1. Trách nhiệm khi vay tiền trả góp không trả ?

Em xin chào Luật sư của LVN Group. Năm 2016 em có vay tiền mặt ở fe credit. Trong hợp đồng là để vay tiêu dùng tín chấp, hợp đồng có ghi là 20.000. 000 nhưng em chỉ nhận có 17.000.000 chuyển về bưu điện tự em ra lấy và ký nhận, em hỏi thì nhân viên ở bưu điện chi nói có 17.000.000, lúc đó em cần tiền nên cũng chịu, và em điện hỏi nhân viên làm hồ sơ vay tiền cho em, thì họ nói là tiền nộp phí.

Rồi em đóng được 4 kỳ, vợ chồng em ly dị rồi em không có khả năng chi trả lúc đó em bị thất nghiệp. Qua năm 2017 nhân viên ở công ty có điện và hối thúc em trả tiền nhưng do em đi làm xa và điều kiện kinh tế còn khó khăn nên không có trả nợ được, tết em có về quê ăn tết thì người nhà có nói cho em biết , họ gọi với giọng nói đe dọa, rất là hung dữ, và nói hồ sơ của em đã đưa về chỗ em ở để công an điều tra, và nói em đã bị truy nã, em tìm mọi cách để liên lạc với nhân viên để xin trả nợ dần mà không liên lạc được.

Vậy cho em hỏi em có bi ở tù không? Và giờ em xin muốn trả dần và tiền phí phạt nay được gần 2 năm rồi ạ!

Cảm ơn Luật sư của LVN Group!

– Nguyễn Thị Kim Hoa

 

Luật sư trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty Luật LVN Group. Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015:

“Điều 466: Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Từ căn cứ nêu trên bạn có thể thấy rằng bạn sẽ phải trả số nợ vay của Fe Credit cùng với đó là số tiền lãi quy định trong hợp đồng mà bạn với họ đã ký trước đấy. Bây giờ đã là hai năm nên số tiền lãi của bạn phải trả đã tăng lên nhiều vậy nên bạn cần sắp xếp để trả nợ càng sớm càng tốt vì càng kéo dài thời gian bạn càng vất vả hơn trong việc thanh toán nợ gốc và lãi. Rất có thể phía FE Credit sẽ khởi kiện ra Tòa yêu cầu bạn trả nợ cùng với lãi suất theo quy định của pháp luật. Bạn có thắc mắc về liệu bạn có bị đi tù hay không, chúng tôi xin trả lời rằng đây là giao dịch dân sự nên nếu bạn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán nợ thì bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu bạn không thanh toán và kéo dài thời gian nợ thì rất có thể bạn sẽ bị khởi kiện ra tòa Hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật hình sự 2015. Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định như sau:

Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”

 

