1. Đất rừng là gì?

Đất rừng chiếm 3/4 diện tích đất cả nước và có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế, môi trường, chính trị. Vậy nên, chính sách quy định về đất rừng được quy định trong luật đất đai g , ngoài ra còn được quy định trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng với các điều luật và chính sách về đất rừng. Theo quy định của điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định về phân loại đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, đất rừng gồm 3 nhóm đất là đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng được phân vào nhóm đất nông nghiệp.

 

2. Quy định về các loại đất rừng theo Luật Đất đai

Theo quy định tại khoản 1 điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định về phân loại đất nông nghiệp và phi nông nghiệp, đất rừng gồm 3 nhóm đất là đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ và đất rừng đặc dụng được phân vào nhóm đất nông nghiệp.

  • Đất rừng sản xuất: đất rừng sản xuất được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản khác, đặc sản rừng, động vật rừng và kết hợp với phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái, bao gồm đất rừng tự nhiên và đất rừng trồng.
  • Đất rừng phòng hộ: đất rừng phòng hộ được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
  • Đất rừng đặc dụng: đất rừng đặc dụng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái rừng quốc gia, nguồn gen thực vật, động vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh, phục vụ nghỉ ngơi, du lịch.

 

3. Những chủ thể nào được phép quản lý và sử dụng đất rừng?

Với ba loại đất rừng khác nhau, chủ thể quản lý và sử dụng từng loại đất rừng sẽ khác nhau tùy theo quy định của pháp luật. Theo quy định của Luật Đất đai 2013, những chủ thể sau đây sẽ được phép quản lý và sử dụng đất rừng:

 

3.1 Đối với đất rừng sản xuất

Theo quy định tại điều 135 Luật Đất đai 2013, có hai loại đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên (khoản 1) và rừng trồng (khoản 2).

Chủ thể quản lý và sử dụng đất rừng tự nhiên là:

  • Tổ chức quản lý rừng: Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (khoản 1 điều 135 Luật Đất Đai 2013).
  • Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sinh sống trong khu vực rừng tự nhiên mà chưa có tổ chức quản lý rừng: Nhà nước giao đất rừng tự nhiên không thu tiền sử dụng khi xem xét những chủ thể này có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng thì được đất để bảo vệ, phát triển rừng và được kết hợp khai thác các lợi ích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng (theo khoản 33 điều 22 Nghị định 01/2017/NĐ-CP).

Chủ thể quản lý và sử dụng đất rừng trồng được quy định tại khoản 2 điều 135 Luật Đất đai 2013, đó là:

  • Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo hạn mức quy định: nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp.
  • Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài: nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trồng rừng.
  • Đối với diện tích đất rừng sản xuất do hộ gia đình, cá nhân sử dụng vượt hạn mức nêu trên thì diện tích vượt quá hạn mức được sử dụng dưới hình thức thuê đất.

 

3.2 Đất rừng phòng hộ

Những chủ thể sau đây sẽ được phép quản lý và sử dụng đất rừng phòng hộ theo quy định tại điều 136 Luật Đất đai 2013:

  • Tổ chức quản lý rừng phòng hộ: nhà nước giao đất rừng phòng hộ nhằm mục đích quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch tái sử dụng đất và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ rừng.
  • Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại đất rừng phòng hộ: tổ chức quản lý rừng phòng hộ giao khoán để bảo vệ, phát triển rừng. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp để sử dụng.
  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, khả năng bảo vệ, phát triển rừng và đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ mà chưa có tổ chức quản lý và khu vực quy hoạch trồng rừng phòng hộ.
  • Tổ chức kinh tế: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho thuê đất rừng phòng hộ thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.
  • Cộng đồng dân cư: nhà nước giao rừng phòng hộ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng thì được giao đất rừng phòng hộ để bảo vệ, phát triển rừng, có quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.

 

3.3 Đất rừng đặc dụng

Theo quy định tại điều 137 Luật Đất đai 2013, những chủ thể sau đây sẽ được phép quản lý và sử dụng đất rừng đặc dụng:

  • Tổ chức quản lý rừng đặc dụng: nhà nước giao đất để quản lý, bảo vệ theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
  • Hộ gia đình, cá nhân chưa có điều kiện chuyển ra khỏi khu vực đất rừng đặc dụng: tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán ngắn hạn để bảo vệ rừng.
  • Hộ gia đình, cá nhân sinh sống ổn định tại khu vực đất rừng đặc dụng: tổ chức quản lý rừng đặc dụng giao khoán để bảo vệ và phát triển rừng.
  • Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân: Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất vùng đệm của rừng đặc dụng để sử dụng vào mục đích sản xuất, nghiên cứu, thí nghiệm về lâm nghiệp hoặc kết hợp quốc phòng, an ninh theo quy định phát triển rừng của vùng đệm và được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
  • Tổ chức kinh tế: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho thuê đất thuộc khu vực được kết hợp với kinh doanh cảnh quan, du lịch sinh thái – môi trường dưới tán rừng.

 

4. Điều kiện sử dụng đất rừng

Để sử dụng đất rừng, chủ thể phải tuân thủ những điều kiện sau:

Thứ nhất, về nguyên tắc sử dụng đất rừng được quy định tại điều 6 Luật Đất đai 2013, khi sử dụng đất rừng, chủ thể phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất.
  • Sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất xung quanh.
  • Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, về chủ thể sử dụng đất. Vì đất rừng là loại đất đặc biệt, nên chỉ có những chủ thể được pháp luật ghi nhận mới được quyền sử dụng đất. Những chủ thể được quyền sử dụng đất được phân tích cụ thể tại phần 3 của bài viết này.

Thứ ba, về chủ thể giao đất. Vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân, cho nên chủ thể thực hiện việc giao đất, cho thuê đất sẽ là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành hoạt động phê duyệt quyết, giao đất, cho thuê đất và một số hoạt động khác.

Thứ tư, về hình thức được sử dụng đất, đất sẽ được sử dụng theo rất nhiều hình thức được pháp luật đất đai ghi nhận.

Thứ năm, về hạn mức giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp. Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân đối với đất phòng hộ, đất rừng sản xuất không quá 30 héc ta đối với mối loại đất (theo khoản 3 điều 129 Luật Đất đai 2013)

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật đất đai trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.