Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191

1. Cơ sở pháp lý:

– Nghị định số 10/2020/NĐ-CP;

– Thông tư 08/2009/TT-BGTVT;

– Thông tư 12/2020/TT-BGTVT.

2. Khái quát về đơn vị cung ứng phần mềm gọi xe

Sự xuất hiện dịch vụ gọi xe ở Việt Nam trong những năm gần đã cho thấy sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. Không thể phủ nhận những hiệu quả kinh tế và lợi ích mà dịch vụ gọi cho mang lại cho xã hội và người dân tuy vậy, sự xuất hiện của loại hình kinh doanh mới này đã làm dậy sóng một cuộc cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh vận tải (giữa các thương nhân kinh doanh vận tải truyền thống và đơn vụ cung ứng phần mèm gọi xe) và đã có những vụ kiện được tiến hành (Điển hình là Vinasun đã kiện Grab). Nguyên do cho điều này chính là bởi chúng ta chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho các đơn vị cung cấp ứng dung gọi xe.

Với sự nỗ lực của mình trước sự đòi hỏi của thực tiễn, năm 2020 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP điều chỉnh về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Nhiều chuyên gia đã đánh giá, sự ra đời của Nghị định này đã tạo sân chơi chính thức cho các ứng dụng gọi xe. Vậy sân chơi chính thức này được biểu hiện như thế nào?

3. Khung pháp lý cho đơn vị cung ứng phần mềm gọi xe

Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP giải thích về kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện ít nhất một trong các công đoạn chính của hoạt động vận tải (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi.

Bên cạnh đó tại khoản 20 Điều 3 Nghị định 10/2020/NĐ-CP cũng giải thích cụ thể về ‘trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe” là việc tổ chức hoặc cá nhân giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển hành khách, hàng hoá thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc Lệnh vận chuyển hoặc Hợp đồng vận chuyển hoặc Giấy vận tải (Giấy vận chuyển).

Phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải là phần mềm ứng dụng cung cấp giao thức kết nối giữa đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe với hành khách hoặc người thuê vận tải; tất cả các hoạt động kết nối diễn ra trong môi trường số.

Theo đó, Nghị định 10 phân loại các tổ chức kinh doanh dịch vụ gọi xe ô tô thành hai loại hình chính như sau:

+ Đơn vị kinh doanh vận tải;

+ Đơn vị cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải (Đơn vị phần mềm vận tải – Các công ty gọi xe)

Công ty công nghệ cung cấp ứng dụng gọi xe sẽ được xem là Đơn vị phần mềm vận tải, với điều kiện công ty đó không trực tiếp điều hành phương tiện hoặc lái xe và không quyết định chi phí vận tải. Để tránh nhầm lẫn Bộ giao thông vận tải đã ban hành thông tư 12 hướng dẫn và làm rõ hai yếu tố cấu thành nêu trên của Đơn vị phần mềm vận tải, cụ thể như sau:

– Không trực tiếp điều hành phương tiện hoặc tài xế. Nghị định 10 định nghĩa cụm từ “trực tiếp điều hành phương tiện hoặc tài xế” là việc tổ chức hoặc cá nhân giao nhiệm vụ vận chuyển cho lái xe điều khiển phương tiên để thực hiện vận chuyển hành khách, hàng hóa thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải hoặc lệnh vận chuyển hoặc hợp đồng vận chuyển hoặc Giấy vận tải (giấy vận chuyển). Để làm rõ hơn, Thông tư 12 đã giải thích cụm từ “Giao nhiệm vụ cho lái xe điều khiển phương tiện để thực hiện vận chuyển thông qua phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải là việc tổ chức hoặc cá nhân sử dụng phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải để tiếp nhận yêu cầu vận chuyển của khách hàng, lựa chọn phương tiện, lái xe phù hợp, chuyển thông tin về yêu cầu vận chuyển cho người lái xe điều khiển phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận chuyển.

Do đó, quá trình của việc điều hành phương tiện hoặc lái xe sẽ bao gồm các yếu tố chính sau đây:

+ Nhận yêu cầu vận chuyển từ hành khách;

+ Phân tích yêu cầu vận chuyển để lựa chọn phương tiện và tài xế phù hợp với yêu cầu đó của hành khách;

+ Cung cấp thông tin về yêu cầu vận chuyển cho tài xế phù hợp để thực hiện yêu cầu đó.

Theo đó, đơn vị phần mềm vận tải sẽ không được chọn tài xế hoặc phương tiện cho hành khách.

– Quyết định giá cước vận tải: Thông tư 12 định nghĩa cụm từ “quyết định giá cước vận tải là việc đơn vị kinh doanh vận tải xác định giá cước vận tải để thông tin cho khách hàng trực tiếp thỏa thuận với khách hàng để thống nhất mức giá trước khi thực hiện vận chuyển.

