Bình luận quy định pháp luật về chính sách khoan hồng theo Luật Cạnh tranh.
Chính sách khoan hồng là thuật ngữ không hề xa lạ đối với mọi người, đặc biệt là trong lĩnh vực cạnh tranh. Thế nhưng, Luật Cạnh tranh 2004 chưa đề cập mà phải đến khi ban hàng bộ luật mới luật Cạnh tranh 2018, chính sách khoan hồng mới được ghi nhận.
I. Lý luận chung về chính sách khoan hồng
1. Khái niệm
Khoan hồng là việc miễn hoặc giảm hình phạt đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh nhưng sau đó lại hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh. Theo đó, nội dung cốt lõi của chính sách này là miễn hoặc giảm đáng kể tổ chức, cá nhân tham gia chương trình khoan hồng khỏi nguy cơ bị xử phạt hành chính hoặc bị phạt nặng. mà lẽ ra họ phải chịu thiệt hại do vi phạm luật cạnh tranh.
2. Vai trò của chính sách khoan hồng
Giá trị của chính sách khoan hồng nằm ở khả năng cho phép các cơ quan quản lý cạnh tranh được tiếp cận các chứng cứ và thông tin mật liên quan đến các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bất hợp pháp, mà trên thực tế nếu không có chính sách này thì sẽ cực kỳ khó khăn và tốn thời gian để thu thập chúng trong giai đoạn đầu của cuộc điều tra. Vì vậy, khoan hồng có thể được sử dụng như là một phương pháp bổ sung trong việc thu thập chứng cứ, giúp giảm đáng kể chi phí điều tra cũng như chi phí xét xử cho cả cơ quan quản lý cạnh tranh và tòa án. Các cơ hội được hưởng miễn trừ hình phạt cũng khuyến khích người có chức vụ trong doanh nghiệp, là người nắm giữ đầy đủ và chi tiết các bằng chứng ngay từ đầu, cung cấp thông tin về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và từ đó giúp cho việc thu thập các chứng cứ này của các cơ quan quản lý cạnh tranh trở nên dễ dàng hơn.
Như vậy, ảnh hưởng của chính sách khoan hồng tạo ra một hiệu ứng vòng tròn như sau: chính sách khoan hồng tạo động lực cho các thành viên giữ lại chứng cứ về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh ngay từ ban đầu, điều này làm cho cơ quan quản lý cạnh tranh dễ dàng phát hiện, điều tra và xử lý hơn; một khi hiệu quả thực thi pháp luật của cơ quan quản lý cạnh tranh tăng cao, nguy cơ doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị phát hiện và xử phạt cũng sẽ càng gia tăng; trong tình thế đó, doanh nghiệp sẽ bị thúc đẩy chọn phương án chủ động tự tiết lộ hành vi vi phạm để xin được áp dụng biện pháp khoan hồng hơn là thụ động chờ bị cơ quan cạnh tranh phát hiện và xử lý nghiêm khắc.
3. Nội dung quy định chính sách khoan hồng theo Luật Cạnh tranh 2018
Nội dung chính sách khoan hồng được quy định tại Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 cụ thể như sau:
“1. Doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm quy định tại Điều 12 của Luật này được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.
2. Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định việc miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.
3. Việc miễn hoặc giảm mức xử phạt quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 11 của Luật này;
b) Tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra;
c) Khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi vi phạm;
d) Hợp tác đầy đủ với cơ quan có thẩm quyền trong suốt quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm.
4. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với doanh nghiệp có vai trò ép buộc hoặc tổ chức cho các doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận.
5. Chính sách khoan hồng áp dụng cho không quá 03 doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này.
6. Căn cứ xác định doanh nghiệp được hưởng khoan hồng được quy định như sau:
a) Thứ tự khai báo;
b) Thời điểm khai báo;
c) Mức độ trung thực và giá trị của các thông tin, chứng cứ đã cung cấp.
