1. Chính sách tiền tệ là gì?
Chính sách tiền tệ (Monetary policy) là chính sách kinh tế do ngân hàng trung ương thực hiện để tác động lên cung tiền với mục đích ổn định tiền tệ, giá cả, điều tiết nền kinh tế. Chính sách này có tác động rộng rãi đến các yếu tố như lãi suất, giá cả, nhu cầu tiêu dùng…
2. Tổng hợp các công cụ thực hiện chính sách tiền tệ hiệu quả
Tất nhiên, Ngân hàng Trung ương không làm như vậy. Họ sẽ dùng đến ba công cụ sau đây, thông qua kênh các ngân hàng thương mại để tăng giảm cung tiền.
2.1 Tỷ lệ dự trữ bắt buộc
Khi người dân gửi tiền vào ngân hàng thương mại, Ngân hàng trung ương luôn yêu cầu ngân hàng thương mại giữ một phần tiền dự trữ. Phần còn lại ngân hàng thương mại có thể đem cho vay, đầu tư sinh lợi. Tỷ lệ tiền dự trữ so với tổng tiền gửi gọi là tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Nếu tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng, ngân hàng thương mại sẽ có ít tiền hơn để cho vay, đầu tư. Lượng tiền lưu hành trên nền kinh tế sẽ giảm. Bằng cách thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, Ngân hàng Trung ương có thể điều tiết được cung tiền.
Ví dụ:
Ngân hàng thương mại X có tổng tiền gửi là 100 tỷ đồng, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10%. Ngân hàng X chỉ có thể cho vay tối đa 90 tỷ đồng và phải duy trì lượng tiền dự trữ 10 tỷ đồng.
Khi Ngân hàng trung ương tăng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc lên 15%, lượng tiền dự trữ bắt buộc lúc này là 100 x 15% = 15 tỷ. Vậy ngân hàng X chỉ có thể cho vay tối đa 85 tỷ đồng. Cung tiền bị thu hẹp.
2.2 Nghiệp vụ thị trường mở
Ngân hàng trung ương sẽ mua/bán các chứng khoán trên thị trường mở. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lượng tiền mặt của các ngân hàng thương mại. Từ đó làm tăng hoặc giảm cung tiền
Ví dụ:
Ngân hàng trung ương dùng 100 tỷ đồng mua trái phiếu chính phủ trên thị trường. Khi này các ngân hàng thương mại mất đi lượng chứng khoán trị giá 100 tỷ đồng. Đổi lại, họ có thêm 100 tỷ đồng tiền mặt. Họ có thêm tiền để cho vay, do đó cung tiền tăng.
Nếu Ngân hàng trung ương bán ra 100 tỷ đồng trái phiếu chính phủ thì quy trình đảo ngược và cung tiền giảm.
2.3 Lãi suất chiết khấu
Đây là lãi suất mà Ngân hàng trung ương cho các ngân hàng thương mại vay. Khi lãi suất tái chiết khấu cao, các ngân hàng thương mại e ngại việc vay từ Ngân hàng Trung ương. Họ sẽ tự nguyện dự trữ nhiều tiền mặt hơn. Điều đó giúp làm giảm cung tiền trên thị trường.
3. Phân loại chính sách tiền tệ
Hiện nay, chính sách tiền tệ được phân ra thành hai loại với các mục tiêu, công cụ sử dụng và phương thức hoạt động khác nhau cụ thể là:
3.1 Chính sách tiền tệ mở rộng
Chính sách tiền tệ mở rộng (chính sách tiền tệ nới lỏng) là chính sách mở rộng mức cung tiền làm cho lãi suất giảm xuống nhằm làm tăng tổng cầu. Từ đây sẽ tạo được nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động và thúc đẩy đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Để thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng thì Ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện 1 trong 3 cách sau:
- Mua vào các giấy tờ có giá trên thị trường chứng khoán
- Hạ thấp mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc
- Hạ thấp mức lãi suất chiết khấu trên thị trường.
Chính sách tiền tệ mở rộng được áp dụng trong điều kiện nền kinh tế của một quốc gia đang bị suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hay còn gọi là chính sách tác động gia tăng việc làm.
3.2 Chính sách tiền tệ thu hẹp
Chính sách tiền tệ thu hẹp (chính sách tiền tệ thắt chặt) là chính sách giảm bớt mức cung tiền làm cho lãi suất tăng lên nhằm thu hẹp tổng cầu và làm mức giá chung giảm xuống.
Để thực hiện chính sách tiền tệ này, Ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện các cách sau:
- Bán ra các giấy tờ có giá trên thị trường chứng khoán
- Tăng mức dự trữ bắt buộc
- Tăng mức lãi suất chiết khấu nhằm kiểm soát chặt chẽ các hoạt động tín dụng.
Chính sách tiền tệ thắt chặt được áp dụng khi nền kinh tế của một quốc gia đang có sự lạm phát ngày càng gia tăng nhằm kiểm soát lạm phát hợp lý hay còn gọi là khống chế sự lạm phát.
4. Chính sách tiền tệ có tác động thế nào ở Việt Nam?
Chính sách tiền tệ tại Việt Nam ngoài vai trò cần thiết trong việc điều tiết và kiểm soát lượng tiền tệ lưu thông thì còn có ý nghĩa tác động tới bất bình đẳng thu nhập trong xã hội.
Căn cứ chính sách này có thể thực hiện được các mục tiêu như kiểm soát tỷ lệ lạm phát, giảm tỷ lệ thất nghiệp, bình ổn giá thị trường và ổn định sức mua của đồng tiền để từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ví dụ Từ tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid 19 thì Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện cắt giảm lãi suất để giảm gánh nặng tài chính cho các hoạt động đầu tư kinh doanh. Mặt khác, còn thực hiện tái cấp vốn để người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động.
5. Thực trạng, hạn chế của chính sách tiền tệ mở rộng
Chính sách tiền tệ mở rộng hay chính sách nới lỏng tiền tệ là gì? Là việc Ngân hàng Nhà nước tăng mức cung tiền cho nền kinh tế nhiều hơn bình thường. Để làm điều này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện 1 hoặc kết hợp 2 trong 3 cách gồm hạ lãi suất chiết khấu, giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tăng mua vào trên thị trường chứng khoán.
Khi này lãi suất giảm, các doanh nghiệp vay tiền nhiều hơn để phát triển kinh doanh, người dân cũng tiêu dùng nhiều hơn làm cho tổng cầu tăng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. Từ đó, quy mô nền kinh tế mở rộng, thu nhập của người lao động tăng, thất nghiệp giảm. Chính vì thế, chính sách này thường được sử dụng khi nền kinh tế suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao.
Hạn chế của chính sách tiền tệ mở rộng:
Việc sử dụng chính sách tiền tệ mở rộng có thể khiến lãi suất xuống quá thấp, khiến cho các cá nhân không muốn gửi tiền vào ngân hàng và quyết định nắm giữ tiền mặt.
Khi này, hệ thống ngân hàng thương mại sẽ thiếu vốn cho vay khiến cho đầu tư tư nhân không thể mở rộng, làm giảm hiệu quả của chính sách.