Cho thuê tài chính là gì? Phân tích đặc điểm của hoạt động cho thuê tài chính? Tại sao nói cho thuê tài chính là một nghiệp vụ cấp tín dụng?
Trả lời:
1. Khái niệm Cho thuê tài chính (CTTC):
Căn cứ Điều 113 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (Luật CTCTD 2010), cho thuê tài chính là hoạt động cấp tín dụng trung hạn, dài hạn trên cơ sở hợp đồng cho thuê tài chính và phải có một trong các điều kiện sau đây:
1. Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được nhận chuyển quyền sở hữu tài sản cho thuê hoặc tiếp tục thuê theo thỏa thuận của hai bên;
2. Khi kết thúc thời hạn cho thuê theo hợp đồng, bên thuê được quyền ưu tiên mua tài sản cho thuê theo giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực tế của tài sản cho thuê tại thời điểm mua lại;
3. Thời hạn cho thuê một tài sản phải ít nhất bằng 60% thời gian cần thiết để khấu hao tài sản cho thuê đó;
4. Tổng số tiền thuê một tài sản quy định tại hợp đồng cho thuê tài chính ít nhất phải bằng giá trị của tài sản đó tại thời điểm ký hợp đồng.
2. Đặc điểm của hoạt động cho thuê tài chính:
Tín dụng được chuyển giao là hiện vật chứ không phải tiền;
Thay vì đưa cho tổ chức, cá nhân một khoản tiền, TCTD sẽ cho tổ chức, cá nhân thuê một tài sản trong một thời gian dài.
Do cho thuê bằng hiện vật nên vốn cho thuê không bị ảnh hưởng của lạm phát. Bên cho thuê không phải chịu rủi ro do sự giảm giá trị của tài sản, cũng không bị đọng vốn do phải mua tài sản trước. Cho thuê thông qua CTTC còn đảm bảo khoản tín dụng được sử dụng đúng mục đích mà bên thuê cam kết.
Tài sản thuê cũng chính là tài sản đảm bảo cho giao dịch thuê tài chính;
Khoản tiền bên cho thuê bỏ ra để mua tài sản cho thuê chính là một khoản tín dụng cấp cho bên thuê và sẽ được thu hồi thông qua số tiền thuê mà bên thuê phải trả trong suốt quá trình thuê. Bên cho thuê nắm giữ quyền sở hữu tài sản để bảo đảm cho nghiệp vụ tín dụng, còn bên thuê mua quyền sử dụng tài sản từ bên cho thuê.
CTTC là một hình thức tài trợ có độ an toàn cao nhờ hạn chế tới mức thấp nhất những rủi ro có thể xảy ra đối với bên cho thuê. Trong suốt quá trình cho thuê, bên cho thuê nắm giữ quyền sở hữu tài sản cho thuê, nên họ có thể kiểm tra, giám sát việc sử dụng tài sản của bên thuê. Nếu có những biểu hiện đe dọa tới sự an toàn của tài sản cho thuê, bên cho thuê có thể thu hồi tài sản ngay lập tức, nhờ đó mà tránh được việc bị mất vốn tài trợ.
Khi kết thúc hợp đồng thuê, bên thuê nếu muốn có thể chuyển giao lại tài sản thuê cho bên cho thuê cùng tất cả rủi ro do sự mất giá của tài sản đó;
Điều này được xem như khó khăn của bên cho thuê, đặc biệt là với tài sản liên quan đến dây chuyền sản xuất hoặc hàng hóa thuộc diện đặc chủng. Những tài sản là dây chuyền công nghệ loại này thường có giá trị lớn, có hao mòn vô hình cao mà các doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng rộng rãi. Khi bên thuê chuyển giao lại tài sản thì công ty CTTC có thể bán hay tiếp tục cho thuê, nhưng quyền năng này rất khó thực hiện đối với các dây chuyền thiết bị sản xuất đặc biệt. Lý do là khi máy móc, thiết bị đang vận hành thì còn có giá trị kinh tế thực, nhưng khi đã bị đưa vào kho bãi thì giá trị thực tế của nó bị giảm sút nhanh chóng.
Chủ thể của hợp đồng cho thuê tài chính: bên cho thuê (TCTD) và bên thuê.
Bên cho thuê có thể là: (1) Ngân hàng thương mại phải thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết để thực hiện hoạt động kinh doanh; (2) Công ty tài chính; (3) Quỹ tín dụng nhân dân; (4) Tổ chức tài chính vi mô; (5) Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bên thuê là bất kỳ tổ chức, cá nhân có đầy đủ năng lực pháp lý và có nhu cầu thuê tài chính.
3. Tại sao nói Cho thuê tài chính (CTTC) là một nghiệp vụ cấp tín dụng
Bởi pháp luật đã quy định rõ ràng cho thuê tài chính là hoạt động cấp tín dụng […](Điều 113 Luật CTCTD 2010).Đây là hoạt động cấp tín dụng của công ty CTTC và bên thuê, trong đó mục đích của công ty CTTC là thu lãi trên vốn đầu tư, còn mục đích của người thuê có vốn đầu tư và sử dụng vốn hiệu quả.
Bài liên quan:
- Phân tích mối quan hệ của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư với ngân hàng thương mại trong hoạt động đầu tư và đề xuất ý kiến pháp lý nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động đầu tư tài chính của các chủ thể nêu trên
- Hợp đồng tư vấn tài chính doanh nghiệp
- Một số kiến nghị nhằm bảo đảm quyền tự chủ của chính quyền địa phương về tài chính, ngân sách
- Thực trạng quy định và áp dụng Bộ luật Hình sự đối với tội phạm trong lĩnh vực tài chính – Những vấn đề cần được sửa đổi
- Những điểm mới của Luật Số: 17/2017/QH14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12
- Các nhận định Đúng – sai về hoạt động của tổ chức tín dụng
- Quản trị rủi ro tín dụng trong các ngân hàng thương mại