1.  Bồi thường thiệt hại trong tiếng Anh là gì?

Bồi thường thiệt hại là một trong những trách nhiệm dân sự nhằm buộc bên có hành vi gây thiệt hại phải khắc phục hậu quả bằng cách đền bù các tổn thất về vật chất và tổn thất về tinh thần cho bên bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại về vật chất là trách nhiệm bù đắp tổn thất về vật chất thực tế, được tính thành tiền do bên vi phạm nghĩa vụ gây ra, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.

Pháp luật dân sự quy định hai loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại là: trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng là hình thức trách nhiệm dân sự đặt ra khi hành vi vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đã gây ra thiệt hại, theo đó bên có hành vi vi phạm phải bù đắp những tổn thất vật chất, tinh thần do mình gây ra. 

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu là loại trách nhiệm bồi thường không phát sinh từ quan hệ hợp đồng; Theo đó thì người nào có hành vi trái pháp luật xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người khác mà gây thiệt hại thì phải tiến hành bồi thường. 

Bồi thường thiệt hại trong tiếng Anh là  Compensation

Một số cụm từ liên quan đến bồi thường thiệt hại trong tiếng Anh mà chúng ta có thể kể đến như sau: 

– Liability for compensation: Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

– To cause damage: Gây ra thiệt hại

– To pay damages: Trả tiền bồi thường thiệt hại

– To suffer damage: Bị thiệt hại

– Damnification: Sự gây tổn hại, sự gây thiệt hại, điều thiệt hại

– To estimate the damage: Ước lượng sự thiệt hại

– To bear the damage: Chịu thiệt hại

– Damage to property: Sự thiệt hại tài sản

– To bring an action of damages against somebody: Kiện ai đòi bồi thường thiệt hại

–  Damage to person: Sự thiệt hại tính mạng

2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Căn cứ điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về căn cứ trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

– Có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác;

– Có thiệt hại xảy ra là thiệt hại về vật chất, thiệt hại về tinh thần;

– Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi xâm phạm. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi xâm phạm và ngược lại hành vi xâm phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

– Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

– Người gây thiệt hại, chủ sở hữu tài sản, người chiếm hữu tài sản không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác: Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Lỗi hoàn toàn do người bị thiệt hại là toàn bộ thiệt hại xảy ra đều do lỗi của người bị thiệt hại, người gây thiệt hại không có lỗi.

3. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại.

Căn cứ: Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 có quy đinh như sau :

Thứ nhất: Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. 

 Thiệt hại thực tế được xác định dựa theo các căn cứ sau: Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút. Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể.

Thứ hai: Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hạ

Thứ ba: Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

Mức bồi thường thiệt hại không còn phù hợp với thực tế, có nghĩa là do có sự thay đổi về tình hình kinh tế – xã hội; sự biến động về giá cả; sự thay đổi về tình trạng thương tật, khả năng lao động của người bị thiệt hại; sự thay đổi về khả năng kinh tế của người có trách nhiệm bồi thường mà mức bồi thường không còn phù hợp với sự thay đổi đó. Bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại phải có đơn yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại. Kèm theo đơn là các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ cho việc yêu cầu thay đổi mức bồi thường thiệt hại.

Thứ tư: Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Thứ năm: Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

Đây là trường hợp bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm biết, nhìn thấy trước việc nếu không áp dụng biện pháp ngăn chặn thì thiệt hại sẽ xảy ra và có đủ điều kiện để áp dụng biện pháp ngăn chặn, hạn chế được thiệt hại xảy ra nhưng đã để mặc thiệt hại xảy ra thì bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường thiệt hại.

4. Mẫu biên bản bồi thường thiệt hại. 

Các bạn có thể tham khảo mẫu biên bản bồi thường thiệt hại sau đây: 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

BIÊN BẢN THỎA THUẬN 

(V/v: Bồi thường thiệt hại)

Căn cứ Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ vào ý chí của các bên

Hà Nội, ngày 01 tháng 03 năm 2023

Chúng tôi gồm có:

BÊN A ( bên bồi thường): Lê Văn A

Địa chỉ: Số nhà 22A , phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm , Hà Nội

Điện thoại: 03344xxxx

Email: [email protected]

BÊN B( bên nhận bồi thường): Lê Thị M

Địa chỉ: 10 Phan Văn Trường, Cầu giấy, Hà Nội

Điện thoại: 09856xxxx

Email: [email protected]

Hai bên cùng thống nhất ký bản thỏa thuận với những điều khoản sau:

Điều 1: Xác nhận khoản bồi thường thiệt hại 

Sau khi tính toán các chị phí hợp lý, 2 bên thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại như sau : 30.000.000 đồng 

( Bằng chữ: ba mươi triệu đồng)

Điều 2: Cam kết của Bên A

1. Bên A cam kết sẽ dùng mọi tài sản cá nhân của mình để thanh toán và bồi thường cho bên B

2. Thanh toán đầy và đúng hạn cho bên B

3. Các quyền và nghĩa vụ khác tại bản thỏa thuận này và theo quy định của pháp luật

Điều 3. Cam kết của Bên B

1. Cho phép Bên A dùng mọi tài sản cá nhân của Bên A để thanh toán các khoản bồi thường nêu tại Điều 1 Bản thỏa thuận này

2. Tạo điều kiện cho bên A có thể thực hiện việc bồi thường

3. Các quyền và nghĩa vụ khác theo bản thỏa thuận này và theo quy định của pháp luật đề ra

Điều 4: Điều khoản chung

1. Bản thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày ký

2. Bản thỏa thuận được lập thành 02 bản có giá trị pháp lý như nhau, mỗi bên giữ một bản. 

BÊN A BÊN B
( Ký và ghi rõ họ tên) ( Ký và ghi rõ họ tên)

Lưu ý: Những nội dung mà chúng tôi tiến hành bôi đỏ là những nội dung mang tính chất gợi ý, tham khảo. Các bạn sẽ thay thế bằng nội dung khác sao cho phù hợp với yêu cầu của mình. 

Trên đây là toàn bộ nội dung mà chúng tôi muốn cung cấp cho các bạn có liên quan đến bồi thường thiệt hại, bồi thường thiệt hại trong tiếng anh là gì, bên cạnh đó thì chúng tôi cũng cung cấp cho các bạn biên bản bồi thường thiệt hại. Hi vọng rằng những thông tin mà chúng tôi cung cấp đã giúp ích cho các bạn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình cũng như bảo đảm quyền lợi của mình. Ngoài ra nếu các bạn còn có những câu hỏi thắc mắc có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại thì có thể liên hệ với chúng tôi thông qua số điện thoại của tổng đài 1900.0191 để được hỗ trợ tư vấn một cách nhanh chóng nhất.