Người tư vấn các vụ việc hôn nhân và gia đình cần phải có đáp ứng được những điều kiện gì.
Gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có hạnh phúc thì xã hội mới vững mạnh. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân và gia đình không phải lúc nào cũng yên ấm, cũng có những trắc trở, mâu thuẫn khó tránh khỏi. Những lúc như vậy, họ thường có xu hướng tìm đến người tư vấn với mong muốn tìm được những giải pháp hữu ích, kiến thức pháp luật để hóa giải được những vấn đề trên. Vậy người tư vấn cần có những điều kiện gì để có thể giúp đỡ được khách hàng của mình. Vì vậy, em chọn đề bài tập số 3: “Người tư vấn các vụ việc hôn nhân và gia đình cần phải có đáp ứng được những điều kiện gì?” làm bài tập học kì của mình.
1. Một số vấn đề chung về tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình
1.1. Khái niệm tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình
Tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình là việc giải đáp pháp luật hôn nhân và gia đình; đưa ra ý kiến, hướng dẫn cá nhân, tổ chức xử sự đúng pháp luật hôn nhân và gia đình. Đây cũng là việc cung cấp thông tin pháp luật hoặc dịch vụ pháp lý giúp cho cá nhân, tổ chức thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
1.2. Đặc điểm tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình
- Tư vấn pháp luật về hôn nhân và gia đình không tách rời tư vấn về tâm lý, tình cảm.
- Mục tiêu tư vấn thường không rõ ràng.
- Khách hàng thường mang nặng suy nghĩ chủ quan, bảo thủ.
- Khách hàng có thể chỉ có nhu cầu chia sẻ.
- Khách hàng thường yêu cầu tư vấn đề họ đạt được ý định của mình.
- Khách hàng thường yêu cầu người tư vấn giúp bảo vệ quyền lợi cho họ tại Tòa bằng mối quen biết cá nhân.
- Tư vấn pháp luật với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có mối liên hệ tự nhiên và gắn bó chặt chẽ với nhau.
- Người tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cần phải hiểu biết pháp luật, trung thực, kiên nhẫn, giàu kinh nghiệm sống, có kiến thức tâm lý sâu, có khả năng phản ứng nhanh với các tình huống.
Bài luận Người tư vấn các vụ việc hôn nhân và gia đình cần phải có đáp ứng được những điều kiện gì.
2. Điều kiện của người tư vấn các vụ việc hôn nhân và gia đình
Xuất phát từ những đặc điểm của hoạt động tư vấn pháp luật trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, đòi hỏi người tư vấn phải đáp ứng những điều kiện đặc thù, không giống như tư vấn trong các lĩnh vực khác.
2.1. Điều kiện chung của người tư vấn pháp luật
Trước hết, trong lĩnh vực tư vấn pháp luật nói chung, người tư vấn phải thỏa mãn những điều kiện cơ bản sau:
- Có bản lĩnh chính trị
Đây là điều kiện quan trọng đối với người tư vấn. Bởi lẽ, tư vấn pháp luật là nghề lấy pháp luật làm công cụ. Mỗi lời tư vấn đều trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần hướng dẫn dư luận xã hội, định hướng tư tưởng và hành vi của con người. Do vậy, mỗi người tư vấn cần ý thức đầy đủ nghĩa vụ công dân và trách nhiệm xã hội trong từng hoạt động tư vấn pháp luật của mình.
- Có kiến thức chuyên môn
Đây là điều kiện cần, một đòi hỏi tất yếu đối với mỗi người tư vấn. Xã hội là một tổng hợp các mối quan hệ đan xen phức tạp. Một người tư vấn pháp luật trước hết phải là người có kiến thức về pháp luật nói chung. Nhưng tầm hiểu biết của con người cũng có giới hạn. Một người tư vấn khó mà có thể am hiểu sâu sắc tất thảy mọi lĩnh vực của đời sống. Do đó, họ thường chỉ có thể thông thạo, hiểu biết trong một hay một số lĩnh vực nhất định. Có như vậy việc tư vấn pháp luật mới đảm bảo được độ chuyên sâu, đúng đắn.
