Đánh giá sự thay đổi, phát triển của Luật Đầu tư 2014 so với Luật Đầu tư năm 2005

Phân tích thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư 2014, qua đó đánh giá sự thay đổi, phát triển của Luật Đầu tư 2014 so với Luật Đầu tư năm 2005.

Đầu tư là cụm từ phổ biến hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại. Với sự ra đời của Luật Đầu tư năm 2014, cụm từ này càng được nhắc tới nhiều hơn, là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư. Bởi vậy, em chọn đề Bài tập 7: “Phân tích thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư 2014, qua đó đánh giá sự thay đổi, phát triển của Luật Đầu tư 2014 so với Luật Đầu tư năm 2005” làm bài tập học kỳ của mình.

1. Khái quát về đầu tư và thủ tục đầu tư

Trước hết, Luật Đầu tư năm 2014 (LĐT năm 2014) điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh. Theo đó, “đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh thông qua việc thành lập tổ chức kinh tế; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế; đầu tư theo hình thức hợp đồng hoặc thực hiện dự án đầu tư” (khoản 5 Điều 3).

Sau khi tiến hành các công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, nhà đầu tư chuyển sang giai đoạn thực hiện các thủ tục đầu tư. Mục đích chủ yếu của việc quy định các thủ tục đầu tư là để đảm bảo sự quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, tránh sự lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả trong đầu tư. Đồng thời thông qua đó, Nhà nước thừa nhận tính hợp pháp của hoạt động đầu tư, từ đó có cơ sở pháp lý để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.

Bài luận Đánh giá sự thay đổi, phát triển của Luật Đầu tư 2014 so với Luật Đầu tư năm 2005.

2. Thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư năm 2014

Trong phạm vi bài tiểu luận, thủ tục đầu tư được phân tích tương ứng với ba nhóm dự án đầu tư: Dự án đầu tư không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư; Dự án đầu tư phải làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Dự án đầu tư phải làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 36 LĐT năm 2014, các dự án đầu tư sau không phải làm thủ tục đăng ký đầu tư: (i) Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước; (ii) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 LĐT năm 2014; (iii) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.

Đối với những trường hợp trên, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, nếu có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư  (GCNĐKĐT) đối với các dự án đầu tư thuộc trường hợp (i) và (ii) ở trên, nhà đầu tư thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT theo quy định của pháp luật mà không hạn chế, ngăn cản việc cấp này. Những trường hợp này không buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư nên việc thực hiện các thủ tục đầu tư không được đặt ra.

2.1. Đối với dự án đầu tư phải làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư

2.1.1. Các trường hợp phải làm thủ tục quyết định chủ trương đầu tư

Theo LĐT năm 2014, trường hợp các dự án đầu tư phải quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại Điều 30, 31 và 32, lần lượt tương ứng với thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội là những dự án ảnh hưởng lớn đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng lớn đến môi trường, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích lớn, tác động lớn đến bộ phận dân cư, tác động rất lớn đến nền kinh tế – xã hội nên phải được cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước quyết định chủ trương đầu tư. Đối với những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, tuy mức độ tác động không lớn như các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội nhưng do ảnh hưởng của nó đến kinh tế – xã hội nên cần chủ thể có thẩm quyền là Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư như dự án xây dựng và kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không; thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí; sản xuất thuốc lá điếu… Còn những dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là những dự án có ảnh hưởng thấp hơn đến kinh tế – xã hội.

Bài luận Đánh giá sự thay đổi, phát triển của Luật Đầu tư 2014 so với Luật Đầu tư năm 2005.

2.1.2. Trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư

Khi dự án đầu tư thuộc những trường hợp phải quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư cần nộp hồ sơ dự án đầu tư cho cơ quan đăng ký đầu tư. Hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội được quy định tương ứng với các Điều 33, 34 và 35 LĐT năm 2014 và được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư của Chính phủ ngày 12/11/2015.

Nếu dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, sau 35 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ thông báo kết quả cho nhà đầu tư. Còn đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, pháp luật đầu tư hiện hành chưa quy định thời gian cụ thể thông báo kết quả cho nhà đầu tư. Việc không có quy định về thời hạn thông báo xuất phát từ quy mô, tác động của các dự án đầu tư đối với nền kinh tế – xã hội. Nếu xác định một thời hạn cụ thể, có thể dẫn đến những quyết định chủ trương vội vàng, không đúng đắn. Bởi vậy, tùy thuộc từng dự án đầu tư, Quốc hội hay Thủ tướng Chính phủ cần có thời gian hợp lý để xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng.

Đối với các dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư cấp GCNĐKĐT cho nhà đầu tư trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư (khoản 1 Điều 37 LĐT năm 2014).

2.2. Đối với các dự án phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng kí đầu tư

2.2.1. Các trường hợp thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài

Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 LĐT năm 2014

Dự án đầu tư không phải thực hiện thủ tục cấp GCNĐKĐT nhưng nhà đầu tư có nhu cầu

2.2.2. Thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Điều 37 LĐT năm 2014 quy định: Đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư nộp hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 33 LĐT năm 2014 cho cơ quan đăng ký đầu tư; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư cấp GCNĐKĐT, trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

2.2.3. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Thẩm quyền cấp GCNĐKĐT phụ thuộc vào vị trí địa lý của dự án đầu tư. Cụ thể:

+ Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế có thẩm quyền tiếp nhận, cấp GCNĐKĐT đối với các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền tiếp nhận, cấp GCNĐKĐT đối với các dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, trừ trường hợp: (i) Dự án đầu tư thực hiện trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và (ii) Dự án đầu tư thực hiện ở trong và ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế thì Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi nhà đầu tư đặt hoặc dự kiến đặt trụ sở chính hoặc văn phòng điều hành để thực hiện dự án đầu tư có thẩm quyền tiếp nhận, cấp GCNĐKĐT đối với các dự án này.

