1. Bằng độc quyền sáng chế là gì?

Theo khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 có quy định sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên. Theo đó, sáng chế phải do hoạt động lao động sáng tạo của con người chứ không phải sản phẩm của tự nhiên. Sáng chế có thể là sản phẩm dưới dạng kết cấu công nghệ, cơ khí như máy móc, thiết bị, linh kiện, dụng cụ, hoặc dưới dạng một chất như vật liệu, chất liệu, thực phẩm, … Sáng chế cũng có thể là quy trình, trình tự sản xuất như quy trình công nghệ, phương pháp chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, phương pháp sản xuất ,…

Sáng chế là một trong những dạng lâu đời nhất của bảo hộ sở hữu trí tuệ. Sự tồn tại của cơ chế bảo hộ quyền sáng chế là việc tặng thưởng cho những sáng tạo trí tuệ, không chỉ mang lại lợi ích cho chủ sở hữu mà còn là sự phát triển của cả xã hội. Bảo hộ quyền sáng chế tạo ra những động lực hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà sáng chế đẩy mạnh tính sáng tạo, chấp nhận bộc lộ những ý tưởng của mình và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào việc thương mại hóa các ý tưởng đó trên thực tiễn.

Bằng độc quyền sáng chế là độc quyền do Chính phủ cấp cho một sáng chế, đó là một sản phẩm hay quy trình kỹ thuật nói chung mà đưa ra phương pháp mới để thực hiện một việc gì đó hoặc đưa ra một giải pháp kỹ thuật mới cho một vấn đề cụ thể. Để được bảo hộ độc quyền, sáng chế phải đáp ứng các điều kiện như sau:

– Sáng chế phải có tính mới;

– Sáng chế phải có trình độ sáng tạo (tức là không hiển nhiên đối với người có trình độ trung bình trong lĩnh vực công nghệ có liên quan);

– Sáng chế phải có khả năng áp dụng công nghiệp.

Cục Sở hữu trí tuệ có thẩm quyền cấp bằng độc quyền sáng chế và hồ sơ đăng ký cấp bằng sáng chế sẽ trải qua các giai đoạn thẩm định khác nhau gồm:

– Thẩm định hình thức: Xét nghiệm tính hợp lệ của đơn đăng ký sáng chế và các tài liệu kèm theo. Nếu đáp ứng, sẽ ra thông báo chấp nhận đơn hợp lệ trong vòng 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.

– Công bố đơn: Công bố thông tin về sáng chế trên Tạp chí Sở hữu công nghiệp trong thời gian 19 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ

– Thẩm định nội dung: Xét nghiệm khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế trong thời gian từ 18 tháng đến 22 tháng kể từ ngày công bố hoặc từ ngày có yêu cầu.

– Cấp văn bằng: Cấp văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế trong thời gian từ 01 tháng đến 02 tháng kể từ ngày có thông báo.

Khi được cấp bằng độc quyền sáng chế sẽ có giá trị pháp lý trong thời gian tối đa 20 năm, tính từ ngày đơn đăng ký sáng chế đó được nộp, với điều kiện là phí duy trì hiệu lực được nộp đúng thời hạn trong khoảng thời gian đó và bằng độc quyền sáng chế không bị hủy bỏ hoặc không bị Tòa án tuyên bố vô hiệu.

Bằng độc quyền sáng chế là quyền có tính chất lãnh thổ, do đó hiệu lực của nó chỉ giới hạn trong lãnh thổ địa lý của nước hoặc khu vực có liên quan mà đã cấp bằng độc quyền sáng chế. Để nhận được sự bảo hộ sáng chế ở nước khác hoặc khu vực khác, nhiều đơn sáng chế có thể phải được nộp tại Cơ quan sáng chế quốc gia hoặc khu vực có liên quan trong thời hạn do pháp luật quy định.

 

2. Bằng độc quyền sáng chế mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Ngoài việc bằng độc quyền sáng chế xác lập cho chủ sở hữu đối với sáng chế đó và mang lại lợi thế lớn có thể khai thác trong 20 năm thời hạn của sáng chế thì bằng độc quyền sáng chế có thể đem lại một số lợi ích cho doanh nghiệp như sau:

Thứ nhất, xây dựng lợi thế cạnh tranh, sức mạnh thị trường 

Khi chủ thể sáng chế sử dụng sáng chế được bảo hộ độc quyền gắn với một công nghệ trong doanh nghiệp thì nó phải có khả năng cải thiện sức mạnh thị trường của bạn, tạo ra cho doanh nghiệp có lợi thé cạnh tranh nhất định và giúp doanh nghiệp có dòng lợi nhuận, kiếm nhiều tiền hơn.

