1. Chính sách tiền tệ là gì?
Chính sách tiền tệ (Monetary Policy) là chính sách kinh tế vĩ mô, sử dụng các công cụ tín dụng và hối đoái tác động đến việc cung ứng tiền cho nền kinh tế nhắm tới các mục tiêu như ổn định tiền tệ, ổn định giá cả, giảm lạm phát, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế…
2. Khái niệm quy tắc Taylor
Quy tắc Taylor là mô hình CSTT được giới thiệu bởi Giáo sư Taylor năm 1993 mô tả lãi suất chính sách (LSCS) ngắn hạn (federal funds rate – FFR) của Fed được đo lường bằng hai thành tố chủ yếu là độ lệch lạm phát giữa mức lạm phát thực tiễn so với tỉ lệ lạm phát mục tiêu và độ lệch sản lượng giữa mức sản lượng thực tiễn so với sản lượng tiềm năng. Mô hình giảng giải mức độ ảnh hưởng của tỉ lệ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực và tỉ lệ lạm phát có tính chất cơ bản quyết định đến sự thay đổi chính sách của Fed và như vậy lãi suất được điều chỉnh khi hai biến số kinh tế này tách khỏi xu hướng (biến số GDP) và mức độ mục tiêu của chúng (biến số lạm phát). Một cách khái quát, quy tắc Taylor là hàm phản ứng của NHTW trước cục diện kinh tế thay đổi (tỉ lệ lạm phát và độ lệch sản lượng).
FFR là lãi suất điều hòa vốn dự trữ giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) cho nhau vay nhằm khắc phục việc thiếu hụt tạm thời vốn dự trữ bắt buộc của TCTD ký quĩ tại Fed. FFR là lãi suất của các khoản vay qua đêm trên thị trường vốn dự trữ, một chỉ tiêu nhạy cảm về chi phí vốn vay của ngân hàng vay vốn dự trữ từ các ngân hàng khác và là lập trường của CSTT (Mishkin 2010, trang 31).
Vốn dự trữ là khoản tiền ký gửi của các ngân hàng trong tài khoản mở tại Fed và lượng tiền mặt trong ngân quĩ của các ngân hàng. Vốn dự trữ tăng lên dẫn đến lượng tiền gửi ngân hàng tăng và vì vậy, cung tiền tăng (Mishkin 2010, trang 347).
3. Ưu điểm và lợi thế của quy tắc Taylor
Ưu điểm của quy tắc Taylor:
– Đơn giản;
– Phản ánh chính xác diễn biến LSCS của Fed về giai đoạn 1987-1992;
– Là công cụ mang tính hướng dẫn trong việc hoạch định CSTT của các NHTW;
– Là công cụ giúp xem xét và đánh giá CSTT của các NHTW qua các thời kỳ khác nhau.
– Được nghiên cứu và phát triển dưới nhiều dạng khác nhau bởi các nhà kinh tế học và các NHTW trên thế giới.
Kahn (2010) đã trình bày các lợi thế của quy tắc Taylor như sau:
– Mô tả cách thức các nhà hoạch định chính sách phản ứng đến môi trường kinh tế thay đổi.
– Giúp các nhà hoạch định chính sách đạt mục tiêu lạm phát qua thời gian dài hạn.
– Giúp các nhà hoạch định chính sách chuyển tải sự hợp lý (và bản chất phụ thuộc vào số liệu) đối với quyết định của họ đến với công chúng.
– Giúp các nhà hoạch định chính sách đảm bảo hành động trong ngắn hạn phù hợp với các mục tiêu dài hạn.
– Giảm sự không chắc chắn về các quyết sách lãi suất chính sách hôm nay và trong tương lai.
– Giúp công chúng hiểu rõ được trách nhiệm về quyết định lãi suất chính sách của các nhà hoạch định chính sách.
4. Công thức của quy tắc Taylor
Công thức nguyên thủy của Giáo sư Taylor (1993) như sau:
it = πt + 0,5(yt)+ 0,5(πt – 2) + 2 (1.1)
và dạng tổng quát:
it = πt + r* + 0,5(πt – π*) + 0,5(yt) (1.2)
Trong đó:
it : LSCS của Fed
r*: lãi suất thực cân bằng (equilibrium real interest rate)
πt: Tỉ lệ lạm phát bình quân qua 4 quí liên tiếp (Judd và Rudebusch 1998)
π* : Tỉ lệ lạm phát mục tiêu dài hạn
yt: độ lệch tổng sản lượng (output gap)
hoặc yt = 100 x Ln (GDP thực tiễn / GDP tiềm năng) (Kozichi 1999, trang 26)
Theo Taylor (1993), nếu lãi suất thực bình quân cân bằng là 2%, tỉ lệ lạm phát bình quân qua 4 quí là πt = 2%, và mức lạm phát thực tiễn trùng với lạm phát mục tiêu; sản lượng thực tiễn bằng sản lượng tiềm năng (tức là các độ lệch bằng 0), thì FFR sẽ là 4%.
