Hiểu thế nào là trích dẫn hợp lý tác phẩm nhằm mục đích bình luận và nghiên cứu?.
Tình huống: Ông Nam là tác giả hai bài báo phân tích về tính “thanh thanh tục tục” trong thơ Hồ Xuân Hương được đăng trên Tạp chí Văn Nghệ số ngày 03/06/2015 và ngày 03/08/2015. Ông Quân là tác giả cuốn sách “Bình luận Thơ Hồ Xuân Hương” xuất bản ngày 20/11/2017. Trong cuốn sách của mình, Ông Quân đã tự ý trích dẫn nguyên văn hai bài báo của Ông Nam, có đề tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm rõ ràng, sau đó phân tích và chỉ ra 20 điểm không hợp lý của Ông Nam khi phân tích về thơ Hồ Xuân Hương. Ông Nam cho rằng Ông Quân có hành vi xâm phạm quyền tác giả của mình khi sử dụng tác phẩm mà không xin phép, không trả tiền cho Ông Nam. Tuy nhiên, Ông Quân cho rằng ông trích dẫn hợp lý tác phẩm nên không cần phải xin phép và trả tiền cho Ông Nam. Anh chị hãy phân tích và đưa ra quan điểm cá nhân trong vụ việc nói trên?
1. Phân tích vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả:
* Đối tượng được bảo hộ:
+) Đối tượng được bảo hộ trong tình huống trên là tác phẩm báo chí, quy định tại điều 9 Nghị định 22/2018 NĐ-CP
+) Điều kiện bảo hộ tác phẩm:
- Tác phẩm là kết quả sáng tạo của ông Nam trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật;
- Tác phẩm được thể hiện dưới dạng vật chất nhất định, và được đăng trên Tạp chí Văn Nghệ số ngày 03/06/2015 và ngày 03/08/2015;
- Tác phẩm không thuộc các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả, quy định tại điều 15 Luật sở hữu trí tuệ;
* Căn cứ phát sinh quyền tác giả: quy định tại Khoản 1 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ
+) Chủ thể quyền tác giả: Ông Nam là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 22/2018 NĐ-CP và điều 37 Luật Sở hữu trí tuệ; vì ông Nam là người trực tiếp sáng tạo ra hai bài báo phân tích về tính “thanh thanh tục tục” trong thơ Hồ Xuân Hương và ông đã sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất – kỹ thuật của mình để có thể sáng tác hoàn thiện hai bài báo và đăng trên Tạp chí Văn Nghệ số ngày 03/06/2015 và ngày 03/08/2015.
+) Nội dung quyền tác giả: vì ông Nam là tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả nên ông Nam có các quyền nhân thân quy định tại điều 19 và các quyền tài sản quy định tại điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ.
+) Xác định thời hạn bảo hộ quyền tác giả:
- Quyền nhân thân trừ quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm được bảo hộ vô thời hạn ( Khoản 1 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ).
- Quyền tài sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm đối với hai tác phẩm báo chí trên được bảo hộ suốt cuộc đời tác giả và năm mưới năm tiếp theo năm tác giả mất ( Điểm b Khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ).
* Hành vi trong vụ việc trên là xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Quan điểm về trích dẫn hợp lý tác phẩm nhằm mục đích bình luận và nghiên cứu:
Theo em ông Quân không có hành vi xâm phạm quyền tác giả của ông Nam, ông Quân chỉ trích dẫn hợp lý tác phẩm để đưa ra bình luận và nghiên cứu:
+) “Công bố tác phẩm” là đưa ra công khai tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học để cho mọi người biết dưới các hình thức như xuất bản, trưng bày, biểu diễn, thuyết trình… hoặc đăng kí tác phẩm đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Theo đó, hai bài báo phân tích về tính “thanh thanh tục tục” trong thơ Hồ Xuân Hương của ông Quân là hai tác phẩm đã được công bố, công khai cho công chúng và được đăng trên Tạp chí Văn Nghệ số ngày 03/06/2015 và ngày 03/08/2015.
+) Theo điểm b, khoản 1 điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả nhuận bút, thù lao: “Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình”. Như đã chứng minh ở trên hai bài báo của ông Nam đã được công bố nên hoàn toàn áp dụng quy định của luật trong trường hợp này.
– Theo Khoản 1 Điều 23 Nghị định 22/2018 NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật sở hữu trí tuệ đã quy định: “Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 của Luật sở hữu trí tuệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: 1. Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình.”
– Trong cuốn sách của mình, Ông Quân đã trích dẫn nguyên văn hai bài báo của Ông Nam, có đề tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm rõ ràng. Khi trích dẫn ông Quân vẫn thể hiện rõ ràng nguồn gốc của tác phẩm để người đọc biết đó là tác phẩm của ông Nam. Ông Quân vẫn để nguyên tên ông Nam, không hề sửa chữa bất kỳ câu chữ nào của ông Nam, cũng không hề mạo danh. Như vậy, đó không thể là hành vi sao chép, ông Nam chỉ trích dẫn tác phẩm ra để người đọc dễ dàng theo dõi.
