1. Khái niệm vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

Khoản 2 Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

“Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại”.

Đây là trường hợp:

“… Người phòng vệ đã dùng những phương tiện và phương pháp gây ra thiệt hại quá đảng cho người xâm hại mà tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại cũng như hoàn cảnh cụ thể chưa đòi hỏi phải dùng các phương tiện và phương pháp đó”.

Người phòng vệ trong những trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có lỗi đối với việc vượt quá của mình. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự không như những trường hợp bình thường. Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã coi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Đây là trường hợp phòng vệ khi đã có đủ cơ sở làm phát sinh quyền phòng vệ – sự tấn công của con người, nguy hiểm đáng kể, trái pháp luật đang hoặc sẽ xảy ra ngay tức khắc và người phòng vệ đã thực hiện đúng nội dung của quyền phòng vệ – chống trả gây thiệt hại cho chính kẻ tấn công nhưng đã vượt ra ngoài phạm vi cho phép – gây ra thiệt hại cho người tấn công rõ ràng quá mức cần thiết, không tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công. Để xác định sự quá mức cần thiết, sự không tương xứng này cần dựa vào những căn cứ:

1) Tính chất của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm hại;

2) Mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra;

3) Sức mãnh liệt của hành vi tấn công;

4) Tính chất và mức độ nguy hiểm của phương pháp và phương tiện mà kẻ tấn công sử dụng;

5) Khả năng phòng vệ của người phòng vệ…

Trước đây, Luật hình sự Việt Nam quy định người phòng vệ trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự nếu có lỗi đối với hành vi vượt quá. Tuy nhiên, trách nhiệm hình sự đối với họ là trách nhiệm hình sự giảm nhẹ do xét đến động cơ cũng như hoàn cảnh phạm tội. Với lý do như vậy, tình tiết vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng có thể được quy định là tình tiết định tội (tội nhẹ hơn), tình tiết định khung giảm nhẹ của một số tội cũng như được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các tội khác. Trong Bộ luật hình sự năm trước đó, tình tiết này được quy định là tình tiết định tội (tội nhẹ hơn; Điều 96 và Điều 106) cũng như được quy định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các trường hợp phạm tội khác (Điều 46).

 

2. Phòng vệ tưởng tượng là gì?

Phòng vệ tưởng tượng là trường hợp do lầm tưởng người khác đang có hành vỉ xâm phạm nên đã phòng vệ, gây thiệt hại cho họ.

Phòng vệ tưởng tượng là dạng sai lầm về sự việc.

Với tính chất là một trường hợp sai lầm, phòng vệ tưởng tượng theo nghĩa rộng bao gồm những khả năng sau:

– Hoàn toàn không có hành vi xâm phạm nhưng nhầm tưởng có hành vi này;

– Có hành vi xâm phạm nhưng nhầm lẫn người thực hiện hành vi này;

– Có hành vi xâm phạm nhưng sai lầm trong việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi này nên đã vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;

– Sai lầm trong việc xác định thời điểm nên đã phòng vệ quá sớm hoặc quá muộn.

Theo nghĩa hẹp là nghĩa được thừa nhận từ trước đến nay thì phòng vệ tưởng tượng chỉ bao gồm khả nàng thứ nhất và khả năng thứ hai nêu trên.

Cũng như phòng vệ “quá sớm” và phòng vệ “quá muộn”, phòng vệ tưởng tượng không phải là phòng vệ chính đáng vì không có cơ sở của quyền phòng vệ. Do vậy, vấn đề trách nhiệm hình sự vẫn được đặt ra và được giải quyết như trường hợp sai lầm khác.

 

3. Bản chất của phòng vệ chính đáng

Mục đích của Phòng vệ chính đáng là nhằm bảo vệ các lợi ích hợp pháp đồng thời ngăn chặn hành vi tấn công bằng cách gây thiệt hại cho người có hành vi tấn công. Chính do mục đích của Phòng vệ chính đáng là bảo vệ lợi ích hợp pháp nên mặc dù người có hành vi phòng vệ gây nên thiệt hại khách quan về hình sự nhưng được loại trừ trách nhiệm hình sự.

 

4. Điều kiện về phòng vệ chính đáng

Hành vi tấn công xâm hại lợi ích hợp pháp – cơ sở làm phát sinh quyền Phòng vệ chính đáng: lợi ích hợp pháp là những quyền của Nhà nước, tổ chức và công dân được pháp luật quy định như quyền về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm…những hành vi chống trả để bảo vệ lợi ích bất hợp pháp không được coi là phòng vệ chính đáng.

Hành vi tấn công phải có thật và đang diễn ra chứ không phải do suy đoán tưởng tượng.

Phòng vệ chính đáng phải gây ra thiệt hại cho chính người đang có hành vi tấn công: vì có như vậy nguồn gốc làm phát sinh hành vi tấn công xâm phạm lợi ích hợp pháp mới bị loại trừ tận gốc. Hành vi của người phòng vệ chỉ được chống trả gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người có hành vi tấn công.

– Giữa hành vi phòng vệ và hành vi tấn công phải có sự tương xứng. Sự tương xứng không có nghĩa là sự ngang bằng theo nghĩa cơ học, người tấn công sử dụng công cụ phương tiện gì thì người phòng vệ cũng sử dụng công cụ phương tiện đó hoặc hành vi tấn công gây thiệt hại đến mức nào thì người phòng vệ cũng được gây thiệt hại đến mức độ đó. Sự tương xứng ở đây được hiểu là sự tương xứng về tính chất và mức độ được xác định dựa vào các yếu tố chủ quan và khách quan.

 

5. Một số tội danh khi vượt quá giới hạn về phòng vệ chính đáng

Khi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng gây hậu quả xảy ra, có thể bị một số tội như sau:

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

+ Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

+ Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

+ Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Ngoài ra tùy theo tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

 

6. Điều kiện hưởng án treo?

Theo Điều 65 Bộ luật hình sự 2015 và Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, người phạm tội được hưởng án treo khi có đủ tất cả các điều kiện sau:

Bị xử phạt tù không quá 3 năm

Đây là căn cứ đầu tiên để Tòa án xác định có được hưởng án treo hay không. Không quá 3 năm ở đây là mức phạt tù mà đáng lẽ người đó phải chịu, không phụ thuộc vào loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, trường hợp người bị xét xử cùng một lần về nhiều tội mà tổng hình phạt tù dưới 3 năm thì vẫn không được hưởng án treo trừ trường hợp người dưới 18 tuổi .

Có nhân thân tốt

Theo Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, cụ thể là điều 2, Người phạm tội được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.

Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo.

Có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự

Người phạm tội phải có 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS, và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.

Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định

Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo.

Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù

Nếu Tòa án xét thấy người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì Tòa án sẽ xem xét cho họ hưởng án treo.

Không thuộc các trường hợp không được hưởng án treo

Theo Điều 3, Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP, các trường hợp không được hưởng án treo là:

  • Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
  • Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã.
  • Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
  • Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
  • Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
  • Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.

Như vậy, để được hưởng án treo thì trước hết phải có đủ các điều kiện trên. Điều kiện này là căn cứ để Tòa án xem xét cho hưởng án treo. Nếu thiếu một trong các điều kiện trên thì người phạm tội sẽ không được hưởng án treo.

Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến lĩnh vực hình sự về phòng vệ chính đáng, Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến qua tổng đài. Đội ngũ Luật sư của LVN Group giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực hình sự luôn sẵn sàng lắng nghe và giải đáp cụ thể. Trân trọng./.