Taylor (1993) cho rằng, đặt một trọng số lên độ lệch sản lượng thì hiệu quả hơn là không đặt trọng số; tuy vậy, chưa xác định được trọng số về độ lệch sản lượng là cao hơn hay thấp hơn so với trọng số của độ lệch lạm phát. Do đó, Taylor đã áp hệ số 0,5 cho các độ lệch này trong công thức (1.2).
Biến đổi công thức (1.2) ta có dạng như sau:
it = π* + r* + 1,5(πt – π*) + 0,5 (yt) (1.3)
Dễ dàng kiểm chứng công thức (1.2) và (1.3) là như nhau và như vậy, công thức (1.3) đã thay thành tố đầu tiên của (1.2) là πt thành π* với hệ số độ lệch lạm phát bây giờ là 1,5 thay vì 0,5. Công thức (1.3) có ý nghĩa rằng LSCS (it) sẽ tăng thêm (giảm đi) 1,5 điểm phần trăm nếu tỉ lệ lạm phát thực tiễn cao hơn (thấp hơn) 1 điểm phần trăm; cũng vậy, LSCS sẽ tăng thêm (giảm đi) bởi 0,5 điểm phần trăm nếu tỉ lệ tăng trưởng GDP tăng hơn (thấp hơn) mức sản lượng tiềm năng một điểm phần trăm. Điều này cho thấy, quy tắc Taylor (1993) đã coi trọng kiểm soát mục tiêu lạm phát hơn.
Dạng tổng quát của (1.3) sẽ là:
it = π* + r* + βπ(πt – π*) + βy(yt) (1.4)
Trong đó, βπ là hệ số độ lệch lạm phát, βy là hệ số độ lệch sản lượng.
5. Quy tắc Taylor trong điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam
NHNN Việt Nam sử dụng khá nhiều công cụ chính sách trong điều hành chính sách tiền tệ. Bên cạnh quy định về dự trữ bắt buộc, NHNN có một loạt các lãi suất chính sách như lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng, lãi suất thị trường mở. Đồng thời, nhiều công cụ mang nặng tính hành chính như trần tăng trưởng tín dụng hay trần lãi suất ngắn hạn cũng được áp dụng để đạt được các mục tiêu đề ra.
Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, hàng năm Chính phủ và NHNN đồng thời theo đuổi cả hai mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát. Mức tăng trưởng GDP mục tiêu có thể tìm thấy ở các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội mỗi giai đoạn năm năm. Trong khi đó, mức lạm phát mục tiêu hàng năm được Chính phủ và NHNN công bố vào cuối năm trước. Với việc theo đuổi đồng thời hai mục tiêu tăng trưởng và lạm phát, chính sách tiền tệ của Việt Nam có mục tiêu giống như quy tắc Taylor. Tuy nhiên, khác với quy tắc Taylor, để đạt được các mục tiêu này, hàng năm NHNN công bố các mục tiêu chính sách liên quan đến tăng trưởng cung tiền/tín dụng và lãi suất. Quy tắc cung tiền/tín dụng thiên về thúc đẩy tăng trưởng, trong khi đó các lãi suất chính sách được sử dụng để đảm bảo kiểm soát lạm phát. Ví dụ, trong năm 2019, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng cung tiền là 14% trong khi lãi suất tái cấp vốn duy trì quanh mốc 6,0%. Việc công bố và theo đuổi một mức tăng trưởng cung tiền/tín dụng và lãi suất cố định mang hơi hướng của một chính sách tiền tệ thụ động. Tức là, công cụ chính sách được ấn định trước chứ không được lập kế hoạch điều chỉnh theo những diễn biến của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc ấn định mức tăng trưởng cung tiền hay lãi suất để theo đuổi một mức lạm phát mục tiêu là việc làm chứa đựng nhiều mâu thuẫn. Ấn định các công cụ chính sách khiến cho chính sách tiền tệ mất đi tính linh hoạt trong việc kiểm soát lạm phát bởi NHNN không thể đồng thời vừa tăng cung tiền lại vừa cắt giảm lạm phát trong trường hợp cần thiết, và ngược lại. Tương tự như vậy, lãi suất cũng không thể thay đổi linh hoạt khi tốc độ tăng cung tiền được ấn định trước. Một phần vì lý do này, các mức lãi suất điều hành ở Việt Nam mang nặng tính hành chính, không có khả năng định hướng hay phản ánh diễn biến của thị trường. Hơn nữa, mức tăng trưởng cung tiền hiện nay của Việt Nam (~15%) mặc dù đã giảm nhiều so với giai đoạn trước, nhưng vẫn còn khá cao so với tăng trưởng kinh tế (~7) và mục tiêu lạm phát (<4%). Việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng cung tiền quá cao trong thời gian dài, nếu không gây ra lạm phát thì cũng tạo bong bóng giá trên thị trường tài sản.