1. Diện thừa kế là gì ?

Khái niệm về diện thừa kế được hiểu là phạm vi những người có quyền được hưởng di sản của người chết theo quy định của pháp luật dân sự.

Diện những người thừa kế là phạm vi những người có quyền hưởng di sản thừa kế của người chết theo quy định của pháp luật. Diện những người thừa kế được xác định dựa trên 3 mối quan hệ với người để lại di sản: quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng .

– Quan hệ hôn nhân xuất phát từ việc kết hôn (giữa vợ và chồng).

– Quan hệ huyết thống là quan hệ do sự kiện sinh ra cùng một gốc “ông tổ” (như giữa cụ và ông, bà; giữa ông bà và cha mẹ; giữa cha mẹ đẻ với con; giữa anh chị em cùng cha mẹ, cùng mẹ khác cha, cùng cha khác mẹ).

– Quan hệ nuôi dưỡng là quan hệ dựa trên cơ sò nuôi con nuối, được pháp luật thừa nhận giữa cha, mẹ nuổi và con nuôi.

Diện những người thừa kế được xếp thành ba hàng thừa kế. Thừa kế được phân chia theo nguyên tắc sau: Di sản thừa kế chỉ được chia cho một hàng thừa kế theo thứ tự ưu tiên : 1, 2, 3. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau; những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

2. Thủ tục nhận thừa kế số tiền trong tài khoản của người mất ?

Thưa Luật sư! Gia đình em có anh trai không may bị tai nạn qua đời. Anh làm việc từ cuối năm 2014 tại công ty và có số tài khoản của Ngân Hàng Eximbank. Vì anh ra đi quá đột ngột nên gia đình em không biết hiện tại trong tài khoản của anh có số dư là bao nhiêu và thủ tục pháp lý cần phải làm ra sao để có thể lấy lại số tiền đó ?
Em xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế trực tuyến, gọi: 1900.0191

 

Trả lời:

Số tiền trong Ngân hàng là di sản do anh bạn để lại theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Do anh bạn mất đột ngột nên không để lại di chúc nên những người thừa kế theo pháp luật của anh bạn đều có quyền hưởng di sản đó và phải tiến hành khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật để nhận di sản. Theo Bộ luật dân sự 2015 :

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Như vậy, đối chiếu với quy định trên thì sổ tiết kiệm của anh bạn sẽ được chia cho những người ở hàng thừa kế thứ nhất, gồm: vợ (nếu có), bố đẻ, mẹ đẻ, bố mẹ nuôi (nếu có), con đẻ, con nuôi (nếu có).

Để rút số tiền trong tài khoản Ngân hàng của anh bạn, gia đình bạn có hai cách:

– Lập Văn bản khai nhận tài sản

Theo Luật công chứng 2014:

Điều 58. Công chứng văn bản khai nhận di sản

1. Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản.

2. Việc công chứng văn bản khai nhận di sản được thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 của Luật này.

3. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản.

Sau khi có văn bản công chứng, chứng thực khai nhận thừa kế thì những người được hưởng toàn bộ di sản của anh bạn sẽ đến Ngân hàng để rút số tiền đó ra và toàn quyền định đoạt số tiền đó.

– Ngoài ra, những đồng thừa kế trên cũng có thể lập Văn bản thỏa thuận của các đồng thừa kế.

Theo đó, cùng nhau thỏa thuận việc cử một người thay mặt và nhân danh tất cả các đồng thừa kế đến Ngân hàng để rút số tiền trong sổ tiết kiệm. Số tiền được rút ra sẽ do tất cả các đồng thừa kế định đoạt theo thỏa thuận.

Điều 57. Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản

1. Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.

Cả hai văn bản trên nên đến cơ quan công chứng hoặc chứng thực chứng nhận theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ yêu cầu công chứng gồm các giấy tờ sau đây:

+ Phiếu yêu cầu công chứng khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản theo mẫu;

+ Dự thảo văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản (nếu có);

+ Bản sao giấy tờ tuỳ thân;

+ Bản sao giấy tờ về tài sản: sổ tiết kiệm …;

+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến sổ tiết kiệm.

+ Bản sao như nêu trên là bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải có chứng thực. Khi nộp bản sao thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.  