Bằng độc quyền sáng chế mang lại cho doanh nghiệp sự độc quyền, đổi lại doanh nghiệp phải bộc lộ sáng chế một cách công khai. Ví dụ, doanh nghiệp có thể tham gia triển lãm, hội chợ hoặc một triển lãm ngành công nghiệp thương mại và trưng bày sáng chế mà không sợ bị mất nó. Bằng độc quyền sáng chế cũng cho phép doanh nghiệp tìm đến các nhà phân phối mà không sợ rằng sẽ có một bên sản xuất, bán, sử dụng hoặc phân phối sản phẩm mới hoặc được cải tiến sản phẩm đó khi không có sự cho phép của doanh nghiệp. Điều này sẽ giảm bớt sự cạnh tranh. Vì vậy, doanh nghiệp có thể sử dụng sáng chế được bảo hộ cho một công nghệ trong doanh nghiệp thì nó sẽ giúp doanh nghiệp của bạn nâng cao sức mạnh thị trường, tạo cho doanh nghiệp một lợi thế so với đối thủ cạnh tranh và giúp doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền hơn.

Thứ hai, phát sinh ra lợi nhuận đầu tư

Khi doanh nghiệp cho ra một sáng chế, tức là doanh nghiệp đã đầu tư tiền bạc, thời gian, trí tuệ vào đó và khi được cấp bằng độc quyền sáng chế, doanh nghiệp có thể dễ dàng thu lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều từ việc thương mại hóa sản phẩm đó. 

Thứ ba, tạo thêm nguồn thu nhập mới

Không cần thiết phải tự khai thác và cũng không biết phải khai thác từ đâu, chủ sở hữu có thể li-xăng bằng độc quyền sáng chế cho một bên khác từ đó cũng có thể thu lại lợi nhuận mà không cần tốn công sức trong việc thương mại hóa. Khi đó, doanh nghiệp đã tự tạo thêm một nguồn thu nhập mới bằng cách cho một bên khác sử dụng các quyền sử hữu trí tuệ của mình nhưng không làm mất đi quyền sở hữu các quyền đó của doanh nghiệp .

Hoặc doanh nghiệp có thể tiến hành bán bằng độc quyền sáng chế. Bởi sở hữu độc quyền sáng chế có nghĩa là doanh nghiệp đang có một tài sản nên có thể trao đổi được, tức là có thể bán được. 

Thứ tư, huy động vốn và thu hút các nhà đầu tư tiềm năng

Bằng độc quyền sáng chế có thể được mua, bán hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng hoặc được sử dụng làm tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng. Bằng độc quyền sáng chế có thể thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến với doanh nghiệp vì họ sẽ nhìn nhận được thấy một số rào cản việc nhập khẩu của đối thủ cạnh tranh, điều này không chỉ bảo vệ các khoản đầu tư của doanh nghiệp về R&D nâng cao lợi tức từ nguồn đầu tư của doanh nghiệp, mà còn có thể tạo ra thu nhập thông qua việc cho phép người khác sử dụng sáng chế của mình.

Thứ năm, xây dựng hình ảnh

Đối với đối tác, nhà đầu tư hoặc khách hàng tìm đến với bạn thì bằng độc quyền sáng chế chính là thứ để khẳng định về kiến thức chuyên môn, năng lực đối với doanh nghiệp của bạn. Điều này sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình gọi vốn, tìm đối tác kinh doanh và nâng cao giá trị công ty trên thị trường.

 

3. Một số hạn chế khi không đăng ký bằng độc quyền sáng chế là gì?

Bên cạnh những lợi ích mà bằng độc quyền sáng chế đem lại cho doanh nghiệp thì cần xem xét đến những hạn chế khi không đăng ký bảo hộ sáng chế để củng cố thêm cho việc nên tiến hành đăng ký bảo hộ sáng chế. Tức là, trái ngược với những lợi ích của việc đăng ký bằng độc quyền sáng chế, khi sáng chế của bạn không được bảo hộ có thể gặp một số những vấn đề không mong muốn cản trở trong hoạt động kinh doanh của mình:

– Người khác có thể bảo hộ sáng chế đó: Với nguyên tắc ưu tiên nộp đơn, một khi có người khác đã nộp đơn đăng ký trước bạn thì điều đó có nghĩa rằng đơn đăng ký của bạn sẽ bị từ chối và đương nhiên người nộp trước đó sẽ có đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp đối với sáng chế đó nếu được cấp bằng độc quyền sáng chế

– Đối thủ sử dụng sáng chế: Một khi sáng chế của bạn không được bảo hộ và được thương mại hóa, các đối thủ cạnh tranh có thể sản xuất các sản phẩm tương tự với chất lượng và giái thành kém hơn. Điều đó tác động đáng kể tới vị thế cạnh tranh của công ty bạn

– Khả năng li xăng, bán hoặc chuyển giao công nghệ bị cản trở: Một khi không được cấp bằng độc quyền sáng chế, các đối tác, khách hàng sẽ không đủ niềm tin để thực hiện một giao dịch mua bán vì những rủi ro mà nó đem lại.

Mọi vướng mắc chưa rõ hoặc có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách vui lòng liên hệ với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại 24/7, gọi ngay tới số: 1900.0191 hoặc gửi email trực tiếp tại: Tư vấn pháp luật qua email để được giải đáp. Cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group.