2. Chậm trả góp laptop có cấu thành tội phạm không ?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Tôi sống ở Huế, vào tháng 1/2016 tôi có mua 1 laptop trả góp của Ngân hàng HD Sài Gòn, số tiền góp mỗi tháng là 1,162,000. Lúc đó tôi là nhân viên nhà hàng, chồng tôi làm việc cho xưởng sản xuất của bố mẹ tôi, tôi đã góp được 3 tháng thì bố mẹ tôi làm ăn thua lỗ, phá sản và chồng tôi cũng mất việc theo, bao nhiêu tiền vợ chồng tôi đã giúp đỡ hết cho bố mẹ tôi, nguồn thu nhập chính chỉ ở tôi.
Hiện nay tôi điều kiện khó khăn, không có trả góp cho ngân hàng, tôi làm việc theo ca phuc vụ nhà hàng nên đôi lúc không sử dụng được điện thoại,và tháng 7 nhân viên của ngân hàng đã đến nhà chồng tôi để đòi nợ, bố mẹ chồng tôi già rồi không hay biết gì, còn chồng tôi thì tính hiền từ không nói năng gì. Sau đó nhân viên đó đã đến tại nơi tôi làm việc để đòi nợ và nói tiếng to, làm cho đồng nghiệp tôi biết được và có tiếng ra tiếng vào đến cấp trên của tôi, nên áp lực tôi đã không thể làm được nữa nên đã nghỉ ở đó. Tầm sau 15 ngày Dì của chồng tôi mở công ty ở TP HCM nên cho vợ chồng tôi vào làm việc, vợ chồng tôi cũng mới bắt đầu vào làm, và nhân viên đã đến nhà chồng tôi yêu cầu Bố mẹ chồng tôi phải liên lạc với tôi bắt tôi đóng số tiền 7,5 triệu (tiền gốc và lãi), nhưng do mới đi làm nên vợ chồng tôi thật sự rất khó khăn, chưa có lương, tôi đã liên lạc với công ty tài chính Ngân Hàng để xin chính sách hỗ trợ trả góp nhẹ hơn nhưng câu trả lời tôi nhận được là phải đóng 7,5 triệu đó không thì mới giải quyết chính sách hỗ trợ, còn nếu không họ sẽ làm các bước tiếp theo là gửi đơn ra tòa kiện tôi tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản’.
Tôi đã cố gắng rất nhiều để xin chính sách giảm từ phía Công ty tài chính, tôi nói là thật sự bây giờ tôi ở trọ, kinh tế mới đi làm lại rất khó khăn, con tôi còn nhỏ chi phí rất nhiều, tôi mong Công ty ủng hộ thêm cho tôi được trả ít lại, bố mẹ chồng tôi ngày nào cũng tại áp lực thêm cho tôi, bắt tôi phải đi vay mượn trả số tiền đó nhưng đi vay mượn thì lãi càng lãi tôi không thể sai lầm lần nữa với trường hợp tôi trình bày như trên tôi có bị đi tù không, xin văn phòng giải đáp cho tôi phương án đúng đắn bây giờ ?
Tôi xin chân thành cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến gọi:1900.0191

 

Trả lời:

Theo Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:

“Điều 453. Mua trả chậm, trả dần

1. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

–> Trong trường hợp của bạn đã nêu: bạn đang gặp khó khăn về tài chính và chưa thể thánh toán trả góp định kỳ cho sản phảm bạn đã mua, do vậy, bạn đã vi phạm nghĩa vụ bên mua.

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định:

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại…”

Khi bạn thông báo chưa trả được mà bên bán có thông báo là sẽ gửi đơn ra tòa kiện bạn tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là không có căn cứ pháp luật.

Như vậy, để cấu thành lên tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải có hành vi “thủ đoạn gian dối” song bạn đã cung cấp đầy đủ thông tin và cam kết sẽ trả tiền trong thời gian nhất định. Do vậy, không có dấu hiệu gian dối để chiếm đoạt tài sản ở đây.

Về việc bạn đang gặp khó khăn không thể thanh toán tiền cho ngân hàng thì bạn có thể đến ngân hàng để thương lượng, thỏa thuận sẽ trả chậm trong một gian nhất định và trong thời gian này bạn sẽ phải trả lãi do hành vi chậm trả. Trong trường hợp không có khả năng thanh toán thì bạn nên trả lại sản phẩm.

 

3. Đi nghĩa vụ quân sự thì số tiền trả góp sẽ được tính như thế nào?

Thưa Luật sư của LVN Group! Năm nay em 23 tuổi, đang làm kế toán cho một công ty xây dựng ở Bình Dương, cho em hỏi hiện tại em là con trai một trong gia đình và cũng là thu nhập chính trong gia đình. Hiện tại em có đang mua nhà trả góp (trả góp qua ngân hàng BIDV), em phải trả góp hàng tháng nếu như vậy em có phải đi NVQS không? Nếu đi thì khoản trả ngân hàng của em sẽ xử lý như thế nào?
Em xin chân thành cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn luật dân sự trực tuyến, gọi:1900.0191

 

Luật sư tư vấn:

Căn cứ Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định về các trường hợp được tạm hoãn, được miễn gọi nhập ngũ như sau:

“1. Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

a) Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe;

b) Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận;

c) Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%;

d) Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân;

đ) Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định;

e) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật;

g) Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.

