Trong thời đại công nghệ hiện nay, việc sử dụng các phần mềm máy tính để phục vụ cho công việc kinh doanh cũng như cuộc sống hằng ngày là vô cùng cần thiết. Các phần mềm văn phòng phổ biến hiện nay như: quản lý số tiền thu-chi, số lượng hàng hóa; quản lý bán hàng (khách hàng, hóa đơn, thời gian giao dịch…); quản lý nhân viên…có tính chính xác cao là thuận tiện cho người sử dụng, đơn giản hơn so với cách lưu thủ công trên các phần mềm của Microsoft như Word, Excel…Do những ưu điểm này, nhu cầu sử dụng các phần mềm nêu trên cũng tăng lên, dẫn đến sự ra đời của các công ty phần mềm. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng phát triển của ngành dịch vụ phần mềm và quyết định góp vốn vào công ty phần mềm. Bài viết sau đây sẽ làm rõ những thủ tục cần thiết để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty phần mềm tại Việt Nam.
Những văn bản pháp luật tham khảo:
- Luật Đầu tư 2014;
- Luật Doanh nghiệp 2014;
- Luật Công nghệ thông tin 2006, Thông tư 16/2014/TT-BTTTT quy định việc xác định hoạt động sản xuất phần mềm;
- Các Hiệp ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên (ví dụ Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO, Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS), Hiệp định VKFTA (Việt Nam – Hàn Quốc), Hiệp định VJEPA (Việt Nam – Nhật Bản).
Theo quy định của Luật Công nghệ thông tin và các văn bản hướng dẫn, công ty phần mềm là tổ chức kinh tế thực hiện các hoạt động tư vấn, sản xuất và cung cấp phần mềm, bảo hành, sữa chữa phần mềm…theo yêu cầu của khách hàng.
Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty phần mềm:
- Điều kiện về hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đối tác Việt Nam tham gia thực hiện hoạt động đầu tư và điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên:
- Về hình thức đầu tư: nhà đầu tư nước ngoài có thể góp vốn, mua cổ phần/phần vốn góp vào công ty kinh doanh phần mềm;
- Về tỷ lệ góp vốn: Theo Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO, nhà đầu tư nước ngoài mang quốc tịch của Quốc gia là thành viên WTO có thể tham gia hoạt động đầu tư cung cấp các dịch vụ liên quan đến máy tính bao gồm các hoạt động như phát triển phần mềm, sản xuất phần mềm, tư vấn máy tính v.v. Trong đó, mức vốn góp của Nhà đầu tư nước ngoài không bị hạn chế. Đây là lĩnh vực dịch vụ được nhà nước Việt Nam khuyến khích đầu tư cùng với một số chính sách ưu đãi về thuế. Như vậy nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu 100% vốn điều lệ của công ty phần mềm.
- Trường hợp góp vốn dẫn đến tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài trên 51%, nhà đầu tư cần thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn.
Hồ sơ đăng ký góp vốn gồm có:
- Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
- Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
- Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài ủy quyền cho người khác thực hiện thì cần có giấy ủy quyền hoặc ủy quyền thông qua hợp đồng dịch vụ.
Trình tự thủ tục đăng ký góp vốn:
- Nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên và nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh tỉnh/thành phố nơi công ty đặt trụ sở;
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ; Phòng đăng ký đầu tư sẽ xem xét và ra thông báo chấp thuận nếu việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài là hợp lệ. Trường hợp việc góp vốn không hợp lệ, Phòng đăng ký đầu tư sẽ ra văn bản nêu rõ lí do.
Sau khi có chấp thuận đăng ký góp vốn của Phòng đăng ký kinh doanh, người nước ngoài tiến hành góp vốn vào công ty kinh doanh phần mềm. Sau đó, công ty nhận góp vốn sẽ tiến hành các thủ tục thay đổi thành viên/cổ đông theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập công ty phần mềm 100% vốn nước ngoài, thủ tục sẽ trải qua các bước: Xin Giấy phép đầu tư [icon type=”fa fa-arrow-right”] Thành lập doanh nghiệp (có đăng ký ngành, nghề công nghệ thông tin liên qua đến phần mềm) [icon type=”fa fa-arrow-right”] Xin các giấy phép con khác (nếu có).
Mọi thủ tục liên quan đến Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn vào công ty Việt Nam kinh doanh phần mềm, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty Luật LVN Group – Hotline 1900.0191 để được tư vấn chi tiết.