- Có kiến thức thực tiễn
Một trong những điều kiện đủ để trở thành một người tư vấn chuyên nghiệp đó là một vốn sống phong phú. Điều này được tích lũy từ kinh nghiệm sống của bản thân cũng như từ hoạt động tư vấn pháp luật. Pháp luật là sản phẩm trí tuệ của con người. Trong thực tiễn của đời sống, không phải lúc nào nhà làm luật cũng dự liệu được hết các khả năng có thể xảy ra để đưa vào quy định trong luật. Nhiều quy định của pháp luật đôi khi chưa rõ ràng, nhiều cách hiểu dẫn đến việc áp dụng gặp nhiều khó khăn. Do vậy, người tư vấn không chỉ cần phải nắm chắc các quy định của pháp luật mà còn phải có kiến thức thực tiễn để người tư vấn đánh giá được mức độ, tính chất của các vụ việc, từ đó đưa ra những lời khuyên, định hướng các giải pháp cho khách hàng một cách đúng đắn, hiệu quả.
Bài luận Người tư vấn các vụ việc hôn nhân và gia đình cần phải có đáp ứng được những điều kiện gì.
- Có kĩ năng nghề nghiệp
Để trở thành một người tư vấn chuyên nghiệp, các kĩ năng nghề nghiệp cũng hết sức quan trọng. Đó là các kĩ năng tiếp xúc khách hàng, kĩ năng nghiên cứu hồ sơ, kĩ năng soạn thảo văn bản… Thực hiện thành thạo các kĩ năng này, hoạt động tư vấn của người tư vấn sẽ dễ dàng hơn, góp phần tạo được niềm tin đối với khách hàng.
- Tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội
Tư vấn pháp luật là một nghề trong xã hội, đây cũng là một nghề cao quý. “Nghề luật sư ở Việt Nam là một nghề cao quý, bởi hoạt động nghề nghiệp của luật sư nhằm mục đích góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; góp phần phát triển kinh tế, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”[1]. Bởi những lẽ trên, người luật sư nói riêng hay người tư vấn pháp luật nói chung cần phải tuân thủ các quy tắc đạo đức nghề nghiệp, nhận thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội mà hoàn thành công việc tư vấn của mình.
2.2. Điều kiện riêng của người tư vấn các vụ việc hôn nhân và gia đình
2.2.1. Người tư vấn phải hiểu biết trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình và lĩnh vực có liên quan
Yêu cầu chung đối với mọi lĩnh vực tư vấn là người tư vấn phải có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực đó. Người tư vấn pháp luật có thể là luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý. Điều kiện thể hiện sự hiểu biết, phản ánh trình độ kiến thức của người tư vấn được pháp luật quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật như Luật Luật sư năm 2006, Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật ngày 16/07/2008 của Chính phủ… Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, người tư vấn trước hết nhất là phải có kiến thức, am hiểu pháp luật hôn nhân và gia đình. Những kiến thức này không chỉ là pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện hành mà kể cả pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam trước kia, hay thậm chí là pháp luật hôn nhân và gia đình nước ngoài. Bởi lẽ, hôn nhân giữa vợ và chồng là mối quan hệ yêu thương, gắn bó lâu dài, bền vững từ khi cuộc sống hôn nhân bắt đầu bởi sự kiện kết hôn cho tới khi chấm dứt bởi ly hôn hay cái chết. Đó còn là mối quan hệ giữa cha, mẹ với các con; ông, bà với các cháu, trải dài qua nhiều thế hệ, được gắn kết với nhau bởi huyết thống, nuôi dưỡng mà không giống như các quan hệ trong kinh doanh, thương mại chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian xác định. Sự phát triển của xã hội cũng hình thành nên các quan hệ có yếu tố nước ngoài như kết hôn với người nước ngoài, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (người Việt Nam nhận nuôi con nuôi nước ngoài, người nước ngoài nhận nuôi con nuôi Việt Nam)…
Hơn nữa, đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình, người tư vấn cũng cần phải có kiến thức trong các lĩnh vực có liên quan như pháp luật về tố tụng, dân sự, hình sự, thương mại… Các vụ việc hôn nhân và gia đình thường không chỉ bao gồm các vấn đề thuộc lĩnh vực hôn nhân và gia đình, mà thường liên quan đến nhiều lĩnh vực khác. Có thể lấy ví dụ về vấn đề ly hôn, hai vợ chồng đồng ý ly hôn nhưng không thỏa thuận được với nhau về vấn đề chia tài sản, ai cũng muốn phần nhiều hơn thuộc về mình. Phần tài sản chung của họ gồm có mảnh đất, ngôi nhà trên đất và một số lượng cổ phần trong công ty. Lúc này, vụ việc không chỉ liên quan đến pháp luật hôn nhân và gia đình mà còn liên quan đến pháp luật về đất đai, pháp luật về thương mại. Khách hàng còn có thể hỏi thủ tục ly hôn tại Tòa án như thế nào, lúc này người tư vấn cần có cả kiến thức về pháp luật tố tụng để giải đáp cho khách hàng.
