1. Năng lực pháp luật của pháp nhân

Tính đặc biệt của pháp nhân. Pháp nhân có năng lực pháp luật kể từ thời điểm tư cách pháp nhân phát sinh. Khác với năng lực pháp luật của cá nhân, năng lực pháp luật của pháp nhân do luật xác định về nội dung, phù hợp với đặc điểm của từng loại pháp nhân, thậm chí với từng pháp nhân. Chắc chắn, pháp nhân không thể có các quyền và nghĩa vụ đặc thù của cá nhân, như quyền kết hôn, quyền nhận cha, mẹ cho con, quyền nuôi con nuôi… Mỗi pháp nhân có những mục đích xác định để theo đuổi và, do đó, có khả năng có những quyền và nghĩa vụ giới hạn bởi chính các mục đích đó. Ví dụ: Sở tư pháp không có năng lực giao kết hợp đồng mua bán nông sản hàng hoá, do không có tư cách thương nhân; công ty trách nhiệm hữu hạn không có năng lực phát hành cổ phiếu;… Mục đích của các pháp nhân tư pháp và pháp nhân hỗn hợp được xác định trong điều lệ của pháp nhân. Bởi vậy, khi giao dịch với pháp nhân loại này, người thứ ba, muốn tránh khả năng giao dịch bị tuyên bố vô hiệu do không phù hợp với mục đích của pháp nhân đối tác, nên tham khảo điều lệ của pháp nhân trước khi quyết định nên hay không nên tiến hành giao kết. Cần lưu ý rằng người thứ ba luôn ở trong tình trạng buộc phải biết nội dung điều lệ của pháp nhân tư pháp, bởi trong mọi trường hợp, điều lệ này luôn được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nghĩa là được công bố cho tất cả mọi người. Thụ hưởng tặng cho hoặc di tặng. Trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam, vấn đề liệu pháp nhân có năng lực giao kết hợp đồng tặng cho với tư cách là người được tặng cho hoặc năng lực chấp nhận các di tặng chưa được giải quyết rõ ràng.

Theo BLDS Điều 635, cơ quan, tổ chức có thể là người thừa kế theo di chúc, nhưng không chỉ rõ đó là loại cơ quan, tổ chức nào. Có một quy tắc được chấp nhận trong học thuyết pháp lý theo đó, công dân được phép làm những gì pháp luật không cấm, trong khi cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Với quy tắc này, thì hẳn cơ quan hành chính Nhà nước không có quyền tiếp nhận các tặng cho hoặc di tặng.

Thực tiễn, về phần mình, lại thừa nhận cho các cơ quan sự nghiệp (như trường học, viện nghiên cứu, bệnh viện,…) năng lực tiếp nhận các tặng cho và di tặng, nhưng tất nhiên, với điều kiện các tài sản được tặng cho hoặc di tặng phải được khai thác phù hợp với mục đích hoạt động của cơ quan đó. Việc nhận các tài sản tặng cho hoặc di tặng của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị có vẻ được thực tiễn thừa nhận rộng rãi hơn: Đảng cộng sản, Mặt trận Tổ quốc có quyền tiếp nhận các tài sản do các tổ chức, cá nhân khác tặng hoặc hoặc do cá nhân để lại theo di chúc. Các pháp nhân tư pháp và pháp nhân hỗn hợp được hưởng các tặng cho và di tặng như những cá nhân.

 

2. Năng lực hành vi của pháp nhân

Pháp nhân không có năng lực hành vi thực. Suy cho cùng, khái niệm năng lực hành vi của pháp nhân không thể được xây dựng như một khái niệm ứng dụng được. Pháp nhân, dù được nhân cách hoá, không phải là con người cụ thể và do đó, không thể tự mình xử sự. Ngay cả các cơ quan của pháp nhân cũng chỉ vận hành thông qua vai trò của những cá nhân cụ thể đảm nhận các chức vụ cụ thể. Suy cho cùng, pháp nhân luôn phải được đại diện, từ khi được thành lập cho đến khi chấm dứt, trong tất cả các hoạt động của mình. Năng lực hành vi của pháp nhân thực ra là năng lực hành vi mà pháp nhân vay mượn của những con người mà pháp nhân hoá thân vào.

