Luật sư tư vấn:

Căn cứ quy định của Luật Đầu tư năm 2020 và Nghị định 31/2021/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Đầu tư có thể phân tích chi tiết như sau:

 

1. Hoạt động xúc tiến đầu tư là gì?

Khái niệm về đầu tư trong Luật Đầu tư được ghi nhận tại Khoản 8, Điều 3, gắn với đầu tư kinh doanh, đó là “việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh.”.

Vai trò của hoạt động xúc tiến đầu tư hiện nay:

– Xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư theo ngành, vùng và đối tác phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư có tính liên vùng, liên ngành, gắn kết với xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch.

– Xúc tiến đầu tư là công cụ năng động và gây ảnh hưởng định hướng đến nhà đầu tư và là hình thức tuyên truyền nhằm tìm kiếm và duy trì vốn đầu tư. Trước hết, xúc tiến đầu tư là một công cụ để thu hút đầu tư nước ngoài và thực hiện chính sách FDI, có tác động đến việc khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Xúc tiến đầu tư FDI chỉ là một công cụ trong số các công cụ phát triển kinh tế. Xúc tiến đầu tư thực chất là giải quyết bài toán tìm kiếm và duy trì vốn đầu tư. Thông qua xúc tiến đầu tư, các dự án FDI bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế- xã hội từng thời kỳ, đồng thời là nhân tố quan trọng phát huy nguồn nội lực nhất là trong giai đoạn khi mức tích lũy của nền kinh tế còn thấp.

 

2. Nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư.

Nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư được quy định tại Điều 88 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, bao gồm 8 nội dung cơ bản:

Một là, nghiên cứu tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư. Đây là nội dung cũng như là giai đoạn đầu tiên trong hoạt động xúc tiến đầu tư, là giai đoạn quyết định đến việc xúc tiến đầu tư có khả thi hay không và hiệu quả trên thực tế được tác động bởi yếu tố khách quan.

Hai là, xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư. Đây là hoạt động nhằm thu hút, thể hiện sự hấp dẫn của các dự án đầu tư và cho nhà đầu tư thấy được tiêm năng phát triển mạnh mẽ của dự án, đồng thời đây là cách để các bên tiếp cận và dần có “thiện cảm” với nhau.

Ba là, hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư. Hoạt động đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn vào để thực hiện hoạt động kinh doanh, việc hỗ trợ, hướng dẫn hay tạo điều kiện thuận lợi là cách để cơ quan xúc tiến đầu tư “mở đường’ cho chính mình trong việc đáp ứng yêu cầu của “một khách hàng” trước dự án trong tương lai.

Bốn là, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Đây là cơ sở để lưu trữ và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư có kế hoạch, hiệu quả, hợp pháp, hợp lý, cũng là những tài liệu chứng minh quá trình xúc tiến đầu tư là đúng quy trình.

Năm là, xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư. Hoạt động này có ý nghĩa thực sự có vai trò quan trọng, việc xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư nhằm giúp nhà đầu tư lựa chọn các dự án phù hợp với chính mình, cũng là cách để cơ quan xúc tiến quản lý các dự án mong muốn được thực hiện trong tương lai.

Sáu là, xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư. Các tài liệu, ẩn phấn được kể đây cũng tương tự như một cách xây dựng hình ảnh, tuyên truyền cho hoạt động xúc tiến đầu tư, các tài liệu nhằm phục vụ cho hoạt động xúc tiến được diễn ra hiệu quả và nhanh chóng.

Bảy là, đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư. Đây là hoạt động nhằm bồi dưỡng chất lượng nhân sự thực hiện trực tiếp hoạt động xúc tiến đầu tư trong các cơ quan xúc tiến đầu tư.

Tám là, hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư. Hoạt động xúc tiến đầu tư, trọng tâm là thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, việc hợp tác trong nước và quốc tế làm nâng cao năng lực xúc tiến đầu tư hiệu quả và hiện đại.

 

3. Cơ quan thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư

Theo Điều 74 Luật Đầu tư năm 2020 và Điều 91 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện xúc tiến đầu tư là:

Chính phủ chỉ đạo xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, định hướng xúc tiến đầu tư nhằm thúc đẩy, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư theo ngành, vùng và đối tác phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong từng thời kỳ; bảo đảm thực hiện các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư có tính liên vùng, liên ngành, gắn kết với xúc tiến thương mại và xúc tiến du lịch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến đầu tư trong phạm vi cả nước.

