1. Thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, nghỉ Tết của giáo viên

 

Trong Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT và Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định cụ thể lịch nghỉ hè, nghỉ các ngày lễ, Tết của cán bộ, giáo viên:

– Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ Luật lao động);

– Thời gian nghỉ tết âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

– Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ Luật lao động như: Tết Dương lịch, Tết Âm lịch, Ngày Chiến thắng, Ngày Quốc tế lao động, …

 

2. Giáo viên có phải trực hè, trực Tết?

 

Đối với thời gian nghỉ hè, trường học không thể bỏ hoang trong suốt 2 tháng hè, bên cạnh đó còn nhiều việc cần giải quyết trong dịp hè như tiếp nhận học sinh mới, tiếp nhận bảo hiểm tai nạn, thông báo kế hoạch học tập,… nên trường phải có lực lượng làm việc trong giờ hành chính là hợp lý Những công việc trong dịp hè thuộc thẩm quyền giải quyết của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, các chuyên trách và nhân viên văn phòng,….

Lực lượng công tác trong suốt thời gian hè bao gồm hiệu trưởng – công chức, phó hiệu trưởng, nhân viên kế toán, nhân viên y tế học đường, chuyên trách thiết bị – thư viện (nếu có) và một lực lượng không thể thiếu đó chính là bảo vệ trường học. Giáo viên thì được nghỉ 2 tháng hè nên không trực là đúng, còn lại những hiệu trưởng, nhân viên là thực hiện theo giờ hành chính phải công tác ngày 8 giờ nên lực lượng đó phải đến trường công tác chứ không phải trực.

Đối với thời gian nghỉ tết thì những thành viên tham gia trực Tết thường bao gồm: bảo vệ nhà trường (trực đêm); hiệu trưởng; phó hiệu trưởng; chủ tịch công đoàn; bí thư đoàn trường; tổng phụ trách đội; nhân viên.

Như vậy, trong các ngày nghỉ trên giáo viên được quyền nghỉ và hưởng nguyên lương (bao gồm cả phụ cấp). Như vậy, thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ, tết là thời gian nghỉ hợp pháp của giáo viên, giáo viên không phải trực ở trường. Đồng nghĩa, nhà trường không được ép buộc giáo viên đi trực ở trường trong thời gian này.

Tuy nhiên, nhà trường có thể thỏa thuận với giáo viên về việc đi trực ở trường vào những ngày này, nhưng phải trả tiền lương làm thêm giờ cho giáo viên theo quy định của pháp luật.

 

3. Giáo viên trực hè, trực Tết tại trường được hưởng chế độ nào?

 

Trong trường hợp nhà trường thỏa thuận với giáo viên về việc trực trường vào dịp tết thì giáo viên sẽ được hưởng lương làm thêm giờ theo quy định tại Khoản 2 Điều 12 Luật Viên chức 2010: “Được hưởng tiền làm thêm giờ, tiền làm đêm, công tác phí và chế độ khác theo quy định của pháp luật và quy chế của đơn vị sự nghiệp công lập”. Mặt khác, tại khoản 1 Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng quy định: Thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

Theo quy định trên, nếu đồng ý trực Tết, thời gian trực sẽ được tính là thời gian làm thêm giờ. Như vậy, khi đến trường trực Tết, giáo viên được tính là làm việc ngoài giờ. Do vậy, lương trực tết của giáo viên là lương làm thêm giờ. Tiền lương trực tết của giáo viên sẽ bằng tổng số tiền lương trực tết vào ban ngày cộng với tiền lương trực tết vào ban đêm.

Mức lương làm thêm giờ có thể được tính tối thiểu bằng 300% lương làm việc trong điều kiện bình thường và có thể tăng nếu giáo viên trực tết cả vào ban đêm (Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019).

Cụ thể cách tính lương làm thêm giờ vào ban ngày hoặc ban đêm (tiền lương cho thời gian trực tết vào ban ngày, ban đêm) có thể được tính theo cách được trình bày dưới đây.

Cách tính tiền trực Tết vào ban ngày

Lương trực Tết của giáo viên sẽ được áp dụng theo quy định tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2019. Trong đó, theo khoản 1 Điều 98 lương trực Tết vào ban ngày được tính bằng ít nhất 300% so với lương làm việc trong thời gian, điều kiện bình thường.

Cụ thể như sau:

1. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm như sau:

a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;

b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;

c) Vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Căn cứ Điều 56 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, công thức tính lương trực tế của giáo viên vào thời gian làm việc ban ngày như sau:

 

Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất là 300% x Số giờ làm thêm

 

Cách tính tiền trực Tết vào ban đêm

Theo Điều 106 Bộ luật Lao động năm 2019, giờ làm việc ban đêm được tính từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau.

Nếu giáo viên được yêu cầu trực Tết vào ban đêm, khoản 2, 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2019 quy định về lương làm thêm giờ như sau:

 

2. Người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết.

Đồng thời, căn cứ Điều 57 Nghị định 145/2020/NĐ-CP hướng dẫn về tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm, lương trực Tết vào ban đêm sẽ được tính theo công thức:

 

Tiền lương làm thêm giờ vào ban đêm = Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% + Tiền lương giờ thực trả của công việc đang làm vào ngày làm việc bình thường x Mức ít nhất 30% + 20% x Tiền lương giờ vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương x Số giờ làm thêm vào ban đêm

 

Như vậy, tiền lương trực tết của giáo viên là lương làm thêm giờ và được tính ít nhất là 300% so với lương làm việc trong ngày bình thường.

Nếu có thời gian trực tết vào ban đêm thì trong thời gian làm việc ban đêm (22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau) lương của giáo viên được nhận tăng thêm ít nhất 50% một giờ so với lương thực nhận vào ngày làm việc bình thường/hoặc ngày nghỉ có hưởng lương.

 

4. Mức phạt đối với hành vi ép buộc giáo viên trực hè, trực Tết

 

Căn cứ Khoản 2 Điều 18 Nghị định 12/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định về vi phạm quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về nghỉ hằng tuần hoặc nghỉ hằng năm hoặc nghỉ lễ, tết.

Như vậy với quy định trên thì nếu hiệu trưởng ép giáo viên trực trong các ngày nghỉ theo quy định, ví dụ như: nghỉ tết, nghỉ hè… thì có thể bị phạt đến 20 triệu đồng, bên cạnh đó phải bị xử lý theo Luật Viên chức.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết của Luật LVN Group liên quan đến vấn đề chế độ trực hè, trực tết của giáo viên các cấp mới nhất. Mọi thắc mắc chưa rõ hay có nhu cầu hỗ trợ vấn đề pháp lý khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ với bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline: 1900.0191 hoặc gửi yêu cầu tư vấn qua email: [email protected] để được hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Xin trân trọng cảm ơn quý khách hàng đã quan tâm theo dõi bài viết của Luật LVN Group.