1. Vi phạm pháp luật chứng khoán là gì?

Vi phạm pháp luật chứng khoán là các hành vi của tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Chứng khoán và quy định khác của pháp luật có liên quan đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK).

Cụ thể, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán bao gồm:

– Các hành vi vi phạm quy định về hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán chứng khoán riêng lẻ;

– Vi phạm quy định trong quản trị công ty đại chúng, vi phạm trong lĩnh vực niêm yết chứng khoán, đăng ký giao dịch chứng khoán;

– Vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán và giao dịch chứng khoán;

– Vi phạm quy định về kinh doanh chứng khoán và hành nghề chứng khoán;

– Vi phạm quy định về nghĩa vụ công bố thông tin… và thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK.

Các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán có đặc thù là phát sinh nhanh, phức tạp và khó xác định.

2. Nguyên tắc xử lý vi phạm

– Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm đến hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

– Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán; có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân tham gia thị trường chứng khoán; không giải quyết kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định; không thực thi các công vụ khác do pháp luật quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Quy định mới về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán

Luật Chứng khoán năm 2019 ra đời tạo ra khung khổ pháp lý đồng bộ, khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, thúc đẩy TTCK phát triển bền vững. Những quy định mới liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán phù hợp với thực tiễn phát triển của thị trường, giải quyết được những bất cập trong xử lý vi phạm hành chính theo quy định cũ, được kỳ vọng góp phần tăng cường công khai, minh bạch đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả.

3.1. Thêm nhiều quy định về hành vi bị nghiêm cấm

Luật Chứng khoán năm 2019 mở rộng phạm vi điều chỉnh phù hợp với mức độ phát triển mới của thị trường. Tại Điều 12 Luật Chứng khoán năm 2019 đã thêm nhiều quy định về hành vị bị nghiêm cấm đã được bổ sung như: Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán; sử dụng tài khoản, tài sản của khách hàng khi không được khách hàng ủy thác hoặc trái quy định của pháp luật hoặc lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của khách hàng; cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng giá chứng khoán.

Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán năm 2019 mở rộng các đối tượng công bố thông tin như chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; người nội bộ của công ty đại chúng, quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng và người có liên quan của người nội bộ; cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng; cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng… Điều 118 Luật Chứng khoán năm 2019). Việc bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm này phù hợp với thực trạng vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam thời gian qua khi ngày càng nhiều các hoạt động thao túng giá chứng khoán và giao dịch nội gián. Đây là các căn cứ bổ sung để xác định vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và xử phạt.

Để tăng cường tính răn đe, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn TTCK, Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung các biện pháp xử phạt mạnh khác như cấm những cá nhân vi phạm đảm nhiệm các chức vụ tại công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam, công ty đầu tư chứng khoán có thời hạn hoặc vĩnh viễn;  cấm thực hiện các hoạt động về chứng khoán và TTCK có thời hạn hoặc vĩnh viễn do thực hiện hành vi vi phạm trong hoạt động về chứng khoán và TTCK (Điều 7 Luật Chứng khoán năm 2019). 

3.2. Tăng mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán

Các hình thức xử phạt chính đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán bao gồm: Cảnh cáo; phạt tiền; đình chỉ giao dịch chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 12 tháng; tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề chứng khoán có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng. Trong đó, mức phạt tiền đối trong hình thức phạt tiền theo Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được quy định như sau:

– Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 35 và khoản 1 Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 05 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân. Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP để xử phạt.

– Mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm khác trong lĩnh vực chứng khoán là 3.000.000.000 đồng đối với tổ chức và 1.500.000.000 đồng đối với cá nhân.

Mức phạt này đã tăng so với quy định trước đây tại khoản 1 Điều 1 Nghị định 145/2016/NĐ-CP: Mức phạt tiền tối đa với tổ chức vi phạm là 2.000.000.000 đồng; với cá nhân vi phạm là 1.000.000.000 đồng.

– Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định số 156/2020/NĐ-CP được áp dụng đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 15, khoản 2 và khoản 4 Điều 30, khoản 3 và khoản 5 Điều 39 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

3.3. Nghiêm cấm sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán

Theo quy định tại Điều 35 Nghị định này, hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền gấp 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này để xử phạt.

Ngoài ra, đối tượng có hành vi vi phạm còn có thể bị xử phạt bổ sung:

– Đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán hoặc công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam có hành vi vi phạm.

– Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng đối với người hành nghề chứng khoán có hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, đối tượng có hành vi vi phạm bị buộc nộp lại khoản thu trái pháp luật có được do sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán.

3.4. Vi phạm thao túng thị trường chứng khoán

Theo Nghị định, “thao túng thị trường chứng khoán” là việc thực hiện hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Chứng khoán, gồm một, một số hoặc tất cả các hành vi dưới đây:

1. Sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng liên tục mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo.

