Kiểm soát thủ tục hành chính là gì?
Theo cách giải thích tại Nghị định 63/2010/NĐ-CP:
Thủ tục hành chính là trình tự, cách thức thực hiện, hồ sơ và yêu cầu, điều kiện do đơn vị nhà nước, người có thẩm quyền quy định để giải quyết một công việc cụ thể liên quan đến cá nhân, tổ chức.
Còn theo từ điển Tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học, “kiểm soát” được hiểu là “việc xem xét để phát hiện, ngăn chặn những gì trái với quy định”.
Từ đó, theo cách hiểu thông thường có thể thấy, kiểm soát thủ tục hành chính là hoạt động nhằm ngăn ngừa, phát hiện những sai phạm trong quá trình xây dựng, thực hiện thủ tục hành chính.
Theo định nghĩa của Nghị định 63:
5. “Kiểm soát thủ tục hành chính” là việc xem xét, đánh giá, theo dõi nhằm bảo đảm tính khả thi của quy định về thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.
Từ 02 định nghĩa trên, có thể thấy việc kiểm soát thủ tục hành chính gồm một số hoạt động như sau:
– Kiểm soát từ giai đoạn dự kiến xây dựng thủ tục hành chính thông qua việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và thẩm định thủ tục hành chính…
– Kiểm soát sau khi thủ tục hành chính được ban hành thông qua các hoạt động “công bố, niêm yết công khai thủ tục hành chính”…
– Kiểm soát thủ tục hành chính trong giai đoạn thực hiện như tiếp nhận và giải quyết hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính. Chẳng hạn: tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú…
– Kiểm soát thủ tục hành chính thông qua hoạt động rà soát để kịp thời phát hiện những nội dung không phù hợp hoặc không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ.
Việc kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện dựa trên một số nguyên tắc nhất định như:
1. Kiểm soát thủ tục hành chính phải bảo đảm thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, cải cách hành chính; bảo đảm điều phối, huy động sự tham gia tích cực, rộng rãi của tất cả các đơn vị, tổ chức, cá nhân vào quá trình kiểm soát thủ tục hành chính.
2. Kịp thời phát hiện để loại bỏ hoặc chỉnh sửa thủ tục hành chính không phù hợp, phức tạp, phiền hà; bổ sung thủ tục hành chính cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn; bảo đảm quy định thủ tục hành chính đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đối tượng và đơn vị thực hiện thủ tục hành chính.
3. Kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện ngay từ khi đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và được tiến hành thường xuyên, liên tục trong quá trình tổ chức thực hiện thủ tục hành chính.
Tại sao phải kiểm soát thủ tục hành chính?
Như phân tích ở trên, kiểm soát thủ tục hành chính đem lại nhiều lợi ích như:
– Giúp tăng cường hiệu quả thực hiện thủ tục hành chính.
Chẳng hạn trong việc kiểm soát quá trình giải quyết thủ tục hành chính sẽ khiến:
+ Giảm tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết quá hạn;
+ Tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính;
+ Tăng cường trách nhiệm của các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính trong việc giải quyết, giải thích thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
– Sớm phát hiện sai sót hoặc những quy định không phù hợp trong các thủ tục hành chính để kịp thởi sửa đổi, bãi bỏ…
Với nhiều ý nghĩa như vậy, để việc kiểm soát thủ tục hành chính được thực hiện tốt, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia tích cực của cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân, tổ chức…