 

3. Tài sản của pháp nhân

Pháp nhân công pháp. Trong luật hiện hành, tài sản gọi là thuộc về pháp nhân công pháp thực ra của Nhà nước. Các pháp nhân công pháp chỉ có quyền sử dụng các tài sản được giao cho mình phù hợp với mục đích hoạt động của mình. Pháp nhân công pháp không có tài sản có riêng, do đó, không thể có tài sản nợ riêng: các nghĩa vụ tài sản do pháp nhân công pháp xác lập được Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện. Pháp nhân hỗn hợp. Các doanh nghiệp Nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế trọng yếu được Nhà nước giao một số tài sản để khai thác. Các tài sản này thuộc về Nhà nước; còn doanh nghiệp Nhà nước có quyền quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp Nhà nước (BLDS Điều 203). Doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực kinh tế trọng yếu cũng có tài sản nợ riêng; nhưng việc xác định khối tài sản bảo đảm cho việc thực hiện các nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp có vẻ không đơn giản trong luật thực định: các doanh nghiệp này thường được các định chế tài chính công hỗ trợ mỗi khi cần vượt qua khó khăn. Pháp nhân tư pháp. Pháp nhân tư pháp có khối tài sản riêng, bao gồm các tài sản có riêng và các tài sản nợ riêng. Pháp nhân chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ tài sản của mình bằng các tài sản có của mình. Quy tắc này, thực ra, chỉ được áp dụng nghiêm ngặt đối với các pháp nhân tư pháp. Tài sản của pháp nhân công pháp và pháp nhân hỗn hợp không thể bị kê biên và bán để thực hiện các nghĩa vụ của pháp nhân. Theo BLDS Ðiều 101 khoản 2, cơ quan Nhà nước, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang chịu trách nhiệm liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình bằng kinh phí được cấp từ ngân sách Nhà nước. Còn các pháp nhân hỗn hợp, nếu gặp khó khăn, thường được Nhà nước hỗ trợ để thực hiện các nghĩa vụ tài sản của mình. Trong trường hợp pháp nhân được thành lập từ sự kết nhóm của nhiều chủ thể của quan hệ pháp luật, thì khối tài sản của pháp nhân độc lập với khối tài sản của mỗi thành viên: các chủ nợ của thành viên không có quyền yêu cầu kê biên và bán tài sản của pháp nhân để thực hiện nghĩa vụ riêng của thành viên; ngược lại các chủ nợ của pháp nhân không có quyền yêu cầu kê biên và bán tài sản của thành viên để thực hiện các nghĩa vụ của pháp nhân86 . Trong quan hệ giữa pháp nhân và thành viên của pháp nhân, các tài sản của pháp nhân không phải thuộc sở hữu chung của các thành viên: pháp nhân có tài sản của mình; còn thành viên có một phần hùn và chính phần hùn đó là tài sản thuộc quyền sở hữu của thành viên87 . Doanh nghiệp Nhà nước không độc quyền.

Tính chất pháp lý của các quyền của doanh nghiệp Nhà nước không độc quyền đối với tài sản đầu tư vào doanh nghiệp chưa được xác định rõ trong khung cảnh của luật thực định Việt Nam. Tài sản đầu tư vào doanh nghiệp Nhà nước vẫn thuộc về Nhà nước, nhưng doanh nghiệp có các quyền sử dụng các tài sản ấy và thậm chí có quyền định đoạt đối với một số tài sản trong quá trình hoạt động của mình. Doanh nghiệp Nhà nước cũng có tài sản nợ riêng như bất kỳ pháp nhân tư pháp nào và các tài sản nợ ấy được bảo đảm thanh toán bằng các tài sản có được đầu tư vào doanh nghiệp cũng như bằng các tài sản mà doanh nghiệp tao ra trong quá trình hoạt động của mình. Các chủ nợ của doanh nghiệp Nhà nước, trên nguyên tắc, có quyền yêu cầu kê biên các tài sản thuộc quyền sử dụng và định đoạt của doanh nghiệp Nhà nước để thu hồi nợ, nhưng không có quyền kê biên các tài sản khác của Nhà nước.