Điều này có nghĩa là đơn vị phần mềm vận tải theo nghị định 10 sẽ không được phép quyết định một mức giá cố định cho hành khách hoặc thậm chí không được phép đề xuất một mức giá vận chuyển cho hành khách vì điều này có thể được xem là đang thỏa thuận trực tiếp với khách hàng để đạt được một hợp đồng vận chuyển. Quyền cũng như nghĩa vụ quyết định giá cước vận tải thuộc về đơn vị kinh doanh vận tải (bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô). Ngược lại, đơn vị phần mềm vận tải có nghĩa vụ cung cấp cho đơn vị kinh doanh vận tải giao diện phần mềm cũng như cách thức để trao đổi, thỏa thuận và quyết định giá cước vận tải với Hành khách.

Tóm lại, một công ty công nghệ cung cấp phần mềm gọi xe sẽ được xem là đơn vị phần mềm vận tải theo Nghị định 10 chỉ khi đáp ứng được 02 điều kiện nói trên.

Từ đó, có thể hiểu, từ khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, các công ty đang cung cấp dịch vụ là phần mềm gọi xe về bản chất sẽ phải tự định hình lĩnh vực kinh doanh của mình để thực hiện các bước tiếp theo hoàn thiện hồ sơ về đăng ký kinh doanh sao cho phù hợp.

4. Khung pháp lý cho tài xế xe máy hợp tác kinh doanh với đơn vị cung ứng phần mềm gọi xe

Nghị định 10 đã thể hiện rõ khung pháp lý và đặt các công ty cung cấp ứng dụng gọi xe (ô tô) vào tình thế lựa chọn loại hình kinh doanh cho chính mình. Nhưng đối với các tài xế xe máy và xe máy kinh doanh vận tải sẽ áp dụng quy định nào? Đây là một vấn đề tranh cãi hiện nay. Thực tế, số lượng tài xế xe máy kinh doanh vận tải cao hơn rất nhiều so với xe ô tô, hầu hết các tài xế xe máy vẫn đang hợp tác với các công ty công nghệ cung cấp ứng dụng gọi xe theo hợp đồng hợp tác kinh doanh. Song các quy định về tài xế xe máy kinh doanh vận tải vẫn còn quá ít và không rõ ràng để có thể áp dụng đầy đủ và hiệu quả trong thực tiễn.

Cho đến nay, Thông tư 08/2009/TT-BGTVT là khung pháp lý duy nhất điều chỉnh về các tài xế xe máy và xe máy kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của công nghệ, thông tư ban hành cách đây 11 năm đã không còn đủ khả năng tiên liệu và điều chỉnh được những thay đổi của thực tế, và đã thực sự không còn phù hợp. Cần thiết phải ban hành văn bản pháp luật thay thế và làm rõ mối quan hệ giữa tài xế xe máy công nghệ và đơn vị cung cấp phần mềm công nghệ gọi xe trong thời gian tới.

Có thể thấy, với sự ban hành liên tục những quy định về dịch vụ gọi xe trong năm 2020, Chính phủ Việt Nam dường như cho thấy Chính phủ đang muốn đối xử với các công ty gọi xe hiện nay tại Việt Nam như là những đơn vị kinh doanh vận tải hơn là những công ty công nghệ.

5. Ngành nghề kinh doanh của đơn vị cung cấp phần mềm gọi xe cần đăng lý là gì?

Để có thể trả lời được câu hỏi này trước hết tìm hiểu về phương thức vận hành của các ứng dụng đặt xe tại Việt Nam.

Tìm hiểu về phương thức hoạt động của các ứng dụng đặt xe tại Việt Nam

+ Ban đầu, người dùng ứng dụng gọi xe (hành khách) đăng ký tài khoản và chấp nhận tuân thủ theo tất cả các quy định và chính sách do chủ sở hữu ứng dụng ban hành. Điều này cũng được áp dụng tương tự ở khía cạnh tài xế, theo đó, tài xế không chỉ đăng ký tài khoản mà còn phải đáp ứng các điều kiện do pháp luật và chủ sở hữu yêu cầu.

+ Với tài khoản do chủ sở hữu ứng dụng cấp, hành khách có thể tao yêu cầu vận chuyển trên ứng dụng, trong khi đó tài xế có thể tiến hành các hoạt động vận tải theo yêu cầu của hành khách.

+ Phí vận chuyển sẽ được trả toàn bộ bởi hành khách. Chủ sở hữu ứng dụng sẽ được quyền hưởng hoa hồng cho việc làm trung gia, phần còn lại sẽ thuộc về tài xế.

Như phân tích ở trên, bản chất là một công ty cung ứng phần mềm vận tải sẽ không được phép thực hiện phân tích yêu cầu vận chuyển để lựa chọn phương tiện hoặc tài xế phù hợp cho các yêu cầu vận chuyển của hành khách hoặc quyết định giá cước vận tải trong suốt quá trình thực hiện giao dịch vận tải giữa tài xế và hành khách.

