Trước tình hình ngày càng có nhiều cặp vợ chồng hiến muộn không thể mang thai có con và nhận thấy quyền được làm cha làm mẹ là quyền thiêng liêng nên Pháp luật nước ta đã thừa nhận và cho phép việc mang thai hộ (MTH) vì mục đích nhân đạo trong Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 để đảm bảo được quyền làm cha làm mẹ của những cặp vợ chồng hiếm muôn này và giúp hạn chế tình trạng đẻ thuê, đẻ mướn trái pháp luật ngày càng gia tăng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này.
Thứ nhất, Ta cần hiểu rõ thế nào là “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo”. Theo quy định tại Khoản 22, Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.”
Như vậy, đứa bé sinh ra nhờ MTH sẽ mang Gen di truyền của bố mẹ nhờ MTH chứ không phải của người MTH.
Thứ hai, phải đáp ứng các điều kiện thì mới thực hiện được việc MTH vì mục đích nhân đạo. Đó là các điều kiện:
a, Điều kiện chung:
- Được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên.
- Việc thỏa thuận phải được lập thành văn bản và phải được công chứng. Nội dung không được trái với các quy định của pháp luật và đáp ứng các nội dụng tại Điều 96 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
b, Điều kiện của cặp vợ chồng nhờ MTH:
- Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
- Vợ chồng đang không có con chung.
- Đã được tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý.
c, Điều kiện của người MTH:
- Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ
- Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần.
- Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.
- Nếu người đó có chồng thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng
- Đã được tư vấn y tế, pháp lý, tâm lý.
- Ngoài ra, cặp vợ chồng muốn thực hiện việc mang thai hộ chỉ có thể đến với các cơ sở y tế đáp ứng được các yêu cầu sau:
- Có ít nhất 1 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm trong năm tối thiểu là 300ca;
- Chưa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm;
- Đáp ứng nhu cầu và bảo đảm thuận lợi cho người dân.
Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 10/2015/NĐ-CP về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo (gọi tắt là Nghị định 10) có 3 bênh viện đủ điều kiện là:
- Bệnh viện Phụ sản trung ương
- Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế
- Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh
Thứ ba, Cặp vợ chồng nhờ MTH chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ đến cơ sở y tế đáp ứng các điều kiện. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định 10
- Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định10;
- Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
- Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
- Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
- Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định 10 và đã từng sinh con;
- Bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người mang thai hộ, người nhờ mang thai hộ tự mình chứng minh về mối quan hệ thân thích cùng hàng trên cơ sở các giấy tờ hộ tịch có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của các giấy tờ này;
- Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
- Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định tại Mẫu số 06 ban hành kèm theo Nghị định này.
Ngoài ra người MTH và Cặp vợ chồng nhờ MTH phải nắm rõ các quyền và nghĩa vụ của mình tại Điều 97 và 98 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Thứ tư, Khai sinh cho chứa trẻ.
Đứa trẻ được sinh ra nhờ MTH là con chung của Cặp vợ chồng nhờ MTH kể từ khi sinh ra.
Theo quy định của Luật hộ tịch năm 2014 thì thủ tục đăng ký khai sinh cho đứa trẻ được sinh ra nhờ MTH như sau:
- Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu.
- Văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định của pháp luật
- Giấy chứng sinh (nếu không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận vê việc sinh, nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh) (để được cấp giấy chứng sinh thì bên vợ chồng nhờ MTH hoặc bên MTH phải nộp bản xác nhạn về việc sinh con bằng kỹ thuật mang thai hộ và Bản sao công chứng hoặc bản chụp có kèm theo bản chính để đối chiếu Bản thỏa thuận về MTH vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ MTH và người MTH gửi cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra)
- Văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ
Thứ năm, Các chế độ thai sản đối với người MTH và người vợ nhờ MTH .Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 có hiệu lực ngày 1/1/2016, chế độ thai sản đối với:
- Lao động nữ MTH: được hưởng chế độ khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý và chế độ khi sinh con cho đến thời điểm giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ MTH nhưng không được vượt quá thời gian theo quy định (là 6 tháng) và được nghỉ tối thiểu là 60 ngày tỉnh cả nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ hàng tuần.
- Người mẹ nhờ MTH: được hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi
Và đã được quy định một cách chi tiết tại Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 đã quy định chi tiết về chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.
Bài viết này đã sử dụng các văn bản pháp lý sau:
- Luật hôn nhân và gia đình 2014 ngày 19/62014 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015.
- Nghị định 10/2014/NĐ-CP ngày 28/1/2015 Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có hiệu lực từ ngày 15/3/2015
- Thông tư 34/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 về sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 17/2015/TT-BYT ngày 24/10/2012 của Bộ trưởng Bộ y tế quy định cấp và sử dụng giấy chứng sinh có hiệu lực 14/12/2015.
- Luật Hộ tịch 2014 ngày 20/11/2014 có hiệu lực ngày 1/1/2016.
- Nghị định 123/2015/NĐ-CP NGÀY 15/11/2015 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch có hiệu lực ngày 1/1/2016
- Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 về quy định chi tiết một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực ngày 1/1/2016
Bài viết có thể bạn muốn xem thêm:
- Xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm
- Hình thức cần đảm bảo như thế nào khi nộp đơn khiếu nại ?