Đối với những vụ việc đơn giản, không phức tạp người tư vấn lượng khả năng của mình để giải quyết vấn đề cho khách hàng, có thể trực tiếp trả lời ngay cho khách hàng. Còn nếu vụ việc trở nên phức tạp, nhiều tình tiết, liên quan đến nhiều lĩnh vực thì người tư vấn nên có sự tham khảo từ các chuyên gia, có thể hẹn khách hàng trả lời sau hoặc bằng văn bản để có thêm thời gian tìm hiểu vụ việc. Điều này không hoàn toàn thể hiện sự kém cỏi, năng lực hạn chế của người tư vấn, mà còn thể hiện được sự coi trọng của người tư vấn đối với khách hàng. Vụ việc mà khách hàng đưa ra sẽ được xem xét thấu đáo, kĩ càng, người tư vấn có thể đưa ra được nhiều giải pháp cho khách hàng, càng thể hiện được sự chuyên nghiệp của người tư vấn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người tư vấn lấy lý do này để biện bạch cho những thiếu sót của mình. Bản thân người tư vấn pháp luật cần không ngừng trau dồi kiến thức cho bản thân mình.
2.2.2. Người tư vấn là một nhà tâm lý
Các thành viên trong gia đình yêu thương, chăm sóc, đùm bọc lẫn nhau dựa trên tình cảm, xác lập trên cơ sở hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng. Bên cạnh các vấn đề pháp lý, khách hàng đôi khi tìm đến người tư vấn với mong muốn giải tỏa được những vướng bận trong lòng, mong tìm được sự cảm thông, chia sẻ. Người tư vấn lúc này như một nhà tâm lý, thấu hiểu và đồng cảm với tâm tư của khách hàng thể hiện qua việc lắng nghe, đưa ra những lời khuyên nhủ, có thể dựa cả trên kinh nghiệm sống của bản thân. Bởi, khi khách hàng tìm đến người tư vấn, họ thường trong trạng thái rất dễ bị kích động, mang nặng ý chí chủ quan của mình mà có thể dẫn đến việc suy xét không kỹ lưỡng các vấn đề. Tuy nhiên, sự cảm thông, chia sẻ ở đây không phải thể hiện ở việc khách hàng luôn đúng. Như đã trình bày ở trên, các vụ việc hôn nhân và gia đình thường mang nặng yếu tố tình cảm, đôi khi khách hàng vì sự nóng giận tức thời, sự bức xúc cá nhân thường áp đặt ý chí chủ quan của mình lên các vụ việc, dù biết mình sai nhưng vẫn mong muốn người tư vấn công nhận cái sai của mình. Do vậy, lúc này người tư vấn nên cư xử một cách khéo léo, lắng nghe, từ từ phân tích, giảng giải cho khách hàng bình tĩnh, hiểu rõ vấn đề, không nên vì lợi ích của bản thân mà hùa theo khách hàng theo kiểu “khách hàng là thượng đế”, “khách hàng luôn đúng”. Nguyên tắc tư vấn là không trái luật. Nếu khách hàng sai, chỉ rõ cho khách hàng thấy cái sai, đó mới là chuẩn mực của người tư vấn pháp luật.