 

3. Xác định di sản thừa kế, cách phân chia theo pháp luật ?

Kính chào Luật sư của LVN Group, xin Luật sư của LVN Group tư vấn giúp tôi Ông bà nội tôi có 9 người con: 5 người con đầu là con của bà nội 1 (cô 2, ba tôi, chú 4, chú 5, cô 6), bà nội 1 mất nên ông nội cưới bà nội 2 và sanh ra 4 người con gái. Hiện nay, cô thứ 7,8,9,10 đang ở ngôi nhà đó. Ông bà nội tôi đã mất, để lại căn nhà trị giá từ 8- 10 tỷ đồng. Khi bà nội 2 mất có viết di chúc bằng tay để lại tài sản cho 6 người con gái (3 người con trai thì không có tên trong di chúc), có sự chứng kiến của 3 người, hiện nay 2 người chứng kiến đã mất, chỉ còn 1 người. Cô thứ 6 của tôi nộp đơn chia tài sản ở phường, phường có bảo cô tôi là người chứng kiến còn sống phải có mặt tại phường để phưởng xác nhận chữ ký thì di chúc mới có hiệu lực. Bà nội tôi đã mất khoảng năm 2003 hoặc 2004 nhưng làm di chúc trể, vậy di chúc còn có hiệu lực không? Cô 6 tôi khi đi nộp đơn, trên phường nói là cô tôi không thưa được vì đã có nhà cửa đàng hoàng, chỉ có cô 2 là không có nhà cửa thì mới thưa được.
Xin Luật sư của LVN Group tư vấn giúp tôi là nếu dòng con không thưa được thì dòng cháu có thưa được không? có thể là tôi, hoặc các con của chú tôi.Nếu thưa được thì chách phân chia tài sản như thế nào?
Cám ơn Luật sư của LVN Group.

Luật sư phân tích:

Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội quy định:

Điều 630. Di chúc hợp pháp

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Như vậy, di chúc của bà bạn nếu lập thành văn bản, có chữ ký của người làm chứng thì có hiệu lực pháp luật. Hơn nữa, về thời hiệu khởi kiện để phân chia di sản thừa kế, Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Như vậy, trong trường hợp này, cô của bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện yêu cầu phân chia di sản, việc trả lời của UBND xã là chưa đủ cơ sở. Theo đó, pháp luật không quy định về thời hạn có hiệu lực của di chúc, nếu di chúc của bà bạn có những điều kiện như trên, thì vẫn hoàn toàn có hiệu lực.

Vì vậy, cô của bạn có quyền làm đơn gửi đến Tòa án nhân dân quận/huyện nơi có mảnh đất này để yêu cầu phân chia di sản.

 

4. Chia thừa kế cho con trai quốc tịch nước ngoài như thế nào ?

Chào Luật sư của LVN Group, Bà tôi mất có giấy chứng tử hơn 3 năm, bà có 3 người con, một con trai sống ở mỹ có quốc tịch mỹ, một con trai và một con gái với trước chồng trước không có giấy khai sinh vì chiến tranh loạn lạc, trước khi mất 10 năm có ra chính quyền thành phố làm di chúc cho người con trai đang sống ở mỹ.
Người này có quốc tịch mỹ đã lâu, hiện nay muốn về việt nam chuyển tên quyền sử dụng căn nhà (hiện trị giá khoảng 6 tỷ, tại quận phú nhuận ) đang có tên trên giấy sổ đỏ vẫn là tên bà đã mất. Vậy hỏi theo luật thì người con trai bên mỹ có quyền chuyển tên sổ đỏ sang tên mình được không. Nếu có tranh chấp thừa kế thì theo luật thừa kế sẽ được phân chia căn nhà trị giá khoảng 6 tỷ như thế nào?
Mong Luật sư của LVN Group tư vấn giúp tôi !

Luật sư trả lời:

Việc phân chia di sản thừa kế đối với di sản thừa kế là động sản thì pháp luật của nước mà người để lại di sản thừa kế có quốc tịch sẽ điều chỉnh vấn đề thừa kế theo pháp luật về động sản. Còn đối với di sản là bất động sản thì quyền thừa kế đối với bất động sản sẽ phải tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.

Như vậy căn cứ vào Khoản 2 Điều 8 và điểm b khoản 2 Điều 160 của Luật nhà ở năm 2014 người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài không chỉ được nhận thừa kế giá trị di sản mà có thể được đứng tên trên Giấy chứng nhận. Vậy Người con trai của bà bạn có thể chuyển tên quyền sử dụng đất nếu di chúc cà bà bạn để lại là di chúc hợp pháp.