2. Miễn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

a) Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một;

b) Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ;

c) Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên;

d) Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân;

đ) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên”.

Chỉ khi thuộc các trường hợp nêu trên công dân mới không phải thực hiện việc nhập ngũ. Trường hợp của bạn không có căn cứ nêu tại quy định trên, do đó bạn vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Khi bạn đang mua nhà trả góp, điều này không làm thay đổi việc thực hiện nghĩa vụ quân sự của bạn. Khi bạn nhập ngũ, nghĩa vụ này vẫn tồn tại, bạn có nghĩa vụ thanh toán tiền trong hợp đồng mua bán trả góp đó. Khi thực hiện nghĩa vụ quân sự bạn có thể thỏa thuận với bên bán để tạm hoãn nghĩa vụ thanh toán tiền hoặc chuyển nghĩa vụ thanh toán tiền cho một người khác.

Những điều cần lưu ý: Trường hợp của bạn không có căn cứ được tạm hoãn, được miễn nghĩa vụ quân sự. Khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ thanh toán tiền từ hợp đồng mua bán trả góp không bị ảnh hưởng.

 

4. Không trả lãi phát sinh mua trả góp có sao không ?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Em có mua 1 chiếc điện thoại trả góp ở ngân hàng home credit trong 6 tháng, mỗi tháng là 648.000đ. Đến tháng thứ 3 do điều kiện kinh tế nên em không hoàn trả tiếp tục được. Ngân hàng có gọi điện nhắc nhở và em bị chậm nên phát sinh lãi, cuối cùng em đã thanh toán hết số tiền gốc còn lại. Nhưng còn tiền lãi em không thanh toán nữa. Vì em cứ nghĩ là không phát sinh lãi nữa.
Vậy em xin hỏi Luật sư của LVN Group trường hợp của em có bị xử lý không ạ?
Mong Luật sư của LVN Group phản hồi sớm lại giúp em ạ!

>> Luật sư tư vấn luật dân sự trực tuyến, gọi:1900.0191

 

Luật sư tư vấn:

Căn cứ theo Điều 453 Bộ luật dân sự 2015 :

“Điều 453. Mua trả chậm, trả dần

1. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên mua trả chậm hoặc trả dần tiền mua trong một thời hạn sau khi nhận tài sản mua. Bên bán được bảo lưu quyền sở hữu đối với tài sản bán cho đến khi bên mua trả đủ tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Hợp đồng mua trả chậm hoặc trả dần phải được lập thành văn bản. Bên mua có quyền sử dụng tài sản mua trả chậm, trả dần và phải chịu rủi ro trong thời gian sử dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Theo đó trường hợp bạn với phía ngân hàng đã thỏa thuận việc trả chậm kì hạn sẽ phát sinh lãi thì bạn có nghĩa vụ phải trả lãi cho ngân hàng. Nếu bạn không trả thì phía ngân hàng có quyền khởi kiện ra TAND yêu cầu bạn thực hiện nghĩa vụ trả lãi này, trường hợp chưa có thỏa thuận gì về việc phát sinh lãi thì yêu cầu đòi lãi của ngân hàng là không có cơ sở pháp luật. Xem thêm: Thuế thu nhập cá nhân khi sang nhượng chung cư trả góp ?

 

5. Mua trả góp mà không trả hết tiền thì trách nhiệm thuộc về ai ?

Thưa Luật sư của LVN Group, Mình muốn hỏi người ruột thịt của mình mua trả góp xe máy nhưng chưa trả hết thì trách nhiệm trả tiền thuộc về ai? Có về mẹ mình không? Vì người đó quá 20 tuổi rồi, Cảm ơn!

Luật sư phân tích:

Người đó đã trên 18 tuổi và nếu không thuộc trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự thì người đó phải chịu trách nhiệm.