2.2.3. Người tư vấn là người giàu kinh nghiệm sống
Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, việc người tư vấn giàu kinh nghiệm sống đôi khi lại là điều kiện tiên quyết. Có kiến thức pháp luật, có sự đồng cảm, thấu hiểu khách hàng là chưa đủ đối với người tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình. Một người tư vấn pháp luật về hôn nhân mà chưa từng trải qua cuộc sống hôn nhân khó mà có thể thấu hiểu được tâm trạng của khách hàng khi xảy ra mâu thuẫn giữa vợ chồng, làm sao đưa ra những giải pháp giải quyết mâu thuẫn cho khách hàng hiệu quả được. Điều này vừa là khó khăn đối với chính người tư vấn, vừa không tạo được lòng tin đối với khách hàng. Do vậy, để trở thành một người tư vấn chuyên nghiệp trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình thì cần phải có sự từng trải, học hỏi và có sự đúc rút kinh nghiệm cho bản thân thì mới có thể hoàn thành được tốt công việc tư vấn của mình.
Bài luận Người tư vấn các vụ việc hôn nhân và gia đình cần phải có đáp ứng được những điều kiện gì.
2.2.4. Người tư vấn phải có kĩ năng tư vấn
- Lắng nghe
Trong mọi vụ việc trong tất cả các lĩnh vực, người tư vấn luôn phải lắng nghe khách hàng để hiểu thấu đáo được vấn đề cần giải quyết, từ đó mới đưa ra được các giải pháp hợp lý, đúng đắn. Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, kĩ năng lắng nghe của người tư vấn còn quan trọng hơn gấp bội. Xuất phát từ tính chất của hôn nhân và gia đình, người tư vấn không chỉ lắng nghe để tìm cách giải quyết vấn đề của khách hàng mà còn để chia sẻ tâm tư, tình cảm của khách hàng về những bức xúc trong hôn nhân, những mâu thuẫn trong gia đình. Đôi khi khách hàng tìm đến người tư vấn không phải để tư vấn về pháp lý mà chỉ đơn thuần là mong muốn có người lắng nghe, mong tìm được sự đồng cảm, xuất phát từ niềm tin của khách hàng đối với người tư vấn. Lắng nghe thể hiện ở việc người tư vấn không chỉ là nghe bằng đôi tai, mà còn thể hiện ở việc chăm chú nghe khách hàng trình bày, thể hiện thái độ cảm thông với khách hàng. Cần lắng nghe, nếu một lần chưa đủ có thể đề nghị họ trình bày lại và yêu cầu họ cung cấp thêm tài liệu hoặc hẹn gặp để nắm bắt được cụ thể bản chất của vấn đề mà khách hàng yêu cầu. Sẽ là không tôn trọng khách hàng nếu người tư vấn không lắng nghe. Không thể có việc khách hàng vừa trình bày vấn đề của mình với tâm trạng bức xúc mà người tư vấn ngồi đối diện lại cầm điện thoại hay làm việc riêng khác, hay gương mặt lại lạnh lùng, không chút biểu cảm nào… Dù những hành vi trên là cố ý hay vô tình đều thể hiện sự không tôn trọng khách hàng, không tạo được niềm tin cho khách hàng.
- Kiên nhẫn
Khách hàng trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình thuộc nhiều tầng lớp, trình độ khác nhau, có thể là người nông dân, công nhân, công chức, người làm kinh doanh… Mỗi người sẽ có cách trình bày vấn đề của mình khác nhau, có người nói nhanh gọn, rõ ràng; có người lại nói dài dòng, không rõ chủ ý, đôi khi trong lúc nói họ còn bị chi phối bởi tâm trạng bức xúc, phiền muộn của bản thân, ngôn từ sử dụng thiếu nhã nhặn (la lối, nói tục…) càng khiến cho việc trình bày vụ việc của khách hàng thêm khó hiểu. Trong những trường hợp như vậy, người tư vấn cần phải giữ được thái độ bình tĩnh, lịch sự, tránh tỏ thái độ sốt ruột, khó chịu, khéo léo hướng khách hàng vào nội dung của vụ việc.
