Bản thân quyền tác giả không phụ thuộc vào các thủ tục chính thức. Một tác phẩm sáng tạo được coi là được bảo hộ quyền tác giả ngay khi được tạo ra. Theo Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, tác phẩm văn học và nghệ thuật được bảo hộ mà không cần thủ tục đăng ký bất kỳ tại các quốc gia thành viên của Công ước (151 quốc gia tính đến tháng 8 năm 2003 – danh sách các quốc gia thành viên ở Phụ lục VII). Quy định này cũng được áp dụng đối với tất cả thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới.
Do vậy, không có thủ tục đăng ký quốc tế để bảo hộ quyền tác giả như sáng chế, nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp. Tuy nhiên, nhiều nước có Cơ quan quản lý quyền tác giả quốc gia và pháp luật một số quốc gia cho phép đăng ký tác phẩm với mục đích như xác định và phân biệt tên gọi của tác phẩm. Ở các quốc gia nhất định, việc đăng ký tạo ra một số lợi thế thiết thực khi nó được sử dụng làm chứng cứ ban đầu ở tòa án trong các vụ tranh chấp liên quan tới quyền tác giả và việc thực hiện một số quyền có thể phụ thuộc vào việc đăng ký. Ví dụ, ở Hoa Kỳ, việc đăng ký là bắt buộc để được bồi thường theo luật pháp. Việc đăng ký cũng có thể được yêu cầu đối với công dân của một quốc gia vì quyền của họ tại chính nước họ không bị ảnh hưởng bởi các điều ước quốc tế. Vì thế, đối với công dân Hoa Kỳ, việc kiện tụng tại tòa án về hành vi xâm phạm quyền tác giả sẽ bị từ chối nếu không có đăng ký hợp lệ.
Do đó, trong khi không có thủ tục quốc tế nào về đăng ký bảo hộ quyền tác giả ở nước ngoài và tác phẩm của bạn sẽ tự động được bảo hộ mà không cần đăng ký ở tất cả các quốc gia thành viên của Công ước Berne, bạn có thể vẫn muốn đăng ký tác phẩm của mình tại các cơ quan quản lý quyền tác giả quốc gia nếu có thủ tục đăng ký. Danh sách các cơ quan quản lý quyền tác giả quốc gia có tại trang web của Wipo theo địa chỉ www.wipo.int/news/en/links/addresses/cr.
Nguồn Wipo.