Thứ hai nếu có tranh chấp về thừa kế căn nhà đó chị ra làm 2 trường hợp:

Trường hợp 1: Nếu di chúc của bà bạn là di chúc hợp pháp thì căn nhà đó sẽ được phân chia cho người con trai sống tại Mỹ. Di chúc hợp pháp được hiểu là di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc miệng chỉ được công nhận là hợp pháp trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản và sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.

Điều 659. Phân chia di sản theo di chúc

1. Việc phân chia di sản được thực hiện theo ý chí của người để lại di chúc; nếu di chúc không xác định rõ phần của từng người thừa kế thì di sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu huỷ do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản

Trường hợp 2: nếu di chúc của bà bạn để lại là di chúc không hợp pháp thì sẽ chia thừa kế theo pháp luật. Căn cứ Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy 3 người con của bà bạn sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất và những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật dân sự về thừa kế tài sản trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.0191  để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!

 

5. Chồng mất vợ có đương nhiên được nuôi con và thừa kế di sản không ?

Kính gửi công ty luật LVN Group, tôi có một câu hỏi mong được giải đáp: Hai vợ chồng tôi lấy nhau được 4 năm và có hai con, rồi không may chồng tôi bị tai nạn và qua đời và chồng tôi cũng mất được 2 năm, trong thời gian 2 năm đó tôi một mình tự nuôi 2 đứa con nhỏ của mình.
Lúc chồng tôi mất con cả của tôi đựợc 3 tuổi con nhỏ của tôi được 1 tuổi, lúc chồng tôi còn sống 2 vợ chồng tôi cũng mua đựơc 5 sào rẫy và có dựng được một căn nhà, nhưng sau khi chồng tôi mất thì anh em bố mẹ chồng đều muốn tranh dành cả con lẫn tài sản và họ không yêu thương tôi nên tôi muốn bán nhà cửa và rẫy đưa 2 đứa con tôi về sống với bố mẹ đẻ nhưng bố mẹ chồng họ nhất quyết không cho và họ nói tôi chỉ về làm dâu tôi không có gì tôi không có quyền nuôi con và thừa kế tài sản của chồng …vì vậy tôi muốn đựợc tư vấn nếu đưa đơn kiện lên tòa tôi có dành được quyền nuôi 2 đứa con và thừa kế tài sản của tôi và chồng tôi không ?
Trân trọng cảm ơn !

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

 

Trả lời:

Thứ nhất, bạn có được thừa kế tài sản của bạn và chồng bạn hay không ?

Theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

“Điều 33.Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”

Như vậy, tài sản mà khi còn sống bạn và chồng bạn có 5 sào rẫy và có dựng được một căn nhà là tài sản chung của hai người vì do hai người cũng tạo ra trong thời kỳ hôn nhân.

Vì thế, anh em và bố mẹ bên chồng bạn không có quyền đối với số tài sản này. Tuy nhiên, đây là xét với trường hợp tại thời điểm chồng bạn còn sống.

Khi chồng bạn mất thì riêng bố mẹ chồng bạn sẽ có quyền đối với số tài sản trên vì bố mẹ chồng bạn và bạn đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo Điều 651 BLDS năm 2015:

“Điều 651.Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”

Và tài sản chung của hai người sẽ được giải quyết theo đúng quy định tại Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

”Điều 66.Giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết

1. Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản.

2. Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.

3. Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

4. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.”

Thứ hai, đối với vấn đề nuôi con của bạn

Trước tiên, quyền chăm sóc con cái trước tiên thuộc về cha, mẹ theo đúng Điều 69 Luật hôn nhân và gia đình đã quy định:

“Điều 69.Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ

1. Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.

2. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

3. Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.

4. Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”

“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”

Do đó, khi chồng bạn mất, nếu bạn không thuộc trường hợp bị hạn chế quyền đối với con chưa thanh niên theo quy định tại điều sau:

Điều 85. Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên

“1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:

a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;

b) Phá tán tài sản của con;

c) Có lối sống đồi trụy;

d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.”

Như vậy, bạn là người có quyền và nghĩa vụ đương nhiên, chăm sóc nuôi dưỡng con theo pháp luật cho dù có đi lấy chồng hay không. Ông, bà nội chỉ đương nhiên được quyền và nghĩa vụ này khi cả ba, mẹ cháu qua đời, không có anh chị em có thể nuôi dưỡng (Điều 104 Luật hôn nhân gia đình 2014).

“Điều 104.Quyền và nghĩa vụ của ông bà nội, ông bà ngoại và cháu

1. Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu; trường hợp cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng theo quy định tại Điều 105 của Luật này thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.

2. Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng”

Mọi vướng mắc bác vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.