3. Đánh giá sự thay đổi, phát triển của Luật Đầu tư năm 2014 so với Luật Đầu tư năm 2005

Trong phạm vi bài tiểu luận, bài viết tập trung đánh giá sự thay đổi, phát triển của LĐT năm 2014 so với LĐT năm 2005 về thủ tục đầu tư.

  • Tách bạch nội dung đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp

Một trong những vướng mắc lớn nhất của LĐT năm 2005 là tình trạng chồng lấn lên Luật Doanh nghiệp. Theo quy định của luật này, trong trường hợp thực hiện dự án đầu tư gắn với việc thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đầu tư bao gồm cả nội dung đăng ký kinh doanh và đăng ký doanh nghiệp. Khi đó, giấy chứng nhận đầu tư cũng đồng thời là giây chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. LĐT năm 2014 đã tách nội dung đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp ra khỏi GCNĐKĐT, chỉ điều chỉnh các dự án đầu tư, còn việc thành lập doanh nghiệp sẽ do Luật Doanh nghiệp điều chỉnh.

  • Cởi trói cho nhà đầu tư trong nước

Theo LĐT năm 2005, dự án đầu tư trong nước có quy mô từ 15 tỉ đồng trở lên hoặc thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thỉ phải xin giấy chứng nhận đầu tư, bất kể vốn đầu tư là vốn trong nước hay nước ngoài. Vậy nên có trường hợp một ông bác sĩ muốn mở một phòng mạch nhỏ cũng có thể phải xin phép đầu tư vì hoạt động đầu tư này có thể xếp vào “lĩnh vực tác động đến sức khỏe cộng đồng”. Còn theo LĐT năm 2014, dự án của nhà đầu tư trong nước sẽ không phải thực hiệc thủ tục cấp GCNĐKĐT và chỉ cần hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là đủ.

Bài luận Đánh giá sự thay đổi, phát triển của Luật Đầu tư 2014 so với Luật Đầu tư năm 2005.

  • Thu hẹp phạm vi cấp GCNĐKĐT đối với nhà đầu tư nước ngoài

Trong nỗ lực khuyến khích đầu tư nước ngoài, LĐT năm 2014 chỉ còn yêu cầu nhà đầu tư phải làm thủ tục cấp GCNĐKĐT đối với các dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân, tổ chức nước ngoài đầu tư vào Việt Nam) và dự án của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà trong đó nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% hoặc có nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ. Các dự án đầu tư còn lại sẽ được đối xử như nhà đầu tư trong nước mà không cần phải làm thủ tục cấp GCNĐKĐT. Quy định này đã hỗ trợ đáng kể và nới rộng phạm vi đầu tư cho người nước ngoài tại Việt Nam.

  • Rút ngắn thời hạn cấp GCNĐKĐT

Thời hạn cấp GCNĐKĐT cho các dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư là 5 ngày làm việc để từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư, còn đối với các dự án khác là 15 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan đăng ký đầu tư nhận đủ hồ sơ (Điều 37 LĐT năm 2014). Thời hạn này đã được LĐT năm 2014 rút ngắn đáng kể so với LĐT năm 2005. Đây cũng là quy định góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, góp phần đẩy mạnh hơn nữa lĩnh vực đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

  • Thừa nhận cơ chế quyết định chủ trương đầu tư

Như đã phân tích ở trên, các dự án phải quyết định chủ trương đầu tư là những dự án lớn, đặc biệt, tác động lớn đến nền kinh tế – xã hội và phải được sự chấp thuận của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Quy định mới này xuất phát từ tầm quan trọng của các dự án này. Tuy nhiên, việc thừa nhận này có thể phát sinh hệ lụy. Thủ tục chấp nhận chủ trương đầu tư có thể tạo cơ hội cho những nhà đầu tư không đủ năng lực “xí phần” dự án thông qua việc “chạy” chấp thuận chủ trương đầu tư[1].

Những thay đổi của LĐT năm 2014 đã tác động tích cực đến hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy còn vài điểm hạn chế nhưng cần có thời gian và các biện pháp khắc phục, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư lành mạnh.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Luật Đầu tư năm 2014;
  2. Luật Đầu tư năm 2005;
  3. Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư của Chính phủ ngày 12/11/2015;
  4. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Đầu tư, Nxb.CAND, Hà Nội – 2006;

Bài luận Đánh giá sự thay đổi, phát triển của Luật Đầu tư 2014 so với Luật Đầu tư năm 2005.

SOẠN HỢP ĐỒNG, ĐƠN, VĂN BẢN THEO YÊU CẦU CHỈ 500.000đ

--- Gọi ngay 1900.0191 ---

(Tư vấn Miễn phí - Hỗ trợ 24/7)

Công ty Luật LVN - Địa chỉ: Số 16B Nguyễn Thái Học, Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam

Gmail: luatlvn@gmail.com