Dân số Việt Nam hiện hơn 94 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới và là một nước đang phát triển, điều kiện kinh tế ngày càng được cải thiện nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người càng cao. Dịch vụ khám, chữa bệnh theo đó cũng phát triển thu hút nhà đầu tư trong nước và cả nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mở phòng khám chuyên khoa tại Việt Nam thì cần lưu ý những thủ tục sau:
Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết thì để mở phòng khám chuyên khoa, vốn đầu tư tối thiểu là 200.000 USD.
Trình tự thực hiện:
Bước 1: Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài (thành lập mới công ty có từ 1% – 100% vốn đầu tư nước ngoài);
Trường hợp nhà đầu tư nước cùng góp vốn với người Việt Nam để thành lập công ty thì thủ tục được thực hiện như sau:
- Bước 1: Thành lập Công ty Việt Nam có đăng ký hoạt động của phòng khám chuyên khoa thời gian thành lập chỉ từ 06-08 ngày bao gồm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, khắc con dấu pháp nhân và thông báo sử dụng mẫu dấu của công ty;
- Bước 2: Xin giấy phép đủ điều kiện hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa;
- Bước 3: Chuyển nhượng phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trường hợp thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.
- Bước 1: Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại cơ quan đăng ký đầu tư;
- Bước 2: Sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư sẽ thành lập doanh nghiệp xin Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Tiếp theo, doanh nghiệp thực hiện đăng bố cáo thành lập doanh nghiệp, khắc dấu doanh nghiệp và công bố mẫu dấu trên Cổng thông tin quốc gia về doanh nghiệp;
- Bước 3: Xin giấy phép đủ điều kiện hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa.
Cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa
Thành phần hồ sơ:
- Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động (Phụ lục 13 Thông tư số 41/2011/TT-BYT);
- Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đầu tư;
- Bản sao chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, lãnh đạo khoa, phòng hoặc người phụ trách bộ phận chuyên môn và danh sách người đăng ký hành nghề của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Phụ lục 6 Thông tư số 41/2011/TT-BYT);
- Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, bản mô tả hình thức tổ chức (Phụ lục 14 Thông tư 41/2011/TT-BYT )
- Hồ sơ nhân sự của người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề.
- Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
- Dự kiến phạm vi hoạt động chuyên môn: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất danh mục kỹ thuật chuyên môn dự kiến thực hiện trên cơ sở danh mục kỹ thuật chuyên môn do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
Cơ quan tiếp nhận: Sở y tế tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nơi hoạt động của phòng khám chuyên khoa
Lưu ý: Điều kiện để được cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, nhân sự, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám chuyên khoa được quy định cụ thể tại Điều 25 Thông tư 41/2011/TT-BYT.