Trong hoạt động của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia được coi là trọng tâm, theo đó, ” Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia là tập hợp các hoạt động xúc tiến đầu tư quy mô cấp quốc gia, có tính liên vùng, liên ngành do các bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện bằng nguồn ngân sách nhà nước.” (Khoản 1, Điều 92 Luật Đầu tư). Bên cạnh đó, Bộ kế hoạch đầu tư còn thực hiện việc lên kế hoạch, tổ chức, vận hành, sắp xếp các hoạt động xúc tiến đầu tư liên vùng, liên tỉnh. Thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trở thành cánh tay đắc lực cho Chính phủ trong hoạt động vừa quản lý vừa thực hiện xúc tiến đầu tư trực tiếp.

Các bộ, ngành phân công đầu mối thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực thuộc chức năng và thẩm quyền.

Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác xúc tiến đầu tư.

Trong xúc tiến đầu tư, vai trò của Sở Kế hoạch đầu tư hay Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cực kỳ quan trọng, đây là hoạt động để tỉnh thu hút nguồn vốn đầu tư mạnh mẽ, góp phần làm phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Tùy thuộc vào nhu cầu và điều kiện cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập cơ quan hoặc bộ phận xúc tiến đầu tư trong cơ cấu tổ chức của mình và có trách nhiệm bố trí cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, biên chế và kinh phí hoạt động. Trường hợp thành lập cơ quan xúc tiến đầu tư trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được sự thống nhất của Bộ Nội vụ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật.

Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài:

a) Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài trực thuộc và chịu sự quản lý của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

b) Tùy theo yêu cầu cụ thể của từng địa bàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống nhất với Bộ Ngoại giao về số lượng nhân sự xúc tiến đầu tư được bố trí tại cơ quan đại diện. Trường hợp tại một địa bàn có biên chế từ hai cán bộ xúc tiến đầu tư trở lên thì thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư trực thuộc cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài;

c) Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài chịu sự chỉ đạo về chuyên môn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự chỉ đạo toàn diện của cơ quan đại diện của Việt Nam tại nước ngoài.

Khi nhắc tới cơ quan xúc tiến đầu tư, không thể không nhắc đến đầu mối đầu tư tại nước ngoài, theo đó “Đầu mối xúc tiến đầu tư tại nước ngoài trực thuộc và chịu sự quản lý của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài”. Đây là cơ quan có vai trò trong việc tiếp cận và thực hiện hoạt động xúc tiến đầu tư ban đầu nhằm tìm kiếm và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

 

4. Phương thức xúc tiến đầu tư

– Hoạt động xúc tiến đầu tư được thực hiện theo các phương thức sau đây:

a) Thu thập thông tin, tổng hợp, nghiên cứu xây dựng các đề án, báo cáo, tài liệu; xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; xây dựng cổng, trang thông tin điện tử về xúc tiến đầu tư;

b) Tổ chức đoàn khảo sát, nghiên cứu ở trong nước và nước ngoài; đoàn công tác xúc tiến đầu tư theo từng chuyên đề hoặc đối tác cụ thể;

c) Tổ chức diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm xúc tiến đầu tư ở trong nước và nước ngoài;

d) Tổ chức đối thoại giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhà đầu tư;

đ) Kết nối nhà đầu tư với cơ quan nhà nước, với các nhà đầu tư, với các tổ chức, cá nhân;

e) Tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, chính sách, pháp luật về đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài;

g) Cung cấp thông tin, hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư;

h) Tổng hợp đề xuất, kiến nghị của nhà đầu tư và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh.

– Hoạt động xúc tiến đầu tư có thể sử dụng một hoặc nhiều phương thức xúc tiến đầu tư tùy thuộc vào nội dung và yêu cầu của từng hoạt động.

 

5. Điều phối hoạt động xúc tiến đầu tư

– Phương thức điều phối hoạt động xúc tiến đầu tư:

a) Bố trí, sắp xếp các hoạt động xúc tiến đầu tư đảm bảo hiệu quả, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế, vùng lãnh thổ, địa phương và điều kiện cụ thể trong từng thời điểm nhất định;

b) Cân đối nội dung, thời gian, thời hạn, tiến độ, thành phần đoàn xúc tiến và kinh phí hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với yêu cầu và thực tiễn triển khai.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất điều phối hoạt động xúc tiến đầu tư. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm:

a) Hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng chương trình xúc tiến hằng năm phù hợp với kế hoạch xúc tiến đầu tư và chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia;

b) Điều phối xây dựng thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia;

c) Hướng dẫn, điều phối Chương trình xúc tiến đầu tư của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

– Các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Điều phối thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư của đơn vị mình;

b) Kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia;

c) Thường xuyên rà soát tình hình thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư theo đúng chương trình đã được phê duyệt và cập nhật thông tin trên Hệ thống thông tin quốc gia về xúc tiến đầu tư.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.