7. Việc miễn, giảm mức phạt tiền được thực hiện như sau:
a) Doanh nghiệp đầu tiên có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này được miễn 100% mức phạt tiền;
b) Doanh nghiệp thứ hai và thứ ba có đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện quy định tại khoản 3 Điều này lần lượt được giảm 60% và 40% mức phạt tiền.”
Theo đó, để được hưởng chính sách khoan hồng, các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh cần đáp ứng các điều kiện quy định tai Khoản 3 Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Chỉ những doanh nghiệp là thành viên của các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mới là đối tượng được hưởng khoan hồng, trừ những doanh nghiệp có vai trò tổ chức hoặc ép buộc các doanh nghiệp khác tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Như vậy, tất cả các cá nhân và tổ chức kinh doanh, bao gồm các loại hình công ty, hợp tác xã và hộ kinh doanh (trừ một số chủ thể được pháp luật quy định) đều có thể là đối tượng được hưởng chính sách khoan hồng nếu tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh.
Thứ hai, tự nguyện khai báo hành vi vi phạm trước khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định điều tra.
Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép miễn giảm trách nhiệm với doanh nghiệp thực hiện khai báo trước khi cơ quan có thẩm quyền bắt đầu việc điều tra. Nếu cơ quan điều tra tự phát hiện hoặc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị tố giác bởi một bên thứ ba nào đó, và việc điều tra đã được bắt đầu, thì các chủ thể tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mất hoàn toàn cơ hội được hưởng khoan hồng.
Thứ ba, khai báo trung thực và cung cấp toàn bộ các thông tin, chứng cứ có được về hành vi vi phạm, có giá trị đáng kể cho việc phát hiện, điều tra và xử lý hành vi vi phạm.
Tiêu chuẩn của chất lượng thông tin mà doanh nghiệp cung cấp là phải “có giá trị đáng kể”, tuy nhiên Luật Cạnh tranh lại chưa có những quy định để xác định giá trị của thông tin. Việc đánh giá chất lượng của thông tin phụ thuộc và sự chủ quan tùy nghi của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Các doanh nghiệp tiến hành khai báo và cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra vẫn chưa chắc được hưởng khoan hồng nếu các thông tin cung cấp không được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đánh giá là không đủ giá trị.
Thứ tư, hợp tác với cơ quan điều tra trong suốt quá trình điều tra và xử lý hành vi vi phạm.
Ngoài việc tự nguyện khai báo và cung cấp những thông tin về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, các chủ thể khai báo cần phối hợp với cơ quan điều tra trong suốt quá trình điều tra, cho đến khi hành vi vi phạm đã được xử lý.
Như vậy, các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh vẫn có cơ hội được hưởng chính sách khoan hồng nếu đáp ứng các điều kiện nêu trên. Khi đó, các doanh nghiệp đầu tiên, thứ hai và thứ ba nộp đơn xin hưởng khoan hồng sẽ nhận được mức miễn giảm lần lượt là 100%, 60% và 40% mức phạt tiền đối hành vi đã thực hiện.
4. Phân biệt “Chính sách khoan hồng” và “Chính sách miễn trừ” trong luật Cạnh tranh
Chính sách khoan hồng là một nội dung hoàn toàn mới được ghi nhận trong Luật Cạnh tranh 2018 cho nên cơ chế mới này rất dễ khiến nhiều người nhầm lẫn với chính sách miễn trừ đã có trong bộ luật. Trên thực tế 2 chính sách này là hoàn toàn khác nhau:
– Về mục đích
+ Đối với miễn trừ: Theo thông lệ quốc tế, các trường hợp miễn trừ được xây dựng dựa trên nguyên tắc lập luận hợp lý (rule of reason), theo đó, nguyên tắc đánh giá tính bất hợp pháp của một thỏa thuận hạn chế cạnh tranh trên cơ sở cân nhắc giữa các tác động tích cực và tiêu cực, đặc biệt là tác động thúc đẩy cạnh tranh và tác động hạn chế cạnh tranh hoặc giữa tác động hạn chế cạnh tranh với hiệu quả hay lợi ích kinh tế mà hành vi thỏa thuận mang lại. Xét về bản chất, khi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã cấu thành đủ các dấu hiệu để kết luận là vi phạm luật cạnh tranh, tuy nhiên, nếu lợi ích đối với nền kinh tế và người tiêu dùng mà thỏa thuận đó có thể mang lại cao hơn tác động hạn chế cạnh tranh thì thỏa thuận đó có thể được cơ quan cạnh tranh cho phép thực hiện.
Hiện nay, tại Việt Nam theo quy định mới của LCT 2018, thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm sẽ được miễn trừ có thời hạn nếu nó có lợi cho người tiêu dùng và đáp ứng một trong bốn điều kiện sau đây: (1) Tác động thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ; (2) Tăng cường sức cạnh tranh của DN Việt Nam trên thị trường quốc tế; (3) Thúc đẩy việc áp dụng thống nhất tiêu chuẩn chất lượng, định mức kỹ thuật của chủng loại sản phẩm; (4) Thống nhất các điều kiện thực hiện hợp đồng, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá. Như vậy, mục đích hướng tới khi xây dựng cơ chế miễn trừ cho các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm là thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường, bên cạnh đó còn mang đến lợi ích cho người tiêu dùng.
+ Đối với chính sách khoan hồng: Trên một phương diện khác so với miễn trừ, chính sách khoan hồng được xây dựng nhằm thu hút tham gia khai báo, hợp tác của các thành viên trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, từ đó khiến cho những thỏa thuận bất chính được đưa ra ánh sáng và xử lý theo quy định. Điều này cho thấy chính sách khoan hồng và cơ chế miễn trừ được thiết kế với mục đích hoàn toàn khác biệt: một bên hỗ trợ công tác phát hiện và điều tra, xử lý các hành vi vi phạm, một bên thúc đẩy lợi ích của kinh tế và quyền lợi cho người tiêu dùng.
– Về thời điểm áp dụng và thủ tục:
Thủ tục miễn trừ và chính sách khoan hồng mang bản chất của thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định của pháp luật cạnh tranh. Do vậy, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh hưởng quyền miễn trừ hoặc hưởng quyền khoan hồng không mặc nhiên được áp dụng khi thỏa mãn các điều kiện do luật định về mặt nội dung mà bắt buộc phải nhận được quyết định chấp thuận của cơ quan quản lý cạnh tranh (CQQLCT).
Cụ thể, để được hưởng chính sách miễn trừ thì các thành viên dự định tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm phải tiến hành nộp hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ cho CQQLCT có thẩm quyền. Căn cứ trên hồ sơ đề nghị hưởng miễn trừ, CQQLCT ra quyết định chấp thuận hoặc quyết định không chấp thuận cho các bên được hưởng miễn trừ. Theo đó, các bên tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đáp ứng điều kiện được hưởng miễn trừ chỉ được thực hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh sau khi có quyết định hưởng miễn trừ. Điều cho thấy chính sách miễn trừ bắt đầu xác lập trước khi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đưa vào hoạt động.
Trong khi đó, doanh nghiệp (DN) đã hoặc đang tham gia với vai trò là một bên của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh muốn xin hưởng khoan hồng phải tiến hành liên hệ với CQQLCT để khai báo và xin được miễn, giảm mức phạt tiền theo chính sách khoan hồng. Qua đó, chúng ta thấy rằng chính sách khoan hồng lại đặt ra đối với những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đã được xây dựng và vận hành, khi mà có thành viên nào đó đứng ra khai báo về hoạt động bất chính của thỏa thuận.
– Về phạm vi lợi ích mà doanh nghiệp đạt được:
Nếu như chính sách khoan hồng cho phép các DN khai báo được hưởng quyền giảm trừ, thậm chí có thể miễn trừ hoàn toàn hình phạt mà lẽ ra phải bị xử lý theo quy định thì ở khía cạnh khác, chính sách miễn trừ lại đưa đến cơ hội cho các DN có một khoảng thời hạn nhất định được hưởng miễn trừ việc áp dụng các chế tài, trên cơ sở đó tạo điều kiện cho các DN có thể dành thời gian tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các DN khác là đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Theo đó, thấy phần thưởng mà các bên trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nhận được từ chính sách khoan hồng tồn tại dưới 02 mức độ khác nhau, có thể được giảm trừ hoặc miễn trừ hình phạt tùy thuộc vào điều kiện mà DN đó thỏa mãn. Mặt khác, chính sách khoan hồng không đặt ra thời hạn áp dụng, điều này được hiểu là nếu một DN nhận được quyết định cho hưởng chính sách khoan hồng thì đương nhiên nhận được quyền miễn/giảm trên cơ sở xem xét toàn bộ quá trình hoạt động của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh đó. Trong khi đó, các DN được hưởng chính sách miễn trừ sẽ thoát khỏi hoàn toàn hình phạt (tức miễn trừ hoàn toàn) và quyết định cho hưởng miễn trừ không có giá trị vĩnh viễn, chúng luôn có giá trị trong một thời hạn nhất định (trong quyết định cho hưởng miễn trừ luôn xác định thời hạn cho hiệu lực) hoặc có thể được xem xét lại và có thể bị bãi bỏ theo quy định của pháp luật.
II. Bình luận và đánh giá thực tiễn áp dụng chính sách khoan hồng theo Luật Cạnh tranh 2018
Do Chính sách khoan hồng là điểm mới trong Luật Cạnh tranh 2018, do đó khi áp dụng vào thực tế vẫn không tránh khỏi những hạn chế, tuy nhiên, bên cạnh đó, rất nhiều ưu điểm cần phát huy, em xin đánh giá, bình luận chung về chính sách khoan hồng ở một số điểm như sau:
Về giá trị pháp lý:
Bản chất chính sách khoan hồng là một công cụ nhằm phát hiện để điều tra, xử lý thỏa thuận hạn chế cạnh tranh nên chính sách khoan hồng của nhiều nước trên thế giới không được quy định thành một điều khoản trong luật, tức là không phải là một quy định pháp lý mà có tính chất là một công cụ chính sách do Cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh xây dựng, ban hành và áp dụng. Chính sách khoan hồng tại Hoa Kỳ do Bộ Tư pháp ban hành để trên cơ sở đó Cơ quan điều tra chống độc quyền thuộc Bộ Tư pháp áp dụng. Chính sách khoan hồng tại Úc do Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng xây dựng và áp dụng. Chính sách khoan hồng tại Nhật do Ủy ban thương mại công bằng ban hành và áp dụng. Còn tại Việt Nam, chính sách khoan hồng được luật định tại Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam là một quy định pháp lý làm cơ sở để Cơ quan cạnh tranh thực thi nên có giá trị pháp lý cao đảm bảo tính chắc chắn, minh bạch đối với cộng đồng doanh nghiệp và được đảm bảo thực thi cùng với hiệu lực thực thi của Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam.
Về mục tiêu và ý nghĩa:
Chính sách khoan hồng quy định trong Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam đã thể hiện đầy đủ mục tiêu và ý nghĩa của chính sách là nhằm giúp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện để điều tra và xử lý đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm trên cơ sở tự nguyện khai báo của doanh nghiệp về hành vi vi phạm giống như mục tiêu và ý nghĩa của chính sách khoan hồng mà các nước trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Châu Âu, Malaysia… đã áp dụng. Điều này được thể hiện rõ tại khoản 1 Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam, theo đó doanh nghiệp tự nguyện khai báo giúp phát hiện, điều tra và xử lý hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm được miễn hoặc giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng.
Về thẩm quyền:
Người đứng đầu của Cơ quan cạnh tranh (Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) là Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền quyết định việc cho miễn hoặc giảm mức xử phạt. Quy định này cũng giống như ở nhiều nước là Cơ quan cạnh tranh có quyền quyết định áp dụng chính sách khoan hồng để miễn hoặc giảm mức xử phạt cho đương đơn. Tuy nhiên, kinh nghiệm các nước cũng cho thấy khi Cơ quan cạnh tranh áp dụng chương trình khoan hồng để miễn hoặc giảm mức xử phạt thì cần có sự công nhận của các cơ quan có liên quan như Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan công tố, Cơ quan tòa án.
Về điều kiện áp dụng: Quy định tại Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam về cơ bản đã đầy đủ và minh bạch về các điều kiện để được hưởng khoan hồng, điều này cho phép mọi doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có thể tự đánh giá về khả năng của mình đáp ứng các điều kiện theo luật định để có thể được áp dụng chính sách khoan hồng. Khoản 3 Điều 12 Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam quy định điều kiện để được miễn giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng là tự nguyện khai báo về hành vi vi phạm trước khi Cơ quan cạnh tranh ra quyết định điều tra, cung cấp thông tin, bằng chứng và hợp tác đầy đủ với Cơ quan cạnh tranh giống như chính sách khoan hồng ở các nước.
Yếu tố tự nguyện khai báo và khai báo trước khi có quyết định điều tra có tính chất tiên quyết đảm bảo đương đơn có thể được hưởng khoan hồng. Cần nhận thức rõ là đương đơn khai báo trước khi có quyết định điều tra, khác với việc khai báo trước khi cơ quan điều tra biết hoặc có thông tin về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Quy định khai báo trước khi có quyết định điều tra có tính linh hoạt cao hơn và tạo cơ hội hơn cho cả doanh nghiệp muốn khai báo và cả cơ quan điều tra cạnh tranh, bởi trong nhiều trường hợp, mặc dù Cơ quan cạnh tranh có thông tin về thỏa thuận nhưng chưa đầy đủ và đảm bảo tính chắc chắn để quyết định điều tra, do đó cần có thêm các thông tin, bằng chứng cụ thể khác và điều đó rất cần từ các đương đơn xin hưởng khoan hồng.
Những doanh nghiệp có vai trò ép buộc, tổ chức sẽ không được miễn giảm mức xử phạt theo chính sách khoan hồng. Quy định này nhằm tránh trường hợp doanh nghiệp lợi dụng, sử dụng chính sách pháp luật và quyền lực của cơ quan thực thi như một biện pháp cạnh tranh không chính đáng của mình.
Tuy nhiên, kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy cần có một trình tự, thủ tục cụ thể nhằm đảm bảo rõ ràng, minh bạch và sự chắc chắn cho các cá nhân, tổ chức và cả cơ quan thực thi khi áp dụng.
Về số lượng doanh nghiệp:
Khoản 5 Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam quy định chính sách khoan hồng chỉ áp dụng cho tối đa 03 doanh nghiệp đầu tiên nộp đơn xin hưởng khoan hồng và đáp ứng đủ điều kiện. Theo quy định tại khoản 6 điều này, cơ sở để xác định thứ tự ưu tiên của ba doanh nghiệp đầu tiên là thứ tự khai báo, thời điểm khai báo và mức độ trung thực và giá trị của các thông tin, chứng cứ đã cung cấp. Việc quy định số lượng doanh nghiệp được hưởng khoan hồng tối đa 03 doanh nghiệp một phần nhằm hạn chế số lượng chủ thể vi phạm được hưởng khoan hồng để đảm bảo tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật (các doanh nghiệp ngoài 03 doanh nghiệp này sẽ bị xử lý nghiêm minh) đồng thời không hạn chế quá ít doanh nghiệp để có cơ hội thu được nhiều thông tin, tài liệu, bằng chứng có giá trị hơn.
Về mức miễn giảm:
Khi đã xác định được 03 doanh nghiệp đầu tiên, theo quy định tại khoản 7 Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam, doanh nghiệp thứ nhất được miễn 100% mức phạt tiền; doanh nghiệp thứ hai và thứ ba lần lượt được giảm 60% và 40% mức phạt tiền. Quy định này đảm bảo mục tiêu hiệu quả giống như chính sách khoan hồng của các nước là bảo vệ người trình báo khỏi hình phạt, hoặc giảm hình phạt dưới mức họ phải chịu. Quy định này cũng đảm bảo tính hấp dẫn của chính sách.
Một điểm quan trọng nữa là cùng với quy định chính sách khoan hồng, Bộ Luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) của Việt nam tại Điều 217 quy định về tội vi phạm các quy định về cạnh tranh cũng đã lần đầu tiên quy định xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân tham gia thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, làm tiền đề cho việc thực thi hiệu quả chính sách khoan hồng tại Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam.
Chính sách khoan hồng tại Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam là một cơ chế mới để phát hiện thỏa thuận hạn chế cạnh tranh mà Cơ quan cạnh tranh có thể sử dụng. Điều này cũng khiến các thỏa thuận phi pháp trở nên rủi ro hơn, có nhiều khả năng bị phá vỡ hơn và buộc các doanh nghiệp phải cân nhắc đến việc liệu có nên tham gia vào các thỏa thuận với những kẻ có khả năng lừa đảo hay không.
III. Một số giải pháp khắc phục
Mặc dù có giá trị pháp lý và tính chắc chắn về mặt pháp lý cao nhưng do chỉ là một điều khoản trong luật nên quy định về chính sách khoan hồng tại Điều 112 Luật Cạnh tranh 2018 của Việt Nam chủ yếu là những nguyên tắc cơ bản giới hạn trong một điều khoản, chưa thực sự chi tiết, cụ thể nên các cá nhân, tổ chức và Cơ quan cạnh tranh khó có thể áp dụng hiệu quả ngay được, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cần thiết, đặc biệt là về mặt thủ tục, để đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, quy định này cần có hướng dẫn cụ thể hơn.
Ngoài ra, việc chính sách khoan hồng không áp dụng đối với các cá nhân là một bất cập. Để gia tăng khả năng thành công trong các vụ việc về thoả thuận HCCT, nên bổ sung việc áp dụng chính sách khoan hồng đối với các cá nhân có liên quan. Vì vậy, cần sửa đổi Điều 112 Luật Cạnh tranh năm 2018 theo hướng: “cá nhân có liên quan đến việc hình thành, thúc đẩy, thực hiện các thoả thuận hạn chế cạnh tranh nếu thoả mãn các điều kiện tại khoản 3 Điều này có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc giảm hình phạt”
Như vậy, cần thiết xây dựng và phát triển “chính sách khoan hồng” trong quy định của Luật Cạnh tranh Việt Nam một cách hoàn thiện hơn. Khi đưa ra những đề xuất mới cần học hỏi kinh nghiệm các nước, kết hợp với nguyên tắc minh bạch, rõ ràng, bảo mật thông tin đối tượng khai báo và chương trình bảo vệ nhân chứng… bởi đây là một chính sách rất quan trọng dành cho các chủ ttheertrong lĩnh vực cạnh tranh.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Cạnh tranh 2018
- Nguyễn Anh Tuấn, Cơ sở lý luận và thực tiễn áp dụng chính sách khoan hồng theo Luật Cạnh tranh của một số nước trên thế giới và đề xuất bổ sung cho Việt Nam, Tạp chí Khoa học pháp lý số 1/2013
- 4 điều kiện hưởng khoan hồng trong thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, Nguyễn Kim Anh
- Chính sách khoan hồng theo quy định của Luật Cạnh tranh 2018,