– Khi ông Quân trích dẫn nguyên văn hai bài báo của ông Nam để nghiên cứu và thảo luận nhằm mục đích giúp người đọc có cái nhìn khách quan và toàn diện nhất về hai bài báo. Bên cạnh đó, khi ông Quân trích dẫn nguyên văn nên là bài báo của ông Nam sẽ không bị cắt xén, nối ghép, xuyên tạc, và được dựng lại trung thực toàn bộ giúp cho người đọc dễ dàng theo dõi, hiểu hơn về sự phân tích, thảo luận và chỉ ra những lỗi sai của ông Quân. Mặt khác, khi ông Quân trích dẫn toàn bộ hai bài báo hay trích dẫn một phần vẫn được coi là trích dẫn hợp lý. Với cách làm như này, người đọc sẽ thấy từng vấn đề được tác giả đưa ra và tranh luận với nhà nghiên cứu khác như thế nào.
– Và tuy là “in toàn văn” nhưng thực chất ông Quân trích dẫn hợp lý, bởi ông Quân đã xen vào các đoạn trong các bài viết của ông Nam những lời bình luận của mình, mục đích là để người đọc dễ đối chiếu và nhận ra những sai sót trong các bài của ông Nam. Như vậy, cần phải khẳng định đây là một tác phẩm nghiên cứu khoa học, một chỉnh thể sáng tạo của ông Quân, chứ ông Quân không phải đơn thuần chỉ là hợp tuyển các bài của nhiều tác giả để in thành sách với mục đích thương mại.
– Trong quá trình nghiên cứu, ông Quân đã chỉ ra 20 điểm không hợp lý của Ông Nam khi phân tích về thơ Hồ Xuân Hương. Điều này cho thấy, ông Quân đã bỏ rất nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu, phân tích bài ông Nam mới có thể nhận ra những điểm chưa hợp lý đó. Mỗi người nghiên cứu có một cách đi, cách nhìn, chính vì thế nên khi đọc bài ông Nam bằng lý lẽ và hiểu biết của mình, ông Quân đã có cách nhìn nhận khác, chỉ ra những điểm chưa hợp lý để mọi người cùng thảo luận. Vì bài viết của ông Nam chỉ là ý kiến chủ quan của ông, khi được chỉ ra những lỗi sai đó, sẽ có thể giúp ông Nam nhìn nhận về thơ Hồ Xuân Hương một cách khách quan hơn.
+) Theo Khoản 2 điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.”
– Khi ông Quân trích dẫn hai bài báo của ông Nam trong cuốn sách của mình không làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm vì: đây không phải người đọc chỉ muốn xem bài báo của ông Nam mà bỏ ra số tiền lớn hơn để mua cuốn sách của ông Quân, vì thế nếu người đọc muốn đọc báo của ông Nam thì vẫn mua báo của ông, nên việc ông Quân trích dẫn hợp lý không ảnh hưởng gì đến ông Nam. Bên cạnh đó, tờ báo sẽ rẻ hơn cuốn sách, nếu yêu thích ông Nam người đọc vẫn sẽ chọn mua báo của ông
– Trong cuốn sách của ông Quân không chỉ có mỗi sự phân tích, thảo luận, nghiên cứu bài báo của ông Nam mà còn rất nhiều nội dung khác.
– Như vậy, tuy trích dẫn nguyên vẹn hai bài báo của ông Nam chiếm một lượng trang in, nhưng đó chỉ là nguyên liệu để ông Quân chỉ ra 20 điều chưa hợp lý một cách khách quan nhất và rõ ràng phần bình luận của ông Quân mới là nội dung chính và phù hợp với tiêu đề cuốn sách “Bình luận thơ Hồ Xuân Hương”. Hơn nữa, mục đích trích dẫn hợp lý hai bài báo của ông Nam chỉ để phục vụ tranh luận khoa học. Nếu đặt hai bài báo của ông Nam trong tương quan với cuốn sách “Bình luận thơ Hồ Xuân Hương” và với 20 lời bình chú của ông Quân thì có thể thấy rõ “tính sáng tạo” của ông Quân…
– Mặt khác, khi ông Quân trích dẫn bài báo của ông Nam vào cuốn sách của mình để nghiên cứu còn giúp bài báo của ông Nam được nhiều người biết đến rộng rãi hơn. Và có thể ông Nam sẽ bán được nhiều báo hơn vì người đọc sẽ thích thú và mua về để tìm hiểu thêm.
– Việc ông Quân trích dẫn tác phẩm của ông Nam không hề gây phương hại đến các quyền của các giả vì: ông đang chỉ ra những điều chưa hợp lý trong bài báo của ông Nam, giúp ông có cái nhìn toàn diện hơn, nhận ra những lỗi sai của mình và giúp ông Nam phát triển hơn trong lối viết văn của những tác phẩm sau này. Khi đưa một tác phẩm ra thảo luận và phân tích đó là điều hoàn toàn hợp lý trong lĩnh vực văn học, giúp nghiên cứu mà không hề gây phương hại gì đến các quyền tác giả.
– Việc ông Quân trích dẫn hợp lý là phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn, không gây phương hại đến quyền tác giả.
– Cuối cùng, khi trích dẫn nguyên văn hai bài báo của ông Nam, ông tôn đã có đề tên tác giả và nguồn gốc tác phẩm rõ ràng, như vậy là hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật tại khoản 2 điều 25 Luật sở hữu trí tuệ
=> Kết luận: Ông Quân không có hành vi xâm phạm quyền tác giả, nên không cần phải xin phép và không cần phải trả tiền cho ông Nam; Việc làm của ông Quân là trích dẫn hợp lý tác phẩm nhằm mục đích bình luận và nghiên cứu.