2. Đặt lệnh mua và bán cùng loại chứng khoán trong cùng ngày giao dịch hoặc thông đồng với nhau giao dịch mua, bán chứng khoán mà không dẫn đến chuyển nhượng thực sự quyền sở hữu hoặc quyền sở hữu chỉ luân chuyển giữa các thành viên trong nhóm nhằm tạo giá chứng khoán, cung cầu giả tạo.

3. Liên tục mua hoặc bán chứng khoán với khối lượng chi phối vào thời điểm mở cửa hoặc đóng cửa thị trường nhằm tạo ra mức giá đóng cửa hoặc giá mở cửa mới cho loại chứng khoán đó trên thị trường.

4. Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục đặt lệnh mua, bán chứng khoán gây ảnh hưởng lớn đến cung cầu và giá chứng khoán, thao túng giá chứng khoán.

5. Đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế đối với loại chứng khoán đó.

6. Sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.

Căn cứ Điều 35 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP, hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP.

Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này để xử phạt.

Ngoài ra, đối tượng có hành vi thao túng thị trường chứng khoán có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề chứng khoán trong thời hạn từ 18 tháng đến 24 tháng…

Đáng chú ý, đối với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định số 156/2020/NĐ-CP có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định số 156/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.

Đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành trước ngày Nghị định số 156/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 108/2013/NĐ-CP và Nghị định số 145/2016/NĐ-CP để giải quyết.

3.5. Các quy định mới về công tác tổ chức

Luật Chứng khoán năm 2019 quy định về nâng cao năng lực quản lý, giám sát và cưỡng chế thực thi pháp luật, tăng cường hiệu quả công tác phát hiện, xác minh, chứng minh và xử lý các hành vi lạm dụng thị trường, đặc biệt là thao túng, giao dịch nội bộ. Luật Chứng khoán năm 2019 đã cụ thể hóa các nhiệm vụ, quyền hạn quản lý, giám sát đối với thị trường chứng khoán, phân công phân cấp rõ ràng. Cùng với đó, các cơ chế phối hợp trao đổi thông tin cũng được quy định tại Luật Chứng khoán năm 2019 nhằm nâng cao hiệu quả giám sát chung đối với các thành viên thị trường, đồng thời đánh giá sát hơn về hoạt động, thực tế doanh nghiệp, tăng chất lượng giám sát.

Luật Chứng khoán năm 2019 đã bổ sung một số quyền cho UBCKNN trong việc áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn thị trường chứng khoán. UBCKNN được bổ sung thẩm quyền để quản lý, giám sát toàn diện hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán, thuận lợi hơn trong việc phát hiện, xác minh các vi phạm. Cụ thể, UBCKNN được bổ sung quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu, dữ liệu liên quan đến nội dung kiểm tra, thanh tra phải cung cấp cho UBCKNN khi có yêu cầu nhằm làm rõ mối liên hệ, dòng tiền của các đối tượng nghi vấn, làm cơ sở xác minh và xử lý vi phạm. UBCKNN được quyền yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam cung cấp thông tin liên quan đến giao dịch trên tài khoản của khách hàng đối với các trường hợp có dấu hiệu thực hiện hành vi bị cấm trong hoạt động chứng khoán và TTCK. UBCKNN cũng được bổ sung quyền yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông cung cấp tên, địa chỉ, số máy gọi và được gọi, thời gian gọi để xác minh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài ra, UBCKNN cũng được quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân giải trình, đến làm việc liên quan đến nội dung thanh tra, kiểm tra (Điều 130- Luật Chứng khoán năm 2019).

Bên cạnh đó, Luật Chứng khoán năm 2019 quy định cơ chế phối hợp giám sát giữa UBCKNN với các cơ quan khác nhau. Đối với Sở giao dịch chứng khoán, Luật mới hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và quy định rõ trách nhiệm của Sở trong việc giám sát giao dịch, giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của các thành viên giao dịch. Đối với các công ty chứng khoán, Luật quy định rõ trách nhiệm của công ty chứng khoán trong giám sát giao dịch chứng khoán. Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin của công ty đại chúng về đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế, đóng mã số thuế, mở lại mã số thuế, ngường hoạt động, tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về thuế, quyết định cưỡng chế nợ thuế… nhằm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán

Ngoài ra, cơ chế phối hợp với cơ quan quản lý TTCK nước ngoài tạo điều kiện cho UBCKNN phối hợp trao đổi thông tin về các vụ việc vi phạm mang tính xuyên biên giới trong lĩnh vực chứng khoán. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, nhiều cam kết hội nhập được ký kết và thực hiện thì đây là một điểm mới quan trọng, phù hợp với tình hình mới. 

Luật Chứng khoán năm 2019 đảm bảo tính độc lập của UBCKNN trong hoạt động quản lý điều hành, xử lý các vấn đề của thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế và các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế, trong đó, có UBCKNN các thẩm quyền trực tiếp thanh tra, kiểm tra, quản lý, giám sát và xử lý vi phạm hành chính.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi.  Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group