- Phản ứng nhanh với các tình huống
Kĩ năng này thường đòi hỏi trong trường hợp tư vấn trực tiếp bằng lời. Khách hàng tìm đến người tư vấn khi đang trong tâm trạng bức bối, khó chịu, mong muốn mau chóng giải quyết nhanh chóng vấn đề của mình, do vậy họ thường mong muốn người tư vấn có thể giải đáp ngay. Đáp ứng nhu cầu này của khách hàng, cũng như thấu hiểu tâm lý của khách hàng, người tư vấn cần rèn luyện cho mình khả năng phản ứng nhanh với các yêu cầu của khách hàng. Vừa thỏa mãn nhu cầu của khách hàng, vừa đảm bảo trách nhiệm, uy tín của người tư vấn.
- Trung thực
Tư vấn pháp luật nói chung và tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình nói riêng, không bao giờ thiết lập kiểu quan hệ mua bán với khách hàng. Phải xây dựng quan hệ với khách hàng trên cơ sở chân thực, hợp tác, bền vững và hai bên đều có lợi. Phải để khách hàng thấy rằng, người tư vấn là người làm ăn đứng đắn, đàng hoàng, không mang tính chất chộp giật, không lấy chuyện tiền bạc làm mục tiêu.
- Tình huống
Để làm rõ hơn các vấn đề đã trình bày ở trên, trong phạm vi bài tiểu luận, xin được trích một phần một chương trình tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình. Chương trình có tên “10 phút tiếp dân” do Ban khoa giáo Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh thực hiện[2]. Tình huống như sau: Chị Nguyễn Bình An, thường trú tại phường 25, quận Bình Thạnh. Năm 2010 chị lập gia đình, có giấy chứng nhận đăng kí kết hôn. Đến nay, do tình cảm vợ chồng không hòa thuận, chị có nguyện vọng được ly hôn. Hôm nay chị đến điểm tư vấn pháp luật tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Bình Thạnh để nhờ tư vấn về việc ly hôn. Thủ tục ly hôn cho trường hợp trên như thế nào?
Xin tóm tắt lại cuộc trao đổi giữa người tư vấn là Luật gia Lê Văn Dũng và khách hàng là chị Nguyễn Bình An.
“Chị An: Em muốn đến đây xin tư vấn thủ tục ly hôn như thế nào?
Luật gia: Hoàn cảnh chị sao mà phải ly hôn?
Chị An: Dạ, cái cuộc sống không hòa thuận với nhau thì cảm thấy sống không được nên xin đơn ly hôn.
Luật gia: Chị kết hôn bao lâu rồi?
Chị An: Dạ, năm 2010.
Luật gia: Năm 2010, mới có hai năm mà sao đã phải ly hôn ngay?
Chị An: Dạ, thấy sống không được.
Luật gia: Nhưng mà cuộc sống làm sao mà sống không được? Do bên nào?
Chị An: Dạ, do bên chồng không có hòa thuận.
Luật gia: Trong thời gian này hai người có con riêng hay chung không?
Chị An: Dạ, có con chung được 11 tháng.
Luật gia: Con có mới nhỏ, mà mình có cái gì đâu?
Chị An: Gia đình chồng khắt khe với khó khăn, thấy sống không được.
Bài luận Người tư vấn các vụ việc hôn nhân và gia đình cần phải có đáp ứng được những điều kiện gì.
Luật gia: Nhưng chị có trao đổi với ông xã chị rằng cái vấn đề đó không? Mình cũng cần phải trực tiếp trao đổi với nhau để mình tìm hiểu ra nguyên nhân, có phải do nguyên nhân từ bên ngoài hay do chính từ bản thân của ông xã chị. Tôi khuyên chị nên có một buổi, chúng ta phải cùng nhau nói chuyện để mình chia sẻ, mình đã đến với nhau như thế thì không thể vì lý do nhỏ nhặt mà chúng ta không cùng nhau chia sẻ để mà quyết định ly hôn. Nên chị có thể suy nghĩ trước khi mà chị làm đơn ly hôn.”
