1. Thế nào là ký quỹ?

Theo Khoản 1 Điều 330 Bộ luật dân sự 2015:

Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

Trong các biện pháp bảo đảm thì cầm cố là biện pháp có hiệu quả bảo đảm tốt nhất, vì bên nhận bảo đảm giữ tài sản, cho nên khi bên bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ thì bên nhận bảo đảm sẽ xử lý ngay tài sản cầm cố. Tuy nhiên, có những trường hợp bên nhận bảo đảm không có điều kiện giữ tài sản hoặc việc giữ đó có thể không an toàn, cho nên các bên thỏa thuận xác lập ký quỹ. Theo hợp đồng ký quỹ, thì bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong toả tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

Ký quỹ là quan hệ ba bên, đó là bên có nghĩa vụ, bên có quyền và tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tổ chức tín dụng tham gia quan hệ ký quỹ không phải với vai trò là bên nhận bảo đảm mà với tư cách là bên trung gian (kinh doanh dịch vụ ký quỹ), giúp các bên thực thi cơ chế đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.

2. Hậu quả pháp lý khi bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ

Theo khoản 2 Điều 330 Bộ luật dân sự 2015 thì:

Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

Theo đó, trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, hoặc phạt vi phạm nếu các bên có thỏa thuận.

Thủ tục gửi và thanh toán tài sản ký quỹ theo quy định của pháp luật về các tổ chức tín dụng.

3. Phân biệt ký quỹ với đặt cọc

Ký quỹ và đặt cọc đều là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Để phân biệt ký quỹ và đặt cọc thì ta có thể dựa vào một số các tiêu chí sau đây:

– Căn cứ pháp lý: Điều 328, Điều 330 Bộ luật dân sự 2015.

– Định nghĩa:

+ Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

+ Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

– Chủ thể:

+ Ký quỹ: có ba bên gồm bên ký quỹ, bên có quyền và tổ chức tín dụng.

+ Còn trong đặt cọc thì chỉ có 2 bên là bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc.

– Mục đích:

+ Ký quỹ nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ.

+ Đặt cọc có thể nhằm giao kết hoặc thực hiện nghĩa vụ.

– Hậu quả pháp lý:

+ Ký quỹ: Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

+ Đặt cọc: Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Ký quỹ khác gì sao với ký cước?

Ký cược được quy định tại Điều 329 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 329. Ký cược

1. Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.

2. Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.

Còn ký quỹ được quy định tại Điều 330 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 330. Ký quỹ

1. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

2. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

3. Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, ký cược và ký quỹ khác nhau cơ bản trước tiên về định nghĩa, thứ hai là mục đích, thứ ba là hậu quả pháp lí.

– Đinh nghĩa:

+ Ký cược là việc bên thuê tài sản là động sản giao cho bên cho thuê một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản ký cược) trong một thời hạn để bảo đảm việc trả lại tài sản thuê.

+ Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ.

– Mục đích:

+ Ký cược là nhằm đảm bảo bên thuê trả lại tài sản thuê

+ Ký quỹ nhằm đảm bảo bên ký quỹ thực hiện nghĩa vụ

– Hậu quả pháp lí:

+ Trường hợp tài sản thuê được trả lại thì bên thuê được nhận lại tài sản ký cược sau khi trả tiền thuê; nếu bên thuê không trả lại tài sản thuê thì bên cho thuê có quyền đòi lại tài sản thuê; nếu tài sản thuê không còn để trả lại thì tài sản ký cược thuộc về bên cho thuê.

+ Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ.

5. Tìm hiểu về ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án đầu tư

Theo quy định tại Điều 25 Nghị định 31/2021/NĐ-CP thì:

Điều 25. Bảo đảm thực hiện dự án của nhà đầu tư

1. Trừ trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 43 của Luật Đầu tư, nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng) về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

2. Trường hợp bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ, tổ chức tín dụng có trách nhiệm nộp số tiền ký quỹ mà nhà đầu tư phải nộp trong trường hợp quy định tại khoản 10 Điều 26 Nghị định này.

3. Hợp đồng bảo lãnh nghĩa vụ ký quỹ giữa tổ chức tín dụng và nhà đầu tư được ký kết và thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự, tín dụng, bảo lãnh ngân hàng và pháp luật có liên quan.

​Dẫn chiếu đến các Điều 43 Luật đầu tư 2020 thì ta có:

Điều 43. Bảo đảm thực hiện dự án đầu tư

1. Nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh ngân hàng về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư có đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, trừ các trường hợp sau đây:

a) Nhà đầu tư trúng đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê;

b) Nhà đầu tư trúng đấu thầu thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;

c) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trên cơ sở nhận chuyển nhượng dự án đầu tư đã thực hiện ký quỹ hoặc đã hoàn thành việc góp vốn, huy động vốn theo tiến độ quy định tại văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

d) Nhà đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trên cơ sở nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất khác.

Như vậy, trừ các trường hợp quy đinh tại khoản 1 Điều 43 Luật đầu tư 2020 thì các trường hợp còn lại nhà đầu tư phải ký quỹ hoặc phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam (về nghĩa vụ ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư.

* Hình thức ký quỹ: việc kỹ quỹ thể hiện bằng văn bản trên cơ sở sự thỏa thuận giữa Cơ quan đăng ký đầu tư và nhà đầu tư.

* Thời điểm kỹ quỹ:

– Với dự án đầu tư phải quyết định chủ trương đầu tư: sau khi dự án đầu tư được quyết định chủ trương đầu tư nhưng phải trước thời điểm giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

– Với dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư thì thời điểm ký quỹ là thời điểm giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

* Mức ký quỹ: được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên vốn đầu tư của dự án đầu tư quy định tại văn bản quyết định chủ trương đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như sau:

– Đối với phần vốn đến 300 tỷ đồng, mức ký quỹ là 3%;

– Đối với phần vốn trên 300 tỷ đồng đến 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 2%;

– Đối với phần vốn trên 1.000 tỷ đồng, mức ký quỹ là 1%.

* Ngân hàng thực hiện ký quỹ: Tiền ký quỹ được nộp vào tài khoản của Cơ quan đăng ký đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam theo lựa chọn của nhà đầu tư. Nhà đầu tư chịu chi phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản ký quỹ và thực hiện các giao dịch liên quan đến tài khoản ký quỹ.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.