pháp giải quyết số cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập khi xảy ra trường hợp chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần cho cổ đông sáng lập khác hoặc người khác không phải là cổ đông sáng lập trong thời hạn ưu đãi biểu quyết là điều thực sự cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho các bên trong Công ty cổ phần.
Căn cứ trên nguyên tắc của Luật doanh nghiệp cùng việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông sáng lập và cổ đông sáng lập khác hoặc người khác không phải là cổ đông sáng lập trong trường hợp chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì có thể đề xuất phương án giải quyết số cổ phần ưu đãi biểu quyết bằng cách quy định bổ sung trường hợp: Chuyển cổ phần ưu đãi biểu quyết thành cổ phần phổ thông trong trường hợp cổ đông sáng lập chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần cho cổ đông sáng lập khác khoặc người khác không phải là cổ đông sáng lập trong thời hạn ưu đãi biểu quyết ( hoặc trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp).
Sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết là một đặc quyền của cổ đông sáng lập, vì vậy việc chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết cũng cần được quy định để đảm bảo được quyền lợi cho cổ đông sáng lập và chủ thể được chuyển nhượng số cổ phần đó. Bài viết trên đây là ý kiến về những vấn đề liên quan đến chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết theo hướng dẫn của Luật doanh nghiệp 2020.