Sau đó, chị An có yêu cầu người tư vấn tư vấn về thủ tục ly hôn. Luật gia tiếp tục tư vấn cho chị An các quy định của pháp luật về thủ tục ly hôn. (Thời điểm này Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 có hiệu lực). Luật gia chia hai trường hợp. Đối với trường hợp thuận tình ly hôn, hai bên làm đơn thuận tình ly hôn, cùng ký vào đơn và mang đến Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi cư trú nộp. Còn nếu chị An đơn phương ly hôn thì làm thủ tục gồm có: một đơn xin ly hôn, trong đó nội dung ghi rõ lý do ly hôn (liệt kê lấy nhau từ năm nào, có giấy đăng ký kết hôn hay không, mâu thuẫn như thế nào, có con chung hay không, con bao nhiêu tuổi kèm theo giấy khai sinh, ai nuôi con, tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân gồm những gì…) và nộp đơn đến Tòa án nhân dân quận (huyện) nơi cư trú của bị đơn kèm theo giấy tờ tùy thân và giấy đăng ký kết hôn của hai người…
- Phân tích tình huống để làm rõ các điều kiện của người tư vấn
Trong tình huống này, người tư vấn là luật gia Lê Văn Dũng thuộc Hội luật gia quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Người tư vấn là người không chỉ có kiến thức chuyên sâu về pháp luật hôn nhân và gia đình (tư vấn về điều kiện ly hôn) mà còn nắm chắc cả kiến thức về tố tụng (khi tư vấn cho chị An trình tự, thủ tục tố tụng tại Tòa án như thế nào, nộp đơn ở đâu…). Như vậy, luật gia đã đáp ứng được điều kiện về kiến thức chuyên môn.
Trong cuộc trao đổi, người tư vấn đã đưa ra các giải pháp cho khách hàng. Chị An lúc này đang trong tâm trạng rất buồn rầu, nhất mực muốn ly hôn. Luật gia Dũng không tư vấn cho chị thủ tục ly hôn ngay mà khuyên chị nên suy nghĩ lại, đưa ra cách giải quyết mâu thuẫn trước là nên có cuộc nói chuyện trực tiếp với người chồng. Điều này thể hiện rằng, người tư vấn là người tâm lý, giàu kinh nghiệm sống, có kinh nghiệm thực tiễn, nắm bắt được tâm lý của khách hàng, đánh giá được vấn đề để không chỉ tư vấn về mặt pháp lý mà còn giảng giải, phân tích vấn đề; đưa ra những lời khuyên, hướng giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân hợp lý.
Trong toàn bộ cuộc trao đổi, luật gia hết sức lắng nghe khách hàng trình bày, thể hiện thái độ cảm thông, chia sẻ với khách hàng bằng những lời hỏi han, khuyên ngăn chân tình, gần gũi; không làm việc riêng, có thái độ vội vàng, khó chịu. Luật gia đã thể hiện rằng mình là người có những kĩ năng tư vấn chuyên nghiệp. Đây là điều rất nên có ở một người tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Người tư vấn, trước hết với tư cách là “con người”, nên đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn của người khác. Với công cụ là pháp luật trong tay, người tư vấn pháp luật cũng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với xã hội, ứng xử phù hợp với các quy tắc đạo đức khi hành nghề. Đối với các vụ việc hôn nhân và gia đình, đòi hỏi người tư vấn càng phải có “tâm” hơn nữa với nghề. Đây cũng là những điều kiện của người tư vấn trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;
- Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng luật sư toàn quốc);
- Học viện tư pháp, Giáo trình Kỹ năng tư vấn pháp luật, Nxb. CAND, Hà Nội – 2012;
[1] trích Lời nói đầu Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (Ban hành kèm theo Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Hội đồng luật sư toàn quốc)
[2] https://www.youtube.com/watch?v=nzPRday8Cfs
Bài luận Người tư vấn các vụ việc hôn nhân và gia đình cần phải có đáp ứng được những điều kiện gì.