Do đó, dựa vào mô tả về phương thức hoạt động của ứng dụng gọi xe, một điều chắc chắn là các hoạt động kinh doanh của đơn vị cung cấp ứng dụng sẽ có liên quan đến hoạt động thương mại điện tử. Do đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe đóng vai trò trung tâm điện tử kết nối cho phép hành khách và tài xế thực hiện giao dịch vận tải, nên việc đóng vai trò trung gian đó sẽ được coi là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, bất kỳ hoạt động kinh doanh nào cũng phải đăng ký ngành nghề kinh doanh tương ứng với hoạt động kinh doanh đó. Do đó, đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe cần phải đăng ký ngành nghề tương ứng với việc trở thành ứng dụng sàn thương mại điện tử.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử có nghĩa là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng khác. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có các ngành nghề kinh doanh tương ứng với hoạt động thương mại điện tử.

Do đó, để thực hiện hoạt động thương mại điện tử doanh nghiệp cần phải phân tích hoạt động kinh doanh của mình chi tiết hơn. Về bản chất, hoạt động thương mại điện tử là hoạt động thương mại dựa trên các phương tiện điện tử lập trình máy tính và phần mềm. Do đó, hoạt động thương mại điện tử sẽ bao gồm hoạt động lập trình máy tính và phần mềm và hoạt động thương mại

Đối với hoạt động lập trình máy tính và phần mềm

Bất kỳ tổ chức nào, thiết kế và sử dụng một chương trình không nhằm mục đích bán hàng mà nhằm mục đích cung cấp dịch vụ để tạo điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ hoặc sản phẩm của khách hàng, hoạt động kinh doanh là hoạt động lập trình máy tính và phần mềm. Hoạt động này có các ngành nghề kinh doanh tương ứng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Ngoài ra, hoạt động lập trình máy tính và phần mềm cũng năm trong danh sách các dịch vụ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, các dịch vụ liên quan đến dịch vụ tư vấn về việc phát triển và thực hiện phần mềm được chính phủ Việt Nam cam kết mở cửa không hạn chế cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo cam kết WTO mà Việt Nam tham gia.

Do đó, đơn vị cung cấp phần mềm gọi xe phải đăng ký ngành nghề kinh doanh tương ứng với hoạt động lập trình máy tính và phần mềm theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo cam kết WTO của Việt Nam trong trường hợp là nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với hoạt động thương mại

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Theo đó, bất kỳ hoạt động nào nhằm mục đích lợi nhuận đều có thể được coi là hoạt động thương mại. Do đó để đăng ký ngành nghề kinh doanh cho hoạt động thương mại cần phải chi tiết hơn. Ví dụ hoạt động kinh doanh của sàn giao dịch thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến hoặc các đơn vị bán lẻ trực tuyến sẽ liên quan đến hoạt động kinh doanh bán lẻ.

Như đã giải thích ở trên, đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe sẽ có tham gia vào hoạt động thương mại điện tử. Trong trường hợp hiện tại, hoạt động thương mại điện tử sẽ bao gồm ít nhất hai hoạt động chính, lập trình máy tính và phần mềm và hoạt động thương mại mà được xác định tùy thuộc vào quyết định của chủ sở hữu đối với hoạt động kinh doanh của họ. Đối với một số các đơn vị cung cấp ứng dụng gọi xe hiện tại có Việt Nam, một số thì đăng ký hoạt động thương mại của họ là hoạt động của cổng thông tin điện tử, trong khi một số đăng ký hoạt động thương mại của họ là hoạt động dịch vụ hỗ trợ. Tuy nhiên, có một điểm chung giữa việc đăng ký này, bất kể sự khác biệt trong sự xác định của các chủ sở hữu về hoạt động kinh doanh của chính họ. Đó là hoạt động đó phải được đăng ký kèm theo giải thích chi tiết được viết là dịch vụ thương mại điện tử. Dường như cơ quan quản lý đăng ký doanh nghiệp không đặt nặng vấn đề về tên ngành nghề kinh doanh của hoạt động thương mại, miễn là phần giải thích chi tiết trong đó có bao gồm các từ mô tả về bản chất của hoạt động thương mại đó. Trong trường hợp này, bản chất hoạt động cung cấp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử liên quan đến vận tải.

Tóm lại, để thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ gọi xe tại Việt Nam, đơn vị cung cấp dịch vụ gọi xe cần phải đăng ký ít nhất hai ngành nghề kinh doanh tương ứng với hoạt động lập trình máy tính và phần mềm và hoạt động thương mại mà có thể được xác định tùy theo quyết định của chủ sở hữu, miễn là bao gồm phần phải thích chi tiết là “dịch vụ thương mại điện tử”.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập