Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (đề 6)

Đề 6: Hội nông dân xã La Bằng – huyện Đại Từ – Tỉnh Thái Nguyên là chủ sở hữu của nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng và hình. Nhãn hiệu này có thời hạn bảo hộ đến năm 2020. Hội nông dân xã La Bằng có 20 thành viên, trong đó có gia đình bà Nguyễn Thị A. Gia đình bà A đã sản xuất chè nhiều năm và có danh tiếng trong vùng. Bà A mất năm 2014. Bà A có một người con gái là chị B lấy chồng và sinh sống ở Bắc Cạn. Chị B có trồng chè tại gia đình, đóng gói và dán nhãn Chè La Bằng và hình giống nhãn hiệu tập thể của mẹ chị ở La Bằng – Thái Nguyên để bán ra thị trường.

Theo ý kiến của anh chị, việc sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng và hình của chị B trên sản phẩm chè của mình có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không? Nếu có thì biện pháp xử lý trong trường hợp này là gì.

NỘI DUNG

1. Xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Theo quan điểm của người viết, việc sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng và hình của chị B trên sản phẩm chè của mình là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Trước hết, xác định quyền của chủ sở hữu của nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng – Hội nông dân xã La Bằng và các thành viên của hội

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật Sở hữu trí tuệ): “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau” (khoản 16 Điều 4), “Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó” (khoản 17 Điều 4) và khoản 1 Điều 121: “Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu nổi tiếng”. Như vậy, theo các quy định trên, chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể chè La Bằng là Hội nông dân xã La Bằng (không phải là các thành viên của hội) là tổ chức được Cục sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ cho nhãn hiệu Chè La Bằng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung, cũng như chủ sở hữu nhãn hiệu nói riêng có các quyền sau:

a) Sử dụng, cho phép người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 124 và Chương X của Luật này;

b) Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 125 của Luật này;

c) Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định tại Chương X của Luật này.”

Dẫn chiếu tới khoản 5 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Sử dụng nhãn hiệu là việc thực hiện các hành vi sau đây:

Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh;

Lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu đươc bảo hộ;

Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.

Với tư cách là chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể, Hội nông dân xã La Bằng có các quyền của chủ sở hữu theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật Sở hữu trí tuệ như đã trích dẫn ở trên. Hội nông dân xã La Bằng có 20 thành viên và các thành viên này có quyền sử dụng nhãn hiệu Chè La Bằng. Việc sử dụng nhãn hiệu này đã được quy định tại khoản 5 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ và quy chế sử dụng nhãn hiệu Chè La Bằng. Nói một cách rõ ràng hơn, thì các thành viên của Hội nông dân xã La Bằng chỉ có quyền sử dụng nhãn hiệu Chè La Bằng, mà không có đầy đủ các quyền của chủ sở hữu là Hội nông dân xã La Bằng.

Gia đình bà Nguyễn Thị A là thành viên của Hội nông dân xã La Bằng, nên gia đình bà có quyền sử dụng nhãn hiệu Chè La Bằng như gắn nhãn hiệu Chè La Bằng lên các sản phẩm chè do gia đình bà sản xuất, bán các sản phẩm này ra thị trường…

Thứ hai, vấn đề chuyển giao nhãn hiệu tập thể

Việc chị B đóng gói và dãn nhãn hiệu Chè La Bằng và hình giống nhãn hiệu tập thể của mẹ chị là bà A ở La Bằng – Thái Nguyên và bán sản phẩm này ra thị trường rõ ràng là hành vi sử dụng nhãn hiệu tập thể. Vậy hành vi này của chị B có hợp pháp hay không? Nếu hợp pháp thì dựa trên căn cứ nào? Người viết đặt ra hai giả thiết:

Một là, giả thiết về việc chị B được chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng

Theo quy định tại khoản 4 Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ: “Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu”. Trong khi đó, nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng có chứa dấu hiệu “La Bằng” là nơi trồng, sản xuất ra loại chè này. Mặc dù pháp luật cho phép chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, tuy nhiên trong trường hợp này, nếu chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng thì sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của sản phẩm chè La Bằng. Hay nói cách khác, đây thuộc trường hợp hạn chế chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, một mặt, bản thân bà A không được chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng do bà không phải là chủ sở hữu; mặt khác, kể cả đối với Hội nông dân xã La Bằng, họ cũng không được chuyển nhượng quyền sở hữu đối với nhãn hiệu Chè La Bằng. Do vậy, sẽ không xảy ra trường hợp chị B, trồng chè tại Bắc Cạn được chuyển nhượng quyền sở hữu đối với nhãn hiệu Chè La Bằng, do sản phẩm chè mà chị B sản xuất không phải được trồng tại xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Hai là, giả thiết chị B được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng

Với quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể, bên cạnh các quyền như đã trích dẫn ở trên thì Hợp tác xã La Bẳng và gia đình bà A có quyền chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không? Khoản 2 Điều 142 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể không được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể đó”. Theo đó, chỉ thành viên của chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể mới được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể.

Áp dụng vào tình huống, gia đình bà Nguyễn Thị A là thành viên của Hội nông dân xã La Bằng – chủ sở hữu nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng. Theo quy định trên, chỉ cả gia đình bà Nguyễn Thị A được quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng, mà không phải là mỗi người trong gia đình bà được chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu này. Do vậy, bà A mất, dù chị B là con gái bà A nhưng đã lập gia đình riêng và bản thân chị B không phải là thành viên của Hội nông dân xã La Bằng nên không có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng cho sản phẩm do mình sản xuất ra. Như vậy, nếu có giả thiết bà A trước khi mất có chuyển quyền thì chị B cũng không có quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng cho sản phẩm chè của mình. Hội nông dân xã La Bằng cũng không được chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng cho tổ chức, cá nhân khác ngoài thành viên của Hội nông dân xã La Bằng.

Như vậy, chị B không được sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng thông qua việc chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể hay chuyền quyền sử dụng đối với nhãn hiệu này.

Thứ ba, xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chị B

Việc chị B dán nhãn chè La Bằng và hình giống với nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng lên sản phẩm chè do chị trồng và đóng gói, bán các sản phẩm này là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Cụ thể, theo điểm a khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ: “Các hành vi sau đây được thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ trùng với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó”. Trong tình huống đưa ra, không có dữ kiện nào cho thấy chị B trước khi sử dụng nhãn hiệu Chè La Bằng trên sản phẩm của mình được sự cho phép của Hội nông dân xã La Bằng. Dấu hiệu mà chị B sử dụng trên sản phẩm của mình giống với nhãn hiệu Chè La Bằng và hình, hay nói cách khác là sử dụng trùng dấu hiệu. Đối tượng hàng hóa mang nhãn hiệu ở đây đều là chè (cùng bản chất, cùng chức năng, mục đích sử dụng). Do vậy, việc sử dụng nhãn hiệu tập thể Chè La Bằng và hình của chị B trên sản phẩm chè của mình là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

2. Biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong tình huống

Căn cứ Điều 199 Luật Sở hữu trí tuệ: “Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm, có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc dân sự”, đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chị B, các biện pháp xử lý trong trường hợp này có thể là:

2.1. Biện pháp dân sự

Khi bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc các chủ thể có quyền liên quan khác có quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền của mình. Theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính, biện pháp dân sự sẽ được áp dụng khi có đủ căn cứ chứng minh hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo quy định này, biện pháp dân sự có thể được áp dụng đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chị B trong tình huống đưa ra bao gồm:

+ Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;

+ Buộc xin lỗi, cải chính công khai;

+ Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;

+ Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với sản phẩm chè, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu là Hội nông dân xã La Bằng hay các thành viên của hội.

Hội nông dân xã La Bằng có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước hoặc sau khi khởi kiện.

Biện pháp dân sự được áp dụng trong trường hợp này có một số ưu điểm có thể kể đến như: xử lý triệt để hành vi xâm phạm, đòi được bồi thường thiệt hại, khắc phục được thiệt hại về vật chất và tinh thần; có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ và ngăn ngừa thiệt hại… Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp này có một số nhược điểm như tốn nhiều thời gian, chi phí; trình tự, thủ tục phức tạp; nhiều khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ để chứng minh; tình trạng giải quyết kéo dài, xét xử nhiều lần, nhiều cấp do trình độ của thẩm phán trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ còn hạn chế…

2.2. Biện pháp hành chính

Đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ là Hội nông dân xã La Bằng không có yêu cầu bồi thường thiệt hại mà chỉ muốn ngăn chặn kịp thời hành vi xâm phạm của chị B, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ: “Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý”, xác định sản phẩm chè do chị B sản xuất có gắn nhãn hiệu Chè La Bằng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Căn cứ Điều 211, 213, 214, 215 Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định số 99/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp của Chính phủ ngày 29/08/2013, có thể áp dụng một hoặc tất cả các biện pháp hành chính sau để xử lý hành vi xâm phạm của chị B bao gồm: áp dụng các hình thức xử phạt (hình thức xử phạt chính và hình thức phạt bổ sung); áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả; áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính. Mỗi hành vi xâm phạm chỉ phải chịu một hình thức xử phạt chính: cảnh cáo hoặc phạt tiền, không thể áp dụng cả hai hình thức này cho một hành vi. Mức xử phạt tiền được áp dụng tương ứng với giá trị hàng hóa, nhưng tối đa là 250.000.000 đồng đối với cá nhân (chị B). Bên cạnh đó có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: tịch thu hàng hóa giả mạo, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm.

So với các biện pháp khác, biện pháp hành chính có nhiều ưu điểm hơn như: trình tự, thủ tục đơn giản; tiết kiệm thời gian, chi phí; chấm dứt ngay hành vi xâm phạm để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, lợi ích kinh tế, cạnh tranh lành mạnh trong xã hội. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có tác dụng giáo dục, răn đe; không đòi được bồi thường thiệt hại, không bảo mật được thông tin…

2.3. Biện pháp hình sự

Với những ưu điểm như xử lý triệt để hành vi xâm phạm; có tác dụng giáo dục, răn đe mạnh mẽ nhất, có cơ chế đảm bảo thi hành án thì biện pháp hình sự có thể được áp dụng trong tình huống. Đây là biện pháp xử lý nghiêm khắc nhất đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu, chỉ được áp dụng khi hành vi xâm phạm đã cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật hình sự. Biện pháp này cũng có một số hạn chế như trình tự, thủ tục rườm rà, phức tạp, mất nhiều thời gian, chi phí; không bảo mật được thông tin…

Căn cứ Điều 212 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 171 Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, hành vi xâm phạm của chị B có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Các hình phạt có thể áp dụng là phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ tùy theo mức độ, và còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Bộ luật Dân sự năm 2015;
  • Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009;
  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009;
  • Nghị định số 99/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp của Chính phủ ngày 29/08/2013;
  • Dương Thị Cẩm Vân, Thực tiễn bảo hộ quyền sở hữu nhãn hiệu hàng hóa ở Việt Nam, Khóa luận tốt nghiệp, Hà Nội – 2009.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com