 

4. Nhân thân của pháp nhân

Tên của pháp nhân. Pháp nhân phải có tên gọi riêng và phải sử dụng tên gọi của mình trong các giao dịch. Tên gọi của pháp nhân trong luật Việt Nam phải bằng tiếng Việt, thể hiện rõ loại hình tổ chức của pháp nhân và phân biệt với các pháp nhân khác trong cùng một lĩnh vực hoạt động (BLDS Ðiều 87 khoản 1), ví dụ: công ty cổ phần Bảo Việt, Ngân hàng thương mại cổ phần xuất nhập khẩu,… Pháp nhân có thể sử dụng tên gọi tắt hoặc tên gọi bằng tiếng nước ngoài trong các hoạt động trao đổi thông tin hoặc trong quan hệ giao tế. Tên gọi của pháp nhân hoạt động thương mại (tên thương mại) là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Tên thương mại cò giá trị tài sản, có thể được chuyển nhượng và được bảo hộ theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, việc lựa chọn tên gọi của pháp nhân thương mại không tự do như việc đặt tên cho một cá nhân. Tên gọi của pháp nhân công pháp do pháp luật quy định. Trụ sở của pháp nhân. Pháp nhân có trụ sở tại nơi đặt cơ quan điều hành của mình (cơ quan chấp hành đối với pháp nhân tư pháp và pháp nhân hỗn hợp) (BLDS Ðiều 90), dù có thể toàn bộ hoặc một phần lớn hoạt động của pháp nhân được thực hiện ở nơi khác. Trụ sở của pháp nhân, trong chừng mực nào đó, mang ý nghĩa đối với pháp nhận (và đối với người giao dịch với pháp nhân) như nơi cư trú của cá nhân: nếu pháp nhân là bị đơn trong một vụ tranh chấp liên quan đến động sản, thì Toà án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, trên nguyên tắc, là Toà án nơi có trụ sở của pháp nhân… Pháp nhân có thể chọn nơi khác làm địa chỉ liên lạc (Ðiều 90). Quốc tịch của pháp nhân. Cũng như cá nhân, pháp nhân có quốc tịch riêng. Tất cả các pháp nhân công pháp được thành lập trong khuôn khổ xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước Việt Nam, cũng như pháp nhân hỗn hợp, đều là pháp nhân Việt Nam. Các pháp nhân tư pháp có trụ sở tại Việt Nam, trên nguyên tắc cũng là pháp nhân Việt Nam. Danh dự, uy tín của pháp nhân. Là một chủ thể của quan hệ xã hội, pháp nhân có danh dự, uy tín của riêng mình, độc lập với uy tín, danh dự của cá nhân thành viên88 . Uy tín, danh dự của pháp nhân hình thành trong quá trình hoạt động của pháp nhân nhằm vươn tới mục đích của mình và được củng cố bằng hiệu quả hoạt động của pháp nhân.

 

5. Quyền kiện cáo

Bảo vệ lợi ích riêng. Pháp nhân có quyền kiện để yêu cầu bảo vệ lợi ích của riêng mình, trong lĩnh vực tài sản (đòi nợ hội phí, đòi lại tài sản bị chiếm đoạt trái pháp luật, đòi bồi thường thiệt hại vật chất,…) hoặc phi tài sản (đòi bồi thường thiệt hại về tinh thần). Quyền kiện cáo để yêu cầu bảo vệ lợi ích riêng được thừa nhận cho tất cả các pháp nhân, không phân biệt pháp nhân công pháp hay pháp nhân tư pháp. Bảo vệ lợi ích chung. Pháp nhân cũng có thể kiện cáo để yêu cầu bảo vệ lợi ích chung. Thông thường, quyền kiện cáo đòi bảo vệ lợi ích chung được luật chính thức thừa nhận cho một số pháp nhân là tổ chức xã hội hoặc một cơ quan Nhà nước đảm trách một hoặc nhiều mặt công tác xã hội. Ví dụ, Uỷ ban chăm sóc và bảo vệ trẻ em co thể kiện yêu cầu cấm bán thuốc lá cho trẻ em. Có trường hợp lợi ích chung được viện dẫn trong quá trình tìm kiếm biện pháp bảo vệ lợi ích riêng của một người nào đó; ví dụ, Hội liên hiệp phụ nữ kiện yêu cầu huỷ hôn nhân trái pháp luật do người đàn ông đã có vợ (Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 15), qua đó, bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Luật LVN Group (sưu tầm và biên tập)