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Em đang có 1 con xe taxi mua trả góp mà em đang muốn cho thuê theo tháng thì em cần làm những thủ tục gì.em sợ nhất vấn đề người thuê mang xe đi cầm cố.không biết pháp luật có biện pháp gì hay không?

=> Bạn làm hợp đồng cho thuê xe bình thường và trong điều khoản hợp đồng có ghi bất cứ trường hợp nào sử dụng xe liên quan đến giao dịch với người thứ 3 phải thông báo cho bạn biết.

 

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Tôi có mua hàng trả góp của công ty homecredit trong hợp đồng là 8 tháng nhưng tôi chỉ trả được 4 tháng, 4 tháng còn lại tôi không có khả năng trả cả gốc và lãi bây giờ là 1.994.000. Đã hết hạn trả, tôi sẽ bị tội gì nếu ra tòa?

=> Khi công ty tài chính/ngân hàng khởi kiện ra tòa thì người đứng ra vay, mua trả góp có trách nhiệm trả toàn bộ số tiền còn thiếu. Nếu không trả Tòa án sẽ kê biên tài sản để trả số nợ này. Nếu có hành vi như lừa gạt, bỏ trốn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và có thể bị phạt tù.

 

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Do kinh tế khó khăn cho nên tôi muốn mua lại một chiếc điện thoại di động, chiếc điện thoại này do một người mua bên thế giới di động với hình thức trả góp mới được 2 tháng, có giấy tờ đầy đủ, nhưng chưa thanh toán hết số tiền cho bên trả góp. Vậy Luật sư của LVN Group cho tôi hỏi trong trường hợp tôi mua chiếc điện thoại đó với giấy mua bán và xác nhận đã nhận ra đủ tiền của người bán, nếu sau khi tôi mua, mà người bán không trả hết tiền cho bên trả góp. Bên trả góp họ muốn đòi nợ nhưng người bán điện thoại cho tôi không có khả năng chi trả hoặc không trả. Vậy bên trả góp có quyền thu hồi lại chiếc điện thoại của tôi không?

=> Lúc này bên trả góp sẽ kê biên tài sản của người kia vì bạn là người thứ 3 ngay tình và tài sản đã thuộc quyền sở hữu của bạn.

 

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Hiện tại tôi có đứng ra vay tiền cho một người bạn của prudential với hình thức trả góp 36 tháng và sau khi nhận tiền tôi chuyển vào tài khoản của bạn của tôi và giữa chúng tôi có làm hợp đồng bằng tay với nội dung: tôi sẽ đứng ra vay tiền dùm tại prudential và người bạn của tôi sẽ trả tiền hàng tháng vào ngày mùng 10 với số tiền như tôi trả cho prudential cho đến khi kết thúc hợp đồng và cả hai ký vào hợp đồng và có 2 người khác chứng kiến cũng ký tên nhưng hiện tai người bạn tôi luôn không thục hiện như hợp đồng ban đầu mà luôn trả tiền trễ từ 15-20 ngày và 2 tháng gần nhất vẫn chưa trả, tôi có nên khởi kiện không

=> Nếu bạn không thể thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình.

 

Thưa Luật sư của LVN Group, xin hỏi: Em ở LN-HN. Anh họ em có mua điện thoại trả góp của TGDD. khi đó anh ấy làm thủ tục và có cung cấp sđt của em cho cửa hàng. Không hiểu 2 bên như nào mà anh ấy còn nợ 900 nghìn nữa. Nhưng anh ấy không thanh toán, giờ người của công ty cứ điện về cho em liên tục. Làm phiền em rất nhiều vì bảo em thanh toán hộ. Nếu không công ty sẽ ghi nợ xấu cho anh ấy. Em phải xử lý như nào ạ?

=> Nghĩa vụ tài chính của anh bạn nên bạn không có trách nhiệm phải trả. Tuy nhiên nếu bạn không muốn ghi nợ xấu cho anh mình và không muốn tiếp tục làm phiền thì bạn có thể trả số tiền đấy cho ngân hàng rồi yêu cầu anh bạn trả tiền cho bạn sau.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.